Đề thi Hồn Trương BA da hàng thịt theo hướng mới 2019

 
 
 
KÌ THI THỬ THPT QUỐC GIA 2019
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120  phút (không kể thời gian phát đề)

PHẦN 1. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu
Vấn đề thưởng phạt học sinh đang nổi lên như một vân đề của khoa học giáo dục hiện đại. Giáo dục truyền thống coi phạt, đánh đập bằng roi, bằng thước kẻ vào ngón tay, roi quất vào mông là biện pháp để xử lí đối với học sinh vi phạm các nội quy học tập (như làm mất trật tự trong lớp có hệ thống, đánh bạn, nói tục, huỷ hoại sách vở áo quần của bạn…). Giáo dục hiện đại đề cao nhân văn, tôn trọng học sinh, đã nghiêm cấm lôi phạt đánh vào thân thể học sinh. Một số hành vi phạt như tát vào má học sinh, bắt quỳ.. bị lên án gay gắt. Các hình phạt làm tổn thương thân thể học sinh là không thể chấp nhận. Nhưng các hình phạt phải thích đáng, sau khi đã nhắc nhở nhiều lần mà vô hiệu, không tổn thương thân thể nhưng có thể tổn thương nhất định về tinh thần: mang tiếng xấu, chịu xấu hổ, chịu sĩ nhục nhất định. Học sinh cần biết sỉ nhục mới có thể thành người.
Trên thế giới các nền giáo dục cũng đang gặp khó trên vấn đề này.Nhật Bản đã cấm hình thức phạt đối với thân thể. Nhưng công đoàn giáo dục đề nghị khôi phục hình phạt thân thể với lí do: Một quốc gia mạnh phải có chế độ phạt vào thân thể. Ngoài Nhật, các nước Mĩ, Hàn, Singpore đều có phạt thân thể, nhất là Singapore. Singapore cho rằng, nếu một người không biết chịu sĩ nhục, bị chửi mắng, bị hiểu lầm, bị răn đe, bị đánh, thì kẻ ấy tương lai sẽ là gánh nặng cho xã hội. Singapore cho đánh vào mông, bắt lao động, bắt kiểm điểm, bắt trực nhật nhiều lần. Trương hợp nghiêm trọng phụ huynh cũng cùng bị phạt với học sinh. Lên cấp THPT, nếu thường vi phạm kĩ luật thì ra trường sẽ khó tìm việc hoặc chịu mức thù lao thấp và hạnh kiểm thấp. Mục đích hình phạt là để kẻ bị phạt phải chịu nhục để sử chữa. Nhà trường, giáo viên không được làm nhục học sinh, nhưng phải biết dạy cho học sinh biết nhục, để các em thành người.
Hiện nay các nước Úc, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Đức, Rumania, Băng Đảo, Ucraina cấm hình phạt đối với thân thể học sinh, nhưng không phải không có hình phạt. Anh Quốc sau đại chiến 2 đã khôi phục phạt thân thể, sau đó phế bỏ. Năm 2006 quốc hội Anh cho phép phạt thân thể, lí do, muốn có những con người mạnh mẽ thì phải biết phạt. Có người nói, nếu hôm nay không phạt học sinh, thì ngày mai cả dân tộc anh sẽ chịu phạt. Nếu học sinh hư không chịu nhục thì ngày mai cả dân tộc sẽ phải chịu nhục.
( Vấn đề phạt học sinh – Trần Đình Sử)
Câu 1: Theo tác giả, giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại khác nhau như thế nào?
Câu 2. Vì sao ở Singpore vẫn đề cao hình phạt thân thể ?
Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng: nếu hôm nay không phạt học sinh, thì ngày mai cả dân tộc anh sẽ chịu phạt?
Câu 4. Anh (chị) có cho rằng: Học sinh cần biết sỉ nhục mới có thể thành người  không? Vì sao?
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh chị về tác dụng của việc phạt học sinh trong giáo dục hiện nay?
Câu 2: Trong cảnh VII vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của tác giả Lưu Quang Vũ, khi đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba nói: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”, còn khi đối thoại với Đế Thích, hồn Trương Ba lại nhận ra rằng: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn”.
Phân tích tâm trạng của nhân vật hồn Trương Ba qua hai lời thoại trên, từ đó làm nổi bật những thay đổi trong nhận thức của nhân vật.
HƯỚNG DẪN CHẤM
SỞ GD & ĐT HÀ TĨNH
SẢN PHẨM NHÓM 1

CÂU ĐÁP ÁN ĐIỂM
Đọc-hiểu
Câu 1 – Giáo dục truyền thống coi phạt, đánh đập bằng roi, bằng thước kẻ vào ngón tay, roi quất vào mông là biện pháp để xử lí đối với học sinh vi phạm các nội quy học tập (như làm mất trật tự trong lớp có hệ thống, đánh bạn, nói tục, huỷ hoại sách vở áo quần của bạn…).
– Giáo dục hiện đại đề cao nhân văn, tôn trọng học sinh, đã nghiêm cấm lôi phạt đánh vào thân thể học sinh
0.5
Câu 2 Singapore cho rằng, nếu một người không biết chịu sĩ nhục, bị chửi mắng, bị hiểu lầm, bị răn đe, bị đánh, thì kẻ ấy tương lai sẽ là gánh nặng cho xã hội 0.5
 
Câu 3 – Phạt là cách để các em nhận ra lỗi, răn đe nhằm điều chỉnh hành vi, rèn luyện tích cách, giáo dục học sinh.
– Nếu không nghiêm khắc xử phạt thì giáo dục sẽ tạo ra những sản phẩm lười biếng, hư hỏng, thiếu tính kỷ luật…ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như môi trường xã hội của dân tộc trong tương lai
– Vì vậy, ở một mức độ nào đó, phải có sự thưởng phạt thì giáo dục mới phát triển
1.0
 
Câu 4 – Học sinh bày tỏ quan điểm của mình, có thể đồng tình hoặc không đồng tình và có lí giải một cách hợp lí
 
1.0
Làm văn
 
Câu 1
 
 
a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn đoạn: có Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn
– Thí sinh biết cách tạo lập một đoạn văn theo các cách: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành, móc xích.
– Diễn đạt trôi chảy; không xuống dòng khi chưa kết thúc đoạn.
 
0.25
b.  Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tác dụng của việc phạt học sinh trong giáo dục hiện nay 0.25
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ các ý sau:  
– Phạt là hình thức được áp dụng khi giáo viên đã sử dụng các hình thức khác không hiệu quả. Việc phạt học sinh vi phạm là cách để tập cho các em biết nhận trách nhiệm về những hành vi của mình; vừamang tính răn đe, điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn; giúp các em nâng cao hiệu quả học tập và hoàn thiện nhân cách.
– Các hình thức phạt sẽ hình thành ý thức kỷ luật, tạo môi trường giáo dục nghiêm túc, chât lượng.
– Tuy nhiên, hình thức phạt phải phù hợp, mang tính giáo dục, có hiệu quả; tránh việc xâm hại đến thân thể hay sỉ nhục học sinh dẫn đến nhữngtổn thương cho các em; hình thức phạt cũng phải phù hợp với đặc tính, tâm lí lứa tuổi, giới tính; hình thức phạt cần kết hợp với các biện pháp tâm lý khác để đạt được hiệu quả.
 
1.0
 
 
 
 
 
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0.25
Câu 2
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:Có đầy đủ phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm, nhân vật; Thân bài triển khai được các luận điểm thể hiện cảm nhận về nhân vật; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận về nhân vật. 0.50
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0.50
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.  
 
– Giới thiệu về tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt 0.5
-Phân tích tâm trạng của nhân vật qua hai lời thoại  
* Lời thoại 1 :Khi đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba nói: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”
– Hoàn cảnh của Trương Ba : Vốn là người làm vườn hiền lành, ngay thẳng, trong sạch nhưng do sự tách trách của người nhà trời, Trương Ba phải sống nhờ trong thân xác của anh hàng thịt. Trương Ba dần bị nhiễm những thói hư tật xấu của xác hàng thịt, nhưng bản thân ông vẫn cố bảo vệ phần hồn của mình và cho rằng “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”
– Tâm trạng của Trương Ba : quyết liệt từ chối sự ảnh hưởng của xác thịt tới linh hồn, với Trương Ba xác thịt « không có tiếng nói mà chỉ là xác thịt âm u đui mù »; ông cố gắng bảo vệ phần hồn của mình với câu khẳng định  Ta vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn. Đó là một sự ngộ nhận về chính mình khi trương Ba vẫn cho rằng hồn và xác hoàn toàn tách biệt nhau; dù sống trú nhờ trong thân xác hàng thịt nhưng ông vẫn có một tâm hồn nguyên vẹn, trong sạch.
– Ý nghĩa:
+ Lời thoại thể hiện tâm trạng đau khổ khi cố gắng bảo vệ tâm hồn của Trương Ba
+ Từ đó tác giải bày tỏ quan điểm: Linh hồn và thể xác là hai mặt hài hòa bên trong mỗi con người; Thể xác và linh hồn con người là 2 thực thể có mối quan hệ hữu cơ, không thể vênh lệch, tách rời. Cuộc tranh đấu giữa hồn và xác là cuộc đấu tranh giữa cái cao cả và dục vọng, thấp hèn; giữa phần con và phần người .
+ Khi con người sống quá lâu trong môi trường dung tục ắt sẽ bị cái dung tục chi phối , không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục, tội lỗi. Một linh hồn dù tốt đẹp khi trú ngụ trong thân xác khác cũng sẽ bị biến dạng, bởi nó bị chi phối theo thói quen và bản năng của thân xác đó, hơn nữa nó luôn bị dằn vặt trong mặc cảm giả dối và ích kỉ. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng thì đừng đổ tội cho thân xác.
+ Không thể tự an ủi mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn, do đó phải bảo vệ, hoàn thiện nhân cách con người đó là một vấn đề lớn đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
1.00
*Lời thoại thứ 2:khi đối thoại với Đế Thích, hồn Trương Ba lại nhận ra rằng: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn”. 
– Hoàn cảnh: Sau cuộc đối thoại với xác hàng thịt, đặc biệt là vơi những người thân, Trương Ba đã đau đớn thừa nhận “ Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không  phải của ta ạ”. Sau những đau khổ, dằn vặt, trương Ba đã gọi Đế Thích để bày tỏ mong muốn “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn”. 
– Tâm trạng Trương Ba:
+ Những lời thoại giữa Đế Thích và hồn Trương Ba chứng tỏ hồn Trương Ba đã ý thức được về tình cảm trớ trêu, đầy tính bi hài của mình: Chỉ vì phải sống trong xác anh hàng thịt mà những người thân của ông, từ đứa cháu nội rất yêu quý, đến vợ ông, cô con dâu… tất cả mọi người đang xa lánh ông. Những lời nói từ đáy lòng, từ trái tim của những người thân yêu đã khiến ông Trương Ba vô cùng đau đớn, day dứt, thất vọng.
+ Đã đến lúc hồn Trương Ba đau đớn nhận ra rằng cần phải sống là mình toàn vẹn. Quyết định xin được trở lại chính mình của Trương Ba là một quyết định sáng suốt, hợp lý, phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật, phù hợp với những gì đã xảy ra đối với hồn Trương Ba khi phải sống trong xác anh hàng thịt.
– Ý nghĩa
+ Được sống làm người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và đeo đuổi còn đáng quý hơn.
+ Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hoà giữa tâm hồn và thể xác. Con người cần phải biết đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
 
1.00
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
* Nhận xét về sự chuyển biến trong nhận thức của Trương Ba
– Qua hai lời thoại của hồn Trương Ba chúng ta thấy được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân vật:
+ Từ chỗ ngộ nhận, biện minh cho lí lẽ của mình đến chỗ ý thức sâu sắc về thực trạng sống nhờ vả, sống chắp vá của bản thân.
+Hồn Trương từ chỗ bảo vệ lí lẽ của mình: ta vẫn có một đời sống riêng đến chỗ hiểu rằng con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hoà. Không thể có một tâm hồn thanh cao trú ngụ trong một thân xác phàm tục, tội lỗi.
+ Ban đầu Trương Ba đổ lỗi cho thân xác khi bị chi khối bởi những nhu cầu của bản năng. Đó chỉ là sự tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Nhưng khi ý thức sâu sắc về thực trạng sống nhờ sống vả, sống chắp vá của mình, hồn Trương Ba đã lựa chọn cái chết để kết thúc bi kịch không được là chính mình. Trương Ba sẵn sàng chết vì nếu sống mà không là mình, mà mất dần nhân cách, mà nhìn thấy những người khác đau khổ thì thà chết còn hơn
-Ý nghĩa của sự thay đổi
+ Thể hiện quá trình hồn Trương Ba tự đấu tranh với cái dung tục để được sống là chính mình. Con người phải luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với cái dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
+ Được sống là đáng quý nhưng được sống là chính mình, hài hòa giữa tâm hồn và thể xác càng đáng quý hơn.
+ Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ:Con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn; Vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.
– Đặc sắc nghệ thuật: xây dựng mâu thuẫn kịch, ngôn ngữ kịch sinh động mang đậm chất triết lí, kết hợp sự phê phán mạnh mẽ và chất trữ tình đắm thắm,…
– Cắt nghĩa, lí giải: sự thay đổi tâm trạng nhân vật hồn Trương Ba qua 2 lời thoại xuất phát từ sự thay đổi hoàn cảnh sông cũng như mạch vận động tâm trạng nhân vật; Những thay đổi của Trương Ba thể hiện phong cách của Lưu Quang Vũ – một con người luôn trăn trở về cuộc sống, con người, các vấn đề xã hội để hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp; đócũng là niềm tin của tác giả vào sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp và những điểu tốt lành trong cuộc đời
1.00
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận 0.25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu 0.25
 

 
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *