Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 chuyên Trần Phú

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN TRẦN PHÚ

ĐỀ ĐỀ XUẤT

 
 
 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XII
MÔN NGỮ VĂNKHỐI 11
Thời gian làm bài: 180 phút
 (Đề này có 02 câu; gồm 01 trang)

Câu 1 (8 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau:
Một người không biết nói cho người khác nghe, và không biết lắng nghe người khác, càng học nhiều càng biết rộng thì càng trở nên vô dụng.
 
Câu 2 (12 điểm)
Từ nhận xét về văn Thạch Lam, Phan Huy Dũng viết:
… Nghệ thuật chính là một sự chế ngự chất liệu, vật liệu thông qua những phương thức, phương tiện diễn tả đặc thù.
(Theo Nguyễn Thành Thi, Thạch Lam – văn và người,
NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2001, trang 91)
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy liên hệ với Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao để làm sáng tỏ vấn đề.
 
————– HẾT ————-
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn: Ngữ văn (Khối 11)
(Hướng dẫn chấm gồm 07 trang)

Câu Nội dung Điểm
 
Câu 1
 
 
 
I. Về kĩ năng:
– HS biết cách làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý. Biết vận dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận… Đưa ra được ý kiến riêng khi giải quyết vấn đề.
– Bài viết có bố cục mạch lạc, hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, dẫn chứng phong phú thuyết phục.
– Bài viết có chất văn, trình bày sạch sẽ, khoa học.
 
II. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng luận điểm phải rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng hợp lí. Khuyến khích bài làm sáng tạo. Cần làm rõ được các ý chính sau:  
1. Giải thích
Một người không biết nói cho người khác nghe tức là kĩ năng giao tiếp kém, không có khả năng thuyết phục người khác bằng lời nói.
không biết lắng nghe người khác là không chịu nghe, hoặc không tiếp thu lời nói, ý kiến của người khác.
học nhiều biết rộng là tầm hiểu biết, những tri thức rộng rãi, phong phú.
à Ý kiến được diễn đạt dưới hình thức phủ định nhằm mục đích khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nói – nghe và học của con người trong cuộc sống, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của nói và nghe sẽ giúp cho việc học rộng biết nhiều trở nên hữu dụng.
 
 
 
2,0
 
 
 
 
 
 
2. Bình luận
– Học và biết là sự tích lũy tri thức, hiểu biết của con người. Nói cho người khác nghe, nghe người khác nói là sự giao tiếp, tương tác của con người trong cuộc sống. Đây là hai nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của con người.
Học rộng biết nhiềukhông biết nói cho người khác nghe thì vốn tri thức hiểu biết cũng trở nên vô dụng, vì:
+ Kĩ năng giao tiếp kém, khả năng nói và thuyết phục người khác hạn chế, sẽ không thể hiện, khẳng định được mình trước cuộc đời, kiến thức hiểu biết mãi chỉ là mớ lí thuyết suông, vô giá trị.
+ Ngược lại, người biết nói cho người khác nghe, sẽ vận dụng được kiến thức tài năng của mình vào cuộc sống, tự khẳng định được vị thế của mình và có tác động tích cực đến người khác, tập thể. Đó là con đường dẫn tới thành công.
+ Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nói cho người khác nghe càng là một kĩ năng sống cần thiết của con người thời hiện đại.
Không biết lắng nghe người khác cũng là một điều rất tai hại khi con người học rộng biết nhiều:
+ Rơi vào tình trạng bảo thủ cố chấp, kiêu căng ngạo mạn hoặc vô cảm vô tâm.
+ Tự tách mình ra khỏi nhân loại, tự cô lập mình.
+ Kiến thức dù rộng đến mấy cũng thụt lùi lạc hậu và dễ mắc sai lầm.
+ Lắng nghe người khác còn là phương pháp học hỏi trau dồi kiến thức hữu hiệu, tạo nên mối quan hệ tương tác hữu ích trong cuộc sống.
– Phê phán những kẻ mọt sách, kĩ năng sống kém; những kẻ kiêu căng ngạo mạn ếch ngồi đáy giếng
5.0
3. Bài học
– Luôn trau dồi kiến thức sách vở và đời sống.
– Chú trọng rèn luyện các kĩ năng sống, đặc biệt là kĩ năng nói và nghe…
1.0
  Tổng điểm 8.0
 
Câu 2
 
 
 
I. Yêu cầu chung: Hiểu đúng đắn vấn đề, nắm được cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bài viết nêu được ý kiến riêng, có sức thuyết phục. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.  
II. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:  
1. Giải thích ý kiến
Nghệ thuật có hai ý hiểu: để chỉ một hình thái ý thức khác với khoa học, triết học; để chỉ tính chất nghệ thuật của một tác phẩm văn học.
Chất liệu, vật liệu là các chi tiết của hiện thực cuộc sống mà nhà văn quan sát được, là vốn sống mà nhà văn tích lũy được, là những tính cách xã hội, đề tài, phạm vi hiện thực… mà nhà văn muốn khám phá và thể hiện.
Phương thức, phương tiện là các phương tiện ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, cú pháp, các biện pháp tu từ…); là các phương thức  tổ chức lời văn, kết cấu tác phẩm, bút pháp nghệ thuật… đặc biệt, độc đáo phù hợp với đối tượng phản ánh, với phong cách tác giả, phù hợp với phương pháp sáng tác và đặc trưng thể loại… Từ đó đem đến cho người đọc một cách nhìn một cách cảm nhận mới mẻ, giầu phát hiện đối với hiện thực.
à Ý kiến Phan Huy Dũng đã đi sâu vào một phương diện của lao động sáng tạo văn học, khẳng định sự độc đáo của các tác phẩm có thể cùng đề tài, cùng chất liệu, nhưng  vẫn để lại những dư âm khác nhau trong tác phẩm và người đọc chính là nhờ vào sự chế ngự – làm chủ, sáng tạo trong cách lựa chọn vật liệu chất liệu của đời sống và ngôn từ, là tài năng phát hiện hiện thực và sử dụng các phương thức nghệ thuật để diễn tả phát hiện đó.
1.0
2. Bình luận
– Ý kiến trên là một nhận thức đúng đắn và sâu sắc về đặc trưng của văn học và bản chất của quá trình sáng tạo nghệ thuật.
– Từ thực tế đời sống muôn màu, mỗi một người nghệ sĩ có tài năng phải là người tự tạo nên cho mình một cái nhìn, sự khám phá riêng biệt để sàng lọc từ bể đời rộng lớn những số phận con người, những hiện tượng đời sống, những vấn đề nhân sinh,… những nguồn vật liệu chất liệu riêng không trùng lặp với người khác.
– Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ có được những chất liệu vật liệu của riêng mình, mà còn có năng lực biết chế ngự chất liệu, vật liệu thông qua những phương thức, phương tiện biểu đạt mang tính đặc thù, là cách xử lí chi tiết đời sống riêng, là những vân chữ không thể trộn lẫn, khiến tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật do người nghệ sĩ đó sáng tạo ra là duy nhất và không thể lặp lại, thậm chí ngay cả với chính tác giả của nó. Từ đó, tạo nên sức lôi cuốn hấp dẫn, tác động đến bạn đọc từ thế giới nghệ thuật do chính người nghệ sĩ sáng tạo nên.
è Đây chính là vấn đề phong cách, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
è Đây cũng là đòi hỏi nghiêm ngặt dành cho công phu của người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
3,0
 
 
 
3. Chứng minh: qua Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao
Chất liệu, vật liệu trong văn của Thạch Lam và Nam Cao chính là đề tài về kiếp sống của những con người nhỏ bé, cùng khổ trong xã hội cũ; là những chi tiết về cuộc đời ,số phận nhân vật văn xuôi, mảng hiện thực đời sống thôn quê, huyện lị. Cùng  chất liệu, vật liệu này đã có rất nhiều nhà văn có tên tuổi khai thác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Trần Tiêu, Tô Hoài…
– Tuy nhiên, Thạch Lam và Nam Cao đã chế ngự chất liệu vật liệu ấy bằng những phương tiện, phương thức diễn tả đặc thù, in đậm cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn.
+ Cùng hướng tới những kiếp người cùng khổ trong xã hội cũ,Thạch Lam đặc biệt nhạy cảm với nỗi đau khổ của con người nhỏ bé bị chôn vùi trong một cuộc sống vô danh vô nghĩa, trong bóng đêm của nghèo khổ, vô vọng; bộc lộ khát vọng được sống trong ánh sáng của một sự sống đích thực. Truyện của Thạch Lam không có mâu thuẫn, xung đột, không có những bi kịch có thể gọi thành tên, chỉ có những cảm nhận da diết đầy xót thương về kiếp người. Nam Cao quan tâm tới những thân phận bị tha hóa tới mức lưu manh hóa với sự sống bế tắc cùng đường; sáng tác của ông là tiếng kêu thức tỉnh nhân tính, đòi quyền sống cho con người đã bị xã hội vùi dập cả nhân hình, nhân tính. Truyện của Nam Cao phản ánh mối xung đột giai cấp gay gắt, khốc liệt, số phận người nông dân lâm phải những bi kịch đau thương( bi kịch tha hóa,bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người) bởi sự áp chế của giai cấp thống trị và những thế lực tinh thần.
+ Về phương thức phương tiện diễn tả đặc thù: Thạch Lam chọn loại truyện ngắn tâm tình, truyện phi cốt với cách kể chuyện chậm rãi, tiết điệu thả, điểm nhìn trần thuật luôn được trao cho nhân vật; với chi tiết sự kiện rất ít nhưng gợi nhiều vấn vương,câu văn giầu nhạc tính, cách tổ chức lời văn giàu hình ảnh đối lập, giầu ý nghĩa biểu trưng; bút pháp miêu tả nội tâm với những rung động mơ hồ mong manh tinh tế… thấm đượm chất thơ chất trữ tình. Truyện ngắn Nam Cao có cốt truyện đầy đặn, giầu xung đột kịch tính, nhiều sự kiện biến cố; điểm nhìn trần thuật biến chuyển linh hoạt, giọng văn đa thanh phức điệu với sự kết hợp của nhiều yếu tố ngôn ngữ; bút pháp miêu tả tâm lí tài tình với một thế giới nội tâm đầy phức tạp; kết cấu song trùng đầu cuối tương ứng nội hàm nhiều ý nghĩa.
6,0
4. Đánh giá:
– Trong thế giới văn chương, chính tài năng nghệ thuật ,cá tính sáng tạo sẽ giúp cho người nghệ sĩ có được một vị trí xứng đáng trên văn đàn và làm cho diện mạo văn học thời kì ấy trở nên phong phú, đa dạng (Thạch Lam và Nam Cao chính là gương mặt tiêu biểu chứng minh cho qui luật sáng tạo này).
– Dấn thân vào con đường văn chương, người nghệ sĩ phải thực sự nghiêm túc, có ý thức cao trong việc chế ngự vật liệu chất liệu thông qua những phương thức phương tiện đặc thù để tạo dựng cho mình một thế giới nghệ thuật riêng, một phong cách nghệ thuật độc đáo.
2.0
  Tổng điểm 12.0
* Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
– Giáo viên linh hoạt khi chấm bài. Cần khuyến khích, trân trọng những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài làm.
Giáo viên cho điểm lẻ đến 0.25.

 
——————— HẾT———————
 
Người ra đề: ÂN THỊ VÂN CHI
 

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *