Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 46

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản và trả lời câu hỏi

(1)Trong những thư bài của mình gửi về tòa soạn, các em thường rất hay quên viết hoa 2 chữ Trái Đất. Trên các sách báo cũng nhiều khi quên viết hoa hoặc viết hoa chỉ một chữ mà thôi.

(2)Chính tả tiếng Việt quy ước danh từ riêng phải được viết hoa đầy đủ tất cả các âm tiết tạo nên danh từ đó. Trái Đất là danh từ riêng, chỉ có một, duy nhất trong vũ trụ vô tận. Không những là riêng mà còn đơn độc, không có gì tương tự, riêng đến mức “hiếm muộn”, riêng đến mỏng manh. Sự có một không hai này thật là kỳ diệu, và còn gì quý hơn “một viên kim cương” có linh hồn sự sống nặng đến hơn 6 nghìn tỉ tấn. Cảm ơn tạo hóa đã ban tặng cho loài người và đặt tên là Trái Đất. Chúng ta không chỉ viết hoa bằng lý trí mà còn viết hoa bằng cả tâm hồn yêu thương, trân trọng.

(3)Một lỗi chính tả. Một chuyện nhỏ. Bất quá cũng chỉ trừ không quá 1 điểm ở lớp tiểu học thì có gì đáng nói? Có đúng vậy không khi ta biết một hành vi nhỏ cũng làm nên thói quen, từ thói quen sẽ làm nên tính cách và tạo ra số phận?

(4)Số phận của Trái Đất – ngôi nhà chung – đang phụ thuộc vào vòng tay của mỗi chúng ta khi mà ngày nay môi trường sống đang đặt ra bao nhiêu nỗi lo đến thắt lòng.

(5)Viết hoa hai chữ Trái Đất để thấy trân trọng, để thấy quý giá, để thấy thiêng liêng đối với cuộc sống trên thế gian này cùng với biết bao sắc màu văn hóa lung linh vĩnh cửu.

( Nhớ viết hoa hai chữ  Trái Đất – Đoàn Công Lê Huy)

Câu 1: Anh/chị hãy xác định vấn đề bàn luận của đoạn (2) trong văn bản?

Câu 2: Chỉ ra biện pháp nghệ thuật trong câu : Trái Đất là danh từ riêng, chỉ có một, duy nhất trong vũ trụ vô tận. Không những là riêng mà còn đơn độc, không có gì tương tự, riêng đến mức “hiếm muộn”, riêng đến mỏng manh.

Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào về câu nói “Số phận của Trái Đất – ngôi nhà chung – đang phụ thuộc vào vòng tay của mỗi chúng ta khi mà ngày nay môi trường sống đang đặt ra bao nhiêu nỗi lo đến thắt lòng” ?

Câu 4: Vì sao tác giả lại nói: “Chúng ta không chỉ viết hoa bằng lý trí mà còn viết hoa bằng cả tâm hồn yêu thương, trân trọng”?

Câu 5: Nhận xét tình cảm của tác giả gửi gắm trong văn bản.

Phần II. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Viết 1 đoạn văn (Khoảng 200 chữ) bàn ý nghĩa của những hành vi nhỏ làm nên thói quen trong giới trẻ ngày nay

 Câu 2:

Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) làm rõ cấu tứ của bài thơ:

Ngày còn bé ta mơ trăng tháng tám

Giữa đêm rằm bầy cỗ, vui chơi

Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát

Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui

 

Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng

Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu

Trải tâm tư dưới trời trăng sáng

Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!

 

Chỉ thế thôi ư? Ta còn mơ ước

Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời

Những vần thơ cùng du hành vũ trụ

Sưởi ấm vừng trăng lạnh niềm vui

 

Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp

Theo những con tàu cập bến các vì sao

Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng

Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao

1962 Nguồn: Xuân Quỳnh, Chồi biếc, NXB Văn học, 1963

HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút

          (Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Luận đề của văn bản

Viết hoa hai chữ Trái Đất để thấy sự quý giá thiêng liêng đối với mỗi người.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Chỉ ra biện pháp nghệ thuật trong câu : Trái Đất là danh từ riêng, chỉ có một, duy nhất trong vũ trụ vô tận. Không những là riêng mà còn đơn độc, không có gì tương tự, riêng đến mức “hiếm muộn”, riêng đến mỏng manh.

Nghệ thuật liệt kê: không có gì tương tự, riêng đến mức “hiếm muộn”, riêng đến mỏng manh

Nghệ thuật điệp cấu trúc: riêng đến mức “hiếm muộn”, riêng đến mỏng manh.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời được tên biện pháp tu từ không chỉ ra hình ảnh: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Số phận của Trái Đất – ngôi nhà chung – đang phụ thuộc vào vòng tay của mỗi chúng ta khi mà ngày nay môi trường sống đang đặt ra bao nhiêu nỗi lo đến thắt lòng

Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều ý, có thể bao gồm một số nội dung sau:

– Trái đất là nơi chúng ta sinh sống và tồn tại, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho sự phát triển của con người.

– Do sự thiếu ý thức, khai thác trái phép và quá mức khiến tài nguyên cạn kiệt, môi trường đang bị ô nhiễm. Đây là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống con người.

– Biện pháp để gìn giữ môi trường sống, bảo vệ ngôn nhà chung cho nhân loại.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Học sinh có thể trả lời bằng nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý chính như sau

– Lý trí là khả năng của ý thức để hiểu, khám phá và giải quyết các sự việc. Lý trí cũng có thể gắn với suy nghĩ, nhận thức, phán đoán. Viết hoa bằng lí trí nhằm chỉ việc mỗi cá nhân khi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt nói chung và các danh từ riêng nói riêng cần phải tự ý thức được viết đúng quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt.

– Tâm hồn là những tâm tư và tình cảm, làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người. Tình cảm của mỗi người với Trái Đất nơi chúng ta sinh ra và trưởng thành không chỉ là sự gắn bó yêu thương mà còn là lòng biết ơn thành kính, sự trân trọng, nâng niu.

=> Chúng ta không chỉ viết hoa bằng lý trí mà còn viết hoa bằng cả tâm hồn yêu thương, trân trọng: Mỗi chúng ta khi nói đến Trái Đất không chỉ xem như một địa danh bình thường cần viết hoa theo đúng chuẩn mực của ngôn ngữ, mà cần coi đó là tên gọi gắn bó máu thịt, mật thiết với trái tim của mình. Bên cạnh việc cần viết đúng quy tắc chữ viết tiếng Việt, chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm, sự yêu thương gắn bó sâu sắc hơn với Trái Đất – ngôi nhà chung của nhân loại.

 

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Tình cảm:

Trân trọng, nâng niu và yêu quý biết ơn Trái Đất và những điều nhỏ bé bình thường hàng ngày quanh ta

Nhận xét:

Đây là tình cảm cần thiết phải có đối với mỗi người, là tư tưởng đúng đắn chỉ lối cho mỗi người trong nhận thức sống về cuộc đời

Chúng ta cần có ý thức sâu sắc và có việc làm đúng mực để thể hiện tình yêu với Trái Đất nơi chúng ta đang sống

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Một hành vi nhỏ cũng làm nên thói quen, từ thói quen sẽ làm nên tính cách và tạo ra số phận

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Những suy nghĩ và ứng xử lặp đi lặp lại sẽ tạo thành quy luật, thành lối mòn khó thay đổi từ đó hình thành nên tính cách tốt xấu mà định hình lên số phận của mỗi con người. Tuổi trẻ cần ý thức được từ những hành vi nhỏ hôm nay có thể tạo thành tính cách tiêu cực hay tích cực cho chính mai sau

– Môi trường tác động trực tiếp đến những giác quan, nhận thức, hành vi của mỗi chúng ta. Con người dưới sự dạy dỗ giáo dục sẽ có quá trình điều chỉnh hành vi để ứng phó với môi trường và hoàn cảnh sống phù hợp.

– Sinh ra với điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, nhưng chính bản thân chúng ta có quyền quyết định cách suy nghĩ, thái độ sống, tự tạo nên cuộc sống và số phận của mình.

-Nếu có những hành vi đúng đắn sẽ tạo ra những thói quen tốt đẹp. Duy trì thói quen ấy cũng như ta đang có một hạt giống tốt trong tay và ươm trồng trên mảnh đất màu mỡ.

( Học sinh chọn lọc dẫn chứng để minh họa cho các vấn đề nêu trên)

Nhận thức

– cần rèn luyện bản thân từ những hành vi nhỏ nhất để tạo lập những thói quen tốt hình thành nên những tính cách tốt đẹp.

-Tự mình viết lên số phận của chính mình từ chính những suy nghĩ, hành động nhỏ nhặt ngày hôm nay.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về cấu tứ của bài thơ 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Giá trị nội dung nghệ thuật cấu tứ của bài thơ 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

Giới thiệu chung về tác giả bài thơ

– Giới thiệu bài thơ và yêu cầu cần nghị luận: vẻ đẹp của tứ thơ trong tác phẩm

* Khái quát chung ( hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, nội dung chính)

– Bài thơ  sáng tác năm 1962 trích trong tập “Chồi biếc”, xuất bản năm 1963, là một trong những bài thơ dành cho trẻ thơ đặc sắc

* Cấu tứ

Bài thơ  có tên là “Khát vọng”. Bắt đầu từ những mơ ước được vui chơi trăng rằm tháng Tám, có một tình yêu đẹp, trở thành nhà thơ để ca ngợi cuộc đời. Qua văn bản trên, tác giả muốn gửi đến chúng ta thông điệp hãy sống mà biết mơ ước, khát vọng.

* Phân tích và đánh giá từng phần của bài thơ

– Khổ 1: Những hình ảnh ban đầu của tuổi thơ và mơ ước thuở nhỏ: mơ trăng tháng Tám giữa đêm rằm bầy cỗ, vui chơi; mơ đến những phút giây vui vẻ cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát, náo nức trống ếch trăng vui.

Khổ 2, Khổ 3:

 Sự đổi thay của thời gian không khiến con người thôi mở ước. Nhân vật trữ tình cũng có những phút giây bay bổng với giấc mộng của tâm hồn khi thì dành tình yêu trong những trang thơ ca ngợi cuộc đời, mượn thơ ca là cầu nối để ngắm nhìn và khám phá thế giới

Khổ 4: Nhân vật trữ tình khi đã đủ khôn lớn đã không còn dùng hai chữ Ước mơ, mà chuyển thành khát vọng  càng lớn càng muốn theo đuổi những thứ lớn lao hơn và mang trong mình nhiều khát khao, hy vọng hơn..

* Hình ảnh, chi tiết

Các hình ảnh trong câu thơ: thơ ta lên trăng, theo những con tàu cập bến các vì sao. Mỗi năm tháng nhân vật trữ tình lớn lên, hình ảnh mở rộng ra nhiều chiều với cái nhìn đầy đủ hơn sâu sắc hơn

→ Nét độc đáo: Hình ảnh thơ gợi mở không gian vũ trụ kì vĩ, lãng mạn, làm nổi bật khát vọng bay bổng, lãng mạn của nhân vật xưng “ta”.

* Đánh giá chung

Trong thơ Xuân Quỳnh, ước mơ đã trở thành biểu tượng đẹp để con người hướng tói. Vì vậy cuối bài thơ dù trang sách khép lại chúng ta vẫn thấy hy vọng và khát khao luôn tràn đầy

Kết bài:  Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ giá trị của tác phẩm

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
   

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *