HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 11 NĂM 2019 Thời gian làm bài: 180 phút ( Đề thi gồm 01 trang) |
Câu 1. (8 điểm)
“ Quả trứng nếu vỡ từ bên ngoài là thức ăn, vỡ từ bên trong là sinh mệnh”
Hình ảnh quả trứng trong câu nói trên gợi cho anh ( chị) những suy nghĩ gì ?
Câu 2. ( 12 điểm)
“Sáng tạo là một quá trình kép: nhà văn vừa sáng tạo ra thế giới vừa kiến tạo gương mặt mình”. ( Tôn-xtôi)
Bằng những hiểu biết của mình về một số tác giả trong chương trình Ngữ văn 11, anh( chị) hãy bình luận ý kiến trên
HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH Câu 1 |
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 11 NĂM 2019 |
- Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách vận dụng kĩ năng làm bài nghị luận xã hội: từ một hiện tượng, sự vật nghĩ về những vấn đề nhân sinh để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục rõ ràng, các luận điểm, luận cứ xác đáng, vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ…, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
1.Nêu vấn đề nghị luận: Hình ảnh quả trứng gà mang đến những nghĩ suy về cuộc sống con người : kết thúc bởi tác động từ bên ngoài hay bắt đầu bằng nội lực bên trong?
- Giải thích:
– Vỡ là không còn nguyên vẹn trạng thái ban đầu, không còn nguyên khối mà tách ra từng mảnh do tác động của lực
– Vỡ từ bên ngoài: do sự tác động của ngoại cảnh, quả trứng bị động hứng chịu lực từ bên ngoài nên vỡ ra
-> gợi sự kết thúc, khép lại
– Vỡ từ bên trong: do sức mạnh của nội lực, quả trứng có cả một quá trình ấp iu để nở thành con gà, tâm thế chủ động.
– Thức ăn: trứng được nhào nặn, chế biến bởi bàn tay người khác, bị lệ thuộc
– Sinh mệnh: là sự sống, sinh thể sống dần trưởng thành độc lập mà không chịu tác động của ngoại lực
-> gợi sự bắt đầu, sự hình thành và phát triển
-> Ý cả câu: quả trứng mỏng manh nếu để bị đập vỡ từ bên ngoài thì đó là dấu chấm hết, là cái chết và sự lụi tàn, nhưng nếu đập vỡ từ bên trong thì đó là sự sinh thành, là đón chào một sinh mệnh mới. Hình ảnh quả trứng gợi nghĩ về sức mạnh nội lực và nỗ lực để trưởng thành của con người khi không lệ thuộc vào tác động bên ngoài
- Bàn luận:
– Tại sao vỡ từ bên ngoài lại là sự kết thúc: bởi cuộc sống luôn chứa đầy khó khăn, thử thách, nếu con người hoàn toàn bị động, không chống đỡ trước tác động và sự tấn công của ngoại cảnh thì sẽ dễ bị đánh bại, gục ngã. Khi con người không chủ động nắm giữ sinh mệnh của mình, không làm chủ cuộc sống, số phận của mình, hoàn toàn lệ thuộc vào người khác, phó mặc cho hoàn cảnh thì đó là sự kết thúc nhanh chóng và đáng tiếc.
-> Nếu bạn đợi người khác đập vỡ mình từ bên ngoài vậy thì bạn sẽ trở thành thức ăn của người khác.
– Tại sao vỡ từ bên trong lại là sinh mệnh, là sự sống bắt đầu và dần trưởng thành:
+Nếu tác động bên ngoài là áp lực thì tác động bên trong là nghị lực phi thường. Nếu tự mình bật phá sẽ thấy bản thân là một sinh mệnh diệu kỳ. Nếu nỗ lực từng bước để tồn tại độc lập và kiên cường, mặc những áp lực bên ngoài, phát huy hết nội lực để trưởng thành, bạn sẽ tạo nên những điều kỳ diệu, những giá trị lớn lao.
+Nuôi dưỡng nghị lực sống để đương đầu với hoàn cảnh, ta sẽ biến áp lực thành động lực để vươn lên. Tự vỡ ra nghĩa là tự bứt lên để khai sinh những điều mới mẻ, vượt lên chính mình.
– Tuy nhiên không chịu tác động của ngoại cảnh không có nghĩa là con người sống hẹp hòi chỉ biết đến mình. Phải mở rộng lòng ra để đón nhận quan điểm, biết lắng nghe, mở rộng tấm lòng, biết cảm thông, sẻ chia. Thử thách, khó khăn và áp lực đôi khi lại tạo ra cơ hội để ta khẳng định bản lĩnh, giá trị bản thân. Mặt khác, nếu muốn giúp đỡ, tác động đến người khác cũng cần cân nhắc cho phù hợp, nếu không sẽ phản tác dụng
4.Bài học trong nhận thức và hành động
– Tồn tại và trưởng thành là cả một quá trình, con người cần vươn lên trong mọi hoàn cảnh, thông minh nhanh nhạy xử lý khéo léo tình huống, biến khó khăn thành cơ hội.
– Để “ vỡ” từ bên trong thì ta phải kiên nhẫn, kiên định, thậm chí phải chấp nhận những mất mát, những thiệt thòi để không ngừng vươn lên. Nhưng để có được sự chủ động, ta phải có nhiều nghị lực, rèn nhiều kỹ năng…
III. Cách cho điểm:
7 – 8 điểm: Đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, diễn đạt có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ.
5 – 6 điểm: Đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu ; nghị luận tương đối có sức thuyết phục, không có sai sót lớn về diễn đạt.
3 – 4 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề; biết cách làm bài nghị luận xã hội, tuy vậy bài viết còn sơ sài về nội dung hoặc mắc nhiều lỗi.
1 – 2 điểm: Chưa hiểu rõ vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc quá nhiều lỗi
0 điểm: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết bài
Câu 2. (12,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết cách làm bài bình luận ý kiến về một vấn đề lí luận văn học. Bài viết phải vừa có sắc thái lý luận, vừa thể hiện rõ những cảm nhận tinh tế về tác giả, tác phẩm
– Biết xác định đúng luận đề, luận điểm sáng rõ, lập luận chặt chẽ, kết cấu rõ ràng.
– Diễn đạt mạch lạc, trong sáng, giàu chất văn.
– Hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải thể hiện khả năng vận dụng kiến thức lý luận văn học và cảm thụ một số tác phẩm trong chương trình lớp 11, tổng hợp các thao tác của bài nghị luận để bày tỏ ý kiến của mình, tránh sa vào phân tích thuần túy tác phẩm
- Giải thích (2 điểm)
– Sáng tạo ra thế giới: cách nhìn, cách cảm nhận riêng của nhà văn với những khám phá, phát hiện, khơi dậy những điều mới mẻ, tiềm ẩn trong hiện thực đời sống.
– Kiến tạo gương mặt mình: tạo ra nét khác biệt, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ( gương mặt riêng, giọng nói của riêng mình)
-> Câu nói nhấn mạnh bản chất của sáng tạo nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ: nhà văn vừa tìm tòi, sáng tạo cái mới, cái chưa từng có trong phản ánh hiện thực, vừa tạo nên phong cách nghệ thuật của riêng mình
- Bàn luận và chứng minh ( 8 điểm)
* Bàn luận
– Sáng tạo ra thế giới: Văn học phản ánh hiện thực đời sống nhưng không phản ánh đơn thuần, không sao chép nguyên bản “ những điều trông thấy” mà còn thể hiện tình cảm của anh trước cuộc đời. Vì thế giới nghệ thuật gắn liền với hoạt động nhận thức, tư tưởng, từ ấn tượng tới cảm xúc. Người nghệ sĩ quan sát rồi ghi lại dấu ấn chủ quan, nhào nặn, tái tạo hiện thực theo quy luật của cái đẹp, in dấu xúc cảm thẩm mỹ của anh.
– Kiến tạo gương mặt mình: Nhà văn phản ánh hiện thực bằng cái nhìn và cách thức riêng, tạo cho mình dấu ấn không thể trộn lẫn- phong cách độc đáo. Văn chương là bản ngã, là cái tôi, là tài năng và tâm hồn người cầm bút.
– Quá trình kép: hai hoạt động song song, không tách rời, bổ sung, nâng đỡ nhau: khi tạo ra thế giới mới mẻ từ cách nhìn cách cảm của mình thì đồng thời nhà văn cũng thể hiện rõ cá tính sáng tạo. Chính phong cách độc đáo của tác giả khiến cho “ thế giới mới vừa được tạo lập” trở nên cuốn hút đặc biệt.
* Chứng minh:
– HS chọn dẫn chứng tiêu biểu từ một đến một vài tác giả và tác phẩm trong chương trình ngữ văn 11, làm nổi bật thế giới nhà văn sáng tạo ra và gương mặt mỗi tác giả, chỉ rõ quá trình kép thể hiện như thế nào trong tác phẩm
- Đánh giá, mở rộng vấn đề ( 2 điểm)
– Ý kiến của Tôn-xtôi rất xác đáng, hữu ích đối với cả người cầm bút và người thưởng thức văn chương. Nhà văn cần có ý thức sâu sắc về sứ mệnh của mình, đồng thời có đủ tâm, tài, bản lĩnh và khát vọng trên con đường sáng tạo.
III. Cách cho điểm:
– Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu . Diễn đạt giàu chất văn, lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục, phân tích sâu sắc. Khuyến khích các bài văn có tính sáng tạo
– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc liệt kê dẫn chứng đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 1-3: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề, chủ yếu thuật kể dẫn chứng. Diễn đạt và kĩ năng viết văn nghị luận yếu.
– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
———-Hết———-
Người soạn đáp án: Lê Nga