Đề HSG: Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời

Đề tham khảo số 08:

ĐỀ THAM KHẢO- THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT

ĐƠN VỊ: TRƯỜNG ………………….

ĐỀ THAM KHẢO:

ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

 

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

con sáo mỏ vàng con chào mào đỏ đít

con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

con chích chòe đánh thức buổi ban mai

 

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi

năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi nơi này

Người miền rừng bóng suối dáng cây

người mạn bể ăn sóng nói gió

người thành thị nét đường nét phố

như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

 

Con dấu chìm chạm trổ tận trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

 

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dù chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè

(Tuổi thơ– Thơ Nguyễn Duy, Quê nhà ở phía ngôi sao,

NXB Thanh Hóa- 2012)

Câu 1. Dấu ấn “Tuổi thơ tôi” được tác giả nhắc đến trong bài thơ này là gì?

Câu 2. Phân tích tác dụng nghệ thuật của một biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi nơi này

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về những dòng thơ sau:

Con dấu chìm chạm trổ tận trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì? Lí giải?

LÀM VĂN (16 điểm)

Câu 1. (6.0 điểm)

Nhà văn Pháp Misen Êkenđơ Moongtenhơ (1533-1592) có nói: “Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa”.

Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

Câu 2. (10 điểm)

Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng: “Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời”.

Bằng hiểu biết và trải nghiệm về văn học, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

—-Hết—-

HƯỚNG DẪN CHẤM

Hướng dẫn chung

– Giám khảo phải nắm chắc phương pháp và nội dung bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của hướng dẫn chấm, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

Đáp án và thang điểm

NỘI DUNG ĐIỂM
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)  
Câu 1. Dấu ấn “Tuổi thơ tôi” được tác giả nhắc đến trong bài thơ này là gì?

Dấu ấn “Tuổi thơ tôi” được tác giả nhắc đến trong bài thơ:

– Tuổi thơ gắn với cánh đồng: với cỏ, với lúa, với hoa cỏ hoang dại

– Tuổi thơ gắn với chim, với sáo, với chào mào, chim trả.

– Tuổi thơ mang dấu ruộng, dấu vườn.

– Tuổi thơ gắn với gương mặt bạn bè.

0.50

 

Câu 2. Phân tích tác dụng nghệ thuật của một biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi nơi này

– Biện pháp tu từ ẩn dụ: con dấu đất đai

– Giá trị nghệ thuật:

+ Góp phần ca ngợi nét đẹp riêng của văn hóa vùng quê.

+ Giúp cho câu thơ thêm sinh động, tăng sức gợi hình, gợi cảm.

1.00
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về những dòng thơ sau:

Con dấu chìm chạm trổ tận trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

– Những kỉ niệm từ thời ấu thơ sẽ khắc ghi trong tâm khảm của mỗi người. Đó là khoảng đời không thể nào xóa nhòa, không thể nào đánh đổi.

– Nhưng dù ở đâu, dù là bất cứ lúc nào thì chúng ta vẫn luôn hướng về nguồn cội; hồn quê, chất quê vẫn ẩn hiện trong phong thái, trong cốt cách, trong chính đời sống của chúng ta.

1.00
Câu 4. Thông điệp ý nghĩa mà anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì? Lí giải?

– Nêu được thông điệp có ý nghĩa

– Lý giải hợp lý, thuyết phục.

1.50
I. LÀM VĂN (16 điểm)  
Câu 1. (6.0 điểm)  
a. Đảm bảo đúng yêu cầu về cấu trúc: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết thúc được vấn đề. 0.50
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.50
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.  
* Giải thích:

– Con người luôn phấn đấu để đạt mục đích giàu có về vật chất và hạnh phúc, giàu có về tinh thần. Có người hạnh phúc, sung sướng đầy đủ nhưng cũng có người giàu vật chất nhưng bất hạnh và ngược lại.

– Câu nói nhận xét về con người trong sự so sánh giữa giá trị vật chất bên ngoài với giá trị tinh thần trong tâm hồn.

– Ý kiến của nhà văn Pháp nêu lên nguy cơ về tác động xấu của con người nghèo tình thương, vô cảm trong đời sống xã hội từ đó giúp chúng nhận thức được vai trò của đời sống tâm hồn.

0.50
* Bàn luận:

– Con người, thời đại nào cũng vậy, đều theo đuổi những mục tiêu lớn lao để cuộc sống giàu có về tiền bạc, của cải vật chất và hạnh phúc, vui vẻ.

– Phấn đấu để ngày càng đầy đủ của cải, tiền bạc, để thoát nghèo khổ dễ hơn làm thay đổi cảm xúc, tình người khi trái tim đã cằn khô và vô cảm.

– Nhà văn Pháp khẳng định người ta có thể làm cho mình giàu có, làm thay đổi cuộc sống vật chất dễ hơn là làm thay đổi ý nghĩ, tình cảm, thái độ của mình.

– Không ai kiếm đủ tiền bạc và của cải mà không trải qua phấn đấu, gian nan. Sự giàu có về vật chật, dư thừa tiền bạc và của cải mang hạnh phúc đến làm người ta vui sướng. Sự giàu có về tâm hồn, giàu nghĩa tình và cảm xúc cũng giúp con người sống hạnh phúc.

– Người nghèo khó về tiền bạc, thiếu thốn vật chất có thể bằng sức khỏe, trí tuệ và nỗ lực bền bỉ dần kiếm đủ ăn, đủ tiêu và tích lũy để khá hơn giàu hơn. Người ta có chí hướng và sức khỏe có thể chữa được, làm thay đổi được cuộc sống nghèo của mình. Họ nhận được nhiều cảm mến, trân trọng và cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn giữa mọi người, giữa bạn bè. Hạnh phúc sẽ đến.

– Chúng ta cũng phê phán những người không cố gắng làm ăn, lười nhác để quanh quẩn trong khổ đau nghèo túng, dù rất hào hiệp và giàu tình yêu thương.

(Dẫn chứng phải chọn lọc, tiêu biểu).

2.50
* Bài học nhận thức và hành động:

– Mỗi người nỗ lực làm cho cuộc sống của mình giàu có cả tiền bạc và cả tâm hồn.

– Tự điều chỉnh hài hòa phù hợp với hoàn cảnh, năng lực và lý tưởng để cuộc sống trước hết đủ chi dùng, đảm bảo no đủ và đầm ấm, hòa hợp và chân thành, gắn bó với mọi người.

– Hướng thiện và làm giàu chính đáng.

1.00
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận luận; kết bài kết thúc được vấn đề. 1.00
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.50
Câu 2. (10 điểm)

Bàn về truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng: “Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời”.

Bằng hiểu biết và trải nghiệm về văn học, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

 
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học: Có đủ ba phần: mở bài, thân bài và kết bài; mở bài nêu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được vấn đề nghị | luận; kết bài kết thúc được vấn đề.  
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 1.0
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm; thể hiện sự suy nghĩ sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.  
* Giải thích:

– Nhận định bày tỏ quan niệm, yêu cầu đối với một truyện ngắn hay: Truyện ngắn hay là truyện ngắn để lại những ấn tượng sâu đậm về giá trị nội dung, nghệ thuật và tạo được những suy nghĩ sâu sắc trong lòng bạn đọc.

+ Là chứng tích của một thời: phản ánh chân thực hiện thực thời đại, đặt ra những vấn đề quan trọng, bức thiết của cuộc sống, con người đương thời (bản chất hiện thực, số phận con người, nỗi trăn trở nhân sinh…).

+ Là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: tác phẩm đặt ra, chạm tới được những chân lí giản dị- những vấn đề bình dị nhưng đúng đắn, là cốt lõi, bản chất, mang tính quy luật phổ quát, lâu dài của nhân sinh muôn thuở.

– Như vậy nhận định trên khẳng định tiêu chuẩn một tác phẩm truyện ngắn hay là những tác phẩm hài hòa hai giá trị: vừa soi bóng thời đại, ghi dấu những vấn đề lớn, cốt lõi của thời đại- vừa có ý nghĩa lâu dài, chạm đến những chân lí bình thường, phổ quát, muôn đời

1.0
* Bàn luận:

– Đây là nhận định đúng đắn, sâu sắc, đặt ra yêu cầu tất yếu đối với một tác phẩm có giá trị và sức sống lâu dài.

– Đặc trưng về đối tượng phản ánh của văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng là khám phá, miêu tả, soi bóng thời đại mà nó ra đời: hiện thực cuộc sống, đời sống con người, đặt ra những vấn đề nhân sinh phong phú, phức tạp…

– Đặc trưng của truyện ngắn: thể loại tự sự cỡ nhỏ, dung lượng ngắn, thường chỉ kể về một tình huống đặc biệt của đời sống, với số lượng không nhiều các nhân vật, tình tiết, chi tiết, qua đó gửi gắm những thông điệp tư tưởng, tình cảm của tác giả.

– Truyện ngắn hay phải là những tác phẩm kết tinh hài hòa hai giá trị:

+ Là chứng tích của một thời: tác phẩm phải phản ánh được bức tranh sâu rộng về hiện thực thời đại, xây dựng được những chân dung nhân vật vừa chân thực vừa điển hình của thời đại, đặt ra được những vấn đề cốt lõi, quan trọng, bức thiết nhất đương thời. “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời” (Tô Hoài)

+ Là hiện thân của một chân lí giản dị của mọi thời: khi tác phẩm chạm đến được chiều sâu của hiện thực, đặt ra được một hoặc nhiều vấn đề tuy giản dị, bình thường nhưng là bản chất, cốt lõi, có tính quy luật, là chân lí phổ quát muôn đời. Khi đó, tác phẩm là kết quả của sự gắn bó, trăn trở sâu sắc với thời đại và nhân sinh, thực sự có giá trị và sức sống lâu dài.

– Giá trị và sức sống ấy chỉ có được khi tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao: tuy dung lượng ngắn, tình huống độc đáo, nhân vật không nhiều, chi tiết cô đúc … nhưng có độ dồn nén, hàm súc, khả năng khái quát, điển hình.

Chứng minh: Học sinh lựa chọn một số tác phẩm văn học phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận.

4.50
* Đánh giá:

– Nhận định chủ yếu khẳng định giá trị, vẻ đẹp, sức sống của thể loại truyện ngắn ở phương diện ý nghĩa nội dung tư tưởng, song cũng cần nhắc tới những yêu cầu, phẩm chất về nghệ thuật của thể loại: dựng chuyện, kể chuyện hấp dẫn; xây dựng nhân vật; lựa chọn sáng tạo chi tiết, giọng điệu, lời văn…

– Ý kiến được nêu cũng gợi nhắc những đòi hỏi, yêu cầu:

+ Đối với người sáng tác: phải gắn bó, hiểu biết sâu sắc, trăn trở và nói lên những vấn đề thiết cốt nhất của thời đại.

+ Đối với người đọc: tiếp nhận, trân trọng giá trị của những tác phẩm hay giúp

ta hiểu sâu rộng hơn về cuộc sống, con người một thời.

1.00
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 1.50
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.50

—-Hết—-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *