PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu:
Tôi sống thời không thể đứng quay lưng
Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được
Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác
Đê sông Hồng sau mùa lũ thêm cao
[…]Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.
Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!…
( Trích “Tản mạn đời sống”, Nguyễn Trọng Tạo)
Câu 1. Chỉ ra nhân vật trữ tình của đoạn thơ trên?
Câu 2. Theo tác giả “hy vọng” và “niềm tin” sẽ mang cho ta được điều gì??
Câu 3. Xác định nội dung của đoạn thơ?
Câu 4. Theo anh/chị “Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được” nghĩa là như thế nào?
Câu 5. Anh/chị có đồng tình với điều tác giả nói ở cuối đoạn thơ: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”? vì sao?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Anh/chị viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về khát vọng chinh phục ươc mơ của tuổi trẻ trong cuộc sống ?
Câu 2: (4,0 điểm)
Bây giờ chưa hết tháng ba nhưng mỗi tối từ chợ về, dì Diệu đã tranh thủ ngồi may đồ cho em bé. Đã biết là con gái nên bộ nào dì cũng dún bèo cổ, bèo tay, bèo lai áo… coi rất dễ thương ngộ mắt. Ban ngày, dì ra sạp vải, lúc nào có khách thì lo buôn bán, đo đắt, lúc nào rảnh dì ngồi đơm nút, vắt khuy. […] Dì vừa làm vừa mủm mỉm cười một mình, rồi vui quá xá là vui, một mình vui không hết, dì Diệu khoe:
– Tui sắp có con gái rồi nghen.
[ …] Đứa bé sắp sinh ra là máu thịt của chú Đức, chồng dì Diệu. Chú Đức làm giám đốc văn phòng đại diện một công ty điện tử ở Cần Thơ. Chú làm việc xa nhà nhưng chưa bao giờ chú làm chuyện có lỗi với dì Diệu. Là vì chú Đức hiền hậu, chừng mực, mà cũng vì dì Diệu cực kỳ đáng yêu.
[…] Suốt nữa đời, dì chỉ buồn là không còn được có con. Năm chú cưới dì, dì khám bịnh phát hiện ra mình có một khối u nhỏ ở buồng trứng. [….] Đi bệnh viện, bác sĩ bảo cắt, dì nhoẻn cười, thì phải cắt, cắt để sống với chồng chớ. Rồi dì lạc quan lên bàn mổ. Không ai nói cho dì biết trước là sau ca mổ vĩnh viễn dì không thể có con được nữa.
[….] Dì bảo dì không cần món quà nào khác ngoài một đứa con. Chú Đức tưởng dì nói chơi, cười sùi sụt:
– Trời đất, sao có được…
Dì Diệu tỉnh rụi:
– Mướn đẻ. Em đọc báo thấy người ta mướn đẻ nhiều lắm.
[ … ]người mà dì muốn mướn cũng đã có sẵn rồi: Chị Lành.
Chị Lành lỡ thời, mập mạp, hịch hạc. Chị sống trong khu nhà dì Diệu cất cho sinh viên thuê, nhưng chị không phải sinh viên, chị gánh nước mướn.
[ …] Cuối cùng thì chị Lành cũng đã trở thành người nhà dì Diệu. Dì thương chị như em gái ruột của mình.[ ….] Dì Diệu bắt đầu mua sắm, từ cái núm vú da cầm tay tới bình ủ sữa, chiếu manh, nệm trẻ con, mùng chụp. Rảnh rỗi, dì ngồi mơn man mấy món đồ tưởng như đã thấy được đứa bé con ngo ngoe hai bàn chân nhỏ trên cái trường kỷ nhà dì. Chú Đức mỗi lần về lại thấy một mớ đồ trẻ con chất ngồn ngộn ở trong phòng. Chú đọc trong mắt dì Diệu một niềm khát khao hườm chín. Chú thấy mình vơi đi mối bận tâm trong lòng, đôi lúc chú cũng thèm muốn chết một đôi chân lẫm đẫm của trẻ con.
[ …]
Một sáng, chị Lành biến mất.
Dì Diệu kêu chú Đức về, nước mắt ròng ròng khi thấy bóng chồng qua cửa. Chú đau lòng bảo thôi bỏ đi, dì Diệu cãi, “em bỏ không đành, anh à”. Chú cũng thấy rằng bỏ không được. Máu mủ ruột ràng mình mà bỏ sao được. Hai người đi tìm xơ bơ xấc bấc. Không có, không gặp. Dì Diệu về quê, bà mẹ già chị Lành tay run bẩn, vừa đau vừa xót.
– Vậy ra nó không nói gì với cô sao… Tui hay tin nó hư hỏng, tôi từ nó rồi, tui tính bỏ nó luôn, nhưng thiệt tình tui thương nó lắm, phải nó về, tui cũng nuôi.
Dì Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng nghĩ, làm sao mình lại để ra nông nỗi nầy. Dì không tiếc tiền của, sông sức, dì cũng không tiếc tình thương dồn đắp cho chị Lành, dì chỉ cảm thấy xót xa cho mình “làm người thì ai lại đi giành con với người ta”, dì luôn dằn vặt vậy.
Dì Diệu bỏ sạp vải tối ngày chạy xe long rong ngoài đường để may ra tìm được bóng người …
Khi đã không trông chờ gì, một ngày, khi mở cửa, dì Diệu nhìn thấy chị Lành đang ngồi ngoài hàng ba và khóc.
Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau.
Dì Diệu cắn cho môi vằn đỏ dấu răng, dì ôm chị Lành vào lòng rất chặt. Dì cảm nhận được từ trái tim bàn chân bé bỏng của đứa bé đang lòi chòi. Nó háo hức nằm giữa hai tấm lòng của hai bà mẹ.
Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó…
(Truyện ngắn “Làm mẹ” – Nguyễn Ngọc Tư)
Anh/chị viết bài văn (khoảng 600 chữ) cảm nhận vẻ đẹp của truyện ngắn “Làm mẹ” của nguyễn Ngọc Tư?
Chú thích:
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, chị miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.
===HẾT===
- Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
- Giám thị không giải thích gì thêm.
HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA
Phần | Câu | Nội dung yêu cầu | Điểm |
I | Đọc hiểu | 4.0 | |
1 | Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tôi
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
0.5 | |
2 | Theo tác giả “hy vọng” và “niềm tin” sẽ mang cho ta:
+ Có thêm động lực để đối mặt và vượt qua khó khăn, thử thách. + Để nâng đỡ tinh thần và thôi thúc chúng ta hành động , tiến lên phía trước, vững tin. Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,5 điểm – Trả lời không đúng đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.75 | |
3 | Nội dung của đoạn thơ nói về hiện thực cuộc sống và những trăn trở về cuộc sống của của thời đại tác giả sống.
Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 0.75 điểm – Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0.75 | |
4 | Câu thơ “Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được” nghĩa là:
+ Những khó khăn, những thách thức, biến cố và những đổi thay trong cuộc sống là những điều không thể nhìn thấy, không thể lường trước được. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
1.0 | |
5 | + Hs: có thể đồng tình/ không đồng tình…
+ lí giải: Học sinh lí giải phù hợp, đúng giá trị chuẩn mực đạo đức. (ví dụ: Em đồng tình, vì: cho dù cuộc sống bao đổi thay thì con người vần tin vào cuộc sống, tin vào nhúng điều tốt đẹp, tin vào khả năng đối mặt và vượt qua thử thách để bước tiếp….) – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án : 0,75 điểm – Trả lời tương đương, sơ sài : 0,5 điểm – Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm. (Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm) |
1.0 | |
II | Viết | 6.0 | |
1 | Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về khát vọng chinh phục ươc mơ của tuổi trẻ trong cuộc sống ?
|
2.0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo các diễn dich, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
|
0.25 | ||
b.Xác định đúng vấn đề nghị luận
Bàn về khát vọng chinh phục ước mơ của con người trong cuộc sống |
0.25 | ||
c.đề xuất hệ thống ý phù hợp làm rõ vấn đề nghị luận
Có thể triển khai vấn đề nghị luận theo hướng sau: *Giải thích – Ước mơ là những khát khao, mong muốn đạt được một điều gì đó của con người -Khát vọng chinh phục ước mơ của tuổi trẻ là khát vọng theo đuổi, thực hiện được ước mơ *Bàn luận -Khát vọng chinh phục ước mơ của tuổi trẻ tạo nên động lực thôi thúc những bạn trẻ nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được ước mơ, để thành công trong cuộc sống. -Khát vọng chinh phục ước mơ giúp tuổi trẻ khẳng định bản thân, khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. -Muốn chinh phục được ước mơ tuổi trẻ phải có ý chí , nỗ lực ,can đảm , kiên trì , quyết tâm vượt qua mọi khó khăn , trở ngại. -Phê phán những bạn trẻ sống không có ước mơ, thiếu ý chí, hèn nhát “ chưa thấy sóng cả đã ngả tay chèo”… – Dẫn chứng… * Bài học -Nhận thức được tầm quan trọng của khát vọng chinh phục ước mơ đối với thành công của tuổi trẻ trong cuộc sống. -Hãy nuôi dưỡng khát vọng chinh phục ước mơ bằng chính sự nỗ lực trong từng ngày , từng công việc , từng hành động của bản thân những bạn trẻ. |
0.5 | ||
d.viết đoạn văn đảm bảo yêu cầu sau:
– lựa chon thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: khát vọng chinh phục ươc mơ của tuổi trẻ trong cuộc sống. – trình bày rõ quan điểm, hệ thống các ý. – lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chúng tiêu biểu, phù hợp. |
0.5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả , ngữ pháp tiếng Việt |
0.25 | ||
e.Sáng tạo
Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. |
0.25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp của truyện ngắn “Làm mẹ” của Nguyễn Ngọc Tư. | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề |
0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận vẻ đẹp của truyện ngắn “Làm mẹ” | 0.5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: – Khái quát ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, khai thác vẻ đẹp của tác phẩm “Làm mẹ” Thể hiện quan điểm của người viết có thể theo một số gợi ý sau: – Tác giả Nguyễn Ngọc Tư nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh. -Tóm tắt truyện – Vẻ đẹp của truyện ngắn: Nội dung: + Hoàn cảnh éo le, sự đau đớn và hy vọng,khao khát của dì Diệu, đó là khao khát thiêng liêng – khát khao được làm mẹ, là đặc ân mà ông trời ban cho những người phụ nữ. + Tấm lòng nhân hậu và đẹp phẩm chất của dì Diệu. + Thể hiện sự đồng cảm, cảm thương sâu sắc với số phận của các nhân vật của nhà văn. Nghệ thuât: + Xây dựng nhân vật dì Diệu nhân hậu, chú Đức, một người tính cách hiền hậu, yêu thương vợ. + Xây dụng tình huống hé mở hy vọng và tình cảm của dì Diệu.Cách miêu tả chi tiết khắc họa tính cách nhân vật. + Ngôn ngữ hài hước để tạo nên sự gần gũi giữa nhân vật và độc giả. Thể hiện tài năng của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
|
1.0 |
||
d.viết bài văn đảm bảo yêu cầu sau:
– Triển khai để làm rõ vẻ đẹp của tác phẩm – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
|
1.5 | ||
đ.diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0.25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, giàu cảm xúc. |
0.5 | ||
Tổng điểm | 10 |
===HẾT===