SỞ GD – ĐT PHÚ THỌ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG (Đề thi gồm 01 trang) |
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG NĂM 2023 MÔN: NGỮ VĂN 11 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
|
Câu 1 (8,0 điểm)
Roger Casugay và Arip Nurhidayat tranh tài với nhau để giành suất vào bán kết trong buổi thi đấu vòng 3 SEA Games môn lướt sóng ván dài dành cho nam tại bãi biển La Union, Philippines, hôm 6/12. Khi cuộc tranh tài mới diễn ra được 18 phút, một con sóng lớn đánh bật Arip Nurhidayat ra khỏi ván và làm đứt dây buộc ở chân của anh.
Khán giả có mặt ở bãi biển cho biết ván của VĐV người Indonesia bị hất tung lên không trung. Khi Nurhidayat bị sóng nhấn chìm, mất hút, đội lướt sóng Indonesia hét lên thất thanh lo lắng cho tính mạng của đồng đội. Đội cứu hộ SEA Games và bờ biển sử dụng cả xe trượt nước tới cứu VĐV Indonesia nhưng họ bị sóng đánh ngược trở lại bờ.
Trước tình hình đó, Roger Casugay lúc này đang dẫn điểm lập tức quay lại cứu đối thủ, sẵn sàng bỏ qua cơ hội giành chiến thắng để vào vòng bán kết. Cả hai dìu nhau vào bờ trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả.
(VĐV đang dẫn điểm bỏ cuộc, quay lại cứu đối thủ gặp nạn,
https://ngoisao. 07/12/2019)
Suy nghĩ của anh/ chị từ những dòng tin trên.
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết:
Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa
Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả
(Trích Nói với mình và các bạn – Lưu Quang Vũ,
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr.103)
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về thơ ca, hãy làm sáng tỏ ý kiến.
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 (8,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài.
– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
Nội dung tin tức (1,0 điểm)
Những dòng tin trên kể về một VĐV sẵng sàng quay lại giúp đỡ đối thủ gặp nạn trong một cuộc thi thể thao tại SEA Games, bỏ qua cơ hội giành chiến thắng để vào vòng bán kết. Những tiếng vỗ tay vang dội của khán giả không phải cổ vũ cho thành tích thi đấu mà là sự ghi nhận cho một hành động đẹp và rất cần thiết trong cuộc sống. Hành động của VĐV Roger Casugay để lại bài học về tinh thần thể thao cao thượng, tấm lòng biết sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn. Theo đó, chiến thắng không phải là tất cả, ý nghĩa thực sự của cuộc sống chính là ở chỗ ta biết giúp đỡ người khác dù có phải chậm một bước.
Bàn luận (6,0 điểm)
Chiến thắng có ý nghĩa quan trọng với con người, nhất là trong các cuộc thi (2,5 điểm)
– Trong cuộc sống, con người đều có khát khao vươn tới chiến thắng.
– Đối với các VĐV thể thao thi đấu quốc tế, chiến thắng càng có ý nghĩa quan trọng bởi họ thi đấu không phải chỉ vì thành tích cá nhân mà còn vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm với đất nước. VĐV không chỉ là người có năng khiếu, tố chất đặc biệt, được tuyển lựa kĩ càng mà còn phải có ý chí, nghị lực phi thường, sẵn sàng luyện tập vất vả, chịu nhiều gian khổ, hi sinh.
– Ranh giới để làm nên chiến thắng trong các cuộc thi đấu thể thao hay các cuộc đua nói chung đều rất khốc liệt. Người ta phải tận dụng đến từng giây, từng phút, tất cả thời gian, sức lực đều tập trung vào một mục tiêu duy nhất là giành chiến thắng. Do đó khi thi đấu, họ không thể xao nhãng vì bất cứ lí do gì.
Tuy nhiên, đôi khi chiến thắng không phải là tất cả. Ý nghĩa thực sự của cuộc sống chính là ở chỗ ta biết giúp đỡ người khác dù có phải bỏ lỡ cơ hội đạt thành tích tốt (2,5 điểm)
– Cơ hội giành chiến thắng tuy không nhiều, nhưng cơ hội này mất đi sẽ có cơ hội khác. Trong tình huống nguy cấp phải cứu người, dù đó là đối thủ, chỉ cần chậm trễ một vài phút, hậu quả sẽ khôn lường. Nếu lúc đó không lo giúp đỡ người khác, chỉ lo giành chiến thắng, cả đời sẽ phải ân hận, chiến thắng trở nên vô nghĩa.
– Cuộc sống không xuôi chiều, nhiều những khó khăn, bất trắc không lường trước được, cũng không dễ vượt qua nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Vì thế, giúp người đôi khi cũng là giúp mình, sẽ có lúc ta được giúp đỡ khi gặp khó khăn.
– Một người biết đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác khi khó khăn, hoạn nạn là người có nhân cách tốt, có tấm lòng nhân hậu, được mọi người yêu mến, tôn trọng. Đó cũng là điều kiện để con người sống giữa cộng đồng, sống giữa cuộc đời.
(HS cần biết kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để lập luận trở nên thuyết phục).
Mở rộng, nâng cao vấn đề (1,0 điểm)
– Lên án thái độ vô cảm, ích kỉ của con người, thấy khó khăn không giúp, thấy hoạn nạn không cứu.
– Xã hội cần có sự tôn vinh, lan tỏa những hành động đẹp, biết hi sinh quyền lợi bản thân vì người khác.
Bài học (1,0 điểm)
– Học cách sẻ chia, giúp đỡ người khác bằng những hành động, việc làm cụ thể.
Câu 2 (12,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.
– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các nội dung cơ bản sau:
Giải thích (1,5 điểm)
– Bó đuốc đốt thiêu: sự đốt cháy, thăng hoa cảm xúc.
– Bàn tay thắp lửa: lửa của cảm xúc, yêu thương.
– Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả: Thơ thể hiện những trăn trở, nghĩ suy của tác giả trước cuộc đời; chất vấn, đánh đổ những thành trì cũ kĩ, những sai lệch trong lối sống, tư tưởng và khiến con người không thể sống hờ hững, buông xuôi, luôn bước tiếp trong cuộc đời.
-> Câu thơ của Lưu Quang Vũ khẳng định đặc trưng, sứ mệnh của thơ: thơ ca phải là sự đốt cháy những tình cảm mãnh liệt trong lòng tác giả, thắp lên ngọn lửa cảm xúc ấy cho độc giả; thơ cũng phải thể hiện những trăn trở của tác giả trước cuộc đời, tác động đến độc giả khiến họ không ngừng nghĩ suy, thay đổi, ngày một tiến bộ, tốt đẹp hơn.
Bình luận (3,0 điểm)
Vì sao Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là bàn tay thắp lửa (1,5 điểm)
* Thơ là bó đuốc đốt cháy, tạo nên sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ:
– Thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay.
– Văn học phản ánh đời sống con người, với thơ ca cuộc sống không chỉ là hiện thực xã hội bên ngoài mà còn là đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú của chính nhà thơ.
– Cảm xúc trong thơ cũng không phải thứ cảm xúc nhàn nhạt. Đó phải là tình cảm ở mức độ mãnh liệt nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút sáng tạo. Nhà thơ phải tự đốt cháy cảm xúc của chính mình để tạo nên những vần thơ như có lửa nóng, dạt dào men say.
* Thơ cũng là bàn tay nhen lên ngọn lửa cảm xúc trong lòng bạn đọc:
– Bạn đọc tìm đến với thơ là tìm đến tiếng nói đồng điệu, đi tìm hồn mình trên trang viết. Nếu những điều nhà thơ viết ra có sức nóng của cảm xúc, cảm xúc ấy sẽ được truyền đến độc giả, nhen lên trong họ những rung động, tình cảm tương ứng.
– Cảm xúc mà thơ nhóm lên trong lòng độc giả có thể là tình yêu, niềm say mê, hạnh phúc, sự căm thù, …. Những tình cảm ấy đều phải hướng con người tới cái đẹp, cái thiện.
Vì sao Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả (1,5 điểm)
– Thơ là tiếng nói của cảm xúc, trong đó có cả những trăn trở, băn khoăn về cuộc đời mà người nghệ sĩ gửi vào trong thơ.
– Nghệ sĩ là người nhạy cảm, luôn tự vấn, day dứt trước những nỗi đau, những bất công ngang trái, những điều trái lẽ thường tình vẫn hiện diện trong cuộc sống và họ gửi nỗi niềm ấy vào thơ ca như một cách để sinh sự với cuộc đời.
– Những vần thơ sinh sự với cuộc đời như thế sẽ khiến con người không thể thờ ơ, hờ hững, buộc phải nghĩ suy, trăn trở, tìm cách thay đổi.
Chứng minh (6,0 điểm): học sinh tự chọn những dẫn chứng phù hợp trong và ngoài chương trình để phân tích và làm nổi bật:
– Những cung bậc cảm xúc mà nhà thơ tự đốt cháy ở chính mình và sự lan tỏa, thắp sáng những cảm xúc ấy cho bạn đọc.
– Những trăn trở, chiêm nghiệm, chất vấn trước cuộc đời mà người nghệ sĩ đặt ra trong thơ và sự tác động đến bạn đọc.
Đánh giá, mở rộng, nâng cao (1,5 điểm)
– Ý kiến đúng, khẳng định vai trò quan trọng của cảm xúc trong thơ và sứ mệnh của thơ ca.
– Tuy nhiên, nếu chỉ có những cảm xúc mãnh liệt, đắm say mà câu từ dễ dãi, không có sự trau chuốt, gọt rũa, thì những cảm xúc ấy cũng khó có thể chạm đến trái tim độc giả; thơ sinh sự với cuộc đời không có nghĩa là đánh đổ những cái tốt đẹp hoặc vạch tìm cái xấu với mục đích tầm thường, không trong sáng.
– Yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận:
+ Người sáng tác: tự bồi dưỡng, vun đắp cho mình những cảm xúc chân thành, sâu sắc; nhận thức được trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ.
+ Người tiếp nhận: vừa thưởng thức cái hay, cái đẹp của thơ ca; vừa đồng cảm với nỗi lòng thi sĩ, thắp lên ngọn lửa của những cảm xúc nhân văn trong lòng, tự hoàn thiện chính mình.
Chú ý: Giám khảo cần tôn trọng ý kiến riêng, lối hành văn riêng của thí sinh, miễn là bám sát yêu cầu của đề và bài viết có sức thuyết phục.