Đề thi cuối kì lớp 11 Cánh Diều : truyện Nhành mai, Nguyễn Minh Châu

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài:

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

NHÀNH MAI

          (Lược đoạn mở đầu: Lượng cùng tiểu đội lính pháo binh về làng Đằng đóng quân trong những ngày đầu kháng chiến. Họ xin ở nhờ nhà một bà cụ nghèo. Nhà chỉ có hai mẹ con, cô con gái là du kích, tên Thận…)

Chúng tôi đóng quân trong làng, cấu trúc trận địa phòng ngự xong thì giặc tràn tới. Chúng từ các làng mạn trên thị xã tiến xuống. Tiếng súng cối nổ từ sáng sớm. Trên mé đường cái, xe cộ, súng ống, lính Tây, lính ngụy bắt đầu dàn đội hình chuẩn bị tiến vào làng. Trong bữa cơm liên hoan, quân dân ở sân đình, các cụ phụ lão cùng ban chỉ huy bộ đội đã chỉ tay về hướng địch mà thề sống chết có nhau. Đơn vị chúng tôi hôm đó phòng ngự cố thủ. Gần hai trăm đồng bào không chịu tản cư, cương quyết ở lại cùng bộ đội đánh giặc. Đội du kích xã bám sát bên từng hố chiến đấu của chúng tôi. Gần chiều, các làng xung quanh trông thấy lửa bốc lên từ lũy tre làng Đằng. Địch đã chiếm được nửa làng. Tôi bị thương nặng. Địch xung phong vào lối ngõ nhà Thận, nhà tôi ở. Lúc trông thấy những bóng áo trắng của lính Tây lấp ló sau cái ngõ trống, tôi bảo Thận: “Cô quay lại phía sau xem đồng bào còn ai thì dắt xuống hầm, mau!”. Thận không nghe. Cô chỉ có một thanh mã tấu, liền vứt thanh mã tấu xuống, nhặt lấy cây tiểu liên của tôi bắn chết một tên địch rồi cõng tôi lui về phía sau. Đêm ấy, đơn vị chúng tôi phá vòng vây thoát ra ngoài. Trừ một số du kích ở lại bám sát địch, nhân dân lại gồng gánh ra đi theo bộ đội. Một hàng cáng thương binh từ sân đình theo con ngòi sau làng lặng lẽ tiến ra bờ sông Thong. Tôi nằm trên chiếc võng bà mẹ Thận thường hay nằm. Người cáng tôi đêm ấy chẳng phải ai khác lại chính là Thận. Năm năm rồi, lúc nào tôi cũng như trông thấy một mép khăn mỏ quạ bay lất phất trên cái cổ cao rám nắng, và thanh mã tấu in hằn xuống một bên vai áo nâu cứ đánh lách cách bên thanh đòn khiêng.

[…] Đêm ấy trời chưa lạnh lắm. Không có sóng nhưng tôi vẫn nghe tiếng róc rách dưới lưng. Bầu trời đỏ lửa, nhưng vẫn đầy sao. Mỗi vì sao như những con mắt nhấp nháy nhìn chúng tôi. Thận đỡ tôi nằm trên tấm ván lát mạn đò. Giữa trời sao khuya, một đôi mắt đen và to khẽ chớp. Tim tôi đập rộn lên trong cái chớp mắt ấy. Thận cẩn thận gài lại mép chăn cho tôi rồi cúi xuống, sát hơn: “Anh chóng lành để trở về giết thật nhiều giặc nhé – Anh đừng quên em!” Tôi thò tay ra ngoài mép chăn nắm chặt lấy bàn tay ram ráp bụi cát và ấm áp. Thận nhẹ nhàng xô đò ra. Tôi nằm dưới đò, nghe tiếng sóng Thong vỗ nhè nhẹ và nhìn theo cái bóng bé nhỏ của cô du kích đi khuất trong những vạt lúa đang trỗ. Tôi phỏng đoán sáng ngày mai địch lại tiếp tục càn lớn.

(Lược một đoạn: Nhân vật tôi kể lại lần về làng Đằng tìm gia đình Thận. Nhà Thận bị giặc đốt, chưa kịp dựng lại. Hai mẹ con đi nơi khác.Cây mai bị địch chặt ngày nào đã mọc lại, mập mạp, tươi tốt, hoa nở làm ấm một góc sân. Nhân vật tôi viết lại mấy chữ rồi gài vào gốc cây mai với hi vọng một ngày Thận sẽ về và nhận được tin mình. Cuối cùng nhân vật tôi cũng tìm được Thận.)

[….] Chúng tôi gặp nhau quá đột ngột. Cổ tôi như bị nghẹn. Dưới ánh sao lờ mờ, tôi khao khát ngắm khuôn mặt Thận và để cho tình yêu giấu kín bấy lâu tự nó trào lên trong lòng mình. Chúng tôi đều mừng và xúc động không nói nên lời … Thận châm một ngọn đèn nhỏ. Bên ánh đèn, tôi thấy khuôn ngực Thận phập phồng. Tôi biết Thận đang xúc động. Tôi thương Thận quá! Mới mấy năm mà trông Thận gầy và già đi nhiều. Đôi mắt ngày xưa trong sáng bây giờ đã thâm quầng, hằn lên những nét lo nghĩ. Gương mặt trái xoan hiền hậu cũng trở nên rắn rỏi và cương nghị.

Tôi không biết hỏi chuyện gì trước với Thận. Thời gian chúng tôi xa nhau có bao nhiêu chuyện xảy ra.

– Bây giờ nhà ta ở đâu, em? – Tôi buột miệng hỏi.

– Em ở nhiều nơi, thỉnh thoảng mới tạt về nhà.

– Vậy mẹ ở đâu?

– Mẹ mất rồi!

– Sao?

– Chúng nó giết mẹ rồi, anh ạ!

Tôi ôm khẩu súng vào lòng, đầu óc choáng váng. Tôi hỏi thêm:

– Bây giờ em làm gì?

Thận ngồi sát tôi hơn:

– Em hoạt động cho đoàn thể.

– Em được kết nạp vào Đảng rồi ư?

– Vâng.

Tôi đặt bàn tay lên bên vai gầy gò của Thận – một người đồng chí – và nhìn ra ngoài. Bên ngoài bóng đêm vẫn dày đặc…

(Trích Nhành mai, Nguyễn Minh Châu*, Tuyển tập truyện ngắn,

NXB Văn học, 2006, tr 14)

Chú thích:

* Nguyễn Minh Châu, có tên khai sinh là Nguyễn Thí, sau này đi học được cha mẹ đổi thành Nguyễn Minh Châu. Ông sinh năm 1930, quê ở làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Minh Châu là một ngòi bút có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Việt Nam vào giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới. Là một nhà văn nhạy bén với sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính nhân văn rất cao. Ông là người đi tiên phong trong phong trào mở đường cho công cuộc đổi mới văn học, luôn đi tìm sự thật và viết lên những góc khuất trong đời sống mang đến nhiều dư âm cho bạn đọc. 

          Nhành mai” là một trong bảy truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu in trong tập truyện đầu tay “Những vùng trời khác nhau” 1970. Tập truyện đã bộc lộ một số đặc điểm trong bút pháp của Nguyễn Minh Châu là sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng: nhành mai, mảnh trăng (Mảnh trăng cuối rừng), dòng suối (Suối nguồn)…

 

ĐỀ 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0,5 điểm)

Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích

  1. Ngôi thứ nhất
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2. Tác giả chọn điểm nhìn nào?

  1. Từ cô gái tên Thận
  2. Từ nhân vật tôi
  3. Từ mẹ của Thận
  4. Từ một người giấu mình

Câu 3. Nhân vật tôi là ai?

  1. Một người dân ven đường
  2. Một người dân làng Đằng
  3. Một người dẫn đường
  4. Người chiến sĩ tên Lượng

Câu 4. Sự kiện nào không xuất hiện trong đoạn trích?

  1. Nhân vật tôi được Thận cứu khi bị thương nặng
  2. Nhân vật tôi gặp lại Thận sau nhiều năm xa cách
  3. Thận bị thương nặng sau trận càn của địch
  4. Mẹ Thận bị giặc giết

Câu 5. Khi nhân vật tôi bị thương, Thận đã có thái độ thế nào?

  1. Thờ ơ, lạnh lùng
  2. Quyết đoán, dứt khoát
  3. Căm thù, xót xa
  4. Năng nổ, nhiệt tình

Câu 6. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau: “Tôi nằm dưới đò, nghe tiếng sóng Thong vỗ nhè nhẹ và nhìn theo cái bóng bé nhỏ của cô du kích đi khuất trong những vạt lúa đang trỗ

  1. Gợi hình, gợi cảm, nhấn mạnh sự thong thả của nhân vật tôi
  2. Gợi sự tò mò của nhân vật tôi sau khi được Thận giúp đỡ
  3. Gợi tình cảm chân thành, nỗi nhớ thương da diết của nhân vật tôi với cô gái
  4. Gợi hình, gợi cảm, nhấn mạnh tình cảm biết ơn, những rung động thầm kín của nhân vật tôi

Câu 7. Nhận xét về tình cảm của nhân vật tôi đối với Thận qua câu văn sau: Mới mấy năm mà trông Thận gầy và già đi nhiều

  1. Xót xa, thương cảm
  2. yêu thương, hờn trách
  3. nhớ nhung, mong mỏi
  4. nuối tiếc, đau đớn

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8 (0,5 điểm): Đoạn văn bản trên giúp em hiểu gì về cuộc sống của con người trong chiến tranh?

Câu 9 (1,0 điểm): Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích?

Câu 10 (1,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích, anh/chị có suy nghĩ gì về vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc? (Viết đoạn văn 5-7 dòng)

 

ĐỀ 2: Tự luận

Câu 1: Xác định ngôi kể trong đoạn trích?

Câu 2. Trong văn bản, Tác giả chọn điểm nhìn nào?

Câu 3. Khi nhân vật tôi bị thương, Thận đã có thái độ, hành động như thế nào?

Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau: “Tôi nằm dưới đò, nghe tiếng sóng Thong vỗ nhè nhẹ và nhìn theo cái bóng bé nhỏ của cô du kích đi khuất trong những vạt lúa đang trỗ

Câu 5. Đoạn văn bản trên giúp em hiểu gì về cuộc sống của con người trong chiến tranh?

Câu 6. Nhận xét về tình cảm của nhân vật tôi đối với Thận qua câu văn sau: Mới mấy năm mà trông Thận gầy và già đi nhiều

Câu 7. Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích.

Câu 8. Từ nội dung đoạn trích, anh/chị có suy nghĩ gì về vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc? (Viết đoạn văn 5-7 dòng)

  1. VIẾT (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu

 

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
1 A 0.5
2 B 0.5
3 D 0.5
4 C 0.5
5 C 0.5
6 D 0.5
7 A 0.5
8 Văn bản trên giúp ta hiểu được cuộc sống của con người trong chiến tranh: hiểm nguy, vất vả, mất mát hi sinh

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt:  0,25 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0.5
9 – HS trình bày nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích:

+ Giúp cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn

+ Giúp thể hiện được tình cảm, thái độ của người kể

+ Giúp sự việc trở nên cụ thể, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời 2 đến 3 ý tương đương như đáp án: 1.0 điểm

– HS trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1.0
10 *Yêu cầu về hình thức: Viết thành đoạn văn hoàn chỉnh

(từ 5-7 dòng)

* Yêu cầu về nội dung: HS có thể có những cách trình bày khác nhau miễn là hợp lý. Một số gợi ý như sau:

– Kiên cường trước kẻ thù

– Giàu tình yêu thương với đồng đội

– Thủy chung với cách mạng

Hướng dẫn chấm

– Học sinh làm như đáp án (chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau); 1.0 điểm

– Học sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức, đảm bảo 2/3 nội dung: 0,75 điểm

– Học sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức, đảm bảo 1/3 nội dung: 0,5 điểm

– Học sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức, nội dung lan man, không rõ ràng: 0,25 điểm

Học sinh không làm bài/ làm lạc đề: không cho điểm.

1.0

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Truyện được kể theo ngôi thứ nhất

Hướng dẫn chấm:

–  Học sinh làm như đáp án : 1,0 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: không cho điểm

Câu 2: Trong văn vản tác giả chọn điểm nhìn hạn tri, Từ nhân vật tôi

Hướng dẫn chấm:

–  Học sinh làm như đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: không cho điểm

Câu 3. Khi nhân vật tôi bị thương, Thận đã có thái độ, hành động:

– Thái độ: Vừa căm thù bọn giặc vừa xót xa cho nhân vật tôi.

–  Hành động: Cô kiên quyết không xuống hầm để cầm vũ khí giết giặc, cứu thương binh và giải vây cho các chiến sĩ

Hướng dẫn chấm:

–  Học sinh làm như đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời được 1 ý tương đương như đáp án, diễn đạt mạch lạc: 0,75 điểm

HS trả lời được 1 ý tương đương như đáp án, diễn đạt chưa tốt: 0,5 điểm

– HS trả lời chung chung có chạm ý trong đáp án: 0,25

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: không cho điểm

Câu 4: Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn: “Tôi nằm dưới đò, nghe tiếng sóng Thong vỗ nhè nhẹ và nhìn theo cái bóng bé nhỏ của cô du kích đi khuất trong những vạt lúa đang trỗ

 – Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu văn, giúp câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn thu hút người đọc.

– Tái hiện khung cảnh chia tay đầy lưu luyến giữa nhân vật “Tôi” và người con gái tên Thuận

– Nhấn mạnh tình cảm biết ơn, những rung động thầm kín của nhân vật tôi

–  Học sinh làm như đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời được 2 ý tương đương như đáp án: 0.5 – 0,75 điểm

– HS trả lời chung chung có chạm ý trong đáp án: 0,25

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: không cho điểm

Câu 5. Văn bản trên giúp ta hiểu được cuộc sống của con người trong chiến tranh: hiểm nguy, vất vả, mất mát hi sinh

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,1 điểm

– HS trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt:  0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

Câu 6: Nhận xét về tình cảm của nhân vật tôi đối với Thận qua câu văn sau: Mới mấy năm mà trông Thận gầy và già đi nhiều:

– Tình cảm của nhân vật tôi khi gặp lại cô gái là: Xót xa, thương cảm

– Đó là tình cảm chân thành, tình yêu thầm kín của nhân vật tôi dành cho Thuận.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời tương đương như đáp án: 0,1 điểm

– HS trả lời được 01 ý tương đương hoặc trả lời có nội dung phù hợp nhưng diễn đạt chưa tốt: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

Câu 7: Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích:

+ Giúp cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn

+ Giúp thể hiện được tình cảm, thái độ của người kể

+ Giúp sự việc trở nên cụ thể, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời 2 đến 3 ý tương đương như đáp án: 1.0 điểm

– HS trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

Câu 8: Từ nội dung đoạn trích, trình bày suy nghĩ gì về vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc? (Viết đoạn văn 5-7 dòng)

* Yêu cầu về hình thức: Viết thành đoạn văn hoàn chỉnh (từ 5-7 dòng)

* Yêu cầu về nội dung: HS có thể có những cách trình bày khác nhau miễn là hợp lý. Một số gợi ý như sau:

– Kiên cường trước kẻ thù

– Giàu tình yêu thương với đồng đội

– Thủy chung với cách mạng

Hướng dẫn chấm

– Học sinh làm như đáp án (chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau); 1.0 điểm

– Học sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức, đảm bảo 2/3 nội dung: 0,75 điểm

– Học sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức, đảm bảo 1/3 nội dung: 0,5 điểm

– Học sinh đảm bảo yêu cầu về hình thức, nội dung lan man, không rõ ràng: 0,25 điểm

Học sinh không làm bài/ làm lạc đề: không cho điểm.

* Lưu ý: Trong bài làm, Học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng cần đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong mĩ tục giám khảo vẫn cho điểm.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu

( Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây)

  1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm truyện.

+ Nguyễn Minh Châu là một ngòi bút có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Việt Nam vào giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới. Là một nhà văn nhạy bén với sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính nhân văn rất cao. Ông là người đi tiên phong trong phong trào mở đường cho công cuộc đổi mới văn học, luôn đi tìm sự thật và viết lên những góc khuất trong đời sống mang đến nhiều dư âm cho bạn đọc.

+ “Nhành mai” là một trong bảy truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu in trong tập truyện đầu tay “Những vùng trời khác nhau” 1970.

– Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá.

+ Truyện ngắn Nhành mai không chỉ là bức tranh chân thực về cuộc đời, số phận và vẻ đẹp kiên cường, bất khuất con người trong kháng chiến chống Mĩ mà còn là bài ca về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi thầm kín mà sâu sắc.

+ Tất cả được thể hiện qua nghệ thuật trần thuật độc đáo, tinh tế.

  1. Thân bài:

* Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm

–  Giới thiệu khái quát về: xuất xứ, nhân vật chính và nội dung bao quát của tác phẩm:

  + Nhành mai là một trong bảy truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Minh Châu được in trong tập “Những vùng trời khác nhau”, xuất bản năm 1970.

+ Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, điểm nhìn hạn tri đặt vào nhân vật chính xưng tôi, người chiến sĩ thuộc đơn vị pháo tên Lượng. Xuyên suốt tác phẩm là những xúc cảm chân thực, những hồi ức đan xen của Lượng về cuộc kháng chiến, về làng Đằng, sông Thong, về người con gái tên Thận…Thông qua đó, tác giả làm nổi bật số phận, tính cách, đời sống tâm hồn của con người, đặc biệt là những người lính trong kháng chiến; từ đó gửi gắm những thông điệp, triết lý nhân sinh sâu sắc.

Đặc điểm về nội dung của đoạn trích:

+ Truyện ngắn là bức tranh chân thực về cuộc đời, số phận con người trong kháng chiến: cuộc chiến ác liệt đã tàn phá xóm làng, cướp đi ngôi nhà (của mẹ con Thuận), lấy đi xương máu (của người dân làng Đằng, của Lượng, của những người lính pháo binh) và sinh mạng của biết bao người dân vô tội.

+ Truyện ngắn là bài ca về vẻ đẹp con người và tình người trong kháng chiến:

+ + Tinh thần đấu tranh quả cảm, anh dũng kiên cường của người dân làng Đằng, của các chiến sĩ pháo binh. Tiêu biểu là chiến sĩ Lượng (bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu); Thận từ chối xuống hầm, kiên quyết ở lại cầm vũ khí giết giặc và cứu thương binh.

+ + Nghĩa tình quân dân thắm thiết thể hiện qua sự chăm sóc ân cần, tình cảm chân thành của người dân làng Đằng, của bà cụ (mẹ Thận) dành cho người lính khi họ đóng quân tại làng.

+ +  Là mối tình thầm kín, đẹp đẽ, thuỷ chung vượt qua bom đạn, thử thách của Thận và Lượng.

+ + Là tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt, tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tổ quốc

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

Tác phẩm chứa đựng những đặc trưng nổi bật của nghệ thuật truyện ngắn:

+ Tình huống truyện độc đáo được xây dựng thông qua cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật tôi và Thận

+  Không gian nghệ thuật được lấy bối cảnh từ cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Không gian trong truyện có sự dịch chuyển linh hoạt từ không gian chiến trường đến không gian làng Đằng, sông Thăng.

+ Thời gian: đan xen giữa quá khứ (hồi ức của nhân vật tôi) và hiện tại.

+ Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn hạn chi đặt vào nhân vật chính tôi, cho phép nhà văn đi sâu vào khi thác thế giới nội tâm của nhân vật.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính điển hình, tập trung khắc hoạ tính cách, phẩm chất nhân vật thông qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, cử chỉ, hành động, dòng suy nghĩ

+ Xây dựng thành công nhiều chi tiết tiêu biểu, hình ảnh mang tính biểu tượng: VD nhành mai là biểu tượng cho vẻ đẹp, sức sống bất diệt…

+ Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sắc thái biểu cảm.

* Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

–  Nhành mai là tác phẩm tiêu biểu cho truyện ngắn viết về đề tài người lính trong kháng chiến. Qua tác phẩm, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện tấm lòng xót thương cho số phận đau thương của con người; ngợi ca vẻ đẹp bất khuất kiên cường, sự hi sinh anh dũng của người lính và những người dân yêu nước trong kháng chiến. Thể hiện tinh thần lạc quan niềm tin vào tình yêu và sự hồi sinh. (Liên hệ các tác phẩm viết về người lính trong kháng chiến)

 (Bài học cho chính bản thân hoặc là bài học chung cho cộng đồng xã hội trong nhiều thời điểm) / thể hiện sự đồng tình / không đồng tình với thông điệp của câu chuyện trong tác phẩm…

+ Tình yêu giúp con người vượt qua mọi đau thương, khó khăn gian khổ

+ Sự sống nảy mầm từ trong cái chết

+ Tình yêu đôi lứa luôn song hành cùng tình yêu quê hương đất nước.

  1. Kết bài:

– Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm.

– Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc.

Hơn nửa thế kỉ đã đi qua, chiến tranh cũng đã lùi xa nhưng vẻ đẹp của con người, tình người trong tác phẩm “Nhành mai” vẫn còn đó. Nó nhắc nhở chúng ta về những năm tháng đau thương mà quật khởi của dân tộc, về trách nhiệm của tầng lớp hậu thế trong việc gìn giữ thành quả cách mạng, biết ơn và ghi nhớ những hi sinh, công lao to lớn của thế hệ đi trước.

 

Hướng dẫn chấm:

  1. a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề (0,25 điểm)

  1. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nhành mai – Nguyễn Minh Châu (0,25 điểm)

  1. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể trình bày bài viết theo nhiều cách trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau:

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh viết như yêu cầu; lập luận chặt chẽ, luận điểm sáng rõ: 2,5 điểm -3,0 điểm.

– Học sinh viết như yêu cầu; lập luận tương đối chặt chẽ, luận điểm còn chưa rõ ràng: 1,75 điểm -2,25 điểm.

– Học sinh viết chung chung, sơ sài: 1,0 điểm – đến 1,5 điểm

– Học sinh viết lan man, không có luận điểm: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

– Học sinh lạc đề hoặc không làm bài: 0,0 điểm

  1. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. (0,25 điểm)
  2. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. (0,25 điểm)

 

Bài viết tham khảo

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Trong tác phẩm Văn chương lâm nguy , nhà văn Todorov khẳng định: “Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. Con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi thế giới khác nhau của mỗi một tác phẩm, người đọc lại có một thể nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm Nhành mai, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta vẻ đẹp của con người trong những năm tháng kháng chiến. Chính nghệ thuật tự sự đã làm nên thành công cho tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Xuân Thiều: “Nguyễn Minh Châu có thiên hướng tìm cái đẹp trong đời sống bình thường, những con người bình thường ngay từ lúc cầm bút viết văn”. Truyện ngắn Nhành mai là tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác trước năm 1975 của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Nhà văn Nguyễn Khải khẳng định: “Giá trị của tác phẩm trước hết là giá trị tư tưởng của nó”. Thiên chức cao cả của văn chương nghệ thuật là hướng tới con người và phục vụ cho cuộc sống con người. Truyện ngắn Nhành mai của nhà văn Nguyễn Minh Châu viết về cuộc sống của con người trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của đất nước. Câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ của nhân vật tôi với cô du kích tên là Thận. Trong một lần Lượng cùng tiểu đội đóng quân đã xin ngủ nhờ trong một gia đình hai mẹ con. Cô con gái là du kích, tên Thận. Bất ngờ, giặc tràn tới làng đánh quét. Nhân vật tôi bị thương nặng. Cô du kích Thận đã dũng cảm cứu nhân vật tôi thoát khỏi làn đạn của giặc. Khi nhân vật tôi bị thương, Thận đã quan tâm chăm sóc anh. Sau đó nhận vật tôi cùng tiểu đoàn lên đường hành quân. Anh có quay về làng Đằng tìm gia đình Thận nhưng lúc này hai mẹ con cô đã đi nơi khác. Cuối cùng nhân vật tôi cũng tìm được Thận. Anh xúc động và đau đớn khi chiến tranh đã tàn phá làm cho Thận thay đổi quá nhiều. Cô gầy và già đi nhiều nhưng cũng trở nên rắn rỏi và cương nghị hơn. Câu chuyện được trần thuật lại theo mạch trình tự thời gian. Đây là lối kể chuyện truyền thống của văn học.

Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, xưng tôi nhưng cũng chính là người trực tiếp tham gia vào câu chuyện và trần thuật lại sự việc. Chính vì thế câu chuyện trở nên chân thực, tin cậy. Đồng thời, nhân vật cũng bộc lộ cảm xúc, tâm trạng một cách trực tiếp giúp người đọc nắm bắt dễ dàng. Người kể chuyện trần thuật theo điểm nhìn bên ngoài, đứng ngoài quan sát và kể lại câu chuyện.

Nổi bật nhất trong các tác phẩm đó là hình ảnh người lính trong chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khai thác nhiều khía cạnh đời sống của người lính trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ gian khổ. Nhưng vượt lên mọi mất mát, hy sinh, người lính vẫn vui vẻ, lạc quan, anh dũng chiến đấu. Đặc biệt, ông đã xây dựng lên hình tượng người lính với những câu chuyện tình cảm động sâu sắc. Đó là thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả, là nguồn động lực lớn lao, tạo niềm tin cho người lính, giúp người lính vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm. Trong tác phẩm “Nhành mai”, người lính pháo binh tên Lương với tình yêu trong sáng dành cho người con gái của một gia đình đã giúp đỡ cho anh và đồng đội ở trong những ngày làm nhiệm vụ. Nhân vật Thận – cô gái anh đem lòng yêu mến hiện lên hiền dịu, nhưng vô cùng mạnh mẽ.

Romanh Rolang viết “đời sống đích thực là đời sống nội tậm”. Còn Gorki khẳng định: “lịch sử đích thực là lịch sử cá nhân”. Với ngôi kể thứ nhất, câu chuyện có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Qua điểm nhìn của Lương, cũng là nhân vật “tôi” – người kể lại câu chuyện, vẻ đẹp của Thận càng hiện lên sáng ngời hơn. Cô đã cứu anh trong một lần bị thương, rồi cô trở thành đảng viên, tích cực hoạt động cách mạng ở cơ sở, giúp cho bộ đội trong nhiều trận chiến đấu… Khi làng bị đánh, Lương bị thương nặng, cô đã không ngần ngại, dũng cảm cứu anh. Những hành động dứt khoát của Thận được hiện lên rõ trong cái nhìn của nhân vật tôi “cô chỉ có một thanh mã tấu, liền vứt thanh mã tấu xuống, nhặt lấy cây tiểu liên bắn chết một tên địch, cõng tôi về”. Đặc biệt sau khi gặp lại nhau giữa nhiều năm xa cách, nhân vật tôi cảm nhận sâu sắc sự thay đổi của Thận “gầy và già đi nhiều: “đôi mắt ngày xưa trong sáng bây giờ đã thâm quầng, hằn lên những nét lo nghĩ”, “gương mặt trái xoan hiền hậu cũng trở nên rắn rổi và cương nghị”. Sự cảm nhận sâu sắc của điểm nhìn của một người lính, từ tình cảm yêu mến sâu sắc càng khắc họa rõ nhân vật Thận. Vượt lên mọi mất mát, hi sinh, người lính mang vẻ đẹp kiên định, dũng cảm và tinh thần chiến đấu.

Người kể chuyện trong truyện ngắn Nhành mai là nhân vật tôi. Sự đồng nhất đó được thể hiện rõ qua giọng điệu trần thuật. Chính vì vậy người kể chuyện đã quan sát và miêu tả chi tiết nhân vật Lương, cũng như nhìn nhận về nhân vật Thận. Người kể chuyện đã thay mặt nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả về cuộc sống, chiến đấu gian khổ nhưng anh dũng của những người lính. Nhà văn Tô Hoài khẳng định: “Đọc Nguyễn Minh Châu người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên trang giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường, lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý”. Nhà văn đã gửi gắm đến bạn đọc ngày hôm nay bức tranh chân thực về cuộc sống của đất nước trong những năm tháng kháng chiến. Từ đó gieo vào lòng người niềm biết ơn, tự hào về những người con hào hùng của tổ quốc.

Nhà văn Hemingway từng nói “tất cả tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử riêng của nó. Bởi vì đó là sản phẩm lao động bền vững của lao động và trí tuệ con người. Rồi mai này các tranh tượng có thể tiêu tan, các đền đài cố thể sụp đổ, chỉ có những tác phẩm văn học chân chính mới có thể vượt qua được quy luật băng hoại của thời gian để tồn tại vĩnh viễn”. Trong những tác phẩm ấy chúng ta có tác phẩm Nhành mai của nhà văn Nguyễn Minh Châu – một tác phẩm của niềm tin, của vẻ đẹp con người Việt Nam.

BÀI VIẾT SỐ 2

Nguyễn Minh Châu quan niệm: “là một nhà văn, trước khi cầm bút viết, điều đầu tiên cần làm là hướng đến con người và ý thức được sứ mệnh, trách nhiệm của mình“. Vì vậy mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều thấm đẫm chất nhân văn. Trước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, ông đã có hơn 10 tác phẩm truyện ngắn đăng ký trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông tập trung khai thác đề tài chiến tranh để thể hiện lòng yêu nước. Một trong những tác phẩm xuất sắc thể hiện rõ đặc trưng phong cách truyện ngắn của ông là “Nhành mai”. Truyện không chỉ là bức tranh chân thực về cuộc đời, số phận và vẻ đẹp kiên cường, bất khuất con người trong kháng chiến chống Mĩ mà còn là bài ca về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi thầm kín mà sâu sắc. Tất cả được thể hiện qua nghệ thuật trần thuật độc đáo, tinh tế. Tiêu biểu là đoạn trích Chúng tôi đóng quân trong làng, cấu trúc trận địa phòng ngự xong thì giặc tràn tới… Tôi đặt bàn tay lên bên vai gầy gò của Thận – một người đồng chí – và nhìn ra ngoài. Bên ngoài bóng đêm vẫn dày đặc…”

