Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 108

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

Đề bài

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Quê Hương – Tác Giả: Nguyễn Đình Huân

 

Quê hương là một tiếng ve

Lời ru của mẹ trưa hè à ơi

Dòng sông con nước đầy vơi

Quê hương là một góc trời tuổi thơ

Quê hương ngày ấy như mơ

Tôi là cậu bé dại khờ đáng yêu

Quê hương là tiếng sáo diều

Là cánh cò trắng chiều chiều chân đê

Quê hương là phiên chợ quê

Chợ trưa mong mẹ mang về bánh đa

Quê hương là một tiếng gà

Bình minh gáy sáng ngân nga xóm làng

Quê hương là cánh đồng vàng

Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều

Quê hương là dáng mẹ yêu

Áo nâu nón lá liêu siêu đi về

Quê hương nhắc tới nhớ ghê

Ai đi xa cũng mong về chốn xưa

Quê hương là những cơn mưa

Quê hương là những hàng dừa ven kinh

Quê hương mang nặng nghĩa tình

Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời

Quê hương ta đó là nơi

Chôn rau cắt rốn người ơi nhớ về.

(Nguồn:https://baophunuthudo.vn)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Nêu 03 hình ảnh gắn với quê hương được nhắc đến trong văn bản trên.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc trong hai câu thơ sau:

Quê hương là những cơn mưa

Quê hương là những hàng dừa ven kinh

Câu 4. Nhận xét một hình ảnh gắn với quê hương trong văn bản.

Câu 5. Chỉ ra thông điệp được nhắc đến trong hai câu thơ cuối. Anh/chị có đồng tình không? Giải thích lí do.

  1. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh nhân vật chị Út Tịch trong văn bản sau:

Trời mưa như trút nước. Nửa đêm hôm đó, anh Tịch và Út bò vào móc cơ sở, mở cửa rào dẫn một cánh đột vô. Vợ chồng Út lại thu được ba cây súng và rổ lựu đạn hôm qua. Bộ đội tràn vô khắp ấp, lùng bắt ác ôn, rượt bọn lính chạy, thu thêm một số súng. Suốt đêm, Út đi lay từng cây cọc sắt, tìm lựu đạn gài để đồng bào yên tâm phá rào.

Sáng hôm sau, những người đàn bà đi chợ Cầu Kè ngang qua ấp chiến lược Chông Nô 2, thấy một người phụ nữ đầu đội nón nhựa chiến lợi phẩm, tay cầm súng, lá cây giắt đầy mình, miệng ăn trầu đỏ tươi, đứng gác trong công sự đầu ấp. Hình ảnh ấy của Út được các bà truyền đi khắp xã cùng với tin cái ấp chiến lược kiên cố, ác ôn nhất Cầu Kè bị phá banh, Út đứng như vậy, dưới trời mưa từ ba giờ khuya tới sáng. Những tên thanh niên chiến đấu, sáng sớm tưởng ta rút, mò về, bất thần bị Út bắt giơ tay… Hôm đó, Út thu được một đống lựu đạn đem chất đầy vọng gác. Về nhà, trong buổi liên hoan mừng chiến thắng, anh Mười ở tỉnh ôm thằng nhỏ của Út giơ ra giữa đám đông, nói:

– Cháu à, má cháu bỏ cháu cả đêm, nhờ bác la má cháu mới về cho cháu bú đó. Sau tiếng cười rộ lên, mọi người đều im bặt. Tất cả đều hướng về phía mẹ con Út. Bây giờ, ngồi đây, chị đang dịu dàng ve vuốt tóc con, nhưng sao hồi khuya, lúc xông vào ổ địch, trông chị gan lì, khác hẳn. Anh em chuyền tay nhau thằng nhỏ, hôn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới.

 Út nói:

 – Nó cũng đánh giặc phải không mấy anh? Sau này tụi nó đánh giặc còn ngon hơn tụi mình bây giờ nhiều.

(trích Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi)

Chú thích: “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi (nhà văn của nhân dân Nam Bộ)  viết về người mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước: chị Nguyễn Thị Út hay còn gọi là Út Tịch.

Câu 2. (4.0 điểm)

Cuộc sống luôn có những con người cao cả, biết hy sinh thầm lặng vì người khác, vì xã hội.

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề tuổi trẻ với sự hi sinh thầm lặng trong cuộc sống.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Nhân vật trữ tình: tôi – tác giả

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Một số hình ảnh gắn với quê hương: tiếng ve, tiếng sáo diều, phiên chợ quê, tiếng gà, cánh đồng vàng, dáng mẹ yêu, những cơn mưa, những hàng dừa

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời 03 hình ảnh như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời dưới 1-2 hình ảnh: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Phép điệp cấu trúcQuê hương là…

Tác dụng:

+ Nhấn mạnh những hình ảnh thân thương, gắn bó với quê hương.

+ Tạo giọng điệu, nhịp điệu thiết tha, sâu lắng cho câu thơ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 Nhận xét một hình ảnh gắn với quê hương:

– Chỉ ra được mộ hình ảnh gắn với quê hương (tiếng ve, tiếng sáo diều, phiên chợ quê, tiếng gà, cánh đồng vàng, dáng mẹ yêu, những cơn mưa, những hàng dừa…)

– Nhận xét về hình ảnh đó (chỉ ra vẻ đẹp, ý nghĩa của hình ảnh; tác động đến mỗi người, đến tình cảm, suy nghĩ của học sinh…)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 – Thông điệp: Hãy nhớ về quê hương.

HS nêu ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình. Lí giải một cách hợp lí và thuyết phục.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh nhân vật chị Út Tịch trong văn bản 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề nghị luận: hình ảnh nhân vật chị Út Tịch trong đoạn trích Người mẹ cầm súng

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

Chị Út Tịch – hình ảnh người phụ nữ anh hùng: hình ảnh kiên cường, dũng cảm khi đánh địch; hình ảnh bình dị, yêu thương con…

-Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo bố cục kiểu đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: hình ảnh nhân vật chị Út Tịch trong đoạn trích Người mẹ cầm súng.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Cuộc sống luôn có những con người cao cả, biết hy sinh thầm lặng vì người khác, vì xã hội.

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề tuổi trẻ với sự hi sinh thầm lặng.

4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự hy sinh thầm lặng 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích:

Hi sinh thầm lặng là âm thầm cống hiến, giúp đỡ mọi người bằng trách nhiệm, bằng trái tim giàu tình thương của mình mà không cần bất kỳ sự đền đáp.

– Phân tích, bàn luận:

+Xã hội hiện nay có nhiều vấn đề xảy ra, mỗi người chỉ cần có ý thức, sống có ích một chút xã hội này sẽ tốt đẹp hơn.

+Mỗi người một hành động nhỏ sẽ giúp cho người khác tốt hơn và xã hội này phát triển tích cực hơn.

-Biểu hiện sự hi sinh thầm lặng:

+ Sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không màng đến bản thân, âm thầm hi sinh, cho đi mà không mong nhận lại.

+ Hi sinh thầm lặng là biết suy nghĩ cho người khác, sống với tình cảm chan hòa, thấu cảm; biết vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng.

+Những người biết hi sinh thầm lặng bao giờ cũng có tâm hồn cao đẹp, luôn luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân.

-Ý nghĩa:

+Khi chúng ta biết âm thầm giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh, tâm hồn sẽ trở nên thanh cao, thuần khiết và dễ dàng gặt hái được nhiều quả ngọt trong cuộc đời.

+Sự hi sinh thầm lặng sẽ giúp xã hội trở nên tốt đẹp, tiến bộ hơn: con người luôn biết sẻ chia, quan tâm lẫn nhau.

– Đưa ra một số dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

– Mở rộng, phản đề:

+Vẫn còn đó một lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, sống theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà không nghĩ cho người khác.

+Họ không công nhận sự hi sinh của người khác, sống thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm. Có một số người còn tệ hại hơn, đó chính là sỉ nhục, giẫm đạp, tước đoạt công lao của người khác nữa. Những hành động như thế đáng lên án.

* Rút ra bài học cho bản thân:

+Luôn biết ơn những người đã hi sinh thầm lặng trong cuộc sống.

+ Hi sinh vì người khác là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân.

+ Chúng ta cần có một tấm lòng, cần có sự hi sinh cho nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, phát triển.

* Đánh giá chung:

Khẳng định ý kiến mình về vấn đề sự hi sinh thầm lặng trong cuộc sống. Đưa ra thông điệp, lời kêu gọi…

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 Bài viết tham khảo:

  1. Đoạn văn

Viết về người phụ nữ anh hùng là một đề tài nổi bật trong văn học kháng chiến chống Mĩ. Trong đó, tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật nữ anh hùng Nam Bộ, đó là chị Út Tịch. Trước hết nhà văn đã khắc họa hình ảnh một người phụ nữ kiên cường, dũng cảm: dưới trời mưa từ ba giờ khuya tới sáng, chị Út Tịch đã phối hợp với bộ đội để đứng gác trong công sự đầu ấp, thu súng và lựu đạn của giặc. Chị Út còn là một người có trách nhiệm, luôn suy nghĩ cho sự an toàn của mọi người và vì nhiệm vụ chung. Điều đó được thể hiện rõ qua hành động suốt đêm chị Út đi lay từng cây cọc sắt, tìm lựu đạn gài để đồng bào yên tâm phá rào. Hình ảnh của chị Út còn được hiện lên rõ nét qua sự chứng kiến của người dân: họ thấy một người phụ nữ đầu đội nón nhựa chiến lợi phẩm, tay cầm súng, lá cây giắt đầy mình, miệng ăn trầu đỏ tươi, đứng gác. Trong mắt họ, chị hiện lên vừa anh dũng vừa bình dị. Người đọc càng cảm phục hơn khi biết chị Út Tịch đã để đứa con mới sinh mấy tháng ở nhà mà đi làm nhiệm vụ. Cuối đoạn trích, chị Út hiện lên là hình ảnh của một người phụ nữ đảm đang, lo toan việc nhà, việc nước, nhất là một người mẹ rất thương con: chị dịu dàng ve vuốt tóc con. Bằng sự tài tình và khéo léo, nhà văn Nguyễn Thi đã làm nổi bật nhân vật chị Út Tịch không chỉ là một người phụ nữ kiên cường, dũng cảm mà còn là một người phụ nữ đảm đang việc nhà, một người mẹ yêu con hết mực. Đó là hai vẻ đẹp tưởng chừng đối lập nhau nhưng lại cộng hưởng với nhau khiến nhân vật hiện lên đầy đủ, trọn vẹn, phong phú hơn. Qua đoạn trích, ta cảm thấy cảm phục, trân trọng những người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

 Bài văn

“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây , tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”

Những câu thơ trên trong bài hát “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh đã đặt ra sự lựa chọn cho mỗi chúng ta trong cuộc sống này. Mỗi người chúng ta tồn tại là để khẳng định mình, để tìm ra và tạo nên sứ mệnh của cuộc đời mình và hơn cả là trách nhiệm và bổn phận đối với xã hội, với cuộc đời. Chúng ta cần trân trọng những con người đã có những đóng góp to lớn giúp cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn. Trong đó, sự hi sinh thầm lặng là một trong những việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự hi sinh là khi ta sẵn sàng dành hết tâm tư, tình cảm để cống hiến mình cho bất cứ cái gì, bất cứ hoàn cảnh nào. Thầm lặng là trạng thái không công khai, chỉ giữ trong lòng mình chẳng cần phơi bày cho bất kì ai. Vì vậy có thể hiểu, hi sinh thầm lặng là âm thầm cống hiến, giúp đỡ mọi người bằng trách nhiệm, bằng trái tim giàu tình thương của mình mà không cần bất kỳ sự đền đáp.

Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, luôn có những vấn đề cần có sự chung tay giúp sức từ mọi người. Mỗi người chỉ cần có ý thức, sống có ích, biết giúp đỡ người khác thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Mỗi người một hành động nhỏ sẽ giúp cho người khác tốt hơn và xã hội này phát triển tích cực hơn. Một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần có chính là đức tính hi sinh. Đức hi sinh chính là sự nhường nhịn, chấp nhận phần thiệt thòi hơn về mình để người khác có được cuộc sống và những điều tốt đẹp hơn. Đó là sự hi sinh thầm lặng.

Sự hi sinh thầm lặng chính là sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không màng đến bản thân, âm thầm hi sinh, cho đi mà không mong nhận lại. Lịch sử dân tộc là minh chứng quý giá cho sự hi sinh thầm lặng của những người con yêu nước. Biết bao chiến sĩ hi sinh nơi chiến trận, họ cống hiến cả thanh xuân của mình vì tổ quốc. Họ ngã xuống “không ai nhớ mặt đặt tên nhưng đã làm nên đất nước”. Dù đã hi sinh nhưng họ vẫn luôn là tấm gương sáng cho bao thế hệ.

Hi sinh thầm lặng là biết suy nghĩ cho người khác, sống với tình cảm chan hòa, thấu cảm; biết vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng. Những người biết hi sinh thầm lặng bao giờ cũng có tâm hồn cao đẹp, luôn luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Như Bác Hồ của chúng ta chính là một tấm gương cho sự hi sinh thầm lặng. Bác đã hi sinh cả cuộc đời, không màng đến hạnh phúc cá nhân, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như Bác từng nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Qua đó ta thấy Bác là một người vô cùng đáng kính. Hay chúng ta vẫn không thể quên được đại dịch covid-19 vừa qua, với những hình ảnh hi sinh thầm lặng của đội ngũ y tế. Mặc cho bệnh dịch, các bác sĩ, đội ngũ y tế sẵn sàng cống hiến sức khỏe, làm việc ngày đêm, sẵn sàng góp sức mình để giúp các bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Hơn nữa, những người biết hi sinh thầm lặng là những người sống tình cảm, họ luôn dành tình yêu thương đến với mọi người, là người có lòng khoan dung, nhân hậu.

Khi chúng ta biết âm thầm giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh, tâm hồn sẽ trở nên thanh cao, thuần khiết và dễ dàng gặt hái được nhiều quả ngọt trong cuộc đời. Khi ta làm điều tốt cho mọi người, cho xã hội sẽ nhận lại được tình thương, sự yêu quý, của cái nhìn tốt của mọi người xung quanh đến với ta. Khi ta biết cống hiến cho quê hương, đất nước sẽ góp phần cho sự phát triển lớn mạnh của nước nhà. Sự hi sinh thầm lặng sẽ giúp xã hội trở nên tốt đẹp, tiến bộ hơn: con người luôn biết sẻ chia, quan tâm lẫn nhau.

Nhưng bên cạnh những người biết hi sinh thầm lặng lại có thành phần không cống hiến gì cho xã hội, đất nước. Họ chỉ biết cắm đầu vào những thứ mang lại sự giải trí như game, lướt Facebook, mạng xã hội ngày đêm. Hay có những thành phần luôn thích phô trương, khoe khoảng những thứ mình làm một cách lố lăng. Điển hình như ngày nay có một số người chuyên live stream quay video đi phát cơm, trao quà cho người dân nghèo khó để câu lượt thích, lượt xem, kiếm tiền lợi nhuận từ mạng xã hội.  Vẫn còn đó một lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, sống theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà không nghĩ cho người khác. Họ không công nhận sự hi sinh của người khác, sống thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm. Có một số người còn tệ hại hơn, đó chính là sỉ nhục, giẫm đạp, tước đoạt công lao của người khác nữa. Những hành động như thế đáng lên án.

Cuộc sống rất cần những con người biết hi sinh thầm lặng vì người khác. Vì thế, chúng ta phải luôn biết ơn những người đã hi sinh thầm lặng trong cuộc sống. Hi sinh vì người khác là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Ta cần rèn luyện đức tính này từ khi còn là học sinh và tiếp tục phát huy nó để có thể sống vì tất cả mọi người. Chúng ta cần phát triển tinh thần “một người vì mọi người, mọi người vì một người” để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Hi sinh thầm lặng là một hành động đẹp, ý nghĩa. Nếu như xã hội không có những người biết hi sinh vì mọi người thì làm sao có được cuộc sống bình yên tươi đẹp. Hãy luôn biết cho đi, biết hi sinh vì những điều tốt đẹp, bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *