ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I
NĂM HỌC 2023-2024 MÔN: NGỮ VĂN – Lớp 11 THỜI GIAN LÀM BÀI: 90 PHÚT (Không kể thời gian giao đề) |
ĐỌC – HIỂU (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
(Lược dẫn: Lộ là một anh nông dân sinh ra là con một ông quan viên tử tế. Anh hiền như đất, không cờ bạc, rượu chè, chăm chỉ cày thuê cuốc mướn để nuôi vợ, nuôi con. Dẫu nghèo khó nhưng Lộ vẫn luôn giữ cho mình những phẩm chất vô cùng tốt đẹp. Bởi vậy, kẻ trên, người dưới, hàng xóm láng giềng ai cũng quý… Mến cái bụng Lộ hiền lành, các cụ trong họ đạo Lưu An cho gọi Lộ đến làm sãi (na ná như làm mõ). Lộ nhận lời. Ít lâu sau, nhờ chăm chỉ làm việc nên cuộc sống của anh đỡ xo dụi hơn. Những người khác thấy thế đã ngấm ngầm ghen ghét, mỉa mai, xa lánh. Trong đám cỗ, người ta xếp anh ngồi một mình một cỗ trong bếp, hay một chỗ nào kín đáo khác…)
[…]Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy lại, chạy qua. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu:
– Lộ đấy à, mày?
Cũng có người thêm:
– Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hoá ra lại … bở!
A! Thế là họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!…”. Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lẽn muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấy một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt một người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà cũng đòi một cỗ to hơn cỗ bốn người ăn!…
– Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ(1)”.
A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu để lại ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!
Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ơi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…
(Trích Tư cách mõ, Nam Cao, Truyện ngắn tuyển chọn, tr. 221-222, NXB Văn học, 2007)
Chú giải:
- Mõ hay còn gọi là thằng mõ: chỉ người có nhiệm vụ gõ mõ truyền tin tức hoặc mệnh lệnh của những người có vai vế trong làng cho mọi người được biết. Mõ thường là một người rất nghèo và bị dân làng coi thường thân phận.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Tìm ít nhất 5 từ, cụm từ thể hiện thái độ của nhân vật Lộ.
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3. Xác định điểm nhìn trần thuật. Nêu tác dụng của điểm nhìn trần thuật ấy.
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu văn sau: “Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa”.
Câu 5. Vì sao nhân vật Lộ từ một người nông dân hiền lành lại bị tha hóa? Tác giả gửi gắm thái độ, tình cảm gì trước tình trạng người nông dân bị tha hóa như vậy?
Câu 6. Câu văn:“Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm” gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì? (trình bày khoảng 7 dòng)
LÀM VĂN (5,0 điểm)
(Lược dẫn: Từ lúc gia đình gặp biến cố, Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha, trao duyên lại cho em là Thúy Vân. Kiều bị Mã Giám Sinh lừa bán đến lầu xanh. Tại đây, nàng gặp Thúc Sinh và được Thúc Sinh cứu thoát khỏi cuộc đời kĩ nữ. Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về gặp vợ cả là Hoạn Thư trình bày sự thật và nhận Kiều làm lẽ. Đoạn trích từ câu 1515 đến câu 1526 dưới đây kể lại cuộc chia tay giữa hai người: Thúy Kiều và Thúc Sinh.)
Người lên ngựa kẻ chia bào(1),
Rừng phong(2) thu đã nhuốm màu quan san(3).
Dặm hồng(4) bụi cuốn chinh an(5),
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn học, 2001)
Cảm nhận tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích trên.
Chú giải:
(1) Chia bào:bào là áo bào tay dài và rộng, người đàn ông quý tộc phong kiến ngày xưa thường mặc. Chia bào tức là buông áo.
(2) Phong: một loại cây đến mùa thu thì sắc lá có màu đỏ.
(3) Quan san: quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.
(4) Dặm hồng: dặm đường đi giữa bụi hồng. Chữ hồng ở đây ăn với chữ bụi sau đó.
(5) Chinh an: chinh là đi đường xa, an là yên ngựa. Người ta thường dùng hai chữ chinh an để chỉ việc đi đường xa.
PHẦN I |
HƯỚNG DẪN CHẤM
NGỮ VĂN 11 – ĐỀ CHẴN |
|||
Câu | Yêu cầu cần đạt | Điểm | ||
Câu 1 | – 5 từ, cụm từ chính xác: Cáu, tặc lưỡi, vênh vênh, vẻ bất cần, không biết nhục….
– HS trả lời dưới 5 từ |
0,5
0,25 |
||
Câu 2 | – Nội dung: kể về quá trình tha hóa của nhân vật Lộ. Vì thái độ ghen ghét, đố kị, mỉa mai của mọi người xung quanh mà Lộ dần mất đi nhân cách vốn có của mình. | 0,5 | ||
Câu 3 | – Điểm nhìn: Điểm nhìn của người kể chuyện (bên ngoài), điểm nhìn của nhân vật (bên trong)
–Tác dụng: Mở rộng khả năng bao quát, nhận xét, đánh giá của người kể chuyện, linh hoạt di chuyển điểm nhìn tạo nên sự đa dạng trong góc nhìn, tăng sự hấp dẫn trong nghệ thuật trần thuật// Giúp người kể đi sâu vào nội tâm nhân vật đặc biệt là nhân vật Lộ để hiểu được suy nghĩ, thái độ và hành động của anh: trước những lời nói kháy của người dân trong họ đối với Lộ dù rất tức giận nhưng anh ta vẫn tỏ ra bất cần, không thèm quan tâm (Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục) // Thể hiện quan niệm của nhà văn: nhân cách con người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thái độ khinh trọng của mọi người xung quanh; phê phán thói hư tật xấu của con người…. Nêu mỗi ý được: 0,25 điểm. Nêu chung chung không cho điểm tuyệt đối |
0,25
0,75 |
||
Câu 4 | – BPTT:
+ Phép điệp/ Liệt kê + Chỉ ra các đơn vị ngôn ngữ sử dụng biện pháp tu từ (điệp từ: hắn, đòi, thêm; Liệt kê: thêm xôi – thịt – cơm …) – Tác dụng: + Nhấn mạnh/ làm rõ hình ảnh nhân vật Lộ đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn… + Thể hiện nỗi xót xa, day dứt của nhà văn trước tình trạng nhân phẩm con người bị xói mòn, bị tha hóa bởi hoàn cảnh bởi tính đố kỵ, ghen ăn tức ở của người đời… + Tạo tính liên kết, sinh động, gây ấn tượng cho sự diễn đạt. HS nêu 1 ý: 0,25 điểm; nêu được 2/3 ý: 0,5 điểm |
0,25 0,25
0,5
|
||
Câu 5 | – Vì: sự ghen ghét, đố kị và coi khinh của người dân trong họ đối với anh cu Lộ.
– Tác giả gửi gắm thái độ, tình cảm, cách nhìn: đồng cảm, thương xót trước nỗi cơ cực của những người nông dân// Lên án thái độ rẻ rúng, coi thường, giễu cợt, định kiến… về con người, đã góp phần chà đạp lên lòng tự trọng của con người, đẩy con người vào hoàn cảnh khốn cùng// Nỗi niềm day dứt, xót xa trước tình trạng con người bị xói mòn nhân phẩm… là lời kêu khẩn thiết hãy cứu lấy nhân phẩm con người. – Mỗi ý 0,25điểm |
0,25
0,75
|
||
Câu 6 | – Suy nghĩ của bản thân:
Định hướng: + Nhận thức được thái độ ứng xử của mọi người có tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người. + Việc trọng người này khinh người kia có thể sẽ gây ra những tổn thương và ảnh hưởng đến nhân cách của người khác. + Có thái độ ứng xử phù hợp, nhân văn, cần dành sự tôn trọng cho người khác.. + Biết sống bản lĩnh, không vì thái độ của người khác mà tha hóa, hủy hoại nhân cách của mình/ trong bất kì hoàn cảnh nào cũng cần giữ vững nhân cách…… HS trình bày khoảng 7 dòng; chỉ cần nêu được 01 ý: 0,5 điểm; lý giải thuyết phục: 0,5 điểm. |
1.0
|
||
Phần II | ||||
1. Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề |
0,5 | |||
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về tâm trạng Thúy Kiều | 0,5 | |||
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể theo hướng: * Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận * HS cảm nhận về tâm trạng Thúy Kiều như sau: – Tâm trạng đầy lưu luyến, bịn rịn, lo lắng bất an khi chia tay Thúc Sinh (2 câu đầu) – Tâm trạng buồn bã, hụt hẫng, trống vắng sau giây phút chia tay (2 câu tiếp) – Nỗi buồn tủi, cô đơn, thương nhớ khôn nguôi dành cho Thúc Sinh (2 câu tiếp) – Tâm trang cô đơn, trống trải, ai oán, xót xa cho thân phận (2 câu cuối) – Mỗi ý 0,5điểm (Lưu ý: Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách, miễn là hợp lí, thuyết phục) * Nhận xét, đánh giá: – Khái quát lại tâm trạng của Thúy Kiều và nhận xét tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du: Yêu thương, đồng cảm/ trân trọng khát vọng hạnh phúc của Kiều của người phụ nữ/ đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người…. – Nghệ thuật: Thể thơ lục bát, ngôn ngữ Hán Việt trang trọng, hình ảnh ước lệ, nghệ thuật đối, tả cảnh tả tình tuyệt bút….. |
3.0
0,5 2.0
0.5 |
|||
4. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt |
0,5 | |||
5. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 | |||
TỔNG ĐIỂM | 10 | |||