Nguyễn Minh Châu là một ngòi bút có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Việt Nam vào giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới. Là một nhà văn nhạy bén với sự thay đổi của thời đại, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đều mang tính nhân văn rất cao. Ông là người đi tiên phong trong phong trào mở đường cho công cuộc đổi mới văn học, luôn đi tìm sự thật và viết lên những góc khuất trong đời sống mang đến nhiều dư âm cho bạn đọc. Nhành mai” là một trong bảy truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu in trong tập truyện đầu tay “Những vùng trời khác nhau” 1970. Tập truyện đã bộc lộ một số đặc điểm trong bút pháp của Nguyễn Minh Châu là sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng: nhành mai, mảnh trăng (Mảnh trăng cuối rừng), dòng suối (Suối nguồn)…

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, điểm nhìn hạn tri đặt vào nhân vật chính xưng tôi, người chiến sĩ thuộc đơn vị pháo tên Lượng nhận nhiệm vụ trinh sát cùng bộ đội pháo binh về chiến đấu tại làng Đằng. Xuyên suốt tác phẩm là những xúc cảm chân thực, những hồi ức đan xen của Lượng về cuộc kháng chiến, về làng Đằng, sông Thong, về người con gái tên Thận…Thông qua đó, tác giả làm nổi bật số phận, tính cách, đời sống tâm hồn của con người, đặc biệt là những người lính trong kháng chiến; từ đó gửi gắm những thông điệp, triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc đời, số phận đầy mất mát thương đau của con người trong kháng chiến.  Không khí kháng chiến tại làng Đằng căng thẳng, sục sôi trận địa phòng ngự xong thì giặc tràn tới. Chúng từ các làng mạn trên thị xã tiến xuống. Tiếng súng cối nổ từ sáng sớm. Trên mé đường cái, xe cộ, súng ống, lính Tây, lính ngụy bắt đầu dàn đội hình chuẩn bị tiến vào làng. Các từ ngữ “tràn tới, tiến xuống” kết hợp với nghệ thuật liệt kê các hình ảnh: súng cối, súng ống, xe cộ lính tây, lính nguỵ… diễn tả chân thực cuộc tấn công dữ dội, ồ ạt với các vũ khí tối tân, có sức sát thương cao của địch vào ngôi làng.  Cuộc tấn công tàn khốc ấy đã tàn phá xóm làng “các làng xung quanh trông thấy lửa bốc lên từ lũy tre làng Đằng; cướp đi ngôi nhà của mẹ con Thuận, lấy đi xương máu và sinh mạng của biết bao người dân vô tội Một hàng cáng thương binh từ sân đình theo con ngòi sau làng lặng lẽ tiến ra bờ sông Thong”. Nhân vật tôi trong một trận đánh cũng bị thương nặng. Đau xót nhất là cái chết của bà cụ, mẹ Thận, người phụ nữ nhân hậu, bao dung đã chửo che cho bộ đội, cho kháng chiến.  Cây mai trước nhà Thận tươi tốt là thế cũng bị chúng chạt không thương tiếc.

Hành trình đến với văn chương của Nguyễn Minh Châu là hành trình “đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Trong mất mát, đau thương các nhân vật của ông không hề gục ngã. Hoàn cảnh nghiệt ngã lại trở thành động lực, làm đòn bẩy để họ bộc lộ những phẩm chất cao quý. Đọc truyện ngắn Nhành mai người đọc không thấy nặng nề, u ám và vẫn lạc quan bởi đẹp con người và tình người trong kháng chiến. Trước hết là tinh thần đấu tranh quả cảm, anh dũng kiên cường của người dân làng Đằng, của các chiến sĩ pháo binh. Giặc có thể đốt làng, phá nhà, tàn sát người dân vô tội nhưng không thể giết chết tinh thần đoàn kết và sự anh dũng kiên cường của người dân yêu nước.  Khắp làng Đằng các cụ phụ lão cùng ban chỉ huy bộ đội đã chỉ tay về hướng địch mà thề sống chết có nhau”, “Gần hai trăm đồng bào không chịu tản cư, cương quyết ở lại cùng bộ đội đánh giặc. Các chiến sĩ cũng chiến đấu anh dũng và quả cảm. Lượng bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Khâm phục nhất là hình ảnh của Thận. Trong hồi ức của Lượng, ở lần gặp gỡ đầu tiên, Thận là cô gái có tính cách dịu dàng, đầy nữ tính. Vậy mà  chiến tranh, bom đạn đã tôi luyện cô trở thành một người con gái bất khuất kiên cường. Trước lời đề nghị đưa dân làng xuống hầm tránh đạn, cô từ chối kiên quyết ở lại cầm vũ khí giết giặc và cứu thương binh Thận không nghe. Cô chỉ có một thanh mã tấu, liền vứt thanh mã tấu xuống, nhặt lấy cây tiểu liên của tôi bắn chết một tên địch rồi cõng tôi lui về phía sau. Chi tiết ấy gợi nhắc đến hình ảnh người mẹ trong truyện ngắn “Nhũng đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi tay cắp rổ, tay bế con đến đồn giặc kiên quyết đòi đầu người chồng vừa bị giết.

Giữa tiếng bom rơi đạn nổ lạnh ngắt xé toang bầu trời vẫn ấm áp ghĩa tình quân dân thắm thiết thể hiện qua sự chăm sóc ân cần, tình cảm chân thành của người dân làng Đằng, của bà cụ (mẹ Thận) dành cho người lính pháo binh khi họ đóng quân tại làng. Chiếc võng mẹ hay nằm nay dành để cáng thương binh. Chút sức lực cuối cùng sau trận đánh Thận cũng dành để cáng thương binh suốt đêm. Tất cả đã để lại trong hồi ức của lượng những ấn tượng đẹp đẽ, khó phai mờ Năm năm rồi, lúc nào tôi cũng như trông thấy một mép khăn mỏ quạ bay lất phất trên cái cổ cao rám nắng, và thanh mã tấu in hằn xuống một bên vai áo nâu cứ đánh lách cách bên thanh đòn khiêng”.

Kết thúc đoạn trích là hình ảnh đầy xúc động về mối tình thầm kín, đẹp đẽ, thuỷ chung vượt qua bom đạn, thử thách của người lính pháo binh và cô dân quân du kích năm nào. Giặc Mĩ đốt nhà chặt cây mai trước sân cũng là chặt đứt sợi dây liên kết của lượng và Thận. Kể từ khi người con gái ấy và người mẹ già bỏ làng đi lưu lạc, năm năm xa cách Lượng chưa bào giờ quên, chưa bao giờ ngừng tìm kiếm và hy vọng. Cuối cùng cuộc hội ngộ đầy bất ngờ, trở thành khoảnh khắc phút xúc động, hạnh phúc nhất trong cuộc đời hai con người ấy Chúng tôi gặp nhau quá đột ngột. Cổ tôi như bị nghẹn. Dưới ánh sao lờ mờ, tôi khao khát ngắm khuôn mặt Thận và để cho tình yêu giấu kín bấy lâu tự nó trào lên trong lòng mình. Chúng tôi đều mừng và xúc động không nói nên lời …”. Lời yêu chưa một lần thổ lộ, chưa một lời ước hẹn, thầm kín mà mãnh liệt  cao cả và thiêng liêng bởi đã được chắp thêm đôi cánh của tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm giết giặc bảo vệ quê hương. Đây cũng chính là đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, mang đamk khuynh hướng sử thi và cảm hững lãng mạn, hoà quyện giữa cái riêng – chung, cá nhân và cộng đồng.

Tác phẩm chứa đựng những đặc trưng nổi bật của nghệ thuật truyện ngắn điển hình như: xây dựng được tình huống truyện độc đáo thông qua cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật tôi và Thận; Không gian nghệ thuật được lấy bối cảnh từ cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Không gian trong truyện có sự dịch chuyển linh hoạt từ không gian chiến trường đến không gian làng Đằng, sông Thăng; Thời gian: đan xen giữa quá khứ (hồi ức của nhân vật tôi) và hiện tại; Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn hạn chi đặt vào nhân vật chính tôi, cho phép nhà văn đi sâu vào khi thác thế giới nội tâm của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính điển hình, tập trung khắc hoạ tính cách, phẩm chất nhân vật thông qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, cử chỉ, hành động, dòng suy nghĩ. Xây dựng thành công nhiều chi tiết tiêu biểu, hình ảnh mang tính biểu tượng. Hình ảnh “nhành mai” là biểu tượng cho vẻ đẹp, sức sống bất diệt…Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sắc thái biểu cảm.

Có thể nói rằng Nhành mai là tác phẩm tiêu biểu cho truyện ngắn viết về đề tài người lính trong kháng chiến. Qua tác phẩm, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn thể hiện tấm lòng xót thương cho số phận đau thương của con người; ngợi ca vẻ đẹp bất khuất kiên cường, sự hi sinh anh dũng của người lính và những người dân yêu nước trong kháng chiến. Thể hiện tinh thần lạc quan niềm tin vào tình yêu và sự hồi sinh.

Qua đây nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng gửi gắm nhiều bài học, thông điệp giàu ý nghĩa: Tình yêu đôi lứa luôn song hành cùng tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu giúp con người vượt qua mọi đau thương, khó khăn gian khổ; sự sống nảy mầm từ trong cái chết. Kết thúc đoạn trích là hình ảnh của bóng tối bao trùm không gian. Nhưng chắc chắn đó không phải là đêm đen của số phận nghiệt ngã con người như trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, hay tương lai mờ mịt của chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố”. Trong bóng tối ấy vẫn chập chờn ánh sao lờ mờ, ánh đèn le lói hé mở một kết thúc có hậu, một tương lai tươi sáng.

Hơn nửa thế kỉ đã đi qua, chiến tranh cũng đã lùi xa nhưng vẻ đẹp của con người, tình người trong tác phẩm “Nhành mai” vẫn còn đó. Nó nhắc nhở chúng ta về những năm tháng đau thương mà quật khởi của dân tộc, về trách nhiệm của tầng lớp hậu thế trong việc gìn giữ thành quả cách mạng, biết ơn và ghi nhớ những hi sinh, công lao to lớn của thế hệ đi trước.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *