Đề đọc hiểu, Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Củi lửa (Dương Kiều Minh)

 

SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH

TRƯỜNG THPT ……

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG 8 TUẦN KÌ II

Môn:  NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài : 90 phút

  (Đề thi gồm có 02 trang)

  1. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Đời con thưa dần mùi khói

Mẹ già nua như những buổi chiều

lăng lắc tuổi xuân, lăng lắc niềm thôn dã

bếp lửa ngày đông…

 

Mơ được về bên mẹ

ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa

bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối.

 

Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi

mùi lá bạch đàn xộc vào giấc ngủ

con về yêu mái rạ cuộc đời.

 

Một sớm vắng

ùa lên khói bếp

về đây củi lửa

ngày xưa…

(Củi lửa-Dương Kiều Minh, NXB Tác phẩm mới,1989)

YChú thích:

Dương Kiều Minh (1960-2012) là tác giả tiêu biểu của thơ Việt Nam đương đại. Ông được coi là gương mặt thơ cách tân sáng danh của thế hệ nhà thơ xuất hiện sau 1975. Thời điểm đó, thi đàn Việt Nam đứng trước nhu cầu đổi mới thơ Việt. Cùng với một vài nhà thơ khác, Dương Kiều Minh đã góp phần khởi động mạnh mẽ công cuộc cách tân thơ Việt lúc bấy giờ.

Bài thơ Củi lửa được in trong tập thơ cùng tên của ông (1989).

Trả lời những câu hỏi sau

Câu 1 (0.5đ) Xác định nhân vật trữ tình của văn bản.

Câu 2 (0.75đ) Những hình ảnh quê nhà quen thuộc nào được nhắc đến trong khổ 2?

Câu 3 (1.0đ) Văn bản thể hiện những xúc cảm gì của người con khi đã rời xa mẹ?

Câu 4(1.0đ) Nhận xét về hình ảnh khói bếp được nhắc đến trong văn bản.

Câu 5 (0.75) Qua văn bản, anh/chị rút ra bài học ứng xử gì trong cuộc sống?

  1. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

      Theo anh/chị những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ quan trọng như thế nào trong hành trình trải nghiệm và trưởng thành của mỗi người? (Trả lời bằng một đoạn văn 150-200 chữ)

Câu 2 (4.0 điểm)

Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ Củi lửa (Dương Kiều Minh)

 

  HƯỚNG DẪN CHẤM KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG

 8 TUẦN KÌ II

                  NĂM HỌC 2023 – 2024

                        Môn: NGỮ VĂN 11

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Nhân vật trữ tình của văn bản: Người con/Con/Người con đang xa quê

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng 0.5đ

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0đ

0.5
2 Những hình ảnh quê nhà quen thuộc được nhắc đến trong khổ 2 là: Mẹ, ao xưa, mảnh vườn nhỏ, bậc thềm giàn giụa trăng

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời được 1-2 hình ảnh: 0.25đ

– HS trả lời được 3-4 hình ảnh: 0.5đ

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0đ

0.75
3 Những xúc cảm tâm trạng của người con khi đã rời xa mẹ được thể hiện trong văn bản là:

+ Nhớ thương mẹ và những hình ảnh quê nhà quen thuộc gắn liền với kí ức tuổi thơ

+ Mong ước được trở về với những tháng ngày thơ bé, được trở về với mẹ và quê nhà

+ Yêu thương mẹ, yêu thương quê nhà.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời được 1 ý cho 0.5đ

– HS trả lời được 2 ý: 0.75đ

– HS trả lời được 3 ý cho 1.0đ

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0đ

Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng vẫn chạm được đáp án

1.0
4 – Nhận xét về hình ảnh khói bếp được nhắc đến trong văn bản:

+ Vị trí: Được nhắc tới hai lần, ở đầu và cuối văn bản.

+ Ý nghĩa: là điểm nhấn trong kí ức tuổi thơ của nhân vật trữ tình, gắn liền với mẹ với ngôi nhà quen thuộc.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời được 1ý cho 0.5đ

– HS trả lời được 2 ý cho 1.0đ

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: 0đ

   Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng vẫn chạm được đáp án

1.0
5 HS nêu bài học ứng xử theo cách cảm nhận của bản thân

Một số gợi ý: yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ, trân trọng những khoảnh khắc được ở bên người thân, giá trị của hạnh phúc gia đình,….

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được bài học ứng xử (0.5đ)

– Lí giải thuyết phục (0.5đ), lí giải chưa thực sự thuyết phục (0.25đ)

– HS không rút ra bài học hoặc bài học rút ra không phù hợp (0đ)

  0.75
II VIẾT 6.0
1   2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 0.25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề : ý nghĩa của những kí ức đẹp đẽ… 0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn

HS có thể viết đoạn văn theo nhiều cách (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp…) trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của đoạn văn. Dưới đây là một vài gợi ý

1.0
– Giải thích Kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ: là những kỉ niệm thời thơ ấu khi chúng ta còn bé, vô lo vô nghĩ, hồn nhiên vui chơi tinh nghịch.

– Những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ có ý nghĩa lớn lao trong hành trình trải nghiệm và trưởng thành của mỗi người .

+  Kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ góp phần tạo nên điểm tựa tinh thần, bồi đắp cho con người giá trị cao quý (tình quê hương đất nước, gia đình sâu nặng…).

+ Góp phần thanh lọc tâm hồn, hoàn thiện nhân cách để trở thành người tử tế; biết sống chậm để suy ngẫm về cuộc sống; biết yêu đời và luôn tin tưởng những điều tốt đẹp.

+  Làm bừng sáng những kỉ niệm đẹp đẽ, đi theo năm tháng trong cuộc đời mỗi người; hình thành giá trị sống, cân bằng cuộc sống và luôn vẫy gọi ta về.

– Mở rộng: Kí ức tuổi thơ không có nghĩa là luôn sống với quá khứ, bằng lòng với chính mình mà phải nỗ lực tìm đến cái mới để phát triển của cuộc sống.

– Bài học:  Kí ức tuổi thơ cần được phát huy, nhất là trong nhịp sống hiện đại hôm nay bằng nhận thức sâu sắc với tất cả tình cảm gắn bó chân thành.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.25
2   4.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Nội dung và nghệ thuật của bài thơ Củi lửa (Dương Kiều Minh)

0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

2.5
– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và nội dung bao quát của tác phẩm bài thơ “Củi lửa”

– Đặc điểm về nội dung:

+ Bài thơ là những cảm xúc của người con khi đã rời xa mẹ, rời xa quê hương yêu dấu – Đời con thưa dần mùi khói:

+ Người con thấu hiểu, thấm thía những vất vả, nhọc nhằn, tảo tần khuya sớm, sự hi sinh vô bờ bến của mẹ (Mẹ già nua như những buổi chiều/lăng lắc tuổi xuân…)

+ Người con khao khát, ước mơ được trở về bên mẹ để được sống lại những kỉ niệm ấm áp thân thương bên mẹ, nơi quê hương yêu dấu (Mơ được về bên mẹ, Một sớm vắng/ùa lên khói bếp/về đây củi lửa/ngày xưa…; ao xưa, mảnh vườn nhỏ; bậc thềm; những hoàng hôn; mùi lá bạch đàn; mái rạ)

-Đặc điểm nghệ thuật: Thể thơ tự do giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc, sống dậy những kỉ niệm, những hồi ức bên mẹ; ngôn ngữ, hình ảnh thơ bình dị, thân thuộc mà vẫn giàu sức gợi; giọng thơ tha thiết, sâu lắng…

– Đánh giá chung:  Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, lòng biết ơn vô hạn của người con dành cho mẹ; sự gắn bó sâu nặng của người con với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình; từ đó, khơi dậy trong lòng người đọc những giá trị thiêng liêng của tình mẫu tử và tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ tiêu biểu cho tiếng thơ mới mẻ của nhà thơ Dương Kiều Minh trên thi đàn Việt Nam thời kì sau đổi mới.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.

– Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm – 2,25 điểm.

– Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1,0 điểm – 1,5 điểm.

– Học sinh phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.5
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5
Tổng điểm 10.0

 

………………..HẾT……………….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *