Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 100

ĐỀ MINH HỌA

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

NHỚ TẾT

Tủi thân khói bếp ngày xưa
Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông
Tiếng reo củi ướt đỡ buồn
Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh dầy

Đầu làng nghê đất ngây ngây
Tuổi thơ pháo tẹt pháo dây tẹt đùng
Rạ rơm vây ấm một vùng
Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê

Nén hương cắm gốc bồ đề
Mẹ xin bóng mát toả về cái no
Con xin chiếc lá làm trò
Lêu têu chân đất quạt mo thằng bờm

Tết nghèo bánh lá thay cơm
Đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn
Con nằm thương khó run run
Muốn đem khoe cả mưa phùn mẹ ơi!

Con lem lấm của một thời
Để khi khôn lớn nên người lại xa
Mỗi lần nhìn khói bay qua
Mắt rưng rưng nhớ quê nhà… lại cay!

(Trương Nam Hương)

*Chú thích: Nhà thơ Trương Nam Hương sinh ngày 23-10-1963 tại Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội và vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 12 tuổi. Ông là nhà thơ nổi danh từ lúc còn trẻ. Thơ Trương Nam Hương không chú trọng đổi mới, cầu kì mà nổi bật ở sự bình dị, gần gũi và thuần hậu. Những trang thơ đẹp nhất tác giả dành để viết về người thân yêu và nơi chốn thân thuộc với tình cảm nhớ thương sâu nặng.

Câu 1. Xác định chủ thể trữ tình trong bài thơ.

Câu 2. Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh xuất hiện trong bức tranh ngày tết trong văn bản.

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu thơ sau: Rạ rơm vây ấm một vùng/ Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê?

Câu 4. Anh/chị rút ra thông điệp gì từ những câu thơ sau?

Con lem lấm của một thời
Để khi khôn lớn nên người lại xa
Mỗi lần nhìn khói bay qua
Mắt rưng rưng nhớ quê nhà… lại cay!

Câu 5. Từ nội dung văn bản anh/chị có suy nghĩ như thế nào về vai trò, trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương. (Viết khoảng 5-7 dòng)

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

      Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc gợi cho bạn ấn tượng và cảm xúc trong đoạn thơ sau:

Tủi thân khói bếp ngày xưa

Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông

Tiếng reo củi ướt đỡ buồn

Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh dầy

[….]

Tết nghèo bánh lá thay cơm

Đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn

Con nằm thương khó run run

Muốn đem khoe cả mưa phùn mẹ ơi!

(Nhớ tết, Trương Nam Hương)

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) bày tỏ ý kiến của anh (chị) về lời răn của Đức Phật: “Đáng khâm phục nhất của đời người là đứng dậy sau khi ngã”.

…………..HẾT…………..

 

HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Chủ thể trữ tình trong bài thơ là: người con (tác giả)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh xuất hiện trong bức tranh ngày tết trong văn bản: bánh chưng, bánh dày, pháo tẹt, pháo dây, đồng xu mừng tuổi.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được 3 hình ảnh trở lên cho: 0,5 điểm

– Trả lời được 2 hình ảnh cho: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu thơ sau: Rạ rơm vây ấm một vùng/ Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê?

– Gợi tuổi thơ lấm lem, khó nhọc “được rạ rơm vây ấm” giữa làng quê yêu dấu, được tận hưởng những cái tết dù còn nghèo khó nhưng hạnh phúc, thanh bình.

-Làm cho câu thơ sinh động, gợi hình, gợi cảm.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 – Học sinh nêu ra được thông điệp phù hợp với văn bản và có cách lí giải thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

+ Mỗi con người sinh ra đều thuộc về một miền quê yêu dấu với những kỉ niệm không thể nào quên

+ Khi trưởng thành con người cần phải rời xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về quê hương bằng tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành

+ Dù xa cách quê hương vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Vai trò, trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương:

– Hướng về quê hương bằng tình cảm gắn bó chân thành

– Giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của quê hương

– Nỗ lực học tập, phấn đấu để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển…

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 2  ý:  0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc gợi cho bạn ấn tượng và cảm xúc trong đoạn thơ. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình ảnh đặc sắc gợi  ấn tượng và cảm xúc 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

-Học sinh nêu cảm nhận về một hình ảnh mà mình cho là đặc sắc trong bài thơ.

-Yêu cầu: giới thiệu, gọi tên được hình ảnh đó, nêu cảm nhận về sự độc đáo, tác dụng của hình ảnh đó trong việc biểu thị tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

*Gợi ý: (hình ảnh người mẹ, hình ảnh tết nghèo, khói bay qua
mắt rưng rưng)

+ Hình ảnh người mẹ nghèo ngồi bên bếp lửa “nhen cho tối giao thừa bớt suông”. Tiếng củi lách tách của quá khứ vọng về nghe sao mà chạnh niềm thương cảm.

+ Hình ảnh “Tết nghèo bánh lá thay cơm/ đồng tiền mừng tuổi còn thơm mùi bùn”. Hình ảnh thơ gợi hồi ức tuổi thơ của tác giả khi nhớ về cái Tết xưa nghèo khó.

+ Những hình ảnh thơ trên giản dị, mộc mạc nhưng xúc động đến nghẹn lòng.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,25
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị về lời răn của Đức Phật: “Đáng khâm phục nhất của đời người là đứng dậy sau khi ngã”. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: …… 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

Cuộc sống vốn là một hành trình. Mà trên cuộc hànhtrình đó không phải chỉ có vinh quang, hạnh phúc mà còn có lúc ta vấp ngã, thất bại. Điều quan trọng là ta cần phải có ý chí,  nỗ lực vươn lên, đúng như lời răn của Đức Phật: “Đáng khâm phục nhất của đời người là đứng dậy sau khi ngã”

* Triển khai vấn đề nghị luận:

-Giải thích vấn đề nghị luận:

+ “Khâm phục”: kính trọng, đánh giá cao về mặt nổi trội nào đó của con người

+“Đứng dậy sau khi ngã”: Biết vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nghịch cảnh éo le của cuộc đời  

=> Ý nghĩa cả câu nói: Lời đức Phật dạy đã khẳng định ý nghĩa của sự nỗ lực trong cuộc sống và muốn khuyên răn con người cần có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cần phải biết đứng dậy sau khi vấp ngã.

– Trình bày quan điểm cá nhân, có thể theo gợi ý sau đây:

+ Biết đứng dậy sau những lần vấp ngã giúp chúng ta trưởng thành hơn.

+  Sau mỗi lần vấp ngã, thất bại là một bài học kinh nghiệm, là cơ hội để ta hoàn thiện các kĩ năng để phát triển bản thân.

+ Biết đứng dậy sau khi vấp ngã ta sẽ khẳng định đượcchính mình, sẽ có bản lĩnh hơn để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa.

(HS lấy dẫn chứng tiêu biểu để minh họa)

-Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.

+Nếu không có nghị lực, không biết đứng dậy sau khi thất bại, vấp ngã con người rất rễ rơi vào tình trạng bi quan, chán nản, thậm chí tuyệt vọng

+ Biết đứng dậy sau những vấp ngã giúp ta tiến gần hơn tới thành công “Thất bại là mẹ thành công”.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

 
Tổng điểm 10,0

 

1 bình luận trong “Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 100

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *