Đề HSG môn văn các trường chuyên Hùng Vương 2023

ĐỀ ĐỀ XUẤT

(Đề thi gồm 01 trang)

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2022 – 2023

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (8,0 điểm):

Từ gợi ý trong bức tranh, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về quá trình tự hoàn thiện bản thân của mỗi người.

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về hoạt động sáng tạo của nhà văn, nhà thơ Phong Việt chia sẻ: “Viết là thắp lên những que diêm cuối cùng bằng cảm xúc chân thành nhất”.

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

———————————–Hết———————————-

 

ĐỀ ĐỀ XUẤT

(Đề thi gồm 01 trang)

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2022 – 2023

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí rút ra từ bức ảnh, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng một cách xác đáng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

 

Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Giới thiệu được vấn đề nghị luận: vấn đề được gợi dẫn từ bức ảnh: quá trình tự hoàn thiện bản thân của mỗi người. 0,5
2 Giải thích ý nghĩa bức tranh 1,5
  – Trong bức tranh có 3 quá trình khác nhau tương ứng với các quá trình hoàn thiện bản thân của mỗi người.

– Hình ảnh từng ô tròn trong mỗi quá trình: mỗi ô tròn được lấp đầy ở các mức độ khác nhau được sắp xếp theo trình tự nhất định gợi mở về mức độ hoàn thiện bản thân ở những thời điểm khác nhau.

– Trong các quá trình có sự tương đồng: Ô tròn đầu tiên có rất nhiều khoảng trống và được lấp đầy hơn ở ô tròn cuối cùng, từ đó khẳng định được, hành trình hoàn thiện bản thân ở mỗi người luôn mang đến ý nghĩa nhất định.

=> Ý nghĩa của bức tranh: Mỗi người đều có riêng cho mình một quá trình tự hoàn thiện bản thân, từ khởi đầu nhỏ bé, ít ỏi, trải qua những khó khăn nhất định, đến cuối cùng bản thân ta sẽ ngày một trưởng thành và hoàn thiện hơn.

 
3 Bàn luận về vấn đề 4,5
  *Phân tích, bàn luận vấn đề:

– Theo dòng chảy của thời gian, con người ngày một trưởng thành và lớn lên, quá trình đó phải song song với quá trình tự hoàn thiện bản thân. Hay nói cách khác, hoàn thiện bản thân là quá trình mà mỗi người đều phải trải qua để bản thân trở nên cứng cáp, mạnh mẽ.

– Quá trình tự hoàn thiện bản thân không hề dễ dàng và không trùng lặp ở mỗi người, vậy nên không nên so sánh quá trình này ở với mọi người:

+ Có người sẽ từng bước lớn lên và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, cảm xúc,… để hoàn thiện mình (quá trình thứ nhất trong bức tranh).

+ Có người chật vật trong những ngày tháng đầu tiên để ý thức được mình cần cố gắng hơn để có thể bắt đầu với hành trình thay đổi và hoàn thiện bản thân (quá trình thứ hai trong bức tranh).

Dù có trải qua quá trình nào, nhưng kết quả cuối cùng là mỗi người đều đã “hoàn thiện” bản thân hơn so với vạch xuất phát. Chỉ cần không bỏ cuộc, kết quả có thế nào vẫn rất đáng trân trọng.

– Hành trình hoàn thiện bản thân cũng có khi là sự tiếp nối của các quá trình nhỏ (Sự tiếp nối của 3 quá trình thể hiện trong bức ảnh): Trước những vấn đề đơn giản, chúng ta có thể dễ dàng từng bước để phát triển đi lên. Nhưng quá trình hoàn thiện bản thân sẽ vất vả và đòi hỏi sự kiên trì khi đối diện với những vấn đề phức tạp hơn. Nhưng khi tưởng như đã đạt đến sự hoàn thiện bản thân như mong muốn ta mới nhận ra, trước cuộc sống hiện đại liên tục thay đổi, bản thân còn nhiều thiếu sót. Nhưng có nền tảng kiến thức và kĩ năng đã xây dựng được, cùng ý thức vươn lên, ta lại nhanh chóng có thể hoàn thiện hơn bản thân mình (quá trình thứ 3 trong bức tranh).

– Tự hoàn thiện bản thân là quá trình tất yếu phải trải qua để có thể đạt tới thành công và biến cuộc sống của riêng mình trở nên ý nghĩa.

– Không có sự hoàn hảo tuyệt đối ( mực nước của ô cuối cùng trong các quá trình trong bức tranh không đầy tuyệt đối), chúng ta phải liên tục cố gắng, bền bỉ trong hành trình hoàn thiện bản thân.

*Mở rộng vấn đề:

– Bức tranh đã gợi mở để chúng ta nhận thức được đầy đủ về quá trình tự hoàn thiện bản thân của mỗi người.

– Quá trình tự hoàn thiện bản thân là sự tổng hòa giữa 2 thao tác: học tập, tiếp thu kinh nghiệm sẵn có và tự trải nghiệm để rút ra bài học, kỹ năng của riêng minh.

– Quá trình tự hoàn thiện bản thân sẽ không thể diễn ra với những cá nhân bảo thủ, cố chấp trong tư duy và cách sống, không chịu thừa nhận và thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Quá trình này cũng không thể diễn ra với những cá nhân chỉ biết trốn tránh những thách thức, chông gai cuộc sống.

-…

(HS có thể phân tích kết hợp cùng bình luận. Đi cùng những lí lẽ, HS lấy dẫn chứng phù hợp để chứng minh).

 
4 Bài học nhận thức và hành động 1,0
  – Cá nhân mỗi người cần ý thức được tầm quan trọng của việc tự hoàn thiện bản thân. Cuộc sống xã hội liên tục phát triển, nếu tự hài lòng với bản thân, chúng ta chắc chắn sẽ bị đào thải, mãi trở thành kẻ đi sau bước đi của thời đại.

– Cần xác định mục tiêu sống, ý thức được bản thân cần được hoàn thiện bằng trau dồi bồi đắp về mọi mặt: thể chất, trí tuệ, tinh thần, kỹ năng,…,luôn giữ vững niềm tin vào bản thân đồng thời không cho phép bản thân khuất phục trước mọi nghịch cảnh mới có thể dần hoàn thiện và nâng cao bản thân.

– Cần biết trân trọng quá trình nỗ lực hoàn thiện bản thân của người khác.

 
5 Sáng tạo

– HS có suy nghĩ mới mẻ về vấn đề, có cách diễn đạt hay, đặc sắc.

0,5

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng một cách xác đáng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Ý Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Sự thành thật trong sáng tác văn học. 1,0
2 Giải thích ý kiến. 2,0
  – “thắp lên que diêm cuối cùng”: những đam mê, khát khao, niềm hi vọng, ước mơ cháy bỏng dành cho con người và cuộc sống.

– Ý nghĩa: Quá trình sáng tạo là quá trình phát huy cao độ mọi năng lực tinh thần của nhà văn, từ cảm hứng, tưởng tượng, trực giác, khái quát, ý thức và vô thức, cả kinh nghiệm trực tiếp lẫn kinh nghiệm gián tiếp. Đó là quá trình tự nhiên, bên trong với những cảm xúc chân thành và chân thực của nhà văn.

+ Đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sỹ: cái tâm với con người, với cuộc đời và sự chân thành trong cảm xúc.

 
3 Bàn luận về ý kiến 3,0
  – Nghệ thuật là lĩnh vực hết sức đặc biệt, người nghệ sỹ muốn có tác phẩm thì anh ta phải sống chết với tác phẩm của mình. Anh ta nhào nặn tác phẩm nghệ thuật như sinh thành ra đứa con bằng toàn bộ sức lực, tinh thần, tâm huyết và tài năng

– Cảm xúc chân thành tạo ra sự truyền cảm mãnh liệt đối với độc giả, truyền được năng lượng đến với người đọc “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”. Cảm xúc hời hợt, thoáng quá sẽ chỉ có những tác phẩm vô giá trị.

 
4 Chọn một vài tác phẩm và phân tích để làm sáng tỏ vấn đề. 5,0
  Yêu cầu thí sinh chọn dẫn chứng  phù hợp và phân tích để làm rõ các phương diện sau đây:

– Niềm khát khao, những ước mơ… cháy bỏng của nhà văn.

– Cảm xúc chân thành của người cầm bút (thể hiện qua nghệ thuật)

 

 

 

 

 

5 Đánh giá, mở rộng 1,0
  – Người nghệ sĩ cần phải tích cực dấn thân, sống sâu sắc với cuộc đời.

– Người đọc: Cảm nhận về hiện thực, thông điệp tinh thần trong tác phẩm văn chương, tìm hiểu một tác phẩm là tiếp xúc với một con người, hiểu thêm một nhân cách.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *