ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT
PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Đặc sắc Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) năm nay diễn ra trang trọng và quy mô hơn, với nhiều điểm nhấn và nét mới.
Theo đó, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc diễn ra từ ngày 5/9 – 15/9, tức từ ngày 10/8 đến hết ngày 20/8 Âm lịch; được mở đầu bằng Lễ dâng hương và tế Cáo yết vào ngày 5/9. Ngoài ra, Liên hoan diễn xướng hầu thánh sẽ diễn ra ngày 10/9. Các hoạt động như: Lễ tưởng niệm 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi; giải đua thuyền truyền thống; trình diễn nghệ thuật múa rối nước; khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch hội Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc; lễ khai và ban ấn đền Kiếp Bạc sẽ diễn ra ngày 11/9. Ngày 12/9 sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Ngày 13/9 sẽ diễn ra lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu. Ngày 15/9 sẽ diễn ra lễ rước bộ và lễ giỗ Đức thánh Trần…
Nét mới của lễ hội năm nay là Hải Dương sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa – Du lịch hội Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc”. Trong Tuần Văn hóa – Du lịch, tỉnh sẽ tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Hải Dương và 6 tỉnh duyên hải Bắc bộ; tổ chức thưởng thức trà sen Kiếp Bạc; biểu diễn hát chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ, viết thứ pháp, vẽ nón sen, múa rối nước… Đặc biệt, trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay, màn hội quân thể hiện khí thế sục sôi của Hào khí Đông A xưa sẽ được tổ chức.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc là lễ hội lớn của tỉnh Hải Dương cũng như cả nước. Lễ hội nhằm tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, giới thiệu, quảng bá về Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hiện Hải Dương cùng với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
(Theo Vĩnh Quân – Hải Yến 14:09 11/09/2022- Kinhtedothi.vn)
Thực hiện các yêu cầu (Trình bày ngắn gọn):
Câu 1: Nội dung chính của văn bản trên là gì?
Câu 2: Hãy chỉ ra bố cục của văn bản?
Câu 3: Tại sao tác giả lại cho rằng Lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2022 có nét mới?
Câu 4: Từ việc đọc văn bản trên, anh/chị suy nghĩ như thế nào về vai trò của Lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc trong đời sống của người dân nơi đây cũng như các lễ hội truyền thống của mọi miền trên cả nước đối với đời sống cộng đồng?
Câu 5: Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ việc đọc hiểu văn bản trên?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự cống hiến.
Câu 2 (4,0 điểm):
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản sau:
Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể… Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi:
– Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm không không ba? Con số không cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu…
– Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị không điểm.
– Luận văn cô cho “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”.
– Con được mấy điểm?
– Con được sáu điểm.
– Con tả ba như thế nào?
– Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy.
– Mấy đứa khác, bạn của con?
– A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba.
– Đêm ba nó làm gì?
– Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu.
– Nó tả ba nó đi nhậu à?
– Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa?
– Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào?
– Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô.
– Sao vậy?
– Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hỏi:”Sao trò không làm bài”. Nó cúi đầu làm thinh.
– Nó là học trò loại “cá biệt” à?
– Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba.
– Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào?
Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: “Sao trò không làm bài?” Tới lúc đó nó mới nói: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba!
Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba. Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con… Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.
Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết.
(Trích Bài học tuổi thơ – Mùa thu 1990, Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng)
ĐÁP ÁN – HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Đặc sắc Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022: thời gian, nội dung, ý nghĩa của lễ hội | 0,5 | |
2 | – Bố cục: 3 phần (tiêu đề, phần mở đầu, phần nội dung)
– – Tiêu đề: được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ to rõ ràng và nêu được thông tin cơ bản của văn bản – Sapo: (Mở đầu bản tin): trình bày ngay sau nhan đề bằng chữ in đậm, gây chú ý cho người đọc và cung cấp nội dung chính của văn bản – Văn bản có nhiều đoạn văn, mỗi đoạn cung cấp một thông tin cụ thể, đảm bảo độ chính xác, giúp người đọc hiểu rõ thông tin được nêu trong văn bản. |
0,5 | |
3 | Tổ chức “Tuần Văn hóa – Du lịch hội Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2022” rất mới vì:
– Tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Hải Dương và 6 tỉnh duyên hải Bắc bộ. – Tổ chức thưởng thức trà sen Kiếp Bạc. – Biểu diễn hát chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ, viết thứ pháp, vẽ nón sen, múa rối nước. – Đặc biệt, màn hội quân thể hiện khí thế sục sôi của Hào khí Đông A. |
1,0 | |
4 | Học sinh trả lời được câu hỏi và trình bày được suy nghĩ một cách hợp lí thuyết phục.
Gợi ý: – Gìn giữ và tổ chức lễ hội truyền thống rất cần thiết – Lễ hội truyền thống giúp hiểu biết về đời sống, nét đẹp văn hóa, truyền thống lịch sử của ông cha trong quá khứ – Hiểu được công lao to lớn của cha ông trong việc sáng tạo gìn gữ bảo về và xây dựng đất nước – Giáo dục lòng yêu nước,tự hào dân tộc, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho thế hệ trẻ. |
1,0 | |
5 | Học sinh trả lời được câu hỏi và trình bày được suy nghĩ một cách hợp lí thuyết phục.
Gợi ý: – Có trách nhiệm sống đúng pháp luật, đạo đức; học tập tốt, rèn luyện tốt để trở thành người có ích. – Có ý thức tìm hiểu gìn giữ, phát triển lễ hội và có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự cống hiến.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành. |
2,0
0,25 |
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự cống hiến. | 0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp và kết hợp dẫn chứng để triển khai vấn đề theo nhiều cách. Có thể triển khai theo hướng: – cống hiến là tự nguyện dâng hiến công sức của mình, đóng góp sức mình cho cộng đồng, xã hội. – Ý nghĩa của sự cống hiến: Thanh niên mang sức trẻ, sự nhiệt tình cống hiến cho đất nước sẽ khiến cho đất nước giàu mạnh, bền vững và không ngừng phát triển. Cống hiến cho đất nước cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm của bản thân với sự nghiệp chung. Cống hiến cho đất nước còn giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông: cha ông đã bảo vệ tổ quốc khỏi kẻ thù, thế hệ trẻ cống hiến xây dựng đất nước. – Bên cạnh đó có 1 bộ phận thanh niên chưa xác định được tinh thần cống hiến, còn ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình – Bài học: Cần cố gắng, cần xác định vị trí, khả năng đóng góp của mình cho xã hội, cho cộng đồng. |
1,0
|
||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0,25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản Bài học tuổi thơ
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học |
4,0
0,25 |
|
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật ở truyện ngắn Trở về của Thạch Lam. |
0,5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý: 1. Mở bài: – Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm – Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá 2. Thân bài: a. Giới thiệu cụ thể một số yếu tố nổi bật mà bài viết phân tích, đánh giá – Tình huống truyện, nhân vật… – Đặc săc nghệ thuật – Thông điệp của tác phẩm b. Phân tích, đánh giá – Tình huống – nhân vật: + Khi cô giáo cho đề văn, trong khi các bạn đều viết bài. Chỉ riêng em hsinh không miêu tả gì hết, em nộp giây trắng và nhận điểm 0. Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má”. + Em không viết vì đơn giản, em không hề có ba. Ba em đã hy sinh. Dẫu cho văn học là nơi con người ta có thể hư cấu, sáng tạo nhưng em đã khước từ mọi đặc quyền ấy. Em thật dũng cảm và trung thực và trang giấy trắng của em nhỏ trong truyện là một sự sáng tạo tuyệt vời. Đơn giản vì trong kí ức của em, ba em là một vùng mờ sáng, mà có thể đứa trẻ mới 11 tuổi như em mãi mãi không thể miêu tả bằng lời lẽ. – Giá trị nghệ thuật: + Tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ dàng tiếp cận, nhưng vẫn đầy sức hút và cảm xúc. Các tình tiết được xây dựng rất logic, được sắp xếp một cách hợp lý, dễ hiểu và không quá rắc rối. + Tác giả cũng biết cách tạo ra những tình huống đầy cảm xúc, khiến độc giả cảm thấy đồng cảm với nhân vật và hòa mình vào câu chuyện. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng một số kĩ thuật nghệ thuật khác như sử dụng lời bình luận cuối truyện để truyền tải thông điệp của mình. – Thông điệp: + Về lòng trung thực trong cuộc sống, trong giáo dục và trong sáng tạo nghệ thuật. + Về cách ứng xử với quá khứ, với lịch sử đã qua. + Đó còn là câu chuyện của tình người. 3. Kết bài: – Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm – Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích |
2,5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. |
0,25
0,5 |
||
Tổng cộng | 10,0 |