Đề tham khảo ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – Môn Ngữ Văn – Đề 2 ( Vợ chồng A Phủ)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 2

(Đề gồm có 02 trang)

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Ta đã qua bao phố phường tráng lệ
Paris ánh sáng hay London cổ kính
Lòng vẫn trôi về bến
Cội nguồn văng vẳng à ơi
Mái đình cong trăng khuyết
Triền sông mướt câu hò
Đường làng rơm thơm vào trí nhớ
Rặng tre già măng non ta

 

Về dòng thác người cuộn về muôn hướng
Chảy không nguôi dòng máu Lạc Hồng
Giấc mơ nào từng ôm ấp biển Đông?

 

Ta là ta ngàn Việt những dòng sông
Dẫu khúc khuỷu bờ dâu hay ghềnh xiết cũng
 
chảy về lòng biển…

(Trích Là Việt, Nguyễn Phan Quế Mai, Tập thơ Tổ quốc gọi tên mình,

NXB Phụ nữ, 2015, tr.14-15)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1.Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2.Trong đoạn trích, tác giả nhớ đến những gì của quê hương mình?

Câu 3.Anh/Chị hiểu thế nào về hai dòng thơ:

                              Về dòng thác người cuộn về muôn hướng

Chảy không nguôi dòng máu Lạc Hồng

Câu 4. Tác giả muốn gửi gắm điều gì qua đoạn trích trên? Điều đó có ý nghĩa gì đối với anh/chị?

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về một truyền thống đạo lí được gợi ra từ đoạn trích.

Câu 2.(5,0 điểm)

Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.6)

Cảm nhận số phận nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cái nhìn hiện thực về cuộc sống của người lao động nghèo miền núi trước Cách mạng của nhà văn Tô Hoài.

—————Hết ————–

 

 




SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 2

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐÁPÁN – THANG ĐIỂM

(Đáp án – Thang điểm gồm có 03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do 0,5
2 Tác giả nhớ đến: Cội nguồn văng vẳng à ơi, Mái đình cong trăng khuyết, Triền sông mướt câu hò, Đường làng rơm thơm vào trí nhớ, Rặng tre già măng non ta. 0,5
3 Ý nghĩa hai dòng thơ: Dù ai đi đâu trên khắp mọi nẻo đường thế giới thì vẫn luôn nhớ cội nguồn, vẫn nhớ mình mang dòng máu Việt (dòng máu Lạc Hồng), là người con đất Việt. 1,0
4 HS chọn một thông điệp bất kì trong đoạn trích cảm thấy có ý nghĩa với bản thân và đưa ra lí do thuyết phục vì sao nó có ý nghĩa với mình.

Có thể theo hướng sau:

– Điều tác giả gửi gắm qua đoạn trích có ý nghĩa: nhắc nhở mỗi người về nguồn cội quê hương.

– Điều đó có ý nghĩa như một lời nhắc nhở về cội nguồn. Điều mà đôi khi, vì một số lí do, tôi tạm quên.

1,0
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về một truyền thống đạo lí được gợi ra từ đoạn trích 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn nghị luận 200 chữ

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ về một truyền thống đạo lí gợi ra từ đoạn trích 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được một truyền thống đạo lí gợi ra từ đoạn trích và đưa ra các lí lẽ bảo vệ quan điểm. Có thể theo hướng sau:

– Đoạn trích gợi nhắc đến một truyền thống đạo lí của dân tộc: uống nước nhớ nguồn.

– Đó là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi người không quên đi nguồn cội của mình. Bởi không ai sinh ra trên cõi đời này mà không có quê hương, không thừa hưởng những những thành quả của thế hệ đi trước hay những người khác để lại…

– Phê phán những người sống vô ơn, vô tư hưởng thụ các thành quả như một điều hiển nhiên, không có thái độ trân trọng, biết ơn…

* Lưu ý:

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắcvề vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Cảm nhận số phận nhân vật Mị qua đoạn trích; nhận xét cái nhìn hiện thực vềcuộc sống của người lao động nghèo miền núi trước Cách mạng của nhà văn Tô Hoài 5,0
a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kếtbài khái quát được vấn đề. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận số phận nhân vật Mị qua đoạn trích; nhận xét cái nhìn hiện thực về cuộc sống của người lao động nghèo miền núi trước Cách mạng của nhà văn Tô Hoài. 0,5
c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:  
* Giới thiệu khái quát: tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận. 0,5
* Cảm nhận về số phận của nhân vật Mị qua đoạn trích

– Đoạn trích miêu tả phần đời thống khổ của Mị dưới sự bóc lột của chế độ phong kiến, địa chủ miền núi hà khắc: tê liệt tinh thần, mất sức phản kháng.

+ Mị quen dần với cuộc sống thống khổ, bị bóc lột về mặt thể xác lẫn tinh thần: không nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử, tưởng mình là kiếp trâu, ngựa, lao động quanh năm suốt tháng, sống lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

+ Tinh thần Mị tê liệt, mất hết ý thức về không gian, thời gian: Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.

– Đoạn văn miêu tả nhân vật qua những cử chỉ, hành động theo thói quen, không tập trung vào xây dựng những diễn biến nội tâm sâu sắc nhưng đã làm bật lên được số phận bất hạnh, thống khổ của Mị – một người lao động nghèo sống trong chế độ phong kiến miền núi hà khắc, tàn bạo, bất công…

1,5
* Nhận xét cái nhìn hiện thực về cuộc sống của người lao động nghèo miền núi trước Cách mạng của nhà văn Tô Hoài

– Hiên thực cuộc sống của người lao động nghèo miền núi trước Cách mạng với cuộc đời thống khổ, bị áp bức bởi thế lực cường quyền – dần mất ý thức về sự sống, ý thức, về hạnh phúc và tự do.

– Nhận xét:

+ Với tư cách là một tác phẩm hiện thực, đoạn trích đã phản ánh một cách tương đối chân thực cuộc sống của người lao động nghèo miền núi trước Cách mạng.

+ Đó là bức tranh đời sống chân thực nhất được người nghệ sĩ cải biến đưa vào trang văn của mình, từ đó phản ánh những sự thực ở đời đến người đọc.

1,0
* Đánh giá chung

– Qua số phận của nhân vật Mị, Tô Hoài đã lên án và tố cáo xã hội phong kiến cường quyền, thần quyền đã đàn áp, bóc lột người dân lao động đến cùng cực.

– Cái nhìn hiện thực khiến tác phẩm thêm sâu sắc, khắc họa rõ nét hơn cuộc đời khổ đau của vô số những mảnh đời nơi vùng núi Tây Bắc trước Cách mạng.

0,5
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắcvề vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
TỔNG ĐIỂM 10,0

 

————Hết———

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *