Đề kiểm tra giữa kì 2 lớp 11, Truyện Kiều, Sử thi buồn, lạm dụng mạng xã hội

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn, lớp 11

Thời gian làm bài: 90 phút

 

Họ tên thí sinh……………………………. Số báo danh…………………………………

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Lược dẫn: Sau khi bị mắc mưu Sở Khanh lừa đi trốn và bị Tú Bà bắt lại, Thúy Kiều bị ép buộc phải tiếp khách làng chơi. Đoạn trích sau thể hiện một phần tâm trạng của Thúy Kiều trong  cảnh ngộ ấy.

Ôm lòng(1) đòi đoạn(2)  xa gần,

Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau!

Nhớ ơn chín chữ (3)cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu(4) tà tà

Dặm ngàn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!

Sân hòe (5) đôi chút thơ ngây(6).

Trân cam(7) ai kẻ đỡ thay việc mình?

Nhớ lời nguyện ước ba sinh(8),

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Khi về hỏi liễu Chương Đài(9),

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên(10) tay!

Tình sâu(11) mong trả nghĩa dày(12),

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

Mối tình đòi đoạn vò tơ,

Giấc hương quan(13) luống lần mơ canh dài.

Song sa(14) vò võ(15) phương trời,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn hóa thông tin 2006, tr.108,109,110)

Chú thích:

1.Ôm lòng: Giữ kín nỗi buồn trong lòng

2.Đòi đoạn: Nhiều chặng, nhiều khúc

3.Chín chữ: 9 chữ ghi công lao của cha mẹ bao gồm: sinh (đẻ ra), cúc (nâng đỡ), phủ (vỗ về), súc (cho bú, cho ăn), trưởng  (nuôi cho lớn); dục (dạy dỗ), cố (săn sóc), phục (chăm nom), phúc (dìu dắt).

4.Bóng dâu: Bóng chiều còn gác lại trên cây dâu, ý chỉ lúc tuổi già

5.Sân hòe:  Sân nhà ông Hựu có trồng 3 cây hòe nên con ông ấy được vinh hiển, 2 chữ Sân hòe để chỉ anh em

6.Đôi chút thơ ngây: (chỉ) Thúy Vân và Vương Quan

7.Trân cam: Những thức ăn ngon, quý

8.Lời nguyện ước ba sinh: Lời thề sẽ sống đời đời kiếp kiếp với nhau (thề với Kim Trọng)

9.Liễu Chương Đài: Điển cố gợi chuyện xa xưa của người đi làm quan ở xa, viết thư về thăm vợ con với câu thơ: Cây liễu ở Chương Đài xưa xanh xanh/ Nay có còn không/ Hay là tay khác đã vịn bẻ mất rồi. Nguyễn Du mượn điển cố để diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi nàng nghĩ đến cảnh Kim Trọng trở về chốn hẹn xưa thì Kiều đã thuộc về người khác

10.Chuyên: Trao sang

11.Tình sâu: Tình chị em (Thúy Kiều và Thúy Vân)

12.Nghĩa dày: Tình vợ chồng

13.Giấc hương quan: Giấc mơ thấy được trở về thăm quê nhà

14.Song sa: Cửa sổ có treo bức màn the

  1. Vò võ: trơ trọi một mình

Trả lời các câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2: Những đối tượng nào xuất hiện trong dòng suy nghĩ của Thúy  Kiều?

Câu 3: Phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ:

“Ôm lòng đòi đoạn xa gần

Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau”

Câu 4: Qua văn bản, hãy nhận xét về một phẩm chất nổi bật của nhân vật  Thúy Kiều?

Câu 5: Từ ý nghĩa của từ “chín chữ” trong câu “Nhớ ơn chín chữ cao sâu” và tình cảm của nhân vật Thúy Kiều trong văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân với công lao của cha mẹ (trả lời bằng 1 đoạn văn ngắn 5-7 câu)

PHẦN VIẾT (6 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của đoạn trích sau:

Sông Hương rất nhạy cảm với ánh nắng nó thay màu nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và nhiều khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với ai từng đánh bạn với nó; người ta giữ những kỷ niệm màu sắc khác nhau về nó, giống như về màu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính màu xanh trở mình sau cơn lũ mới lạ lùng: nắng vàng lạnh, và dòng sông vừa xanh trở lại hôm qua, màu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào tha thiết khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi cũng chuyển thành màu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực. Trần Dần từ Hà Nội về chơi Huế, ngày nào cũng ra bờ sông ngồi nhìn chiều tím; lần ấy không nén được lòng, nhà thơ đứng dậy một mình vỗ tay hoan hô dòng sông. Từ đó trong ngôn ngữ của Tư Mã Gãy – Trần Dần mọc thêm một từ mới, gọi Huế là “nhân loại tím”. Trong ngôn ngữ thường ngày, ý niệm “màu tím Huế” có nguồn gốc thiên nhiên rất rõ: đủ độ nồng nhưng màu vẫn ửng sáng, nó không gợi nỗi buồn theo kiểu hoa păng-xê mà là niềm vui nhẹ của những bông cỏ mùa xuân. Nó mang dấu hiệu của một nội tâm trong sáng, giàu có nhưng gìn giữ để không bộc lộ nhiều ra bên ngoài; vì thế với người phụ nữ Huế, màu tím ấy vừa là màu áo, vừa là đức hạnh. (…)

(Trích Sử thi buồn,Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo Tạp chí sông Hương http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p5/c20/n28163/Su-thi-buon.html)

Câu 2: (4,0 điểm)

Hiện tượng lạm dụng mạng xã hội quá mức đang trở nên phổ biến ở giới trẻ. Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng trên.

ĐÁP ÁN, HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn 11

Hướng dẫn chấm gồm 03 trang

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
1 Thể thơ: lục bát

HD chấm:

+ HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

+ HS không trả lời hoặc trả lời không đúng đáp án: không cho điểm

0.5
2 Đối tượng xuất hiện trong suy nghĩ của Thúy Kiều: cha mẹ, các em (người thân trong gia đình); Kim Trọng; chính mình.

HD chấm:

+ HS trả lời 3 ý như đáp án: 0,5 điểm

+ HS trả lời 1/3 hoặc 2/3 ý như đáp án: 0,25 điểm

+ HS không trả lời hoặc trả lời không đúng đáp án: không cho điểm

0.5
3 – Biện pháp nghệ thuật: HS chỉ cần nêu 1 trong 3 biện pháp sau:

+ điệp cấu trúc: chẳng … mà…

+ đối lập chẳng vò mà rối – chẳng vò mà đau;

+ cách nói nghịch lí: chẳng vò – mà rối,  chẳng dần – mà đau

– Hiệu quả:

+ Khắc họa tậm trạng rối bời, đau đớn tột cùng của nhân vật Thúy Kiều

+ Tạo nhịp điệu cho câu thơ da diết, khắc khoải cho câu thơ

+ Thể hiện sự cảm thông, xót xa của tác giả với những nỗi đau đớn, bất hạnh Kiều đang phải chịu đựng.

HD chấm:

+ HS trả lời đầy đủ như đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm. Trong đó, ý 1: 0,25 điểm, ý 2: 0,75 điểm

+ HS trả lời được 2/3 ý 2: 0,5 điểm, 1/3 ý 2: 0,25 điểm

+ HS không trả lời được hoặc trả lời không đúng đáp án: không cho điểm

1.0
4 – Phẩm chất nổi bật của Thúy Kiều: hiếu thảo, chu đáo, biết lo toan, trọng tình trọng nghĩa,…

– Nhận xét:

+ Là phẩm chất tốt đẹp, đáng để học tập…

+ Đặc biệt, đặt trong hoàn cảnh hiện tại, dù đang trải qua cay đắng, tủi nhục, đầy bế tắc nhưng Kiều luôn nén lại nỗi đau của mình để lo lắng và nghĩ cho gia đình, cho Kim Trọng…., phẩm chất đó khiến Kiều càng trở nên đáng trân trọng hơn.

HD chấm:

+ HS trả lời như đầy đủ gợi ý hoặc có cách diễn đạt tương đương: 1,0 điểm. Trong đó, ý 1 (chỉ cần trả lời đúng 1 phẩm chất): 0,25 điểm, ý 2: 0,75 điểm

+ HS trả lời được 1/2 ý 2: 0,5 điểm

+ HS không trả lời được: không cho điểm

1.0
5 –         Suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân với công lao của cha mẹ:

+ Luôn khắc ghi công lao to lớn của cha mẹ,

+ Kính trọng, vâng lời cha mẹ, luôn cố gắng học hỏi, không để cha mẹ phiền lòng

+ Chăm sóc, phụng dưỡng, yêu thương cha mẹ để phần nào đền đáp được công lao ấy…

–         Lí giải:

HD chấm:

+  Học sinh viết đúng hình thức đoạn văn: 0,25 điểm

+ Học sinh nêu được những suy nghĩ phù hợp, lí giải thuyết phục, diễn đạt tốt: 0,75  điểm.

+ Học sinh nêu được suy nghĩ phù hợp, tuy nhiên lí giải chưa rõ ràng, diễn đạt chưa tốt: 0,5 điểm.

+ Học sinh chỉ nêu được suy nghĩ, không lí giải được: 0,25 điểm

+ Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
II   VIẾT 6.0
1 Câu 1: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của đoạn văn bản “Sông Hương rất nhạy cảm…. là đức hạnh” 2.0
a.   Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn. HS có thể trình bày theo hình thức: diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích hoặc tổng- phân- hợp 0,25
b.   Xác định đúng vẫn đề nghị luận: vẻ đẹp của đoạn trích trong tác phẩm Sử thi buồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường 0,25
c.      Đề xuất được hệ thống ý để làm rõ vấn đề nghị luận.

Gợi ý

–         Vẻ đẹp về mặt nội dung:

+ Cảm nhận và phát hiện độc đáo về vẻ đẹp của sông Hương: duyên dáng, quyến rũ, lãng mạn, thủy chung với những màu sắc nổi bật, phong phú và đặc trưng

+ Cảm xúc ngạc nhiên, say mê của Trần Dần và tác giả trước vẻ đẹp của dòng sông

–         Vẻ đẹp về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ: giàu tính gợi hình, gợi cảm với nhiều hình ảnh so sánh liên tưởng, nhân hóa độc đáo, sử dụng nhiều tính từ chỉ màu sắc mới lạ, độc đáo

+ Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tự sự – trữ tình

Từ đó, thấy được cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường: tài hoa, độc đáo, yêu và gắn bó tha thiết với xứ Huế và Sông Hương được thể hiện qua những cảm nhận tinh tế, cùng lối ghi chép tỉ mỉ, độc đáo, đậm chất nghệ thuật.

0,5
d.     Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–         Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo bố cục của đoạn văn

–        Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

–        Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ  giữa lí lẽ và dẫn chứng

0,5
e.      Diễn đạt :

Đảm bảo đúng chính tả, đúng ngữ pháp Tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
f.       Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt độc đáo, mới mẻ

0,25
2 Câu 2: Hiện tượng lạm dụng mạng xã hội quá mức đang trở nên phổ biến ở giới trẻ. Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về hiện tượng trên. 4.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài: rút ra được ý nghĩa của việc thuyết minh. 0.25
b. Xác định đúng vẫn đề : Hiện tượng lạm dụng mạng xã hội quá mức ở giới trẻ

HD chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0.25
c. Xác định đúng yêu cầu kiểu bài: Thuyết minh về 1 hiện tượng trong đời sống, xã  hội. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: HS có thể trình bày bài viết theo nhiều cách trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau:

–         Về nội dung: Đề xuất được hệ thống ý phù hợp và đầy đủ :

+ Bản chất của hiện tượng lạm dụng mạng quá mức: sử dụng quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát, bị lệ thuộc hoặc không thể thiếu mạng xã hội, bất cứ việc gì cũng đăng lên mạng…

+ Nguyên nhân của hiện tượng lạm dụng mạng xã hội quá mức ở giới trẻ: Do sự phát triển của công nghệ, sự hấp dẫn từ các tính năng và nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, do sự quản lí chưa chặt chẽ từ phía gia đình, hoặc từ đặc điểm tâm lí thích khẳng định mình và ý thức tự kiểm soát còn hạn chế của các bạn trẻ…

+ Hậu quả của hiện tượng lạm dụng mạng xã hội quá mức ở giới trẻ: ảnh hưởng lớn đến công việc, học hành, thời gian sức khỏe; hình thành tâm lí sống ảo, sống khép kín, thu mình, vô cảm với cuộc sống; có nguy cơ trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo và các thông tin xấu độc….

+ Gợi ý một số giải pháp xóa bỏ hoặc giảm thiểu hiện tượng này: nâng cao ý thức tự giác của mỗi người, chọn lọc thông tin trước khi tiếp nhận…

–       Về hình thức:  Sắp xếp được hệ thống ý theo bố cục phù hợp của bài văn thuyết minh về sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội

HD chấm:

– Thuyết minh đầy đủ, sâu sắc:1,5 –  2,0  điểm.

– Thuyết minh chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,0 điểm – 1,25 điểm.

– Thuyết minh chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.    

(Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật)

2.0
d.     Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–        Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

–        Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ  giữa lí lẽ và dẫn chứng

0,75
e.    Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

HD chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

0.25
f.  Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.25
    Tổng điểm 10.0

 

————Hết————-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *