Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 70

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

PHẦN ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Bài học tuổi thơ

Nguyễn Quang Sáng (1)

Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể… Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi:

– Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm không không ba? Con số không cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu.

Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp:

– Còn thua ba nữa đó, ba. Ít nhứt ba cũng được nửa điểm. Còn thằng bạn của con, con số không bự như quả trứng.

Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị vì thời học trò của ba nó ít nhứt cũng hơn được một đứa.

Số là cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gởi đến các nhà văn nhà thơ quen biết trong cả nước một câu hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn nhà thơ thời thơ ấu học văn như thế nào, nhà xuất bản in thành sách Nhà văn học văn. Đọc qua, nghe các nhà văn nhà thơ kể, tất nhiên là mỗi người có mỗi cuộc đời, mỗi người mỗi giọng văn, nhìn chung thì người nào, lúc còn đi học, cũng có khiếu văn, giỏi văn. Nếu không thì lấy gì làm cơ sở để sau này trở thành nhà văn? Rất lô-gích và rất là tự nhiên vậy. Duy chỉ có bài của tôi hơi khác, có gì như ngược lại. Tôi kể, hồi tôi học ở trường trung học Nguyễn Văn Tố (1948 – 1950), tôi là một học sinh trung bình, về môn văn không đến nỗi liệt vào loại kém, nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương. Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một điểm trên hai mươi (1/20). Đó là k niệm không quên trong đời học sinh của tôi, môn văn.

Khi con tôi đọc bài văn đó, con tôi hỏi:

– Sao bây giờ ba là nhà văn? Và bạn bè cũng hỏi như vậy. Tôi cũng đã tự lí giải về mình, và lời giải cũng đã in vào sách rồi, xin không nhắc lại.

Tôi hỏi con tôi:

– Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị không điểm.

– Luận văn cô cho Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố.

– Con được mấy điểm?

– Con được sáu điểm.

– Con tả ba như thế nào?

– Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy.

– Mấy đứa khác, bạn của con?

Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng:

– A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba.

– Đêm ba nó làm gì?

– Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu.

– Nó tả ba nó đi nhậu à?

– Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa?

– Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào?

– Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô.

– Sao vậy?

Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hét: Sao trò không làm bài. Nó cúi đầu làm thinh. Cô lại hét to hơn: Hả?. Nó cũng làm thinh. Tụi con ngồi dưới, đứa nào cũng run.

– Nó là học trò loại cá biệt à?

– Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba.

– Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào?

Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: Sao trò không làm bài? Tới lúc đó nó mới nói: Thưa cô, con không có ba. Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba!

Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba.

Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hi sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con…

Có người hỏi em: Sao mày không tả ba của đứa khác. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.

Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt.

Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết.

(Mùa thu, 1990)

(1) Nguyễn Quang Sáng (12/01/1932 – 13/02/2014; bút danh Nguyễn Sáng) là nhà văn Việt Nam, từng đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2000. Ông được biết nhiều với vai trò tác giả và biên kịch của hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn Chiếc lược ngà và phim điện ảnh Cánh đồng hoang. Là một người con của quê hương Nam Bộ, vậy nên phong cách sáng tác của ông cũng luôn thấm đẫm màu sắc và nhịp sống của vùng đất này, gần gũi mà giản dị vô cùng.

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng giản dị và dễ đi vào lòng người. Những câu chuyện viết về đời thường của ông hết sức mộc mạc, dễ hiểu mà vẫn nêu bật lên được những vấn đề trong thực tại, những giá trị chân thực về cuộc sống, con người và xã hội. Đặc biệt, các giá trị nhân văn đã được ông lồng ghép một cách khéo léo vào trong các tác phẩm văn học để tạo sự sâu sắc và ý nghĩa nhất.   

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2. Trong truyện, nhân vật cậu học sinh tiên tiến được điểm không bài luận văn vì lí do gì?

Câu 3. Trình bày nội dung và chủ đề của truyện ngắn trên.

Câu 4. Suy nghĩ của anh/chị về chi tiết Có người hỏi em:Sao mày không tả ba của đứa khác. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.

Câu 5. Từ nhân vật cậu bé bị điểm 0 trong truyện ngắn trên, anh/chị hãy rút ra một bài học có ý nghĩa nhất với bản thân. Lí giải vì sao?

  1. II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ vẻ đẹp của hình ảnh hôn trong văn bản sau:

HÔN

Phùng Quán

Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết

Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải ra mặt trận

 

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu

 

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

 

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.

 

(1956)

(https://www.thivien.net)

 

Câu 2. (4,0 điểm)

Một số bạn trẻ luôn tin tưởng và hành động theo phương châm Im lặng là vàng.

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục họ cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn. 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 – Xác định ngôi kể trong văn bản trên: ngôi kể thứ nhất.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm.

0,5
2 Nhân vật cậu học sinh tiên tiến trong truyện được điểm 0 cho bài luận văn vì lí do bỏ giấy trắng không làm bài

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm.

0,5
3 Trình bày ngắn gọn nội dung và chủ đề của truyện ngắn:

– Nội dung: Truyện kể về cuộc trò chuyện giữa 2 cha con về một cậu bé mồ côi cha bị điểm không bài văn vì cậu bé trung thực để giấy trắng trong bài.

– Chủ đề: Từ câu chuyện mà nhà văn suy ngẫm về lòng trung thực trong nghề văn.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như Đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời đúng 1 nội dung: 0,5 điểm

1,0
4 Suy nghĩ của anh/chị về chi tiết:  Có người hỏi em: Sao mày không tả ba của đứa khác. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.

HS tự cảm nhận bằng suy nghĩ của riêng mình. Có thể theo định hướng:

+ Chi tiết Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má” cho thấy nỗi buồn vì bài văn được điểm 0 và nỗi đau khổ của đứa con mồ côi cha; đồng thời ta có thể thấy ở cậu bé sự im lặng mà kiên quyết không đồng lõa với việc làm dối trá, kiên quyết vì lòng trung thực mà chấp nhận điểm 0.

+ Thái độ của cậu bé khiến chúng ta phải nể phục và cảm thông sâu sắc.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như Đáp án: 1,0 điểm

– HS trả lời đúng 1 nội dung: 0,5 điểm

1,0
5 ·         – HS có thể rút ra những bài học khác nhau: Bài học về lòng trung thực trong cuộc sống, bài học về sự quan tâm thấu hiểu… Có lí giải phù hợp: ứng dụng rộng rãi – phù hợp đạo đức.

Nội dung có thể triển khai theo một số gợi ý sau:

(1) Bài học về lòng trung thực trong cuộc sống:

– Vì: Người có lòng trung thực sẽ được thanh thản, lương tâm trong sạch; sẽ khiến mọi người tin tưởng, tín nhiệm, yêu quý; trung thực còn là tiền đề để rèn luyện nhiều đức tính quý báu như ngay thẳng, cương trực, thẳng thắn…

(2) Bài học về sự quan tâm thấu hiểu:

– Vì: Giúp chúng ta trở thành con người hoàn thiện hơn, tâm hồn tràn đầy tình yêu thương, trong sáng, nhờ đó công việc cũng như các mối quan hệ của chúng ta sẽ thuận lợi hơn, thành công hơn.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trình bày bài học thuyết phục: 1,0 điểm.

– Học sinh trình bày chưa thuyết phục: 0,5 điểm

1,0
II   LÀM VĂN 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ vẻ đẹp của hình ảnh hôn trong văn bản Hôn – Phùng Quán. 2,0
    a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của hình ảnh “hôn” trong văn bản Hôn – Phùng Quán

0,25
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vẻ đẹp của hình ảnh hôn trong văn bản. Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

Hình ảnh thơ hôn được tái tạo một cách cụ thể, sống động từ nụ hôn trong tình yêu. Bằng ngôn từ dung dị, gần gũi, cách tạo dựng hình ảnh, tác giả khái quát tình cảm sâu đậm, khát vọng của đôi lứa yêu nhau, khơi dậy cảm giác về hiện thực chia li đau xót trước thế lực xâm lược tàn bạo, cái chết cận kề trong quá trình chiến đấu; cũng như gợi ra những ý nghĩa tinh thần nhất định đối với người đọc: lên án chiến tranh phi nghĩa, khẳng định lí tưởng và nhân cách cao đẹp của nhân vật trữ tình trong tình yêu và sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống người thân.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,5 điểm).

– Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,25 điểm)

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,5
    d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của hình ảnh hôn trong văn bản Hôn

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng.

0,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

0,25
  2      Một số bạn trẻ luôn tin tưởng và hành động theo phương châm Im lặng là vàng.

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục họ cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.

4,0
    a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Quan điểm Im lặng là vàng cần được nhìn nhận như thế nào cho toàn diện nhất

0,5
    c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Quan niệm Im lặng là vàng muốn đề cao giá trị của việc im lặng đúng lúc, đúng chỗ

+ Trong cuộc sống của chúng ta, im lặng mang đến vô vàn những giá trị: im lặng là biểu hiện của nghị lực, bản lĩnh của con người trong việc kiềm chế cảm xúc bản thân,… giúp ta tránh khỏi những mâu thuẫn, những cơn tức giận; im lặng còn thể hiện sự chín chắn, biết cách cư xử hợp lí, cũng như thể hiện phẩm chất của một con người biết suy nghĩ, đồng thời thể hiện sự thông minh, bản lĩnh của con người; im lặng chúng ta có thể cảm thông, thấu hiểu mọi điều, mọi người; giúp ta tập trung làm việc cao hơn từ đó cho năng suất lao động lớn hơn.

+ Nhưng không phải lúc nào im lặng cũng là vàng, trong nhiều trường hợp, sự im lặng lại là biểu hiện của sự ích kỉ và sự hèn nhát của con người: dung túng cho cái xấu, cái ác hoành hành, sống thờ ơ, vô trách nhiệm; không được người khác phát hiện hay chú ý đến mình, bị xem thường; im lặng còn có thể tàn phá một mối quan hệ tốt đẹp khi hai người đang có mẫu thuẫn…

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện: Người có quan niệm Im lặng là vàng có thể đưa ra lời biện minh cho mình việc ai người nấy làm, không nên can thiệp vào chuyện người khác để tránh liên luỵ; không dám lên tiếng tố cáo những hành vi sai lầm mà mình biết vì muốn giữ gìn mối quan hệ,…

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân: Cần phân biệt việc im lặng và lên tiếng đúng lúc, đúng chỗ; cần rèn luyện thói quen biết nêu ý kiến của bản thân mình trước những vấn đề gặp phải trong cuộc sống một cách hợp lí.

1,0
    d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
    đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tà, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *