Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 39

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

“Một đêm mưa phùn ẩm ướt và tối tăm về cuối tháng chạp, hai anh em chúng tôi đi nghỉ sớm. Nằm trên giường, trùm chăn lên tận cằm, chúng tôi cùng nhau nói chuyện phiếm để đợi giấc ngủ.

      Trong căn phòng yên lặng, chỉ nghe rõ tiếng tí tách thong thả và đều đều của chiếc đồng hồ treo trên tường. Nhưng thỉnh thoảng một cơn gió đưa đến văng vẳng những tiếng ếch nhái kêu ở cánh đồng quê ở chung quanh nhà.

      Ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ để dưới đất, chiếu lên trần và tường nhà những bóng tối kỳ dị, hơi lung lay. Còn chiếc màn đỏ rộng treo ở giữa nhà thì tối sẫm lại, rủ những nếp vải mỏng manh và tha thướt. Bên kia chiếc màn ấy, là giường của bà tôi và chị tôi nằm. Vào hồi nữa đêm, chúng tôi sực thức dậy: gió thổi ào ào trong các lá cây và đập mạnh các tàu lá chuối, từng luồng chớp loáng qua cửa sổ. Một lát thì mưa rào đổ xuống mái nhà. Anh tôi bảo:

– Có lẽ là một trận bão to.

– Bão thì càng thích.

Mà thích thật. Tưởng tượng không có cái khoan khoái êm ấm nào bằng cái thú đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ở ngoài. Đêm lúc bấy giờ lạnh hơn, lại càng làm cho mình thấy cái ấm trong chăn là dễ chịu. Tiếng mưa reo to và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần.

Hai anh em chúng tôi vừa cuộn kín trong chăn cho ấm vừa nói chuyện. Chúng tôi nghĩ đến, rồi thương hại những người lữ khách vào giờ này hãy còn trên đường vắng, ướt như chuột lột và run như cầy sấy, đi vội vàng để tìm một chỗ trú thân. Chúng tôi lại ái ngại cho những nhà nghèo bên hàng xóm, giờ này vợ chồng con cái đều phải dậy để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem cái chậu thau hứng những chỗ dột nước.

Khi người ta yên ấm trong một căn phòng nhà gạch chắc chắn, không sợ mưa gió về phần mình, thì người ta dễ có lòng thương đối với những người xấu số hơn.

Chúng tôi đương ở vào cái tâm tình tốt đẹp ấy, thì bỗng nhiên anh tôi sẽ thích tay vào bảo im rồi nói khẽ:

– Có nghe thấy gì không?

Tôi lắng tai: qua tiếng gió, tiếng mưa ở ngoài, tôi nghe thấy có tiếng chiêm chiếp như tiếng con chim kêu. Tôi bảo anh tôi:

– Tiếng chiêm chiếp như tiếng chim kêu phải không?

– Phải rồi. Tôi nghe thấy từ lúc nãy.

Hai chúng tôi lại chăm chú nghe: tiếng chiêm chiếp khe khẽ và yếu ớt hình như ở chiếc cửa sổ phía đầu cái màn đỏ đưa lại. Tôi hỏi anh tôi:

– Quái, không biết con chim nó đến đây kêu làm gì nhỉ?

Anh tôi chợt nghĩ ra:

– Thôi phải rồi, chắc hẳn là một con chim bị mưa gió đánh bạt đến đây trú.

– Tội nghiệp, chắc ở ngoài ấy nó rét lắm.

Chúng tôi tưởng tượng ngay ra một con chim ướt át, xù lông ra vì rét, đến chỗ cửa sổ đòi vào vì nó thấy ánh sáng trong phòng ấm áp chiếu ra. Câu chuyện con chim gáy một hôm tránh bão tuyết, đến gõ cửa vợ chồng người cày ruộng, được hai vợ chồng nâng niu và rắc bánh cho ăn, câu chuyện ấy mà hồi nhỏ chúng tôi đã đọc trong quyển “Bài Tập Đọc” bây giờ lại thoáng qua trong trí nhớ, làm chúng tôi đem lòng thương con chim kia vô hạn, và muốn cứu vớt nó.

Tôi bảo anh tôi:

– Hay là chúng ta mang nó vào trong này cho nó ấm.

– Mang thế nào được.

– Sao lại không được! Ta cứ việc mở cửa sổ dụ nó vào có khó gì. Chứ nếu để nó ở ngoài ấy thì nó chết mất.

– Ừ, phải đấy.

(…..) Chúng tôi lại nghe thấy tiếng vẫn cái tiếng chiêm chiếp ban nãy bây giờ hình như yếu ớt hơn. Anh tôi bảo:

– Thôi, chú dậy đem con chim vào đi.

Tôi ngần ngại:

– Dậy bây giờ rét lắm, anh ạ.

Rét gì mà rét. Chú cứ mạnh bạo ra thì không rét đâu.

Hình như để trái với lời anh tôi nói, một cơn gió mạnh lọt vào phòng làm lay động chiếc màn. Tôi rùng mình nói:

– Rét lắm, ra bây giờ thì chết cóng.

Rồi tôi kéo chăn trùm kín cổ. Anh tôi cũng kéo chăn lên, rồi bảo tôi:

– Chú lười lắm. Có ra kia mở cánh cửa sổ mà cũng không chịu khó.

Bên kia màn, tiếng ú ớ của chị Hai lại nổi lên, thành thử tôi không biết câu trả lời của anh tôi ra thế nào. Một lát mới thấy anh tôi nói:

– Chú có thương nó, bảo mang nó vào thì ra mở chứ.

Tôi lúc bấy giờ đã buồn ngủ lắm, mắt đã díp lại, bèn quay mặt vào trong rồi bảo:

– Thôi, mặc kệ nó anh ạ.

Anh tôi gắt:

– Thế thì còn nói chuyện!

Rồi anh tôi quay lưng về phía tôi, kéo chăn trùm kín đầu, co chân ngủ, không nói gì nữa. Tôi còn lắng tai nghe tiếng chiêm chiếp của con chim con như thiết tha gọi. Rồi một lát tôi cũng ngủ nốt.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi tỉnh dậy, đã thấy chị Hai đứng phích nước ở đầu bàn. Khi thấy chúng tôi ngồi dậy, chị nhìn chúng tôi mỉm cười hỏi:

– Có phải tối qua hai chú cãi nhau về con chim không?

Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Tôi hỏi:

– Chị cũng biết à? Lúc bấy giờ chúng tôi thấy chị nói mê mãi kia mà.

Chị Hai phá lên cười, đầu ngả về đằng sau, hai bàn tay che miệng, vì chị mới nhuộm răng. Chị cười như nắc nẻ, khiến chúng tôi không hiểu ra sao. Sau chị vừa cố nén cười vừa nói:

– Hai chú có biết cái tiếng chiêm chiếp ấy ở đâu ra không? Đó là tiếng cây tre ở đầu nhà bị gió lay đấy. Tôi nằm ở gần nên nghe rõ. Đến khi thấy hai chú thương hại con chim, định mang nó vào mà sưởi, tôi buồn cười suýt nữa bị sặc. Mà định nói bảo cho chú biết là không phải thì lại vướng thuốc nhuộm răng trong mồm, không nói được. Thành ra ú ớ như người nói mê vậy.

Chị tôi kể xong lại cười. Chúng tôi nghĩ đến cái nhầm tưởng hôm qua, cũng buồn cười nốt. Ba chúng tôi cười mãi chảy cả nước mắt.

Sau anh tôi ngừng lại vui vẻ nói:

– Thế mà chúng em cứ tưởng có một con chim đáng thương nó đến gọi cửa.

(Tiếng chim kêu – Theo tuyển tập Thạch Lam- NXB Văn học, 2021)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 ( trình bày ngắn gọn)

Câu 1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi nào?

Câu 2. Nêu những cảm xúc của hai anh em khi mưa bão về trong đêm?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau:

“Tiếng mưa reo to và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần.”

Câu 4. Anh/Chị nhận xét gì về tình cảm mà hai anh em dành cho người lữ khách trên đường và những nhà hàng xóm đang phải sống trong những mái nhà lá, phải chống trọi lại đêm mưa bão?

Câu 5. Kết thúc tác phẩm gợi cho anh/chị cảm xúc gì?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. ( 2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của hình ảnh người mẹ trong đoạn văn bản sau:

“… Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa”

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát, NXB Giáo dục, 2008)

Câu 2. ( 4,0 điểm)

Người ta thường nói: “ Nếu bạn mở bàn tay ra, giọt nắng sẽ ở trong lòng bàn tay bạn. Nếu bạn nắm lại, giọt nắng sẽ ra khỏi lòng tay

(Dẫn theo Nguyễn Quang Thiều- “Xin hãy mở bàn tay”- Chuyên đề mùa xuân 2023

Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về cách con người ứng xử với cái đẹp trong đời sống?

ĐÁP ÁN

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ nhất

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0.5
2 Những cảm xúc của hai anh em khi mưa bão về trong đêm:

– Khoan khoái được đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ngoài kia;

– Thương cảm cho người lữ khách trên đường xa vẫn vội vã trên đường vắng và những gia đình nghèo hàng xóm trong những mái nhà lá dột nát đang vội vã hứng nước mưa.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0.5
3 – Câu văn sử dụng biện pháp nhân hóa (cơn mưa “reo to”), so sánh (so sánh tiếng mưa và gió thổi với “một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần” ) (0,25 đ)

– Hiệu quả:

+ Làm nổi bật vẻ đẹp của cơn mưa, gió: mưa to, gió mát

+ Làm cho câu văn giàu hình ảnh, sinh động, đậm chất thơ;

+ Thể hiện sự khoan khoái, thích thú của các nhân vật trước một cơn mưa gió.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời 1 ý tương đương như đáp án 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1.0
4 – Tình cảm mà hai anh em dành cho người lữ khách trên đường và những nhà hàng xóm đang phải sống trong những mái nhà lá, phải chống trọi lại đêm mưa bão: Khi mưa bão về cùng với rét mướt đang nằm trong chăn ấm, được sự che chở của ngôi nhà, không phải lo gì đến mưa bão ngoài kia, chợt hai chú bé thầm thương người lữ khách tha phương có thể đang chịu đựng cái cảnh ướt như chuột lột, run như cầy sấy; thương xót cho những người hàng xóm kém may mắn hơn khi đang sống trong căn nhà lá nước mưa dột tứ tung

– Nhận xét: Tình yêu đối với những hoàn cảnh khó khăn của hai chú bé khiến người đọc cảm động. Đó là thứ tình cảm dịu dàng, ấm áp rất đáng trân trọng..

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1.0
5 – Truyện kết thúc bằng việc chị Hai đã nói cho hai anh em biết rằng tiếng kêu trong đêm không phải là tiếng chim mà chỉ là tiếng cây tre cọ vào nhau.

– Cách kết thúc ấy gợi cảm xúc:

+ Kết thúc vừa khiến ta bật cười lại vừa nhẹ lòng. Bởi cái ngây ngô đáng yêu của hai đứa trẻ khi nhận nhầm tiếng cây tre cọ vào nhau và tiếng chim kêu chiêm chiếp. Nhưng cũng nhờ vậy mà không còn phải lo lắng cho số phận của chú chim bé nhỏ trong tưởng tượng của hai đứa trẻ.

+ Kết thúc truyện nhẹ nhàng và đáng yêu như một món quà dành cho bạn đọc. Đó là một đặc điểm văn phong của Thạch Lam.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1.0
II   VIẾT 6,0
 

 

1 Viết đoạn văn nghị luận ( Khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của hình ảnh người mẹ trong đoạn văn bản sau: 2.0
a. Xác định được về hình thức, dung lượng của đoạn văn ( khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp; song hành hoặc móc xích. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình ảnh người mẹ 0.25
c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý: 

-Người mẹ vượt qua những khó khăn của cuộc đời để nuôi con khôn lớn. Người mẹ được tái hiện qua những lời hát ru, qua hình dáng nhỏ nhắn, qua mái tóc bạc ghi dấu thời gian, qua tấm lưng còng chịu nhiều sương gió. Những câu thơ như khắc ghi lại bóng dáng mẹ cao cả, suốt đời hi sinh cho người con của mình những điều tốt đẹp nhất.

-Hình ảnh người mẹ tần tảo, yêu thương con của mình vô bờ bến.

Qua từng lời thơ, tác giả tỏ lòng biết ơn đối với mẹ của mình, lòng biết ơn vô bờ bến.

0.5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: hình ảnh người mẹ

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0.5
e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
g. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0.25
2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

            Người ta thường nói: “ Nếu bạn mở bàn tay ra, giọt nắng sẽ ở trong lòng bàn tay bạn. Nếu bạn nắm lại, giọt nắng sẽ ra khỏi lòng tay”

(Dẫn theo Nguyễn Quang Thiều- “Xin hãy mở bàn tay”- Chuyên đề mùa xuân 2023

Viết bài văn nghị luận ( khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/ chị về cách con người ứng xử với cái đẹp trong đời sống?

4.0
a. Đảm bảo đúng kiểu bài văn nghị luận  xã hội 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: về cách con người ứng xử với cái đẹp trong đời sống 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận.

– Xác định được ý chính của bài viết.

– Xác định các ý theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu được  vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận.

                Triển khai vấn đề cần nghị luận:

*Giải thích:

Mở bàn tay – tượng trưng cho rộng mở, đón nhận của tâm hồn, suy nghĩ, tư duy mở, có tinh thần tự do;

Nắm bàn tay – tượng trưng cho ứng xử cưỡng chế, dùng quyền lực sức mạnh để trói buộc;

– Giọt nắng là biểu tượng của cái đẹp.

=> Câu nói thiết lập những giả định nhưng khẳng định và khái quát 2 cách ứng xử đối lập trong hành trình đi tìm kiếm và sở hữu cái đẹp: Đối với cái đẹp, cũng như những giá trị chân chính, tâm hồn con người càng rộng mở, tư duy càng tự do thì càng có khả năng chạm tới và sở hữu ngược lại càng nắm chặt, sử dụng quyền lực để kiềm toả, tư duy khép kín con người càng không bao giờ có thể nắm bắt được nó.

* Bày tỏ quan điểm của người viết:

– Cái đẹp là một trong những giá trị thẩm mỹ đặc biệt mà con người luôn khao khát chạm tới, hay nắm bắt, nhưng không ai, không quyền lực nào có quyền chiếm hữu làm của riêng mình.

– Càng kiểm toả, khống chế và tham vọng chiếm hữu, con người càng không sở hữu được cái đẹp. Sự ích kỉ hẹp hòi không bao giờ có thể chạm vào cái đẹp hay có thể nắm bắt trọn vẹn. Nếu sử dụng quyền lực chỉ có thể sở hữu được hình xác chứ không trói buộc được tinh thần, và nắm giữ được cái đẹp. (Ví dụ: Câu chuyện Hitle sở hữu kho báu cái đẹp)

– Ngược lại, con người chỉ có thể chạm vào cái đẹp, thậm chí sở hữu được nó khi con người có tấm lòng rộng mở, tư duy phóng khoáng, thấu hiểu cái đẹp trong tinh thần tự do. Tư duy mở, hay tinh thần tự do không chỉ tạo không gian cho cái đẹp hiện hữu, sinh tồn, nảy nở mà còn là cách để con người có thể mở rộng tầm đón ghi nhận, trân trọng và hưởng thụ được cái đẹp.

* Bàn mở rộng

– Lịch sử văn minh của loài người đã chứng minh, sức mạnh tự do của cái đẹp, không bạo chúa nào sở hữu được cái đẹp.

– Ngày hôm nay, cái đẹp có nhiều đất để hiện hữu và được thể hiện phong phú hơn nhưng đối với con người cái thực thể đầy giới hạn mà tham vọng chiếm hữu thì không cùng, thì hành trình tạo ra tự do cho cái đẹp, tự do trong đón nhận nó vẫn vô cùng khó khăn.

– Bài học ứng xử với cái đẹp.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân.

1.0-

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d.  Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ quan điểm của cá nhân nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
e. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết bài văn

0.25

 

g Sáng tạo: Bài viết có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

Tổng điểm 10.0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *