Đề HSG các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023,THPT Khoa học giáo dục

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC

TRƯỜNG THPT KHOA HỌC GIÁO DỤC

KỲ THI HỌC SINH GIỎI

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM HỌC 2022 – 2023

Mã đề thi: ……

Đề thi có: 01 trang

 

Môn thi: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 

Câu 1. (8 điểm)

Trong tản văn “Gió qua cõi tạm” (Hành lí hư vô, NXB Trẻ, 2019), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết: Không phải vì tạm bợ mà người ta không khát vọng chạm tay vào vĩnh cửu. Cả khi không thể gặp, cũng có phần thưởng dành cho kẻ đi tìm.

Còn trong “If I die young…Nếu tôi chết khi còn trẻ…(Chông chênh quãng tư cuộc đời, NXB Dân trí, 2020), tác giả Lưu Thị Thu Giang chia sẻ: Chúng ta sống và chết, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Chúng ta quăng mình vào những cuộc đua, để rồi áp lực, để rồi thất bại, để rồi mọi thứ chất chồng. Nhưng chúng ta không nỡ buông bỏ, vì ngoài cố gắng ra không còn con đường nào khác, vì ta tin rằng ở cuối đường đua, luôn luôn tồn tại một đích đến. Chúng ta sống và chết trong từng khoảnh khắc như thế, ở cạnh tuyệt vọng, áp lực, thất bại, là niềm tin, là hy vọng, là nỗ lực và lòng can đảm vươn tới.

Làm cách nào để con người làm vơi những tạm bợ, đua chen và giữ đầy những khát vọng trong cuộc đời?

Câu 2. (12 điểm)

Giống như việc viết, đọc là phản kháng lại những thiếu hụt của cuộc sống. Khi chúng ta nhìn vào hư cấu để tìm những gì là vắng bóng trong cuộc sống, chúng ta đang nói, mà chẳng cần lên tiếng hoặc thậm chí biết mơ rằng đời sống như đang có không thoả mãn sự khao khát của chúng ta về cái tuyệt đối – nền tảng của thân phận con người – và cuộc đời phải nên tốt đẹp hơn. Chúng ta sáng chế ra những hư cấu để sau đó có thể sống nhiều cuộc đời mà chúng ta muốn sống trong khi chúng ta chỉ có một cuộc đời trong tầm tay.

(Ca ngợi đọc sách và hư cấu- nhà văn Peru- Mario Vargas Llosa,  Diễn từ Nobel năm 2010, Dẫn theo: http://www.holieu.org/2012/04/ca-ngoi-oc-sach-va-hu-cau-dien-tu-nobel_14.html)

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XIV, NĂM HỌC 2022 – 2023

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 10

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu Ý Yêu cầu cần đạt Điểm
1   Trong tản văn “Gió qua cõi tạm” (Hành lí hư vô, NXB Trẻ, 2019), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết: Không phải vì tạm bợ mà người ta không khát vọng chạm tay vào vĩnh cửu. Cả khi không thể gặp, cũng có phần thưởng dành cho kẻ đi tìm.

Còn trong “If I die young…Nếu tôi chết khi còn trẻ…(Chông chênh quãng tư cuộc đời, NXB Dân trí, 2020), tác giả Lưu Thị Thu Giang chia sẻ: Chúng ta sống và chết, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Chúng ta quăng mình vào những cuộc đua, để rồi áp lực, để rồi thất bại, để rồi mọi thứ chất chồng. Nhưng chúng ta không nỡ buông bỏ, vì ngoài cố gắng ra không còn con đường nào khác, vì ta tin rằng ở cuối đường đua, luôn luôn tồn tại một đích đến. Chúng ta sống và chết trong từng khoảnh khắc như thế, ở cạnh tuyệt vọng, áp lực, thất bại, là niềm tin, là hy vọng, là nỗ lực và lòng can đảm vươn tới.

Làm cách nào để con người làm vơi những tạm bợ, đua chen và giữ đầy những khát vọng trong cuộc đời?

8,0
    * Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; vận dụng tốt các thao tác lập luận; dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

 
  * Yêu cầu về kiến thức  
1.1. Giải thích

Thí sinh cần rút ra nội dung của hai ý kiến

– “Chạm tay vào vĩnh cửu” là khát vọng kiếm tìm những giá trị đẹp đẽ, vững bền, cái vĩnh hằng, muôn đời; đối lập với cái tầm thường, nhất thời, thoáng chốc. Phần thưởng dành cho kẻ đi tìm: giá trị được ghi nhận dành cho con người hành động, dấn thân; phần thưởng ở đây là những trải nghiệm và những giá trị tinh thần

Thứ cần làm vơi đi là những tuyệt vọng, áp lực, thất bại…; là cuộc đua chen chạy theo những giá trị nhất thời, quẩn quanh với những toan tính trước mắt, những chật hẹp lo toan; thứ cần giữ đầy là hy vọng, nỗ lực và lòng can đảm vươn tới, thứ cần lấp đầy là tri thức, khát khao trải nghiệm, học hỏi những điều mới cho một cuộc sống tràn đầy cảm hứng và có ý nghĩa.

=> Thể hiện thái độ trân trọng, khẳng định giá trị của con người khi họ được sống trong cuộc đời này.

1,0
1.2. Bàn luận

* Tại sao con người cần nuôi dưỡng khát vọng chạm tay vào vĩnh cửu?

– Không phải vì “sống qua cõi tạm” mà con người bằng lòng với những giá trị nhất thời, không ước mơ, khát vọng. Ngay cả khi cuộc sống ngắn ngủi, sự gắn kết không lâu dài thì con người vẫn không ngừng khát vọng hướng về những điều tốt đẹp, những giá trị muôn đời. Và ngay cả khi hành trình không đến đích, lí tưởng và mục tiêu, khát vọng không đạt tới thì bản thân hành trình sống trọn vẹn với ước mơ, khát vọng tự thân nó đã có ý nghĩa.

– Khi cuộc sống đem đến cho chúng ta phần thưởng- những trải nghiệm dù niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay vấp ngã, những xúc cảm tích cực hay tiêu cực… thì đều là một cơ hội cho ta học hỏi thêm một điều mới mẻ, trải qua một cung bậc cảm xúc khác, làm mới chính suy nghĩ, tình cảm, cuộc sống, cái nhìn của mình.

=> Con người cần nuôi dưỡng khát vọng chạm tay vào vĩnh cửu để sự có mặt của mình trên thế gian trở nên có ý nghĩa.

* Tại sao con người cần làm vơi những tạm bợ, đua chen và giữ đầy những khát vọng sống?

Làm vơi để nhẹ bớt gánh nặng, giữ đầy để làm mới, làm phong phú cuộc sống của bản thân. Làm vơi những tạm bợ, đua chen và giữ đầy những khát vọng sống là một hành trình thực sự có ý nghĩa.

– Thật sai lầm khi cả đời ta mải mê chạy theo những ước vọng tạm bợ mà quên đi cuộc sống thực sự ý nghĩa của mình. Đừng vì những tạm bợ, đua chen, tầm thường, nhỏ hẹp mà không dám ước mơ, hành động, dấn thân để đi tìm và đạt tới những giá trị đẹp đẽ, vững bền.

* Con người cần làm gì để sự sống của mình trờ nên có ý nghĩa?

Con người phải được là chính mình, tìm thấy chính mình, trân trọng, kiên trì theo đuổi, kiếm tìm và xây dựng, vun đắp những giá trị tốt đẹp – đó là nền tảng quan trọng, xuất phát điểm cho một hành trình sống và kiến tạo giá trị thực sự có ý nghĩa.

Chính hành trình “đi tìm”, giữ đầy và làm vơi, biết hành động và lựa chọn… mới làm nên con người của chúng ta, định hình giá trị và làm nên ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta, giúp con người vượt thoát khỏi sự hư vô, tạm bợ của kiếp sống.

– Kiếm tìm bản thân, vươn tới khát vọng không phải là một hành trình dễ dàng. Trên hành trình đó, chúng ta cần sáng suốt để không ngộ nhận về bản thân mình, cần mạnh mẽ vượt qua những áp lực, tuyệt vọng, thất bại chất chồng để sống với lí tưởng, ước mơ, để kiên trì theo đuổi khát vọng; luôn nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng, nỗ lực và lòng can đảm vươn tới.

– Từ đó đối thoại, thực tỉnh những người còn ngộ nhận, còn chưa đủ mạnh mẽ trên con đường tìm kiếm, tạo dựng giá trị bản thân và rút ra bài học nhận thức và hành động cho chính mình

(Thí sinh cần chọn dẫn chứng phù hợp, phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục)

6,0

 

  1.3. Mở rộng vấn đề, liên hệ

Hai ý kiến là hai góc nhìn, lời khuyên và sự khích lệ để con người dám sống với những giá trị riêng của mình, tự tin khẳng định bản thân; hiểu được giá trị của cuộc sống; từ đó, xác định cho mình thái độ sống tích cực, biết “giữ đầy” và “làm vơi.. biết theo đuổi và vun đắp, tạo dựng cho những điều tốt đẹp, những giá trị lâu dài, gốc rễ… để cuộc đời trở nên thực sự ý nghĩa.

1,0

 

2   Giống như việc viết, đọc là phản kháng lại những thiếu hụt của cuộc sống. Khi chúng ta nhìn vào hư cấu để tìm những gì là vắng bóng trong cuộc sống, chúng ta đang nói, mà chẳng cần lên tiếng hoặc thậm chí biết mơ rằng đời sống như đang có không thoả mãn sự khao khát của chúng ta về cái tuyệt đối – nền tảng của thân phận con người – và cuộc đời phải nên tốt đẹp hơn. Chúng ta sáng chế ra những hư cấu để sau đó có thể sống nhiều cuộc đời mà chúng ta muốn sống trong khi chúng ta chỉ có một cuộc đời trong tầm tay.

(Ca ngợi đọc sách và hư cấu- Diễn từ Nobel năm 2010 của nhà văn Peru- Mario Vargas Llosa, Dẫn theo: http://www.holieu.org/2012/04/ca-ngoi-oc-sach-va-hu-cau-dien-tu-nobel_14.html)

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

12,0
  * Yêu cầu về kĩ năng

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.

– Vận dụng tốt các thao tác lập luận; lí lẽ xác đáng; trình bày khoa học; văn viết có cảm xúc, giọng điệu riêng; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 
  * Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có nhiều cách trình bày khác nhau song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

 
2.1. Giải thích

– Đặc trưng của văn học: Tác phẩm văn chương – thế giới của sự hư cấu, kết quả của hoạt động sáng tạo của nhà văn, một thế giới nghệ thuật được tạo nên bằng ngôn từ và là đối tượng của hoạt động tiếp nhận, thưởng thức ở người đọc. TPVH: thế giới của những điều không có thật, không thực chứng được bằng kinh nghiệm thông thường, thế giới của tưởng tượng. Ngay cả những tác phẩm lấy nguyên mẫu từ con người và sự kiện có thật thì những con người, sự kiện ấy khi tồn tại trong thế giới nghệ thuật vẫn cứ là những hình tượng được nhào nặn lại, cấu trúc lại, mang tính chất hư cấu.

– Sáng tạo và tiếp nhận văn học đều là cách để con người phản kháng lại những thiếu hụt của cuộc sống, là thế giới thăng hoa của con người về đời sống tinh thần. Văn học đi tìm những gì vắng bóng trong cuộc sống, không chỉ là những khao khát về cái tuyệt đối – nền tảng của thân phận con người, mà còn là những mơ ước về một cuộc đời tốt đẹp hơn. Trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học, nhà văn và bạn đọc có thể sống nhiều cuộc đời mà chúng ta muốn sống, chiến thắng sự hữu hạn của một cuộc đời, một số phận hữu hạn trong tầm tay.

2,0
  2.2. Bàn luận

– Các nhân vật, sự kiện hư cấu có thể thỏa mãn nhu cầu giải trí của con người. Tác phẩm văn chương còn trao cho con người khả năng giải thoát thực tại – một trong những điều con người muốn hiện thức hóa nhất trong hoạt động giải trí.  Giải trí không có nghĩa là không thể tác động đến nhận thức và nhân cách con người.

– Thế giới thực: thế giới được tri nhận trực tiếp, thực chứng được, hạn hẹp, nghèo nàn. Con người còn sống trong thế giới tinh thần mà ở đó có nhiều phương diện không thực chứng được, không tri nhận được trực tiếp nhưng vẫn có ý nghĩa rất quan trọng: tâm linh, giấc mơ, vô thức.

– Tưởng tượng, hư cấu chính là cách con người cấp nghĩa, mang đến sự giàu có, phong phú cho thế giới thực của mình. Thế giới hư cấu có thể thỏa mãn nhu cầu nhận thức và tác động vào sự phát triển nhân cách của con người. Thế giới hư cấu, tưởng tượng của văn chương có vai trò rất lớn trong việc giúp con người nhận thức về những khả năng của thế giới và của chính mình.

– Thế giới hư cấu, tưởng tượng của văn chương lại là nơi nhiều sự thật được nhận thức, được cất tiếng. Thế giới hư cấu, tưởng tượng của văn chương chính là thế giới mà con người nương vào đó để kháng cự những hoàn cảnh, tình thế ngặt nghèo nhất thực tại, để được sống nhiều cuộc đời

– Nhiều hình tượng văn chương đã rời khỏi trang sách để sống trong đời sống

– Chứng minh

Thí sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu và toàn diện để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Khi phân tích dẫn chứng cần kết hợp hài hòa cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

8,0
  2.3. Đánh giá, mở rộng

– Tưởng tượng, hư cấu trong văn chương không có giới hạn nào mặc định. Nhưng thế giới hư cấu muốn thuyết phục người đọc vẫn phải có cái lý bên trong nó: cắt nghĩa, lý giải, khám phá về bản chất đời sống, bản chất con người thỏa đáng, sâu sắc.

–  Bài học đối với nghệ sĩ và độc giả trong quá trình sáng tác và tiếp nhận:

+ Bài học với người sáng tạo: Người nghệ sĩ phải sống sâu sắc với đời, với người, phải có trách nhiệm với việc cầm bút của mình. Thông qua tác phẩm, tác giả phải gửi được những thông điệp mang giá trị nhân văn sâu sắc, như vậy tác phẩm mới có sức sống trường tồn trong lòng người đọc. Bản thân người nghệ sĩ phải tự ý thức việc bồi đắp cho thế giới tâm hồn mình có những xúc cảm trong sáng, lành mạnh… mới có thể định hướng cho người đọc những tình cảm tốt đẹp, hướng thiện.

+ Bài học với người tiếp nhận: Với người đọc, đọc tác phẩm phải hiểu những rung động sâu xa từ tấm lòng thi sĩ dành cho con người và cuộc sống; phải đồng cảm, tri âm với tác giả thông qua tác phẩm. Có như vậy tâm hồn người đọc mới được bồi đắp, trở nên giàu có, tinh tế và sâu sắc hơn, “sống được nhiều hơn”.

2,0
    TỔNG ĐIỂM TOÀN BÀI 20,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *