Đề HSG 10 hội các trường chuyên duyên hải và ĐBBB 2023, Chuyên Lê Hồng Phong

SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

 LÊ HỒNG PHONG

( ĐỀ THI ĐỀ XUẤT)

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CỤM

KHU VỰC DUYÊN HẢI  VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 

NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

 

 

Câu 1. (8,0 điểm)

“Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng.

Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.

Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi”

(Gửi con – Bùi Nguyễn Trường Kiên)

Anh/ chị có suy nghĩ gì về lời cha dặn trong đoạn thơ trên?

Câu 2. (12,0 điểm)

Cái đẹp của nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống nhưng quan trọng và trực tiếp hơn cả là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ.

Bằng những trải nghiệm về văn học, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

 

SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

 LÊ HỒNG PHONG

 

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CỤM

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ 

NĂM HỌC 2022 – 2023

HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: NGỮ VĂN – LỚP 10

 

Câu 1. (8,0 điểm)

Yêu cầu chung: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội bàn về một vấn đề tư tưởng đạo lí: kết cấu chặt chẽ, mạch ý phong phú, sáng rõ; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận; lời văn có giọng điệu.

Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể nêu những cách triển khai khác nhau, nhưng cần hợp lý, thuyết phục và đạt được các ý cơ bản sau:

 

Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích, rút ra vấn đề nghị luận 1,0
  Lời cha dặn về cách ứng xử với người ăn xin đã gợi nhắc chúng ta về cách trao đi lòng tốt trong cuộc đời: nhiệt thành, phóng khoáng (xin một đồng- tặng hai đồng), đúng mực (Người chìa tay và xin con- con hãy tặng người ấy, hãy biếu họ), nhưng cũng cần tỉnh táo, có giới hạn (Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi).  
2 Bàn luận 6,0
  Chấp nhận những cách triển khai khác nhau, song cần chú ý bám sát và làm rõ định hướng bàn luận. Sau đây là một đề xuất:

– Hãy nhiệt thành trao đi lòng tốt bởi cuộc sống của chúng ta (của cả người nhận và người trao) sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong sự sẻ chia, yêu thương và gắn kết.

– Hãy trao lòng tốt với một thái độ trân trọng, đúng mực bởi của cho không bằng cách cho, bởi những người gặp cảnh khốn cùng mong nhận được yêu thương, chia sẻ hơn là sự bố thí hay thương hại…

Hãy sẵn lòng giúp đỡ người khác song cũng cần tỉnh táo: biết giới hạn, biết chối từ đúng lúc để lòng tốt không bị lợi dụng. Lòng tốt phải giúp người khác sống tốt hơn chứ không thể biến con người thành ỉ lại, dựa dẫm, thiếu tự trọng.

Lưu ý : Người viết cần có những dẫn chứng tiêu biểu để minh chứng cho phần bàn luận vấn đề.

 
3 Mở rộng, liên hệ bản thân 1,0
  – Tài sản vô giá của con người là lòng tốt, nhưng cũng đừng quên học cách trao đi lòng tốt. Có như thế lòng tốt mới thực sự có ý nghĩa.

– Không nên biến lòng tốt thành sự dễ dãi, mù quáng; nhưng cũng không nên lạm dụng lòng tốt trong cuộc sống.

 

 

* Thang điểm

Điểm 7-8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.

Điểm 5-6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 3-4: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, còn  mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 1-2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài

 

Câu 2. (12,0 điểm)

Yêu cầu chung : Biết làm bài nghị luận văn học bàn về vấn đề lí luận văn học: biết vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh văn học; biết kết hợp kiến thức lí luận với kiến thức văn học sử, kiến thức về tác phẩm để bàn luận, đánh giá; văn viết có hình ảnh và giàu cảm xúc, có giọng điệu riêng.

Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo hợp lí, thuyết phục và đạt được các ý cơ bản sau:

 

Ý Nội dung Điểm
1  Giải thích nhận định 1,0
  Cái đẹp:  là một phạm trù mĩ học, chỉ những giá trị tích cực có khả năng bồi dưỡng, nâng cao tâm hồn, nhận thức, trí tuệ và hành động con người.

Cái đẹp trong nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống: nguồn gốc cái đẹp trong nghệ chính là từ đời sống.

Nhưng quan trọng và trực tiếp hơn cả là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ: nhấn mạnh vai trò của cái đẹp trong bản thân người sáng tạo- cái đẹp của  tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật.

Ý kiến trên khẳng định cội nguồn, nội dung của cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật. Đó là cái đẹp từ đời sống, cái đẹp của người sáng tạo nghệ thuật. Trong đó, đặc biệt đề cao cái đẹp của bản thân người nghệ sĩ.

 
2 Bàn luận 3,0
  Ý kiến trên hoàn toàn xác đáng,  bởi:

– Xuất phát từ đặc trưng đối tượng và mục đích phản ánh của văn học: Văn học lấy con người và cuộc sống làm đối tượng phản ánh theo quy luật của cái đẹp, nhằm thỏa mãn những tình cảm thẩm mĩ của con người. Bởi lẽ đó, cái đẹp trong nghệ thuật trước hết là cái đẹp trong cuộc sống.

– Bắt nguồn từ đặc trưng quá trình sáng tạo: Đó là quá trình mang tính cá nhân, thể hiện những rung cảm mang tính thẩm mĩ, nhuần thấm những tư tưởng sâu sắc, những tình cảm tốt đẹp và tài năng nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ. Vì vậy, cái đẹp của nghệ thuật không chỉ bắt nguồn từ đời sống mà quan trọng và trực tiếp hơn cả là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ.

– Ý kiến đúng còn bởi những mong đợi của người tiếp nhận khi đến với văn chương nghệ thuật: để được cảm nhận và tận hưởng nhiều hơn nữa vẻ đẹp của cuộc sống, con người;  để hướng tới các giá trị Chân-Thiện-Mĩ và còn để nâng cao năng lực thẩm mĩ, góp phần sáng tạo ra cái đẹp, cái tốt trong đời.

 
3 Phân tích, chứng minh 7,0
  HS biết cách chọn và phân tích các dẫn chứng văn học theo định hướng nhằm làm sáng tỏ vấn đề nghị luận:

– Cái đẹp trong văn học bắt nguồn từ đời sống (ý phụ)

– Cái đẹp trong văn học chính là cái đẹp tư tưởng, tình cảm, tài năng của người nghệ sĩ (ý chính).

 
4 Đánh giá, tổng kết: 1,0
  – Ý kiến đã khẳng định đúng đắn một trong những vấn đề thuộc bản chất của tác phẩm nghệ thuật, của sáng tạo nghệ thuật.

– Ý kiến có ý nghĩa với nhà văn, với lịch sử văn học, với độc giả.

 

 

* Thang điểm

– Điểm 11 – 12: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, bài viết sâu sắc độc đáo, diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 8 – 10: Nội dung đầy đủ, có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

– Điểm 5 – 7:  Bài làm còn thiếu ý. Văn chưa hay nhưng rõ ý. Mắc không quá nhiều lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

– Điểm 3 – 4: Trình bày ý còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn nhiều lỗi diễn đạt.

Điểm 1-2: Không thực sự hiểu để, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *