Đề HSG môn văn Trại hè Hùng Vương 2023 trường Chuyên Nguyễn Tất Thành

 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO YÊN BÁI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN         

NGUYỄN TẤT THÀNH

 

(Đề thi gồm 01 trang)

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2022 – 2023

 

MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 

 

Câu 1. (8,0 điểm)

Suy nghĩ của anh/chị về quan niệm sau: Trong cái ồn ào của cuộc sống, người ta rất cần những tình yêu không lời.

 

Câu 2. (12,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Tiếp nhận văn học đòi hỏi người đọc sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn mình để cảm nhận bức thông điệp thẩm mĩ mà tác giả gửi đến người đọc.

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO YÊN BÁI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN         

NGUYỄN TẤT THÀNH

(HDC gồm 04 trang)

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG

NĂM HỌC 2022 – 2023

 

MÔN: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

 

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của hướng dẫn chấm, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

– Lưu ý: Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn số.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1. (8 điểm):

Yêu cầu chung:

– Đề thi kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức thực tế, bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, văn có cảm xúc.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

Yêu cầu cụ thể:

* Giải thích:

– cái ồn ào của cuộc sống: sự xô bồ, bon chen, nhiều cám dỗ, thật giả lẫn lộn.

– tình yêu không lời: tình yêu xuất phát từ sự thấu hiểu, chân thành, không đặt nặng lời hoa mỹ hay hành động khoa trương.

=> Ý cả câu: Giữa dòng đời xô bồ đầy náo loạn, cám dỗ, con người ta cần một tình yêu chân thành, bình dị nhưng đủ thấu hiểu.

* Bàn luận:

– Cuộc sống ồn ào ảnh hưởng thế nào đến tình yêu?

+ Cuộc sống ồn ào, xô bồ, náo loạn cuốn con người ta vào vòng xoáy bộn bề, luôn phải sống vội vàng, quay cuồng, mỏi mệt;

+ Khi đó, tình yêu dần trở nên hời hợt, chỉ còn là những lời nói, hành động vô thức theo thói quen; không đủ nhẫn nại để dành ra khoảng lặng thấu hiểu nhau; thậm chí chỉ còn là sự gượng ép, giả dối, thực dụng.

– Tại sao trong cái ồn ào của cuộc sống, người ta rất cần những tình yêu không lời ?

 

+ Tình yêu không lời là khoảnh khắc tâm hồn lắng lại để gạt bỏ những ồn ào, hỗn tạp của cuộc sống, để nghe trái tim mình lên tiếng, nghe cả những tâm sự sâu kín mà lời nói không thể bộc lộ.

+ Tình yêu không lời, chân thành, sâu lắng cũng là thứ tình cảm lâu bền, thủy chung, không bị đổi thay trước những ồn ào, náo loạn, cám dỗ của cuộc sống.

+ Những khoảng lặng trong tình yêu không lời còn giúp ta được tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc an yên, thoải mái, được sống là chính mình và được yêu hết mình.

– Thí sinh cần đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề bàn luận.

* Phản đề:

– Con người cần tránh xa thứ tình yêu phô trương, ồn ào, giả dối, vụ lợi.

– Đồng thời, đề cao tình yêu không lời nhưng vẫn phải trân trọng những lời nói tình cảm, những hành động yêu thương dành cho nhau.

* Bài học:

– Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, biết dành ra những khoảng lặng, những chốn không lời để nghe, để thấu hiểu nhiều hơn.

III. Biểu điểm

– Điểm 7 – 8: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, có kiến thức xã hội phong phú.

– Điểm 5 – 6: Bài viết hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.

– Điểm 3 – 4: Hiểu vấn đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý vẫn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Chưa hiểu vấn đề, chưa làm rõ quan niệm, chưa chứng minh bằng dẫn chứng cụ thể, diễn đạt còn nhiều lỗi.

– Điểm 0: Không viết gì, hoặc không hiểu đề.

 

Câu 2 (12 điểm)

Yêu cầu chung:

– Đề thi kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

Yêu cầu cụ thể:

Giải thích

– Tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực người đọc để khám phá, chiếm lĩnh các giá trị của tác phẩm nhằm biến văn bản khô khan thành thế giới nghệ thuật sống động theo tâm trí mình.

– đòi hỏi người đọc sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn mình: người đọc cần sống hết mình với tác phẩm bằng tất cả sự tinh tế, nhạy cảm, tâm huyết, trí tưởng tượng phong phú, vốn sống, vốn hiểu biết…

– để cảm nhận bức thông điệp thẩm mĩ mà tác giả gửi đến người đọc: để lĩnh hội những giá trị, những bài học, những vẻ đẹp, những tư tưởng, tình cảm, ước mong mà tác giả gửi gắm thông qua hình tượng nghệ thuật.

=> Ý kiến bàn về bản chất, quy luật và mục đích của quá trình tiếp nhận

Bàn luận: Đây là ý kiến đúng đắn và xác đáng bởi vì:

– Văn học là tiếng nói tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của nhà văn trước cuộc đời, là câu chuyện của tâm hồn, là điệu hồn tác giả đi tìm điệu hồn độc giả. Vì vậy tiếp nhận văn học đòi hỏi người đọc sống với tác phẩm bằng toàn bộ tâm hồn mình để cảm nhận bức thông điệp thẩm mĩ mà tác giả gửi gắm.

– Nghệ sĩ phản ánh hiện thực và thể hiện tư tưởng tình cảm và gửi gắm những thông điệp thẩm mĩ qua những hình tượng nghệ thuật sinh động được xây dựng bằng ngôn từ hàm súc, đa nghĩa với nhiều khoảng trống, khoảng trắng. Vì thế, độc giả phải sống bằng toàn bộ tâm hồn, tình cảm, trí tưởng tượng mới lĩnh hội được hết giá trị.

– Tiếp nhận là giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tác. Người đọc không chỉ là tìm về ý tưởng ban đầu của tác phẩm mà phải đồng sáng tạo với tác giả. Muốn vậy, người đọc phải sống với tác phẩm, biến tác phẩm vừa là của nhà văn vừa là của chính mình. Chính vì thế, tác phẩm chỉ thực sự tồn tại khi người ta ý thức được về nó. Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộ của sách khiến những con chữ khô khan, nằm thẳng đơ trên trang giấy (Nguyễn Khải) được sống dậy và bước đi giữa cuộc đời và hồn người.

Chứng minh:

– Thí sinh lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, thuộc các thời kì và thể loại khác nhau để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận:

+ Người đọc sống với tác phẩm bằng tất cả tâm hồn.

+ Người đọc cảm nhận được những thông điệp thẩm mĩ trong tác phẩm.

Đánh giá

– Đây là ý kiến sâu sắc và đúng đắn cho người tiếp nhận để có thể cảm nhận được chiều sâu tư tưởng thẩm mĩ của tác phẩm văn chương – hay nói cách khác là phần chìm của “tảng băng trôi”.

– Tuy nhiên không vì thế mà cường điệu vai trò của người đọc, phủ nhận vai trò của tác giả. Bản thân nhà văn cần thấy vai trò và trách nhiệm khi sáng tạo văn học nghệ thuật. Viết những tác phẩm bằng tâm huyết và tài năng của mình để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của độc giả.

III. Biểu điểm

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá nhiều lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

—————-HẾT—————-

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *