Đề tham khảo theo cấu trúc mới 2025 của Bộ -đề số 26

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

(Lược phần đầu: Toàn bộ câu chuyện xoay quanh hình tượng một người cậu bé được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, vất vả và khó khăn. Khi tất cả mọi người đang ra ngoài hóng gió thì nhân vật Ứng lại một mình chui lên chiếc mui bể mà một mình quan sát những ngôi sao lấp lánh ở khoảng không gian phía xa xăm. Ứng vô cùng tinh tế, một tâm hồn cũng tràn đầy thơ mộng khi ung dung ngắm sao, ngắm mọi người trong gia đình trò chuyện. Sự xuất hiện của nhân vật Thạ đã khiến cho câu chuyện tiếp diễn một cách tự nhiên, khi Ứng đang ngắm sao đột nhiên có tiếng mở cửa thì ra đó là Thạ đến chơi, Thạ ngỏ ý xin ngủ chung và được Ứng đồng ý, Thạ với Ứng tuy nằm cạnh nhau nhưng khoảng cách giữa hai người lại xa xôi vô cùng.)

Gió lạnh đã quét sạch oi ả và nồng nực đi, để lại một khí trời mát mẻ dễ chịu. Mưa lộp bộp lia mạnh xuống mái nhà. Rồi ngừng… rồi lại mưa… Tia chớp thoáng qua vạch rõ những khe cửa. Mưa gió đã làm cho tôi bớt căng thẳng với Thạ hơn. Một luồng gió rít mạnh, thổi bật cánh cửa sổ. Khí lạnh ùa vào, tràn lên da thịt sởn gai. Một khung sáng mờ mờ hình chữ thật có giọc đen hiện ra. Bên ngoài bóng mấy tàu chuối quằn quại đập vào nhau phành phạch. Tôi vội đóng cửa sổ lại, với thêm chiếc chiếu trên sà nhà xuống đắp cho ấm. Mưa gió vẫn sầm sập. Chúng tôi vẫn chưa ai ngủ được. Tự nhiên cái gì xích Thạ nằm ai gần thêm. Hắn nói qua tiếng thở dài:

– Đời em khổ lắm, anh Ứng ạ.

Tôi biết hắn có tâm sự gì muốn nói nên im lặng.

– U em lại bước đi bước nữa!

Tiếng hắn nói ngụ một nỗi gì vừa thống khổ, vừa hờn giận. Chợt tôi cũng thở dài một tiếng khe khẽ, như nén xuống nỗi dày vò của hắn: “Lại bước đi bước nữa”. Trời! thật là mỉa mai chua chát. Thì ra mẹ hắn đã đi bước nữa nhiều lần. Im lặng một lúc khá lâu, lại nghe hắn cất tiếng kể tiếp bằng một giọng đều đều não nuột:

– Em nói thật đời em. Anh đừng khinh em nhé. Anh ạ, mẹ em là cô đầu chính tông. Ông bà ngoại em sinh được bốn người con gái làm cô đầu cả bốn. Trước khi lấy thầy em, mẹ em đã tằng tịu với một ông Lục sự; đẻ được một người con trai. Được ít lâu ông Lục ấy phải đổi đi xa. Xem chừng ông ta cũng không giàu có gì. Mẹ em bỏ thẳng cánh. Thầy em lấy mẹ em về; nhà có vợ cả. Vốn là người đanh đá lại cậy thế thầy em chiều chuộng, mẹ em lấn quyền hành hạ các anh con mẹ già em khổ lắm. Đấy là thời kỳ sung sướng nhất trong đời em. Em đi học đến lớp ba thì thầy em mất. Sẵn có ít vốn riêng, mẹ em trở lại nghề cũ; mở nhà hát cô đầu. Được vài năm cảnh nhà sa sút dần. Em phải thôi học về nhà làm thằng nhỏ. Anh ạ…

Tiếng hắn bị ngắt nghẹn lại. Im lặng một lát, hắn thở dài buồn bã kể tiếp:

– Anh ạ, em không thể nào ở nhà trông thấy mẹ em bị ôm ấp trong cánh tay những người đàn ông khác. Thế rồi em trốn nhà đi, theo một ban hát đồng ấu. Ngót một năm trời, em vẫn chưa biết hát, chỉ sắm những vai quân kiếc xì xằng thôi. Rồi em bị đuổi vì đánh nhau với thằng kép chính. Không còn bám víu vào đâu mà sống được nữa, em đành phải trở về với mẹ em, làm thằng nhỏ nhà cô đầu vậy. Từ ngày thầy em mất đi, mẹ em cải giá lần này vừa đúng ba bận. Mấy lần trước, người thì có vợ cả ác nghiệt, người không đủ tiền “bao”, mẹ em bỏ cả. Lần này chắc cha mẹ em yên thân lắm. Mẹ em lấy một ông phán đã có tuổi ở Bắc Kạn, giàu có lại hóa vợ. Ông ta nhất định không cho mẹ em đem em theo. Vì ông kiêng không muốn rước cái nợ vào người. Anh ạ, mẹ em đi đã hơn hai tháng nay rồi. Không biết sao vẫn chưa gửi tiền về cho em. Quần áo, em phải bán đi để trả tiền ăn, chứ có phải mất trộm như em nói với anh ban chiều đâu. Nếu mẹ em không gửi tiền về, em không biết làm thế nào mà sống được.

Nói đến đấy hắn gục đầu vào ngực tôi khóc nức nở. Tôi không biết an ủi thế nào trong lúc người ta vô cùng đau khổ này. Ngoài nhà đồng hồ thong thả điểm hai tiếng. Tôi đưa tay lên nhè nhẹ vuốt tóc hắn.

Bằng một giọng rất âu yếm, tôi bảo:

– Thôi, khuya rồi, ngủ đi?

                                    (Trích truyện ngắn “Đứa con người cô đầu”- Kim Lân)

Chú thích:

Cô đầu: là một danh từ thuộc loại từ cũ, khẩu ngữ để chỉ những phụ nữ đi làm nghề hát ca trù ở Việt Nam

– Kim Lân (1920-2007) tên khai sinh Nguyễn Văn Tài. – Là cây bút chuyên viết truyện ngắn có sở trường viết về nông thôn và người nông dân.

– Có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật; văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn; ngôn ngữ sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và mang đậm màu sắc nông thôn; am hiểu và gắn bó sâu sắc về phong tục và đời sống làng quê Bắc Bộ.

– Truyện ngắn “Đứa con người cô đầu” của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm nổi bật trong văn học Việt Nam, nó khắc họa một cách tinh tế sự khó khăn, đau khổ và sự hy sinh của nhân vật chính Thạ. 

Câu 1: Vì sao nhân vật Thạ lại trốn nhà sau khi thầy mất?

Câu 2: Câu chuyện đã sử dụng những điểm nhìn trần thuật nào?

Câu 3: Theo anh/ chị, nhân vật tôi đã có thái độ thế nào khi nghe câu chuyện về cuộc đời của Thạ?

Câu 4: Qua nhan đề truyện và đoạn trích, anh/chị có suy nghĩ gì về cuộc đời của nhân vật Thạ?

Câu 5: Qua văn bản, anh/ chị rút ra được thông điệp nào có ý nghĩa nhất cho bản thân? Lí giải vì sao lại chọn thông điệp đó?

  1. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1: (2đ)

Hãy viết đoạn văn nghị luận (200 chữ) phân tích các hình ảnh được sử dụng trong văn bản sau:

       Cảnh rừng Việt Bắc

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay,

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.

Kháng chiến thành công ta trở lại,

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

( Hồ Chí Minh)

Câu 2: (4 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: Đường đời không chỉ có một lối đi

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Vì sao nhân vật Thạ lại trốn nhà sau khi thầy mất?

Hướng dẫn chấm:

Vì không thể nào ở nhà trông thấy mẹ em bị ôm ấp trong cánh tay những người đàn ông khác

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Câu chuyện đã sử dụng những điểm nhìn trần thuật nào?

Hướng dẫn chấm:

Điểm nhìn bên ngoài (nhân vật tôi) kết hợp với điểm nhìn bên trong (cảm xúc của nhân vật tôi khi nghe Thạ kể chuyện)

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời tương đương 1 ý như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Theo anh/ chị, nhân vật tôi đã có thái độ thế nào khi nghe câu chuyện về cuộc đời của Thạ?

Hướng dẫn chấm:

– Buồn cảm, xót thương cho cuộc đời của Thạ nhưng không biết phải làm gì để giúp đỡ

– An ủi, chia sẻ để Thạ vơi đi sự đau khổ trong lòng

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Qua nhan đề truyện và đoạn trích, anh/chị có suy nghĩ gì về cuộc đời của nhân vật Thạ?

 

Hướng dẫn chấm:

– Bị gán mác là con của người cô đầu, bị mọi người khinh khi, xa lánh

– Là người con cảm thấy tủi nhục khi chứng kiến mẹ mình ăn nằm với nhiều người đàn ông

– Là người con bị mẹ bỏ rơi vì cuộc sống giàu sang

– Phải sống cuộc đời nghèo khổ, rách rưới, bán hết quần áo, đồ dùng để sống qua ngày vì không được mẹ chu cấp

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Qua văn bản, anh/ chị rút ra được thông điệp nào có ý nghĩa nhất cho bản thân? Lí giải vì sao lại chọn thông điệp đó?

Hướng dẫn chấm:

HS có thể rút ra thông điệp ý nghĩa nhất và có lí giải hợp lí.

Gợi ý:

– Phải luôn tôn trọng người khác, không vì xuất thân mà coi thường, đánh giá thấp con người họ

– Luôn yêu thương, chia sẻ với sự đau khổ của người khác khi được chia sẻ

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Một số hình ảnh sử dụng trong bài thơ

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Một số hình ảnh sử dụng trong bài thơ:

+ Bức tranh thiên nhiên Việt Bắc hiện lên thật sống động nhộn nhịp, thơ mộng qua các hình ảnh: Vượn hót chim kêu, Non xanh, nước biếc

+ Cuộc sống con người cách mạng vô cùng giản dị, hòa mình cũng thiên nhiên qua các hình ảnh :  Ngô nếp nướng, thịt rừng quay, rượu ngọt, chè tươi

+ Hi vọng lạc quan về tương lai tươi sáng của con đường cách mạng dân tộc qua hình ảnh: kháng chiến thành công

+ Tình cảm gắn bó với vùng đất Việt Bắc: Trăng xưa, hạc cũ- tượng trưng cho cũng kỉ niệm ở quá khứ,  xuân này-mốc thời gian hiện tại khi đất nước đã độc lập

– Tác dụng của việc sử dụng các hình ảnh: Khắc họa chân thật bức tranh thiên nhiên vùng núi Việt Bắc và cuộc sống đơn sơ giản dị của con người cách mạng. Qua đó thấy được tinh thần lạc quan và tình cảm gắn bó không rời đối với vùng đất Việt Bắc

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: Đường đời không chỉ có một lối đi 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đường đời không chỉ có một lối đi 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

Giải thích vấn đề nghị luận:

+ Lời khẳng định ở chỗ: không chỉ có một lối đi; đã nhấn mạnh: có nhiều lối đi trên đường đời – con đường cuộc đời mỗi người. Cuộc đời nhiều ngã rẽ, nhiều nẻo đường; mỗi con đường dẫn đến  những mục tiêu khác nhau. Có con đường thẳng, phẳng phiu, có con đường chông gai, gồ ghề, trắc trở, gập ghềnh; có nhiều ngả đường dẫn đến đích; vấn đề lối đi nào ngắn nhất, thông minh nhất, đạt mục tiêu sớm nhất thì còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người.

→ Câu nói đặt ra vấn đề lựa chọn đường đi trên đường đời của con người.

– Thể hiện quan điểm của người viết, thể hiện theo một số gợi ý sau:  

+ Tại sao trên đường đời lại có nhiều lối đi? Bởi con đường là do con người tạo ra, người ta đi mãi thành đường. Con đường kết nối những điểm trong không gian, cũng là cái đích cần tới của con người. Tạo ra nhiều con đường cũng tức là tạo ra nhiều cách đi đến đích, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho con người.

+ Lựa chọn con đường đi nào tùy thuộc vào mỗi người: mục tiêu, ước mơ, khát vọng, ham muốn, hay bản lĩnh, ý chí của con người. Có người chọn đường đi trên đường đời đúng đắn, đi đến đích nhanh chóng dễ dàng? Có người lựa chọn sai con đường của mình dẫn đến những sai lầm đổ vỡ?

+ Vấn đề đặt ra: có nhiều con đường đi trên đường đời đến đích, vậy nên con người không nên bi quan chán nản mỗi khi vấp ngã trên đường đời. Có những lúc băn khoăn, chao đảo, đứng ở ngã ba cuộc đời nhiều lối rẽ, không biết đi con đường nào. Lúc ấy hãy tỉnh táo nhận ra con đường đi của riêng mình và quyết tâm dấn bước, đó là điều tiên quyết để lập thân lập nghiệp với mỗi người, nhất là người thanh niên. Và phải chọn được con đường của riêng mình, không nên dẫm lên vết chân người đi trước.

– Mở rộng, trao điểm với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác có cái nhìn toàn diện

– Phê phán những người hèn yếu, không biết chọn đường đi trên đường đời, hoặc chọn con đường sai lầm hại dân hại nước, hại nhà hại mình; hoặc bỏ cuộc, đầu hàng số phận.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

– Nhận thức được những ngã rẽ cuộc đời, con đường đúng đắn để đi.

– Quyết tâm thực hiện con đường mình đã lựa chọn, không bỏ dở con đường; có nghị lực bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại trên đường đời nhiều chông gai trắc trở; biết chống lại những cám dỗ trên đường đời, biết tránh những xấu xa trên con đường để đi đến đích.

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *