Đề thi HSG môn văn :Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông

 

ĐỀ KSCL HSG LẦN 2 – NĂM HỌC 2018 – 2019
MÔN NGỮ VĂN:  LỚP 11
Thời gian làm bài: 150 phút
(Không kể thời gian giao đề)
 

 
Câu I. (4,0 điểm)
Đọc văn bản:
LÁ XANH
Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh.
(Nguyễn Sĩ Đại, theo http:// www.thivien.net)
Thực hiện các yêu cầu sau:
1.Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Các cụm từ vá trời lấp bể, đắp lũy xây thành gợi đến những công việc như thế nào?
(1,0 điểm)
3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý thơ:
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh (1,0 đim)
Đọc văn bản trên, thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (1,5 điểm)
Câu II. (6,0 điểm)
Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng”.
( John Maxwel, Tôi tư duy, tôi thành đạt, NXB Lao động xã hội, 2012, tr.130)
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu III. (10,0 điểm)
“Tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông”.
(Lã Nguyên, Nguyễn Minh Châu – về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007, tr.395)
Anh (chị) hiểu quan điểm trên như thế nào? Hãy làm rõ qua truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
………….. Hết………….
 
Họ và tên thí sinh…………………………………Số báo danh……………..

SỞ GD&ĐT NGHÊ AN
CỤM TRƯỜNG THPT QL – HM
 
HƯỚNG DẪN CHẤM THI KSCL HSG
NĂM HỌC 2018-2019
Môn NGỮ VĂN: Lớp 11
Thời gian làm bài: 150 phút

(Hướng dẫn chấm này gồm có 05 trang)
A.YÊU CẦU CHUNG:
1.Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức gợi cảm, ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp…
2.Đáp ứng yêu cầu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Hướng dẫn chấm chỉ nêu một số nội dung cơ bản, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng mà còn chú ý đến thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng trong nội dung và hình thức bài làm. Chấp nhận các kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,5 điểm. Hướng dẫn chấm cho từng câu, từng ý trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.
YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu I. (4,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.
Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
1.Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: phương thức biểu cảm (0,5 điểm)
Các cụm từ vá trời lấp bể, đắp lũy xây thành gợi đến những công việc lớn lao, vĩ đại, thậm chí là không tưởng, đôi khi vượt quá sức của con người (vá trời lấp bể) (1,0 điểm)
Hai câu thơ sử dụng cách nói hình ảnh, biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ nhằm thể hiện sự tự nhận thức của tác giả về bản thân và sứ mệnh trong cuộc đời: Con người hãy sống như chiếc lá, việc của lá là xanh, con người dù nhỏ bé âm thầm hãy cứ sống đúng với bổn phận của mình, hãy sống hết đời mình như chiếc lá làm nên màu xanh kia để góp phần tô điểm cho cuộc đời chung thêm tươi đẹp. (1,0 điểm)
Học sinh chỉ ra thông điệp sống ý nghĩa nhất đối với bản thân một cách ngắn gọn, sâu sắc, hợp lí, phù hợp với đạo đức xã hội. (1,5 điểm)
Có thể có một số hướng như sạu:
– Tạo cho mình những khát vọng lớn lao, cao cả, làm những điều kì diệu… để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, để khẳng định chính bản thân mình.
– Hoặc: Sống đúng với bổn phận của mình là cách đóng góp thiết thực nhất cho cuộc đời. Vì thế mỗi người cần xác định rõ bổn phận của mình trong các mối quan hệ (trong gia đình, ngoài xã hội) và luôn sống hết mình. Dù những đóng góp của mình còn nhỏ bé, khiêm tốn thì hãy luôn sống bằng thái độ tích cực, hết mình, không nên so sánh với người khác và tự ti.Vì ai cũng có những giá trị nhất định.
– Hoặc: Mỗi cá nhân có những năng lực, phẩm chất khác nhau, nhưng ai cũng có một sứ mệnh riêng trong cuộc đời. Cần hiểu rõ năng lực, phẩm chất của bản thân để hoàn thành sứ mệnh của mình; cần sống khiêm nhường, tránh viển vông…
Câu II. (6,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội.
– Xây dựng bố cục rõ ràng, hệ thống lập luận chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Đây là dạng đề mở. Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được những ý cơ bản sau:
Giải thích ý kiến
+ Tư duy số đông: là cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá của đại đa số các tầng lớp người trong xã hội về một vấn đề, về một hiện tượng nào đó.
Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông: đó là tâm lí dựa dẫm, bám vào điểm nhìn chung, cách làm chung của tất cả mọi người; không dám, không muốn bày tỏ quan điểm, chính kiến riêng.
– Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng: xuất phát từ góc nhìn là đa số luôn thắng thiểu số, số đông luôn chính xác.
=> Ý kiến khẳng định: nhiều người không dám bộc lộ chính kiến mà luôn nghĩ và làm theo số đông cho an toàn, chắc chắn vì họ cho rằng số đông thì bao giờ cũng tốt, cũng đúng.
Bàn luận
– Trong thực tế, khi số đông tham gia bàn bạc, giải quyết một vấn đề nào đó thường đưa ra được những quyết định, giải pháp sáng suốt, hợp lí, đôi khi giúp thay đổi và cải tạo hoàn cảnh. Điều đó tạo cho nhiều người có suy nghĩ rằng số đông bao giờ cũng đúng.
– Tuy vậy, “tư duy số đông” không phải bao giờ cũng đúng. Có những lúc tư duy số đông tạo ra những áp đặt, những thay đổi không cần thiết, đôi khi còn thiếu tính tích cực; có lúc đẩy nhiều người vào hoàn cảnh không mong muốn…
– Mặt khác, nó dễ tạo ra đường mòn, hạn chế những tìm tòi, sáng tạo trong suy nghĩa và hành động của mỗi cá nhân. Dần dần nó sẽ bào mòn đi tư duy độc lập, bào mòn đi cái tôi của mỗi người.
– Hơn nữa, “tư duy số đông” là sản phẩm của phẩm của trí tuệ tập thể nên ít gắn với trách nhiệm của một cá nhân. Để đảm bảo an toàn và chắc chắn, những người thiếu năng lực, thiếu sự tự tin và bản lĩnh không vững vàng đã dựa vào “tư duy số đông” như là một cách hành xử khôn ngoan. Điều này cần phải được chấn chỉnh, thay đổi.
Bài học nhận thức và hành động
– Trước một vấn đề, cần bình tĩnh xem xét, nhìn nhận và mạnh dạn bày tỏ ý kiến riêng của bản thân.
– Tránh tâm lí a dua theo đám đông, cần có bản lĩnh để thoát khỏi áp lực đám đông nếu nhận thấy vấn đề mà đám đông đồng tình chưa thực sự thỏa đáng.
– “Tư duy số đông” không phải lúc nào cũng đúng nhưng mỗi người cũng cần lắng nghe, xem xét, phân tích thấu đáo để định hướng cho mình một cách hiểu, cách làm đúng vì có lúc cách nhìn nhận, đánh giá của số đông cũng có những tác dụng nhất định: thể hiện xu hướng, trào lưu phổ biến nào đó; cảnh báo tính khả thi của mục tiêu đặt ra; chỉ ra hướng tiếp cận với công chúng.
Cách cho điểm:
– Điểm 5 – 6: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về nội dung; có thể mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
Điểm 3 – 4: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về nội dung; có thể mắc vài lỗi chính tả diễn đạt.
– Điểm 1 –2: Đáp ứng được một phần các yêu cầu về nội dung; mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
Câu III. (10,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
– Thí sinh biết cách làm một bài văn nghị luận văn học.
– Xây dựng bố cục bài văn chặt chẽ, mạch lạc
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu; khuyến khích bài viết sáng tạo.
Yêu cầu về kiến thức:
– Đây là dạng đề mở. Thí sinh có thể trển khai bài làm của mình theo nhiều cách khác nhau và lựa chọn những nội dung thông điệp khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận
Giải thích
Tư duy nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động nghệ thuật nhằm khái quát hóa hiện thực và giải quyết nhiệm vụ thẩm mỹ. Hay nói một cách khác đó là cách nhìn nhận về thế giới và con người của người nghệ sĩ và được thể hiện qua các hình thức nghệ thuật khác nhau.
Tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản: quy luật của cái chân thiện mĩ, quy luật nhân bản là cái gốc của mọi sự khám phá, sáng tạo; là hệ quy chiếu của các giá trị. Thế nên, dù có đổi mới tư duy nghệ thuật thì cũng không thể vượt ra khỏi những giá trị gốc này.
–  Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông: có nghĩa là nhiệm vụ của một nhà văn chân chính là phải sáng tạo, phải hướng về những vấn đề thuộc về con người, nhân sinh, nhân bản.
=> Nhận định trên khẳng định: Đổi mới tư duy nghệ thuật là sự sống còn của người nghệ sĩ. Nhưng sự đổi mới đó không thể vượt thoát khỏi các giá trị cốt lõi mà nghệ thuật chân chính hướng tới là các giá trị chân thiện mĩ, giá trị nhân bản. Người nghệ sĩ đích thực phải đặt ra, phải cắt nghĩa những vấn đề của nhân bản, nhân sinh.
Bàn luận
– Tư duy nghệ thuật là một vấn đề đặt ra như một yêu cầu có tính bức thiết đối với người nghệ sĩ. Mỗi nhà văn khi sáng tạo luôn phải cố gắng để tự làm mới mình từ việc lựa chọn đề tài, xây dựng hình tượng, lựa chọn ngôn ngữ… nhưng quan trọng nhất là đổi mới tư duy, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc sống.
– Văn học thực hiện nhiều chức năng như giải trí, nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, dự báo… và bởi những chức năng ấy nên văn học từ cố chí kim, từ Đông sang Tây có thể có những quan niệm khác nhau, cách thể hiện khác nhau nhưng điểm giao thoa đó chính là các giá trị chân thiện mĩ, các các vấn đề mang tính nhân bản của đời sống con người. Khi đạt tới các giá trị chân thiên mĩ là lúc văn học đạt tới chiều sâu nhân bản, luôn luôn vì con người.
– Đổi mới tư duy nghệ thuật là sự sống còn của người nghệ sĩ song mọi sự đổi mới không thể vượt thoát ra khỏi quy luật chân thiện mĩ vì nó là tâm điểm của mọi sự khám phá, sáng tạo. Nếu nó vượt ra khỏi những quy luật đó thì tác phẩm vừa không có giá trị tức thời và chắc chắn cũng không thể có giá trị vĩnh hằng. Quy luật chân thiện mĩ, nhân bản có khả năng soi rọi cho người đọc ánh sáng của lí tưởng, khơi gợi tình yêu cuộc sống, nuôi dưỡng sự đồng cảm, bồi đắp và thanh lọc tâm hồn con người… làm cho người gần người hơn.
– Mọi khám phá, sáng tạo của người nghệ sĩ đều hướng về những vấn đề thuộc về  con người,  vì con người, những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh nhân bản. Bởi lẽ, con người là trung tâm khám phá của văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung.
– Văn học chân chính là thứ văn học vì cuộc đời, vì con người. Nhà văn chân chính phải là nhà văn biết sống và viết về con người, vì con người, lúc đó tác phẩm mới đạt đến tầm nhân bản. Và tất nhiên, những giá trị có tính nhân bản đó không thể chỉ bó hẹp trong một không gian nhỏ hẹp mà nó sẽ vượt không gian thời gian để hòa nhịp với những giá trị lớn lao của thế giới loài người.
Chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Tác phẩm phản ánh số phận bi thảm của người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám: bị đẩy vào con đường lưu manh hóa dẫn đến tha hóa.
–  Bên cạnh những giá trị hiện thực sâu sắc mà tác phẩm đưa lại thì Chí Phèo đã đặt ra những vấn đề có tính nhân bản của con ngưới:
+ Khát khao hạnh phúc, khát khao quyền làm người, khát khao lương thiện và khát khao tình người
+ Trân trọng, tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người
+ Tiếng kêu thống thiết: Hãy cứu lấy con người, hãy ngăn chặn mọi tội ác để trả lại quyền sống, quyền làm người chính đáng cho con người…
– Dù là người đến sau nhưng Nam Cao đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong trào lưu Văn học hiện thực phên phán nói riêng và dòng chảy của Văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Chí Phèo xứng đáng được coi là kiệt tác bởi ngoài những đổi mới về nghệ thuật thể hiện thì nó đã chạm đến các giá trị có tính bền vững: chân thiện mĩ, giá trị nhân bản
– Tác phẩm kết tinh tài năng, bản lĩnh, tấm lòng yêu thương con người của Nam Cam
Đánh giá
– Đây là ý kiến hoàn toàn chính xác nói về bản chất của sự sáng tạo, giá trị cốt lõi của văn chương và sứ mệnh chân chính của người nghệ sĩ.
– Ý kiến trên có ý nghĩa tích cực với cả người nghệ sĩ và người tiếp nhận
+ Văn học khuyến khích người nghệ sĩ đổi mới, cách tân nhưng cần có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dấu ấn riêng và giá trị chung.
+  Yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tác phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy, phải có sự trải nghiệm sâu sắc, đứng trên lập trường nhân sinh vì con người. Đó là cái đích muôn đời của văn chương
+ Người tiếp nhận : Cần có sự đánh giá khách quan, chính xác về giá trị của tác phẩm, về những đóng góp của người nghệ sĩ dựa trên các giá trị cốt lõi : sự sáng tạo, các giá trị có tính bền vững.
Cách cho điểm:
– Điểm 9-10: Khai thác ý phong phú, sâu sắc, đúng hướng; đọc đúng và phân tích, lí giải, đánh giá sâu sắc ý kiến. Trình bày mạch lạc, dẫn chứng hợp lí, rõ ràng, thuyết phục, có sức sáng tạo; hành văn trong sáng, có cảm xúc, hình ảnh.
– Điểm 7-8: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên. Đọc đúng và phân tích, lí giả, đánh giá khá sâu sắc ý kiến . Văn trôi chảy, mạch tư duy rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp và dùng từ.
– Điểm 5-6: Hiểu vấn đề, đã giải quyết được ý chính, văn khá trôi chảy, mắc vài ba lỗi chính tả, ngữ pháp cơ bản.
– Điểm 3-4: Hiểu vấn đề nhưng giải thích lúng túng,  mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
Điểm dưới 3: Còn non kém về nhiều mặt.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *