Đề HSG 10 hội các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023, Chuyên Lê Khiết

HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN     KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI                                                          

DUYÊN HẢI & ĐB BẮC BỘ                                   NĂM HỌC 2022-2023 

                                                                             

      ĐỀ THI ĐỀ XUẤT             Môn: NGỮ VĂN, Lớp 10

                                                       Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1: (8,0 điểm)

HÃY TỰ HÀO VỀ NHỮNG VẾT NỨT

Ở Nhật Bản, khi một cái bát vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới. Cái đó gọi là Golden Joinery.

Tại sao họ làm vậy?

Người Nhật tin rằng, khi một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

Con người cũng vậy.

(Theo https://www.giadinhmoi.vn/, ngày 18/05/2019)

Văn bản trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Câu 2: (12,0 điểm)

Bàn về hành trình sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ Vũ Từ Trang từng viết:

“Thơ tôi có đủ làm ngọn gió mát lành

lau má em khô nước mắt?

là tấm bánh nhỏ nhoi trên tay người đói khát

có đỡ mẹ mỏi chân giữa cánh đồng chiều

có dắt tay ai phân vân ở ngã ba đường”

(Theo Vũ Nho  – Mơ hồ theo dấu vân cây, tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 1&2 – 2017, tr 250)

Bằng trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

——————-—–Hết——–————————-

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

 

YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của hướng dẫn chấm, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

Lưu ý: Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn số.

YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8 điểm):

Kỹ năng

– Nắm chắc thao tác bình luận một vấn đề xã hội.

– Biết vận dụng kiến thức thực tế.

– Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, văn có cảm xúc.

Kiến thức

Đây là một vấn đề mang tính chất gợi mở, HS có thể trình bày theo cách riêng của mình. Khuyến khích sự sáng tạo, tư duy phản biện, cá tính của học sinh dựa trên lập luận xác thực, có tính thuyết phục.

Khái quát ý nghĩa triết lí: “Hãy tự hào về những vết nứt”, bởi tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang trải qua chỉ làm cho bạn trở nên tuyệt vời hơn. “Mỗi cấp độ tiếp theo của cuộc đời đòi hỏi một phiên bản mới của bạn.” Và đôi khi, những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới ấy.

Luận bàn vấn đề:

– Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. Nhưng ai cũng có thể lựa chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình.

+ Sau những vấp ngã là hành trình nỗ lực vươn lên để trở thành phiên bản tốt hơn của mình.

+ Tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương đã qua, bởi đó là hành trình của ý chí, nghị lực. Hãy nhìn những vết nứt, nhờ chúng mà trở thành chúng ta của ngày hôm nay và không có gì mà chúng ta không thể vượt qua. Mỗi vết nứt là chính là bài học vô giá trong cuộc đời.

– Đừng hổ thẹn vì những gì đã xảy ra, càng phủ nhận và than vãn sẽ không giúp ích gì cho chúng ta. Hãy Biết ơn chúng.

– Khi bạn chấp nhận và rút ra bài học từ những đổ vỡ và gắn lại chúng bằng vàng, bạn đã biến những thứ tưởng như xấu xí, vô dụng thành một một câu chuyện đẹp đẽ và đầy cảm hứng. Những đau khổ tổn thương của bạn có thể trở thành động lực cho một ai đó.

Bài học nhận thức và hành động:

Cần biết bình tĩnh và can đảm để tận hưởng cuộc sống tươi  đẹp ngay cả khi ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.

Cuộc sống là hành trình không hề dễ dàng, cần biến những nỗi đau, những vết nứt là những trải nghiệm vô giá để vững vàng hơn trong cuộc sống.

III. Biểu điểm

– Điểm 7 – 8: Bài viết nắm chắc vấn đề, đáp ứng tốt những yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội, có ý kiến sắc sảo, có kiến thức xã hội phong phú.

– Điểm 5 – 6: Bài viết hiểu vấn đề, biết làm bài nghị luận xã hội, dẫn chứng sinh động, không mắc lỗi.

– Điểm 3 – 4: Hiểu vấn đề nhưng lập luận chưa chặt chẽ, ý vẫn chưa sáng, còn vài lỗi về diễn đạt.

– Điểm 1 – 2 : Hiểu vấn đề lơ mơ, chưa làm rõ quan niệm, chưa chú ý minh hoạ bằng dẫn chứng cụ thể, diễn đạt còn nhiều lỗi.

– Điểm  0 : Không viết gì, hoặc không hiểu gì về đề

Câu 2 ( 12 điểm)

a.Yêu cầu chung:

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.

– Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

Yêu cầu cụ thể:

Giải thích:

Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, nhười nghệ sĩ luôn trăn trở, khao khát tác phẩm nghệ thuật của mình  đem đến cho con người những niềm vui trong sáng, thánh thiện, thắp sáng ở người đọc niềm tin, khát vọng, bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ,  giúp con người sống nhân văn hơn.

Bình luận:

–  “Thơ tôi có đủ …”: Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của nhà văn. Và con người là giá trị văn hóa cao nhất, giá trị của mọi giá trị, việc hoàn thiện nhân cách, nhân tính của con người chính là sứ mệnh cao cả của văn học, là nỗ lực cao nhất mà người cầm bút cần đạt đến.

– Văn học là loại hình sáng tác tái hiện những vấn đề của đời sống. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng kì diệu tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người.

+ “Thơ.. làm ngọn gió mát lành”: Văn học làm cho tâm hồn con người ngày càng phong phú, bồi dưỡng những tình cảm cao đẹp.

+ “Lau má em khô nước mắt”, “là tấm bánh nhỏ nhoi trên tay người đói khát”: Văn chương có khả năng nâng đỡ, vực dậy, sửa sang cuộc đời con người…

+ “Có dắt tay ai phân vân giữa ngã ba đường”: đến với văn chương, người đọc chủ động tìm kiếm cái đẹp ẩn kín, tiềm tàng sẽ nhận ra được những thông điệp thẫm mĩ sâu xa. Văn học có khả năng thay đổi thế giới, thay đổi cách nhìn.

Mở rộng, đánh giá:

Ý kiến trên bàn về: Nhà văn và quá trình sáng tác, tiếp nhận, chức năng và giá trị của văn học.

Người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo phải có tư tưởng cao cả, có trái tim hướng thiện, có tình cảm sâu sắc với cuộc đời, có tài năng nghệ thuật độc đáo mới hướng bạn đọc đến giá trị Chân – Thiện – Mĩ, góp phần bồi đắp tâm hồn người đọc.

Người đọc cần có trình độ thưởng thức nghệ thuật, có ý thức bồi đắp tâm hồn, biến quá trình nhận thức thành quá trình tự nhận thức và hoàn thiện bản thân.

III. Biểu điểm.

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá 7 lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt (>7 lỗi).

– Điểm 1 – 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

—————-HẾT—————-

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *