Đề tham khảo kì thi THPT Quốc gia 2019 môn văn ,đề 7

 
(Đề kiểm tra có 01 trang)
 
ĐỀ THI THAM KHẢO
KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
(không tính thời gian phát đề)
 
 
 

I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu
 
hạnh phúc bình thường và giản dị lắm
là tiếng xe về mỗi chiều của bố
cả nhà quây quần trong căn phòng nhỏ
chị xới cơm đầy bắt phản ăn no
 
hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho
là ngọn đèn soi tương lai em sáng
là điểm mười mỗi khi lên bảng
là ánh mắt một người  lạ như quen
 
hạnh phúc là khi mình có một cái tên
vậy đừng nói cuộc đời tẻ nhạt nhé em
tuổi mười tám còn khờ khạo lắm
đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm
hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường
( Trích “Hạnh Phúc” của Thanh Huyền)
Câu 1: Chỉ ra phong cách ngôn ngữ và thể loại của văn bản trên (1.0 điểm)
Câu 2: Xác định 2 biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó? (1.0 điểm)
Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về hai câu thơ sau (1.0 điểm)
“đừng tô vẽ một chân trời xa toàn màu hồng thắm
hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường”
Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung văn bản  phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan niệm của anh/ chị về hạnh phúc.
Câu 2: NLVH ( 5.0 điểm)
Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao trước khi đâm chết Bá Kiến và tự kết thúc đời mình đã nói:  “Ai cho tao lương thiện?”
Nhân vật Trương ba trong tác phẩm “Hồn Trương Ba da hàng thịt” khi gặp Đế Thích đòi trả lại xác cho anh hàng thịt thì nói: “Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn.”
Hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hai câu nói trên.
(Giám thị không giải thích gì thêm)
 
Họ và tên thí sinh………………………Số báo danh………… .. Phòng thi…………….
 
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH THUẬN    KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 
TRƯỜNG THPT NGUYỄN VĂN TRỖI                        MÔN: NGỮ VĂN
THỜI GIAN: 120 PHÚT
 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THAM KHẢO
ĐÁP ÁN, BIỂU ĐIỂM

  1. Yêu cầu chung
  2. Về kỹ năng

Tạo lập văn bản có bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, ít mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

  1. Về nội dung

– Phần đọc hiểu:  Trả lời chính xác từng nội dung ở mỗi câu hỏi
– Phần làm văn( cả hai câu): học sinh có thể trình bày theo nhiều cách sáng tạo khác nhau nhưng phải đạt được những kiến thức cơ bản ở phần yêu cầu cụ thể.

  1. Yêu cầu cụ thể
  2. Phần Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1:
– Điểm 0.5: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
– Điểm 0.5: Thể thơ tự do
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2:
– Điểm 0.5:  Liệt kê, điệp cấu trúc câu
– Điểm 0.25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp trên.
– Điểm 0.5: Làm cho bài thơ thêm hấp dẫn, sinh động; thể hiện quan niệm về hạnh phúc – chính là những gì gần gũi, thân thương nhất trong đời sống của mỗi người.
– Điểm 0.25: Trả lời đúng 1 trong 2 ýtrên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoàn toàn
Câu 3:
– Điểm 1.0: Đừng cố gắng tìm hạnh phúc ở đâu xa; hạnh phúc vẹn nguyên ở ngay chính cuộc sống đời thường, cần trân trọng.
– Điểm 0.5: Trả lời được ½ ý trên
– Điểm 0.25: Có ý song diễn đạt còn chung chung.
– Điểm 0: Trả lời sai hoàn toàn hặc không trả lời
(Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách, nhưng tỏ ra hiểu vấn đề, GV cân nhắc cho điểm hợp lí).

  1. Làm văn (7.0 điểm)
  2. Câu 1 (2.0 điểm) Về kiến thức và kỹ năng, yêu cầu phải đạt được những chuẩn sau trong quá trình tạo lập văn bản

1.1: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0.25 điểm)
– Điểm 0.25: Trình bày đầy đủ các phần mở đọan, thân đoạn và kết đoạn. Phần mở đoạn nêu được vấn đề nghị luận, phần thân đoạn biết làm sáng tỏ vấn đề, phần kết đọan khái quát được vấn  đề.
– Điểm 0: Không đáp ứng được yêu cầu trên
1.2: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận(0.25 điểm).
– Điểm 0.25: Giải thích hạnh phúc là gì? (Là trạng thái cảm xúc của con người khi con người thỏa mãn về một điều gì đó, hạnh phúc mang lại cho con người niềm vui).
– Điểm 0: Không đáp ứng được yêu cầu trên.
1.3: Bày tỏ quan niệm về hạnh phúc (1.0 điểm).
– Biểu hiện của hạnh phúc
+  Hạnh phúc xuất phát từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống đời thường: gia đình đầm ấm, hi vọng ở tương lai…
+ Là sự quan tâm, thương yêu, lo lắng của những người trong gia đình.
+ Hạnh phúc là những điều rất đỗi bình thường nhưng nó mang đến cho mỗi người sự ấm áp, yêu thương trong lòng.
– Bàn bạc, mở rộng
+ Hiểu ý nghĩa của hạnh phúc trong cuộc đời mỗi người
+ Phê phán những người không biết trân trọng hạnh phúc, trân trọng những gì mình đang có.
– Bài học nhận thức
+ Trân trọng hạnh phúc, đừng quá mơ mộng về những điều xa vời.
+ Cần sống biết yêu thương, sẻ chia những điều giản dị nhất.
1.4: Sáng tạo (0.25 điểm)
– Điểm 0.25: Bài viết thể hiện được cách suy nghĩ, nhìn nhận đánh giá vấn đề có chính kiến riêng một cách hợp lí.
– Điểm 0: Bài viết chung chung, mơ hồ, không nêu được chính kiến.
1.5: Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm).
– Điểm 0.25: Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
– Điểm 0: Mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt không rõ ý.

  1. Câu 2 (5.0 điểm)

2.1: Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận(0.5 điểm)
– Điểm 0.5: Trình bày đủ 3 phần mở bài, thân bài và kết bài. Mở bài dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài tổ chức nhiều đọan văn và giữa các đọan có liên kết chặt chẽ. Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được cảm nhận của cá nhân.
– Điểm 0.25: Trình bày đủ 3 phần nhưng chưa thể hiện đầy đủ yêu cầu như trên. Thân bài triển khai luận điểm chưa rõ rang
– Điểm 0: Thiếu mở bài  hoặc kết bài, hoặc cả bài viết chỉ có một đoạn.
2.2: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.(0.5 điểm)
– Điểm 0.5: Suy nghĩ về hai câu nói của 2 nhân vật: Chí Phèo và Trương Ba
– Điểm 0.25: Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề hoặc lạc sang vấn đề khác
2.3: Suy nghĩ về hai câu nói của hai nhân vật Chí Phèo và Trương Ba
( 3.0 điểm).
Đảm bảo các ý sau
* Khái quát về tác giả, nội dung 2 tác phẩm, vị trí, ý nghĩa câu nói của hai nhân vật.
* Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
– Nội dung
+ Cuộc đời của nhân vật với quá trình tha hóa. Từ một người nông dân lương thiện, Chí Phèo bị giai cấp thống trị chà đạp, đầy đọa thành một kẻ lưu manh hóa.
+ Cuộc gặp gỡ giữa Chí và Thị, tình yêu thương mộc mạc chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần người trong con người Chí.
+ Chí khao khát được trở về làm người .
+ Niềm mong ước không thành hiện thực, Chí bị cự tuyệt.
+ Chí giết chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình.
– Câu nói của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?” là một câu hỏi đau đớn, nhức nhối. Đó chính là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
* Tác phẩm “Hồn Trươg Ba da hàng thịt”
– Nội dung: Bi kịch về cuộc đời của nhân vật Trương Ba
+ Do sự tắc trách của Nam Tào – Bắc Đẩu, Trương Ba bị chết nhầm.
+ Để sửa sai, Đế Thích cho hồn Trương Ba sống nhờ trong xác của anh hàng thịt.
+ Xung đột và mâu thuẫn giữa hồn và xác, giữa ham muốn tầm thường và nhân cách trong sạch, cao khiết -> Hồn Trương Ba rơi vào bi kịch.
+ Để chấm dứt bi kịch Trương Ba quyết định gặp Đế Thích trả lại thân xác cho hàng thịt, chấp nhận cái chết.
– Câu nói của Trương Ba: “Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn.” thể hiện rõ khát vọng được sống là chính mình. Câu nói ấy thể hiện rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
* Suy nghĩ về hai câu nói
– Sự tương đồng
+ Cùng là nỗi đau bị chối bỏ, cùng là những nhận thức tỉnh táo trước khi từ giã cõi đời.
+ Khát vọng sống, ý thức về nhân cách và phẩm chất của mình.
-> Quan niệm sống: Sự sống của con người quý giá, đáng trân trọng nhưng chỉ thực sự đáng quý khi con người sống trọn vẹn là mình,  được mọi người tôn trọng, yêu thương.
– Sự khác biệt
+ Câu nói của Chí Phèo
. Tố cáo xã hội đã chà đạp quyền sống của con người, cướp đi nhân hình và nhân tính.
. Con người muốn giữ tâm hồn trong sạch và lương thiện thì phải đổi cả mạng sống
+ Câu nói của nhân vật Trương Ba
· Thể hiện một quyết định dứt khoát thanh thản; khẳng định lòng dũng cảm, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng chính mình của nhân vật.
. Đó là lí trí và bản năng; tâm hồn và thể xác, nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất…
. Hồn Trương Ba không chấp nhận bị tha hóa, bị lấn át bởi sự phàm tục nên đã lựa chọn giải thoát không tồn tại trong cuộc đời thực nhưng được là mình, được sống trong tâm trí người thân.
. Câu nói thể hiện tính nhân văn của tác phẩm.
* Lý giải nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt
– Do hoàn cảnh sáng tác và những chi phối của đời sống xã hội, văn hóa…
+ Nam Cao là nhà văn hiện thực
+ Sáng tác của Nam Cao tập trung khai thác con người ở bên trong con người, con người ý thức, con người trong mối quan hệ với hoàn cảnh.
+ Kịch của Lưu Quang Vũ mang tính thời sự ở chỗ đặt ra vấn đề con người cá nhân cần được quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần
+ Con người cần được sống là mình, không giả tạo, chắp vá, vay mượn.
+ Lưu Quang Vũ muôn gửi gắm thông điệp: con người phải biết đấu tranh với hoàn cảnh, đấu tranh với chính bản thân để hoàn thiện.
– Do đặc trưng thể loại của mỗi tác phẩm
+ “Chí Phèo” là truyện ngắn thuộc khuynh hướng hiện thực.
. Nhân vật Chí Phèo là nhân vật trong tác phẩm tự sự, nhà văn xây dựng nhân vật thông qua mối quan hệ với các nhân vật khác.
.Câu nói “Ai cho tao lương thiện?  tạo ấn tượng sâu sắc về tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
+ “Hồn Trương Ba da hàng thịt” thuộc thể chính kịch
. Nhân vật Trương Ba là nhân vật kịch, được khắc họa tâm lý, tính cách thông qua hành động, ngôn ngữ.
. Câu nói của Trương Ba: “Không thể bên trong một, đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” thể hiện khát vọng được sống là mình với những giá trị tốt đẹp.
– Do quy luật của sáng tạo nghệ thuật: Mỗi tác phẩm là sự độc đáo về phong cách nghệ thuật.
– Điểm 3: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.
– Điểm 2.0: Đáp ứng được ¾ số ý trên.
– Điểm 1.5: Đáp ứng được ½ số ý trên.
– Điểm 1.0: Bài làm còn chung chung, không rõ ý
– Điểm 0: Không đáp ứng được các yêu cầu trên.

  1. Sáng tạo (0.5 điểm)
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm).

 

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *