Đề HSG hội các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023, Chuyên Lê Quý Đôn

     SỞ GD VÀ ĐT TP. ĐÀ NẴNG

    TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XIV, NĂM 2023

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT                                       Môn: NGỮ VĂN – LỚP 11

         (Đề thi gồm 01 trang)                                       Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 15/07/2023

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong một bức thư gửi cho cháu ngoại của mình, Daniel Gottlieb đã viết rằng:

Khi ông bị lạc trong một đường hầm tăm tối, ông muốn có một người nào đó yêu quý ông đủ nhiều để có thể ngồi cạnh ông trong bóng đêm mà chia sẻ chứ không phải một ai đó đứng ngoài cuộc và bảo ông phải làm gì.

(Thông điệp cuộc sống, Daniel Gottlieb, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.85-86)

Suy nghĩ của anh/chị về lời tâm sự trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Tác phẩm là tấm gương soi những năng lực và thế giới tinh thần của nhà văn. Sau mỗi lần sáng tác, anh ta như hiểu mình hơn. Đối với người đọc, người xem cũng vậy. Nhờ tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, người ta biết đầy đủ hơn về xã hội, về người khác và về chính bản thân mình.

(Lê Ngọc Trà – Lý luận và văn học, NXB Trẻ)

Bằng hiểu biết về văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

 


HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN – ĐÀ NẴNG

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN NGỮ VĂN LỚP 10

(Hướng dẫn chấm gồm có 03 trang)

 

 

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Yêu cầu:
  2. Về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng đạo lí. Vận dụng tốt các thao tác lập luận; xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ hợp lí; bố cục chặt chẽ; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, văn viết có hình ảnh, biểu cảm; không mắc lỗi chính tả.
  3. Về nội dung: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung sau
  4. Giải thích:

– đường hầm tăm tối: hoàn cảnh bế tắc, cô đơn, mất phương hướng

– ngồi cạnh trong bóng đêm mà chia sẻ: đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu, sẻ chia, an ủi, đồng cảm à cách ứng xử coi trọng cảm xúc con tim, đề cao sức mạnh của tình yêu thương.

– đứng ngoài cuộc và bảo phải làm gì: đứng bên ngoài, một cái nhìn khách quan của lí trí để hướng dẫn, răn dạy

– Ý kiến khẳng định lối sống yêu thương, đề cao sự thấu hiểu, sẻ chia trong cuộc sống. Chia sẻ, đồng cảm bằng sự thấu hiểu và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức mạnh giúp con người vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bế tắc.

  1. Bàn luận:

– Khi rơi vào hoàn cảnh bế tắc, con người luôn khao khát sự sẻ chia của những người biết thấu hiểu, yêu thương hơn là những lời răn dạy, chỉ bảo một cách khách quan của người đứng ngoài.

– Đặt mình vào vị thế của những người trong nghịch cảnh để đồng cảm, động viên sẽ giúp cho người trong cuộc cảm thấy ấm áp, vững lòng để tiếp tục nỗ lực để vượt lên nghịch cảnh.

– Khi đặt mình vào vị thế của người khác để yêu thương bằng sự thấu hiểu, đồng cảm, mỗi người sẽ đưa ra được những lời khuyên cần thiết và đúng đắn, giúp người trong cuộc kiếm tìm một giải pháp hiệu quả để thoát khỏi bế tắc.

– Cái nhìn khách quan, tỉnh táo, những lời hướng dẫn sáng suốt, đúng đắn của một người đứng ngoài rất cần thiết, có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề. Tuy vậy, mỗi người cần tự mình nỗ lực để vươn lên, sống không dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại vào người khác.

– Phê phán những kẻ trịch thượng, thích răn dạy người khác với vị thế của người ngoài cuộc, những kẻ thờ ơ, bàng quan, vô cảm…

  1. Bài học: Thí sinh rút ra bài học về nhận thức và hành động của bản thân.
  2. Biểu điểm:

– Điểm 7 – 8: Đảm bảo các yêu cầu trên.

– Điểm 5 – 6: Đảm bảo phần lớn các yêu cầu trên, còn một vài sai sót về diễn đạt.

– Điểm 3 – 4: Đảm bảo được một nửa các yêu cầu trên, còn nhiều sai sót về diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Chỉ thực hiện được một phần nhỏ các yêu cầu trên, còn mắc quá nhiều lỗi về diễn đạt.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng chiếu lệ.

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Yêu cầu:
  2. Về kĩ năng: Biết cách làm một bài nghị luận văn họ̣c. Vận dụng tốt các kiến thức lí luận về đặc trưng, giá trị của tác phẩm văn học. Kết hợp tốt các thao tác nghị luận, nắm vững kĩ năng phân tích tác phẩm để chứng minh vấn đề.
  3. Về nội dung: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung sau
  4. Giải thích:

– Tác phẩm là tấm gương soi những năng lực và thế giới tinh thần của nhà văn. Sau mỗi lần sáng tác, anh ta như hiểu mình hơn: tác phẩm là nơi nhà văn gửi gắm những suy nghĩ, thái độ tư tưởng tình cảm và bộc lộ tài năng nghệ thuật, là nơi giúp nhà văn khám phá, nhận thức, thấu hiểu bản thân.

– Đối với người đọc, người xem cũng vậy. Nhờ tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, người ta biết đầy đủ hơn về xã hội, về người khác và về chính bản thân mình: tpnt mang đến cho người đọc giá trị nhận thức về xã hội, về thế giới con người và về chính bản thân họ.

– Ý kiến khẳng định đặc trưng phản ánh, chức năng, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học nghệ thuật.

  1. Bàn luận:

* Tác phẩm là tấm gương soi những năng lực và thế giới tinh thần của nhà văn. Sau mỗi lần sáng tác, anh ta như hiểu mình hơn:

– Tác phẩm văn học là đối tượng kí gửi, là bức thông điệp chứa đựng thế giới tinh thần và bộc lộ tài năng nghệ thuật của nhà văn.

– Tác phẩm là phương tiện để nhà văn nhận thức lại chính mình, thấu hiểu bản thân.

* Đối với người đọc, người xem cũng vậy. Nhờ tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, người ta biết đầy đủ hơn về xã hội, về người khác và về chính bản thân mình:

– Văn học có giá trị nhận thức. Tiếp nhận văn học là nhận thức về bức tranh hiện thực cuộc sống mà nhà văn phản ánh, là tiếp xúc và đón nhận những thông điệp mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Người đọc sẽ làm giàu, nâng cao thêm hiểu biết về thế giới xung quanh.

– Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc khám phá, nhận thức và thấu hiểu về bản thân.

* Lưu ý: Thí sinh có thể lựa chọn tác phẩm văn học và phân tích theo định hướng lí luận như trên để làm rõ quan điểm của mình. Tránh phân tích chung, dài dòng không cần thiết hoặc diễn xuôi văn bản.

  1. Đánh giá:

– Ý kiến khẳng định bản chất phản ánh ht và bộc lộ tư tưởng tình cảm của văn học, thiên chức cơ bản của vhnt là thông qua khám phá, phản ánh, tpvh giúp nhà văn và và người đọc nhận thức về thế giới xung quanh và thấu hiểu chính bản thân mình.

-. Ý kiến có ý nghĩa giúp nhà văn xác định đúng vai trò của tp và chức năng của tp đối với nhà văn và bạn đọc. Ý kiến giúp người đọc nhận ra bản chất của qua trình tiếp nhận, tiếp nhận là quá trình tiếp nhận và đồng cảm, thấu hiểu.

  1. Biểu điểm:

– Điểm 11 – 12: Đảm bảo các yêu cầu trên.

– Điểm 9 – 10: Đảm bảo phần lớn các yêu cầu trên, có ít sai sót về diễn đạt.

– Điểm 7 – 8: Đảm bảo cơ bản các yêu cầu trên, còn một vài sai sót về diễn đạt.

– Điểm 5 – 6: Đảm bảo được một nửa các yêu cầu trên, còn nhiều sai sót về diễn đạt.

– Điểm 3 – 4: Chỉ thực hiện được một phần nhỏ các yêu cầu trên, còn mắc quá nhiều lỗi về diễn đạt.

– Điểm 1 – 2: Chỉ thực hiện được một yêu cầu nhỏ, bài làm mắc quá nhiều lỗi.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng chiếu lệ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *