Đề tham khảo ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 – Môn Ngữ Văn – Đề 12 (Sóng Xuân Quỳnh)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 12

(Đề gồm có 02 trang)

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nhiều người trong chúng ta từ lâu đã quen đối phó với cuộc sống và hoàn cảnh thay vì tự mình hành động. Chúng ta để thái độ của người khác chi phối cảm nhận của mình về bản thân. Để có thể lựa chọn hành động một cách tỉnh táo thay vì đối phó, chúng ta cần có sự suy nghĩ chín chắn. Sẵn sàng chịu trách nhiệm về bản thân, cam kết giữ vững lập trường thay vì phụ thuộc vào ý kiến của người khác là điều góp phần thiết lập nên cái nhìn tổng quát về bản chất của mỗi cá nhân. Đối với nhiều người, có lẽ đây là một bước tiến vĩ đại.

Khi quyết định chịu trách nhiệm về bản thân và cố gắng kiểm soát mọi hành động, cảm xúc cho phù hợp với từng hoàn cảnh, chúng ta đã tạo tiền đề cho việc hình thành những mối quan hệ tốt đẹp. Nhiều người sẽ tỏ ra không thích sự “độc lập” mà chúng ta lựa chọn, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn khả năng kiểm soát được hành động của chúng ta nữa. Việc giải phóng bản thân khỏi sự kiểm soát của người khác sẽ có lợi cho cả hai bên. Mỗi lần áp dụng cách cư xử mới này, bạn sẽ cảm nhận được nguồn sức mạnh tiềm ẩn mà bạn chưa từng biết mình đang sở hữu.

Hành động thay vì đối phó không chỉ hữu ích trong những cuộc chạm trán gay go. Và việc tự giác chịu trách nhiệm về hành vi của mình là một yêu cầu vô cùng quan trọng.

(Theo Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay, Karen Casey,

NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr.72)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy cho biết điều góp phần thiết lập nên cái nhìn tổng quát về bản chất của mỗi cá nhân là gì?

Câu 2. Theo tác giả, tại sao: Nhiều người sẽ tỏ ra không thích “sự độc lập” mà chúng ta lựa chọn?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Việc giải phóng bản than khỏi sự kiểm soát của người khác sẽ có lợi cho cả hai bên?

Câu 4. Bài học có ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra cho bản thân từ việc đọc đoạn trích trên?

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết của việc tự chịu trách nhiệm về hành vi đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Con sóng dưới lòng sâu 

Con sóng trên mặt nước 

Ôi con sóng nhớ bờ  

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức 

 

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

 

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở 

 

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.155-156)

Anh/Chị hãy cảm nhận đoạn thơ trên để thấy được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
.…….……HẾT….………

 

 

 




SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

ĐỀ SỐ 12

ĐỀ THAM KHẢO ÔN THI TỐT NGHIỆP

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM

(Đáp án – Thang điểm gồm có 04 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 Điều góp phần thiết lập nên cái nhìn tổng quát về bản chất của mỗi cá nhân: Sẵn sàng chịu trách nhiệm về bản thân, cam kết giữ vững lập trường thay vì phụ thuộc vào ý kiến của người khác. 0,5
2 Theo tác giả: Nhiều người sẽ tỏ ra không thích “sự độc lập” mà chúng ta lựa chọn vì điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn kiểm soát được hành động của chúng ta. 0,5
3 Có thể hiểu về ý kiến: Việc giải phóng bản thân khỏi sự kiểm soát của người khác có lợi cho cả hai bên như sau:

– Với người bị kiểm soát: việc giải phóng bản thân ra khỏi sự kiểm soát của người khác sẽ khiến họ cảm thấy tự lập tốt hơn, có sự tự chủ, tự tin; phát huy được ưu thế của bản thân.

– Với người kiểm soát: học được cách tôn trọng người khác, từ đó có những mối quan hệ bình đẳng, hài hòa …

1,0
4 Học sinh có thể rút ra những bài học khác nhau, chẳng hạn: con người cần phải có sự tự chủ và độc lập trong mọi quyết định, hành động của mình. Đồng thời chúng ta cần tự chịu trách nhiệm với mọi thứ mình làm. Có như vậy, chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc, mới có thể thành công bằng chính công sức của mình. Hơn nữa, chúng ta không thể mãi cứ phụ thuộc vào những người xung quanh hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chúng ta sẽ mãi chẳng thể trưởng thành nếu cứ làm như vậy vì cuộc đời của chúng ta phải do chính chúng ta làm chủ chứ chẳng phải là một ai khác. 1,0
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc tự chịu trách nhiệm về hành vi đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn nghị luận 200 chữ

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của việc tự chịu trách nhiệm về hành vi đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được ý nghĩa về sự cần thiết của việc tự chịu trách nhiệm về hành vi đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống và đưa ra các lí lẽ bảo vệ quan điểm. Có thể theo hướng sau:

– Việc tự giác chịu trách nhiệm về hành vi là một biểu hiện của lòng tự trọng, khiến con người trưởng thành, ngày một hoàn thiện hơn, không dựa dẫm vào người khác …

– Việc tự giác chịu trách nhiệm về hành vi của mỗi người là cần thiết để cải thiện các mối quan hệ, giúp xã hội phát triển …

– Để có được sự thành công trong cuộc sống, mỗi người cần phải biết tự giác chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

1,0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,25
2 Cảm nhận đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.        0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận được hình tượng sóng được ẩn dụ hóa để nhà thơ bộc lộ các trạng thái cảm xúc, tình cảm trong tình yêu: Nỗi nhớ, lòng thủy chung, niềm tin mãnh liệt … và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:  
* Giới thiệu khái quát:

– Xuân Quỳnh là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại, là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ.

– Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.

– Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

– Đoạn thơ trên không chỉ cho ta thấy những cung bậc cảm xúc trong tình yêu qua thế giới cảm nhận của tác giả mà còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

0,5
* Cảm nhận về đoạn thơ

– Nỗi nhớ da diết, cháy bỏng trong tình yêu:

+ Khổ 5 đọng lại một chữ nhớ. Nỗi nhớ gắn với không gian dưới lòng sâu, trên mặt nước, với bờ; nó bao trùm cả thời gian ngày đêm không ngủ được, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức. Một tiếng nhớ mà nói được nhiều điều. Em đã hoá thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.

+ Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.

– Sự thủy chung son sắt trong tình yêu (khổ 6):

+ Các danh từ chỉ hướng “Bắc – Nam” đã gợi ra sự xa cách. Cách nói ngược xuôi Bắc, ngược Nam dường như đã hàm chứa trong nó những éo le, diễn tả những thường biến của cuộc đời.

+ Đối lập lại với cái thường biến ấy là sự bất biến Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương. Với cô gái đang yêu, dường như không còn khái niệm phương hướng địa lý mà chỉ còn một phương duy nhất phương anh.

=> Tiếng lòng thủy chung son sắt, khẳng định tình yêu bất biến, trường tồn với thời gian.

– Niềm tin vào tình yêu và cuộc đời (khổ 7):

+ Xuân Quỳnh đã soi chiếu vào sóng để tìm ra sự tương đồng giữa lòng em và sóng.

+ Cặp hình ảnh ẩn dụ sóng – bờ ở đây được sử dụng rất mới mẻ dù đã được nói đến nhiều trong ca dao, thơ cũ. Nếu trong ca dao, sóng/ thuyền/đò là ẩn dụ cho người con trai, bờ/bến ẩn dụ cho người con gái; thì ở đây “sóng” lại là hình ảnh của người con gái, “bờ” là niềm hạnh phúc sum vầy

+ Cách nói đối lập và đảo cấu trúc Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở thay vì Dù muôn vời cách trở/ Con nào chẳng tới bờ khiến câu thơ như một tiếng dặn lòng: luôn phải vượt lên, đứng trên những khó khăn, trắc trở để gìn giữ hạnh phúc của mình.

+ Sự chủ động đầy mạnh mẽ của người con gái khi yêu.

* Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu

– Nỗi nhớ vô biên, tuyệt đích của một tình yêu chân thành, mãnh liệt.

– Luôn luôn thủy chung trong tình yêu.

– Dù trải qua nhiều đắng cay, đổ vỡ trong tình yêu, nhưng người phụ nữ ấy vẫn hồn nhiên, tha thiết yêu đời, vẫn ấp ủ hi vọng và niềm tin vào hạnh phúc tương lai.

2,0
* Đánh giá nghệ thuật

Bằng ngôn ngữ tinh tế, gợi cảm; thể thơ 5 chữ cô đọng, hàm súc; âm điệu nhịp nhàng, dào dạt như những cơn sóng biển; hình ảnh thơ mộc mạc, giàu ẩn dụ, nhân hóa tài hoa

0,5
* Đánh giá chung về đoạn thơ, bài thơ

– Qua hình tượng song với nhiều trạng thái phức tạp, những cung bậc tình cảm của người phụ nữ đang yêu được thể hiện sinh động và cụ thể. Đồng thời qua đó ta cũng thấy một tình yêu chân thành, nồng nàn, mãnh liệt, chung thủy, đầy nữ tính và nhân văn.

– Bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ độc giả.

0,5
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

 Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

0,5
TỔNG ĐIỂM 10,0

 

————Hết———

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *