ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Sáng nay cũng là chủ nhật, trời cũng sau một cơn mưa. Không gian êm ả, nếu không có tiếng máy bay thô bạo xé nát bầu trời thì không có gì khác đâu ngoài tiếng suối rì rào chảy! Nơi mình ở lại vừa qua một trận bom – chiều hôm kia hai chiếc Moran hai thân quần mãi rồi phóng rocket xuống… Nghe rocket nổ mọi người vội lật đật xuống ham, nghe bom rít trên đầu mình tưởng chúng thả ở quả đồi trước mặt, nhưng sau bốn loạt bom chúng đi mọi người mới hốt hoảng nhận ra rằng bom nổ cách mình chỉ không đầy hai mươi mét. Cả một vùng cây trơ trọi, nylon che trên nhà rách tan nát và bay tơi tả từng mảnh. Từng cây cột bị mảnh bom tiện xơ xác. Đất đá rơi đầy hầm! May mắn là không ai bị thương. Sau trận bom, mọi người nhận định điểm này đã bị lộ, vội lập tức triền khai tìm điểm khác làm nhà để chuyển đi.
Số lực lượng mạnh khoẻ đã đi hết, để lại năm thương binh nặng cố định và bốn chị em nữ. Chiều hôm qua trời mưa như trút nước, bọn mình đem nylon trải kín mặt nền nhà vậy mà nước vẫn đổ xuống giàn giụa. Trong nhà lênh láng nước, đứa nào đứa nấy ướt sũng, luôn tay hứng mưa dột và đổ nước ra ngoài. Mấy thương binh ngồi co ro ướt lướt thướt.
Nhìn những cảnh đó mình cười mà nước mắt chực trào ra trên mi. Tiếng chị Lãnh hỏi mình: “Có ai biết cảnh này cho không”.
Ai biết? Chắc nhiều người biết nhưng cũng không ai biết cho tường tận. Và mình, mình cũng không biết hết còn bao nhiêu cảnh khổ hơn nữa trong cuộc kháng chiến quyết liệt này. Sinh tử không thể nào mà ghi hết, mà có lẽ cũng không nên nói hết để làm gì. Những lá thư mình viết cũng không bao giờ kể hết với những người thân yêu về tất cả nỗi khổ mình đã trải qua. Kể để làm gì cho người thân yêu của mình thêm lo lắng.
(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến hết câu 5
Câu 1: Xác định điểm nhìn trần thuật của đoạn trích trên
Câu 2: Trong đoạn trích, cảnh vật và con người hiện liên như thế nào sau “bốn loạt bom”?
Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đối trong câu sau: Không gian êm ả, nếu không có tiếng máy bay thô bạo xé nát bầu trời thì không có gì khác đâu ngoài tiếng suối rì rào chảy!
Câu 4: Nhận xét một phẩm chất nổi bật của Đặng Thùy Trâm trong đoạn trích
Câu 5: Qua văn bản, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về nghề y
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ yếu tố trữ tình trong đoạn bút kí sau:
Vâng, thuở ấy sông đã xanh như bây giờ, như đã xanh từ thuở Việt Thường. Tôi là người thư sinh đất Thăng Long, theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành. Thuở ấy, dòng sông Châu Hóa còn hoang dại, chim nhạn đậu đầy bãi, hoa tầm xuân mọc chen với cỏ lau, chính là hoa tường vi thơm ngát những khu vườn bây giờ. Tôi qua đây, yêu mến dòng sông nên ở lại, dẫy cỏ, lật đá, trồng cây từ buổi ấy. Sau bảy trăm năm trôi qua, mỗi tấc đất khát bỏng này đã uống biết bao nhiêu mồ hôi và máu. Tôi nhận ra ở mỗi con người quanh tôi, trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội, và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo trồng.
(Trích Hoa trái quanh tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bài đăng trên Tạp chí Sông Hương số 3 (T.10-1983))
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh(chị) về quan điểm: Đừng làm gì cho người thân yêu của mình thêm lo lắng.
TRƯỜNG THPT … | ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA LỚP 11
Môn: Ngữ văn (Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm 03 trang) |
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Điểm nhìn trần thuật của đoạn trích nhật kí là điểm nhìn của nhân vật mình, tức là người trần thuật (ngôi thứ nhất) | 0,5 | |
2 | Trong đoạn trích, cảnh vật và con người hiện liên sau “bốn loạt bom”: Cả một vùng cây trơ trọi, nylon che trên nhà rách tan nát và bay tơi tả từng mảnh. Từng cây cột bị mảnh bom tiện xơ xác. Đất đá rơi đầy hầm! May mắn là không ai bị thương. Sau trận bom, mọi người nhận định điểm này đã bị lộ, vội lập tức triền khai tìm điểm khác làm nhà để chuyển đi. | 0,5 | |
3 | Tác dụng của biện pháp tu từ đối trong câu: Không gian êm ả, nếu không có tiếng máy bay thô bạo xé nát bầu trời thì không có gì khác đâu ngoài tiếng suối rì rào chảy!
– Biện pháp tu từ đối (tương phản): tiếng máy bay thô bạo xé nát bầu trời – tiếng suối rì rào chảy – Tác dụng: + Làm nổi bật sự trái ngược của hai thứ âm thanh: tiếng máy bay thô bạo xé nát bầu trời là âm thanh dữ dội của động cơ máy bay và bom nổ, là âm thanh của chiến tranh, của sự hủy diệt, của con người gây ra, của tội ác; còn tiếng suối rì rào chảy là âm thanh nhẹ nhàng của nước chảy, của thiên nhiên trong lành, của cuộc sống bình yên. Từ đó, nhấn mạnh sự tàn phá của chiến tranh + Phép đối đã thể hiện được thái độ, cảm xúc căm phẫn giặc Mĩ và tình yêu tha thiết với quê hương đất nước của tác giả + Tạo sự cân xứng hài hòa, tạo nhịp điệu trong diễn đạt, tăng khả năng biểu đạt cho câu. |
1,0 | |
4 | Nhận xét một phẩm chất nổi bật của nhân vật mình – tác giả Đặng Thùy Trâm trong văn bản:
– Chỉ ra được một phẩm chất nổi bật của Đặng Thùy Trâm: Can đảm, kiên cường, chịu đựng, hy sinh… – Nhận xét phẩm chất nổi bật đã chỉ ra (Gợi ý: Ý nghĩa, vai trò của phẩm chất ấy đối với công việc cứu chữa thương binh trong chiến tranh, đối với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước để giành độc lập tự do cho Tổ quốc) |
1,0 | |
5 | Qua văn bản, hãy trình bày suy nghĩ của mình về nghề y.
Học sinh có thể trình bày nhiều cách, nhưng cần có các ý cơ bản sau: – Nêu được tính chất của nghề y. Đặc thù riêng của nghề y trong chiến tranh – Thấy được vai trò, ý nghĩa cao cả của nghề y – Chữa bệnh, cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng – Thể hiện được quan điểm cá nhân đối với nghề y |
1,0 | |
II
|
VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ yếu tố trữ tình trong đoạn trích bút kí Hoa trái quanh tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Yếu tố trữ tình trong đoạn trích bút kí Hoa trái quanh tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận – Xác định được các ý phù hợp như: + Yếu tố trữ tình là cách tác giả đi vào bề sâu sự kiện (hướng nội): tưởng tượng, hóa thân vào dòng chảy lịch sử, văn hóa để cảm nhận sự kiện, cảnh vật, cuộc sống của xứ Huế; có khi dư vị lịch sử thoảng lại từ cõi Việt Thường, từ nỗi lòng thương cảm nàng Huyền Trân công chúa; có khi cảm xúc ngưng đọng, đắm say trước cảnh đẹp dòng sông Châu Hóa (sông Hương); có khi là cảm nhận sâu lắng đầy chiêm nghiệm về con người xứ Huế. + Yếu tố trữ tình là nét đặc sắc trong phong cách viết kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường – Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vẫn đề nghị luận – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng |
0,5
|
||
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ |
0,25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh(chị) về quan điểm: Đừng làm gì cho người thân yêu của mình thêm lo lắng. | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đừng làm gì cho người thân yêu của mình thêm lo lắng. | 0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục: Mở – Thân – kết của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân * Triển khai vấn đề nghị luận – Giải thích vấn đề: Đừng làm cho người thân yêu của mình thêm lo lắng là đừng làm những điều không đúng, điều xấu, có hại hoặc có tác động không tốt đến cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, những người quan trọng mà bản thân mình yêu quý – Bàn luận vấn đề: + Tại sao không nên làm cho người thân của mình lo lắng? Đó là vì mỗi người trong cuộc sống đều có những mục tiêu, kế hoạch, công việc … của mình; đều phải cố gắng và tập trung để thực hiện nó. Được thoải mái với cuộc sống của mình là điều hạnh phúc. Vì vậy, nên tạo điều kiện thuận lợi để giúp đỡ, tránh làm phiền tới người thân. + Muốn thực hiện được mong muốn tích cực, tốt đẹp đó thì bản thân chúng ta cần phải cố gắng từng ngày, rèn luyện tính kiên trì, quyết tâm vượt lên khó khăn; học cách chịu đựng, không kêu ca phàn nàn; học cách sống vì người khác; biết nghĩ tốt cho người khác cũng là đang tự giúp chính mình (HS lấy dẫn chứng, rút ra bài học từ dẫn chứng) + Đây là cơ sở, động lực của tư duy sống độc lập – điều rất cần cho tuổi trẻ. Độc lập, chủ động, tự tin là một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Lý tưởng này kết hợp với mong muốn đừng làm cho người thân yêu của mình thêm lo lắng sẽ đem đến cho đời những nhân cách cao đẹp. + Mọi lười biếng, ỷ lại hay bất chấp chạy theo nhu cầu bản thân, ích kỉ không biết quan tâm lo lắng cho người khác, nhất là người thân đều đáng phê phán – Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân |
1,0 | ||
d. Viết bài văn đảm báo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất ba luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng Lưu ý: HS có thể bày tỏ quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật |
1,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ |
0,5 | ||
I + II | 11 | 10,0 |