Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 90

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

ĐỒNG ĐỘI TÔI TRÊN ĐẢO THUYỀN CHÀI

Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây…

Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá, cánh bay như bão thốc
Chỉ tiếng cánh chim bay quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…

Đảo tự giấu mình (*) trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài..

(Trần Đăng Khoa, Bên cửa sổ máy bay, NXB Tác phẩm mới, 1985) 

Chú thích: (*) Trường Sa có những hòn đảo vẫn còn chìm dưới nước mấy mét. Các chiến sĩ đã dựng chòi trên biển để giữ đảo.

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ

Câu 2. Hình ảnh “cái giọt máu thiêng” trong câu thơ: “Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng” chỉ đối tượng nào?

Câu 3. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ

Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút

Đêm trong lều như trôi trong mây…

 

Câu 5. Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về ý kiến: Người lính là một hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam.

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận  về  vẻ đẹp  của hình tượng người lính đảo qua bài thơ trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Gorki đã từng nói: “Mỗi trang đời đều là một điều kỳ diệu”. Hãy viết một bài văn nghị luận (600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Những con người không chịu thua số phận.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Người lính đảo

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Đảo Thuyền Chài

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3  HS có các cách diễn đạt khác nhau, có thể triển khai được một trong các thông điệp sau và giải thích lí do:

– Ca ngợi vẻ đẹp của người lính biển đảo;

– Giáo dục tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc

– Lí giải một cách thuyết phục

 

1,0
4 Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ:

Tô đậm hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt đến cùng cực, thậm chí vượt quá giới hạn của con người.Hai câu thơ vẽ nên cái bỏng rát của nắng trời và cái chòng chành giữa biển như trôi ở cõi không trọng lượng.Cuộc sống chiến đấu vô cùng khó khăn của người lính

– Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho lời thơ

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về ý kiến: Người lính là một hình tượng đẹp trong văn học Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến vì:

– Hình tượng người lính được xây dựng một cách giản dị, chân thực; là một hình tượng chủ đạo, xuyên suốt trong văn học đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

– Hình tượng người lính là biểu tượng đẹp cho lý tưởng thời đại: gan dạ, dũng cảm, lạc quan, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc…; tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

Hướng dẫn chấm

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của hình tượng người lính trên đảo Thuyền Chài.

 

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

–  Cuộc sống của người lính trên đảo Thuyền Chài (gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, khốc liệt …)

– Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo, tinh thần quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho sự bình yên của Tổ quốc.

– Hình tượng người lính trong bài thơ là biểu tượng sáng ngời cho vẻ đẹp thời đại.

– Niềm tự hào, biết ơn, trân trọng những người lính biển ngày đêm canh giữ đảo xa.

– Nghệ thuật:  Hình ảnh người lính hiện lên qua ngôn từ trong sáng, gợi cảm; sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ; cách phối thanh, ngắt nhịp linh hoạt…

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2  Hãy viết một bài văn nghị luận (600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Những con người không chịu thua số phận.

 

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: con người không chịu thua số phận.

 

0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

c.1 Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

c.2Triển khai vấn đề nghị luận:

*  Giải thích

+ “Số phận”: thường được nhiều người coi là sự an bài của ông trời, do trời định đoạt

+“Những người không chịu thua số phận” là những con người có ý chí, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Họ không đầu hàng trước số phận mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và ý nghĩa.

*Bàn luận

– Biểu hiện:Những con người không chịu thua số phận là những con người:

+ Có nhận thức đúng đắn về số phận

+ Có nhiều đóng góp cho xã hội

+ Là những tấm gương sáng:

-Dẫn chứng:

+ Nguyễn Ngọc Kí, mặc dù bị liệt hai tay từ nhỏ nhưng vẫn quyết tâm đến trường, kiên trì học viết bằng chân, học hết đại học, trở thành Nhà giáo Ưu tú, nhà văn, nhà thơ:

+Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, mắc căn bệnh hiểm nghèo khiến bị liệt toàn thân, nhưng vẫn cố gắng học tập, mở trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, giúp đỡ họ có một hướng đi trong cuộc đời mình, có niềm tin vào cuộc sống.

+Nick Vujicic – chàng trai người Úc sinh ra với cơ thể không tay không chân, nhưng điều đó không khiến anh nản chí. Vượt qua những khiếm khuyết trên cơ thể mình, anh trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới

→ Họ chính là những tấm gương tiêu biểu cho một lẽ sống đẹp, không chịu khuất phục sự nghiệt ngã của số phận.

-Nguyên nhân: Có sức mạnh để vượt lên số phận?

+ Có ý chí nghị lực, có niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống.

+Có sự động viên khích lệ của gia đình, bạn bè, xã hội nên họ có đủ dũng cảm, tự tin để vượt qua hoàn cảnh, số phận và những chông gai ở phía trước.

– Ý nghĩa:

+ “Không chịu thua số phận” giúp họ có tinh thần, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình… “Tàn” nhưng không “phế”, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội.

+ Hơn hết, họ là những tấm gương sáng để lại trong chúng ta bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí vươn lên. Chính những tấm gương về họ dạy cho chúng ta phải biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện hoài bão ước mơ.

c.3 Mở rộng

+ Cần phê phán những cá nhân không kiên cường, nhụt chí trước những chông gai cuộc sống; hèn nhát, không dám đối diện với sự thật nên khó thành công trong mọi việc.

c.4 Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

+  Thông điệp cao cả về lối sống có ích.

 

1,0
d. Viết bài  văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *