Đề kiểm tra học kì II ngữ văn 12 có đáp án

Đề bài:
Phần I: Đọc hiểu ( 4 điểm )
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi sau từ Câu 1 đến Câu 4 :
” Khi đã khai phóng được bản thân, con người con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chuyên môn của mình.
Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là việc tìm ra được đâu là lương tri và phẩm giá của mình, đâu là lẽ sống và giá trị sống của mình, đâu là những giá trị làm nên chính mình, là những thứ là vì nó hay để bảo vệ nó, mình sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác, đâu là “chân ga” ( để giúp mình vượt qua đèo cao), đâu là “chân thắng” ( để giúp mình không rơi xuống vực sâu).
Ở khía cạnh con người chuyên môn (hay con người công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp), đó là việc tìm ra mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, hiểu mình giỏi đến mức độ nào để đặt mình vào một công việc phù hợp nhất với “cái chất” con người mình. Khi làm công việc mình giỏi nhất, mê nhất và phù hợp với “cái chất” con người mình nhất thì khi đó là việc cũng là làm người, khi đó mình làm việc cũng là sống với con người mình” 
( Đúng việc, một góc nhìn về câu chuyện khai minh _ Giản Tư Chung, NXB Tri Thức -2015).
Câu: 1 Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?(0.25 điểm)
Câu 2: Hãy xác định câu chủ đề của đoạn văn bản.(0.5 điểm)
Câu 3: Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?(0.5 điểm)
Câu 4: Từ quan niệm về “con người chuyên môn” trong đoạn trích trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ về định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Trả lời khoảng 5-7 dòng. (1.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 6:
“Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy. Nhưng họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn phải ăn thịt bẩn của kẻ khác . . . “
(Chia sẻ của Trần Nhất Hoàng – cựu thành viên ban nhạc bức tường khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sĩ Trần Lập). 
Câu 5: Đoạn văn bản trên đề cập đến hiện tượng xã hội nào ? (0.5 điểm)
Câu 6: Từ những chia sẻ trên anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 5 -7 dòng nêu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xã hội đó ? (1.0 điểm)
Phần II: Làm văn (6 điểm)
Trong truyện ngắn “Vợ Nhặt” của Kim Lân có đoạn:
“Bà lão cúi đàu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì . . . Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt . . . Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà lão nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được . . . May ra mà qua được khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chú biết thế nào mà lo cho hết được ?
Bà lão khẽ hắng dặng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới” :
– Ừ, thôi các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng . . . Tràng thở đánh phào một cái (. . .) Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vọe chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may ông giời cho khá . . . Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”.
(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2013)
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ được miêu tả trong đoạn trích trên.
Gợi ý làm bài:
Biên soạn bởi Mơ Cao, lớp 12H, Trường THPT Bình Minh – Kim Sơn – Ninh Bình
Website của Admin http://vanhay.edu.vn/
Phần I: Đọc hiểu
Câu 1: Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2: Câu chủ đề của đoạn văn là câu: “Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chuyên môn của mình.”
Câu 3: Trong đoạn trích tác giả sử dụng chủ yếu thao tác lập luận phân tích.
Câu 4: Định hướng lựa chọn nghề nghiệp của bản thân là việc vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Để lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với bản thân trước hết phải hiểu được khả năng, năng lực của bản thân, biết đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu để lựa chọn ra những nghề nghiệp phù hợp với mình. Trong những nghề nghiệp phù hợp thì chọn ra nghề phù hợp nhất với mình, nghề nghiệp mà mình yêu thích nhất bởi vì có yêu thích thì mới say mê, có yêu thích thì khi làm việc bạn mới cố gắng, nỗ lực hết mình, cống hiến hết mình và gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần quan tâm đến xu hướng và nhu cầu việc làm của xã hội, tuy nhiên niềm đam mê vẫn là quan trọng nhất rồi mới đến yếu tố gia đình, yếu tố truyền thống quê hương . . . để đưa ra sự lựa chọn phù hợp với bản thân.
Câu 5: Đoạn văn trên đề cập đến hiện tượng xã hội: Sản xuất thực phẩm bẩn (mất an toàn vệ sinh thực phẩm).
Câu 6 : Gần đây, hiện tượng sản xuất thực phẩm bẩn (mất an toàn vệ sinh thực phẩm) đang gây nhức nhối cho toàn xã hội . Nguyên nhân gây ra hiện tượng này được bắt nguồn từ nhiều phía. Đầu tiên là ý thức của người sản xuất ra thực phẩm bẩn, những con người  bị đồng tiền che mắt . Về phía người tiêu dùng, hầu hết là không có khả năng nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn để lựa chọn. Có những người biết đó là thực phẩm bẩn nhưng không dám lên tiếng, hoặc có nhưng con số quá ít vì đây là việc rất khó, cũng có người biết nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ vì “mình không ăn nên không cần phải nói”. Tiếp theo là các cơ quan chức năng làm việc chưa hiệu quả, hình phạt chưa đủ sức răn đe đối vơi những người vi phạm, . . . Như vậy vấn đề  thực phẩm vẫn đang là một bài toán khó đối với toàn xã hội
Phần II: Làm văn
Kim Lân là một cây bút vàng của nền văn học hiện đại Việt Nam, là con đẻ của đồng ruộng. Kim Lân viết rất nhiều, rất sâu sắc về đề tài nông thôn và người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Đặc biệt ông là nhà văn có biệt tài miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật cực kì xuất sắc. Truyện ngắn “Vợ nhặt” là một trong những thành công nhất trong sự nghiệp văn học của ông được in trong tập “Con chó xấu xí ” xuất bản năm 1962. Truyện ngắn là một minh chứng cho nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật điêu luyện của ông.  Đoạn trích sau đây miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ :
“Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi . . . Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”.
Truyện ngắn “Vợ nhặt” có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được nhà văn Kim Lân ấp ủ và viết từ trước cách mạng tháng Tám 1945 nhưng khi kháng chiến nổ ra ông đã bị mất, thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại, nghĩa là sau năm 1954, ông nhớ lại cốt truyện của tiểu thuyết rồi viết lại thành truyện ngắn “Vợ nhặt”. Mặc dù được viết sau khi hòa bình lập lại nhưng bối cảnh của truyện được lấy là đại nạn đói năm Ất Dậu (1945) cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, Tràng – một anh nông dân xóm ngụ cư nghèo, xấu xí, ngờ nghệch lại có được vợ một cách dễ dàng (nhặt được vợ). Qua hai lần gặp gỡ, mấy lời bông đùa, 4 bát bánh đúc mà Tràng và thị làm thành chuyện thật, chuyện nghiêm túc. Thị đồng ý theo Tràng về và Tràng đưa thị về cũng bằng cả một niềm trân trọng.
Khi Tràng đưa thị về ra mắt, bà cụ Tứ đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng chỉ sau một câu nói của Tràng: “Nhà tôi nó về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau . . . chẳng qua nó cũng là cái số . . . ” thì tâm trạng bà cụ đã thay đổi.
Dòng diễn biến tâm trạng bà cụ tứ được nhà văn Kim Lân miêu tả chỉ trong một đoạn văn ngắn ngủi nhưng ở đó, nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của ông đã đạt đến độ tinh tế, tự nhiên như nó vốn có là như vậy. Đầu tiên trong đoạn trích là sự thấu hiểu của bà lão, sau đó là sự xót xa, thương thân tủi phận, từ sự yêu thương đến đồng cảm và trân trọng. Đối mặt với tại khó khăn, mặc dù lo lắng nhưng bà vẫn lạc quan động viên, an ủi các con hướng về tương lai bởi vì bà cũng đang vui với niềm vui của các con. Qua dòng diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ, Kim lân đã làm cho vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật được tỏa sáng.
Theo truyền thống của  người Việt, chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện trọng đại, phải được sự cho phép, chấp nhận của những người lớn tuổi trong gia tộc thì đôi uyên ương mới được phép nên vợ nên chồng. Thế nhưng hôm nay Tràng lại bất ngờ đặt bà cụ Tứ vào tình huống đã rồi, Tràng dẫn thị về ra mắt mẹ nhưng thực chất là đưa vợ về ra mắt mẹ. Bà cụ tứ hoàn toàn có thể nổi giận, gắt gỏng, bà có quyền không đồng ý, thậm chí là có thể xua đuổi, nhưng trong tình huống này bà lại hoàn toàn không làm như vậy. Chỉ sau một câu nói của con trai, bà lão hoàn toàn cúi đầu nín lặng, một cái cúi đầu, một sự nín lặng để che giấu đi một cơn bão tố đang diễn ra trong lòng người mẹ già nghèo khổ. Cơn bão của sự đấu tranh giữa hiện thực khốn khó, đói khát với khát vọng hạnh phúc của đứa con trai và cũng là của bà. Bà hiểu ra biết bao cơ sự, bà hiểu hiện thực bi đát mà bà và còn đang phải đối mặt nhưng bà cũng hiểu khát vọng hạnh phúc trong lòng đứa con trai đang trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết.
Hơn ai hết bà cụ Tứ hiểu được: “Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này” nghĩa là được tận hưởng niềm vui, sự tươm tất nhưng trong hoàn cảnh này bà hoàn toàn không thể lo được gì cho con. Bà nghẹn ngào không nói lên lời và bà đã khóc, giọt nước mắt hiếm hoi của người mẹ già thể vừa thể hiện sự đau đớn, xót xa vừa thể hiện sự thương thân, trách phận. Vượt qua nỗi đau đớn để dành tình yêu thương cho con trai mình và đặc biệt là “nàng dâu mới”. “Nàng dâu mới” nghe thiêng liêng trang trọng nhưng thực chất là người đàn bà theo không con trai bà, không cưới hỏi, không lễ nghi nhưng bà hoàn toàn không có sự rẻ khinh hay coi thường thị, ngược lại bà còn rất đề cao thị: :Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được . . . ” Rõ ràng giữa người ta và con mình bà đã đề cao người ta hơn, đây hoàn toàn không phải là sự tự hạ thấp mình mà nó xuất phát từ tình cảm chân thành của sự đồng cảm, trân trọng. Hơn ai hết bà thấu hiểu được hoàn cảnh của thị lúc này bởi vì bà cũng đang là nạn nhân của cơn bão táp đói khát, bà cũng đang bị nó quăng quật cho nghiêng ngả. Tình cảm của bà dành cho thị là tình cảm của những người đồng cảnh ngộ.
Trước hiện thực, bà cụ không tránh khỏi sự lo lắng, nỗi lo lắng của bà cũng đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Nếu người dân xóm ngụ cư lo cho Tràng rằng: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không” thì bà lo cho Tràng và thị rằng: “Biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Thế nhưng nỗi lo lắng của bà lập tức được lắng xuống bởi niềm hạnh phúc của con trai bà đang có là quá lớn và đó cũng là niềm hạnh phúc của bà. Bà đồng ý cho Tràng và thị nên vợ nên chồng: “Các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Đến đây ta cũng thấy được sự khéo léo, tinh tế của nhà văn trong việc sử dụng ngôn từ. Nhà văn khéo léo chọn từ “mừng lòng” chứ không phải “bằng lòng” bởi “mừng lòng là đồng ý trong sự mãn nguyện, vui mừng, đồng ý bởi niềm vui thực sự chứ hoàn toàn không có sự miễn cưỡng, gượng gạo.
Trước niềm hạnh phúc củ con, trước khi hai con bắt đầu bước đi trên con đường đời mới, bổn phận bà là mẹ nhưng bà không thể trang bị cho con được một chút hành trang vật chất nào bởi vì bà quá nghèo. Thế nhưng các con của bà thật may mắn khi được bà trang bị cho một hành trang tinh thần vô cùng quý giá đó là niềm lạc quan, tin tưởng để bước đến tương lai. Bà dặn các con: ”Vợ chồng chúng mày liệu bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá . . . Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”Một câu thành ngữ tưởng như bà thuận miệng nói ra nhưng lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Không bao giờ sự khó khăn đeo bám con người đến đời thứ ba, trong khi đời bà và đời Tràng đã khó thì đến đời con của Tràng sẽ không còn khó nữa. Một câu thành ngữ được được đúc rút từ kinh nghiệm của cha ông không phải lúc nào cũng đúng nhưng trong hoàn cảnh này thì nó chính là một ánh sáng le lói được bà cụ Tứ thắp lên để soi rọi cho các con mình khi chúng bước đi trên con đường đầy tăm tối. Một đốm lửa nhưng có thể thắp lên một niềm tin về một tương ai tươi sáng.
Bà cụ Tứ bị đặt trong hoàn cảnh rất éo le, bà đang phải đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng bà dễ dàng chấp nhận, dễ dàng thấu hiểu khát vọng của con. bà để lại đằng sau tất cả những đói khát, những chết chóc. Bà dằn lòng chịu đựng vì niềm hạnh phúc của con. Bà cụ Tứ không chỉ là một người mẹ thương con hết mực mà còn là người phụ nữ giàu đức hi sinh. Hơn thế bà là một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang những người đồng cảnh ngộ. Bà cụ Tứ đã nhận được sự trân trọng không chỉ của người đọc mà còn của chính tác giả Kim Lân. Bà đã được nhà văn trân trọng gọi là ”bà cụ Tứ”.
Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích, Kim Lân hoàn toàn chứng minh thuyết phục cho ta thấy nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí  nhân vật của nhà văn đã đạt đến trình độ tinh tế, tự nhiên như nó vốn có là như vậy.Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào tình huống éo le để thử thách tâm lí nhân vật, từ đó là sáng lên vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật. Dòng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật được Kim Lân miêu tả hết sức tự nhiên, hết sức chân chân thành qua từng lời nói, từng hành động đến từng thái độ của nhân vật.
Qua đoạn trích, tác giả tập trung khắc hoạ hình tượng bà cụ Tứ- người mẹ nghèo nhưng giàu lòng nhân hậu, bao dung. Đoạn trích đã làm nổi bật lên tài năng của Kim Lân, thành công của đoạn trích đóng góp một phần không nhỏ vào thành công chung cho toàn bộ tác phẩm “Vợ nhặt” và sự thành công của tác phẩm đã góp phần làm sáng lên tên tuổi của Kim Lân văn đàn.
Biên soạn bởi Mơ Cao, lớp 12H, Trường THPT Bình Minh – Kim Sơn – Ninh Bình.

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *