Nghị luận xã hội về hạnh phúc gia đình

Đề bài: “Ngôi nhà ở đâu, trái tim ở đó”

Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên bằng bài viết khoảng 600 từ./.

Bài viết được biên soạn bởi Nguyễn Thế Anh – Trường THPT Hoa Lư A – Ninh Bình

Yêu cầu chung:

 Đây là đề mở, có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện những hiểu biết, suy nghĩ và tình cảm của bản thân qua các ý sau:

– Ngôi nhà, gia đình là gì?

– Tại sao ngôi nhà ở đâu, trái tim ở đó?

– Cần làm gì để vun đắp, tạo dựng hạnh phúc gia đình cho mình và mọi người ?

                        Bài làm

Tôi nhớ có một nhà thơ đã từng viết :

Con sẽ về khi vào độ xuân sang

Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc

Chỉ có điều mẹ nhé mỗi ban mai

Đừng gọi con như tám năm về trước

Đừng thức dậy những ước mơ đã mất

Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành

Phải chăng quá nửa đời bôn ba phiêu bạt, thấm thía nếm trải bao cay đắng, người con đã nhận ra nơi nương náu yên ổn nhất của lòng mình đó là Lòng Mẹ, là ngôi nhà với bếp lửa thân thương, là ngọn đèn nhỏ thâu đêm có mẹ vẫn đang chờ lặng thầm và nhẫn nại?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đánh thức trái tim bao nhiêu người xa quê bằng ý thơ rưng rưng nghẹn ngào:

Quá nửa đời phiêu dạt

Con lại về úp mặt vào sông quê

…Sông có nhớ chăng nơi ta ngôi ngóng mẹ

Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng…

Có thể bây giờ bạn chưa nhớ quê, bạn chưa nhớ nhà, bạn còn vô tâm, chưa biết thương cha, thương mẹ với những mưa nắng nhọc nhằn mà Người đã nếm trải nhưng tôi tin rằng nhất định một ngày nào đó, khi bạn đi xa và phải nếm trải những va đập, mất mát của cuộc đời, chắc chắn bạn sẽ nhận ra một điều như là chân lí : Ngôi nhà ở đâu, trái tim ở đó.

Ngôi nhà là gì? Ngôi nhà là yêu thương. Tôi còn nhớ như in, ngày đầu tiên bước chân vào trường chuyên của thị xã, ngồi đằng sau xe đạp của bố, tôi mặc cái quần màu cháo lòng cộc đến nửa bắp chân, chưa bao giờ tôi biết đến thị xã với những ngôi nhà cao tầng, chưa bao giờ tôi được ăn 1 bữa bánh rán thỏa thích. Hôm đó, bố mua cho tôi 5 cái, tôi ăn những cái bánh rán cứng ngắc phồng cả mồm… Tôi còn nhớ như in những buổi chiều mùa hè, nhà tôi ở gần cánh đồng, đó là một thế giới tuổi thơ đầy khát khao và bí ẩn. Cả một mùa hè đang chờ anh em tôi ở đó với cua ốc, nhái, châu chấu, khoai nướng thơm lừng và cà chua sống ngọt lịm… Tôi còn nhớ nhiều lắm bàn tay khô ráp chai sần của mẹ những buổi sáng mùa đông giá rét, mẹ đi chợ về, mấy anh em tôi đã ủ sẵn đôi tay của mình trong những cái áo bông ấm áp và tranh nhau đưa bàn tay nhỏ xíu của mình ra ủ tay, nắm tay cho mẹ. Tôi thấy đôi tay Người lạnh cóng nhưng trong mắt Người bao nhiêu là ấm áp…  Năm tháng đi qua, tôi càng nhận ra, nhớ về gia đình là tôi nhớ những kỉ niệm ấu thơ đó, mãi mãi là hành trang theo tôi suốt cuộc đời.  Ôi! Ngôi nhà của tôi, ngôi nhà hạnh phúc…

Nhưng tôi cũng biết có biết bao người không có nhà, không có được niềm may mắn như tôi, không biết đến niềm vui và hạnh phúc. Tôi có một người bạn nhỏ cùng xóm. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, có củ khoai luộc mẹ đưa cho ăn  sáng chúng tôi để dành cho nhau, cuối buổi tan trường vừa đi vừa ăn chung. Nhưng có đến một ngày kia, bạn tôi bỗng trở nên cục cằn, xa lánh tất cả. Bạn coi tôi như một người xa lạ, hắt hủi và tàn nhẫn. Bạn có những người bạn mới mà tôi chưa hề được nghe nhắc đến bao giờ. Họ thường xuyên trốn học, không tới trường và thậm chí có lúc không gia đình. Lòng đầy tự ái, tôi giận bạn và chỉ biết tập trung vào học tập, an lòng với tổ ấm dễ thương của mình. Rồi một ngày nọ, cùng ở với nhau trong phòng nội trú, tôi tình cờ đọc được những dòng nhật kí nhòe nhoẹt, đứt nối của bạn, đó là những bài thơ bạn chép ở đâu đó:

– Anh chị đã đồng ý li hôn? – Tòa án hỏi

Tôi nhìn sang người chồng

Rồi nhìn sang người vợ

Họ đã làm giấy chia nhau đến tài sản cuối cùng

Riêng đứa trẻ chẳng thể nào chia được

Nó ngồi giữa như một người có lỗi

Đang khóc thầm nước mắt chảy làm đôi

-….. Bầu trời và mặt biển

Tuy ở cách xa nhau

Nhưng nhìn xuống mặt biển

Thấy bầu trời trong xanh

 

Mênh mông biển và trời

Như tình cha và mẹ

Con là thuyền nhỏ bé

Lênh đênh khắp muôn nơi

 

Hôm nay nhìn xuống biển

Không thấy bầu trời nữa

Bầu trời đâu biển ơi?

 

Mong sao biển và trời

Xanh bình yên trở lại

Để đời con mãi mãi

Ngọt ngào trong lời ru…

Đêm hôm đó, tôi đã khóc rất nhiều, vì thương bạn, vì giận chính mình. Giận vì mình đã vô tâm, không hề biết đến nỗi đau của bạn, không hiểu rằng sự nổi loạn của bạn chỉ là sự chống trả những đổ vỡ đớn đau của vết thương tâm hồn. Giận vì nhớ lại mình biết bao lần dỗi hờn, trách móc khi không vừa ý với cha mẹ, để cha mẹ phải phiền lòng. Tôi thấy xấu hổ vì so với bạn mình quả là bọc đường. Những dòng nhật kí đẫm nước mắt của bạn đã dạy cho tôi bài học về hạnh phúc.

Và từ đó chúng tôi đã đi bên nhau, chính xác hơn là tôi đã lặng lẽ bên bạn kể cả khi bạn thấy sự có mặt của tôi là thừa. Tôi đã làm tất cả những gì cho bạn để bạn hiểu rằng: tôi đang và sẽ luôn ở bên bạn. Trong buổi lễ phát động ủng hộ trẻ em lang thang cơ nhỡ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mà Thị Đoàn tổ chức tại trường, tôi nhớ bạn tôi đã hát bài hát mà rất nhiều người rơi nước mắt. Bài hát Dấu chấm hỏi: Cha ơi, cha ở đâu? Mẹ ơi mẹ ở đâu?…Tại sao sinh em trong cuộc đời mà sao không cho em tình người…em nào có tội gì đâu/ tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường/…Đêm khuya, ôi!lạnh quá, đứa bé mồ côi nằm co ro, như dấu chấm hỏi, hỏi giữa dòng đời…

Trong số những người nghe hát có mặt hôm đó, tôi không biết có ai như tôi, biết rằng bạn hát bài hát đó từ tim.

Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn, tôi lớn lên trong vòng tay của cha, của mẹ. Dẫu bao nhọc nhằn, nhưng cha mẹ đã dành cho tôi tất cả những gì có thể với một tình yêu thương vô bờ. Càng lớn, tôi càng hiểu rằng mình mắc nợ nhiều lắm. Đó là công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô, là ân tình của anh em, bè bạn…mà có thể suốt cả cuộc đời mình không thể trả  hết. Ngày tôi bước chân vào trường trung học, cha đã tặng tôi đôi câu thơ mà Người nói là rất thích:

Nơi con đến và đi, bạn bè đều đến cả

Ba để lại cho con khoảng trống trên đường

(Thơ Vũ Duy Hưng)

Con đường tôi đi, có thể gặp nhiều may mắn, đó không chỉ là may mắn ngẫu nhiên của số phận mà tôi hiểu đó là những vun đắp từ đôi bàn tay của đấng sinh thành. Nếu nói là may mắn của số phận thì tôi phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn Trời, Phật đã cho tôi được làm con của cha mẹ, cho tôi một điểm tựa vĩnh hằng trong cuộc đời và tôi biết đi hết cuộc đời này dù ngoài kia sóng gió có mệt nhoài đi nữa thì ngôi nhà vẫn là một bến xuân dù là vua hay dân cày thì kẻ nào sống yên ổn dưới mái nhà của mình, kẻ đó là người hạnh phúc nhất.

Tôi biết có nhiều vĩ nhân, nhiều nhà kinh doanh, nhiều nhà văn, nhà thơ … trưởng thành mà không có điểm tựa gia đình nhưng hơn bao giờ hết, họ là người ý thức sâu sắc về gia đình, về hạnh phúc. Bởi chính những vất vả đắng cay mà họ nếm trải và cuộc sống đã dạy cho họ bài học về gia đình, bài học về yêu thương để họ sống hết mình. Không có tiểu gia đình, họ tạo ra đại gia đình để thương yêu, lo toan, để sống hết với cuộc đời như một thông điệp có trong một bài hát: Hãy yêu nhau đi!

Vâng, hãy yêu thương nhau , hãy yêu cuộc đời này, hãy hiểu rằng chúng ta sinh ra được làm người với hai tiếng Con Người “giản dị và kiêu hãnh xiết bao” (M. Gorki). Chúng ta là con người bởi chúng ta biết yêu thương, biết tạo dựng và trân trọng gìn giữ những gì đích thực. Ngôi nhà ở đâu, trái tim ở đó, bạn hãy tạo cho chính trái tim mình là một ngôi nhà nhỏ luôn có lửa thương yêu để mỗi khi đi xa về gần, ngôi nhà chung của chúng ta luôn ấm áp./.

 

Xem thêm :Tổng hợp những đề thi về các tác phẩm trọng tâm lớp 12
Những bài văn nghị luận xã hội hay lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *