Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Tuổi thơ tôi – Nguyễn Nhật Ánh

Đề bài:

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu

(Lược phần đầu: Câu chuyện bắt đầu bằng âm thanh “tiếng dế” vẳng lên từ những bụi cây quanh quán Đo Đo- quê hương của nhân vật “tôi”. “Tiếng dế” đã trở thành âm thanh kì diệu đưa nhân vật “tôi” trở về miền kí ức tuổi thơ gắn liền với trò “đá dế” và kỉ niệm về Lợi – một người bạn cùng lớp.).

Bạn bè tuổi thơ tôi có thằng Lợi. Lợi là thằng ‘trùm sò’ nổi tiếng trong lớp tôi. Lúc nào nó cũng nghĩ đến chuyện “thu vén cá nhân”. Đứa nào nhờ chuyện gì nó cũng làm nhưng phải trả công nó đàng hoàng. Nó ra giá nghiêm chỉnh. Chép bài giùm là hai viên bi. Giữ dép trong giờ ra chơi là một viên. Lợi “làm giàu” bằng cách đó.

Vậy mà một hôm tình cờ bắt được con dế lửa, Lợi quý lắm, ai đổi gì cũng không đổi. Tụi bạn gạ đổi mười viên bi, hai chục viên bi, Lợi vẫn từ chối. Tôi nhịn ăn sáng một tuần, đem năm đồng bạc năn nỉ nó bán con dế lửa cho tôi, nó vẫn nghênh nghênh lắc đầu thấy ghét.

Dế lửa có màu đỏ, nhỏ con hơn dế than nhưng đánh nhau không ai bì. Trong chiến trận, dế lửa nổi tiếng lì đòn. Dế lửa có hàm răng rất khỏe, có thể cắn đứt chân những con dế than to gấp đôi nó. Nhiều chú dế than chỉ mới thấy dế lửa phồng cánh gáy một tràng “rét re re”, chưa đánh đấm gì đã quay đầu bỏ chạy, lấy cọng cỏ cứng lùa thế nào cũng không chịu quay lại “võ đài”.

Tụi bạn trong lớp không gạ đổi được con dế lửa của Lợi, đâm ra ghét nó. Đứa nào cũng muốn làm Lợi bẽ mặt, ít nhất một lần. Nhưng không con dế nào thắng được con dế lửa của Lợi. Muốn thắng được Lợi, phải kiếm được một con dế lửa thứ hai, chiến hơn, lì hơn, ngon hơn. Nhưng không thể đào đâu ra. Dế lửa là thứ “cao thủ” quý hiếm, lâu lâu mới thấy “ra giang hồ” một con. Bờ thửa, đụn cát toàn dế than, dế nhũi, dế mọi, dế cơm.

Thằng Bảo móm bèn nghĩ mẹo. Đang ngồi trong lớp, nó thình lình thò tay tóm lấy túi quần Lợi. Nó cầm hộp diêm nhốt dế qua lớp vải, lắc qua lắc lại thật mạnh. Nó xốc vài lần, con dế lửa nổi quạu, gáy inh ỏi.

Thầy Phu đang chép bài trên bảng, nghe dế gáy ầm ĩ trong lớp, giận dữ quay xuống. Nhìn bộ mặt xanh lè xanh lét của Lợi, thầy đoán ra ngay thủ phạm. Một phút sau, hộp dế của Lợi đã nằm trên bàn thầy trước ánh mắt hả hê của tụi bạn.

Tai họa của Lợi chưa dừng lại ở đó. Lợi chắc mẩm sau buổi học, thế nào thầy Phu cũng trả lại hộp dế cho nó. Nhưng đến khi tiếng trống tan trường vang lên, thầy tìm hoài không thấy hộp dế đâu. Đến khi thầy sực nhớ ra, nhấc chiếc cặp to đùng lên, hộp diêm của Lợi đã bị đè xẹp lép từ đời nào.

Lợi khóc rưng rức khi đón cái hộp diêm méo mó từ tay thầy. Tôi nhớ gương mặt thầy Phu lúc đó trông áy náy ghê lắm, thầy ấp úng xin lỗi đứa học trò nhưng Lợi không nghe thấy. Nó mải khóc, cặp mắt đỏ hoe, nước mắt nước mũi chảy thành dòng.

Tất cả bọn tôi đều thấy lòng chùng xuống. Chẳng đứa nào sung sướng vì “trả thù” được Lợi   nữa. Chẳng ai muốn thấy một “cao thủ dế” qua đời bằng cách đó. Bọn tôi chỉ ghét Lợi thôi chứ không ghét con dế lửa của nó. Mà ngay cả Lợi, khi nhìn thấy nó khóc như mưa bấc, bọn tôi cũng tan nát cõi lòng, chẳng còn tâm trạng nào mà ghét nó nữa.

(Lược một đoạn: Sau sự cái chết của chú dế lửa, Lợi chôn con dế dưới gốc cây bời lời. Trong “đám tang” của chú dế lửa, bọn tôi đều có mặt, thầy Phu cũng đến và còn đặt ở mộ con dế một chiếc vòng hoa.)

Thầy bùi ngùi đặt vòng hoa lên mộ chú dế, rồi xoa tay lên mái tóc bù xù như tổ quạ của Lợi, thầy buồn buồn nói: “Đừng giận thầy nghe con.”

Thầy Phu bây giờ đã qua đời, Lợi đã rất lâu tôi chưa gặp lại dù lần nào về quê tôi cũng đi tìm nó. Nghe nói nó đã đi lập nghiệp phương xa. Cuộc sống bao nhiêu chuyện chất chồng, bề bộn, tôi tưởng đã quên bẵng nó, cũng như quên bẵng câu chuyện này.

Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang lên cạnh chỗ tôi ngồi …

(Trích Tuổi thơ tôi – Nguyễn Nhật Ánh)

 

I.Trắc nghiệm

 Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng  người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?

  1. Ngôi thứ ba
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ nhất
  4. Ngôi thứ nhất và thứ ba

Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu  được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

  1. Điểm nhìn của nhân vật tôi
  2. Điểm nhìn của nhân vật Sơn
  3. Điểm nhìn của người kể chuyện
  4. Điểm nhìn của nhân vật và người kể chuyện

Câu 3. Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện?

  1. Chỉ có lời nhân vật.
  2. Chỉ có lời người kể chuyện.
  3. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật.
  4. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả.

  Câu 4. Nhân Vật Lợi là người như thế nào

  1. Một đứa trẻ khôn vặt, tính toán
  2. Một đứa trẻ được coi là “trùm sò”, sòng phẳng.
  3. Một đứa trẻ nghịch ngợm, ích kỉ, toan tính.
  4. Một đứa trẻ nghịch ngợm nhưng cũng rất nhạy cảm.

   Câu 5:  Hành động  của thầy Phu “ Thầy bùi ngùi đặt vòng hoa lên mộ chú dế, rồi xoa tay lên mái tóc bù xù như tổ quạ của Lợi, thầy buồn buồn nói: “Đừng giận thầy nghe con.” Hành động ấy cho thấy thầy là người như thế nào?

  1. Thầy là người nhân hậu, bao dung
  2. Thầy là người biết đồng cảm thấu hiểu trẻ thơ
  3. Thầy là người nhân hậu, trân trọng, yêu thương trẻ thơ.
  4. Thầy là người có tầm lòng rộng lượng, hết lòng vì trò.

  Câu 6. Dòng nào sau đây nêu đúng cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn “ Tuổi thơ tôi”

  1. Trân trọng kí ức tuổi thơ, ngợi ca những người thầy nhân hậu như thầy Phu.
  2. Ngợi ca tấm lòng của những người thầy giáo như thầy Phu.
  3. Trân trọng kí ức tuổi thơ, trân trọng tình bạn, tình thầy trò.
  4. Phê phán những đứa trẻ nghịch ngợm, ích kỉ như Lợi.

 

  Câu 7. Mở đầu tác phẩm là âm thanh tiếng dế, kết thúc tác phẩm là “  Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang lên cạnh chỗ tôi ngồi …”. Kết cấu vòng tròn này có ý nghĩa gì?

  1. Tiếng dế là âm thanh gắn với kỉ niệm tuổi thơ, gắn với tình bạn bè thầy trò
  2. Tiếng dế khơi gợi nỗi nhớ kỉ niệm xưa, làm sống dậy kí ức không bao giờ quên.
  3. Tiếng dế khơi dậy nỗi nhớ về một tuổi thơ nhiều kỉ niệm, khắc sâu nỗi nhớ.
  4. Tiếng dế gắn với kỉ niệm đặc biệt về Lợi, về thầy Phu đầy xúc động, kỉ niệm ấy không thể quên.

Trả lời câu hỏi:

Câu 8. Phát hiện và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu văn kết thúc tác phẩm

“Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang lên cạnh chỗ tôi ngồi …

Câu 9.Trình bày suy nghĩ của bạn về chi tiết “ Lợi khóc rưng rức, nước mắt nước mũi chảy thành dòng”

Câu 10.  Anh/ chị hãy nhận xét cách ứng xử của thầy Phu? Từ đó rút ra bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân.

ĐỀ 2: Tự luận

Câu 1. Xác định người kể chuyện và điểm nhìn trong đoạn trích.

Câu 2. Nhân vật chính được nói đến trong truyện ngắn là ai? Nhân vật này qua cách đánh giá của tác giả là người như thế nào?

Câu 3. Sự việc nào xảy ra làm thay đổi thái độ của nhân vật khác đổi với nhân vật Lợi ?

Câu 4. Phát hiện và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu văn kết thúc tác phẩm

“Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang lên cạnh chỗ tôi ngồi …

Câu 5. Trình bày suy nghĩ của bạn về chi tiết “ Lợi khóc rưng rức, nước mắt nước mũi chảy thành dòng”

Câu 6.  Anh/ chị hãy nhận xét cách ứng xử của thầy Phu? Từ đó rút ra bài học có ý nghĩa nhất cho bản thân.

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của văn bản “ Tuổi thơ tôi”

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

 

ĐỀ 1:

Câu 1: C

Câu 2:A

Câu 3:C

Câu 4:D

Câu 5:C

Câu 6:A

Câu 7:D

Câu 8. Biện pháp tu từ trong câu văn kết thúc tác phẩm ““Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang lên cạnh chỗ tôi ngồi … là khoảng lặng tu từ. Dấu ba chấm đã nhấn mạnh, diễn tả sâu sắc  khoảng lặng trong tâm hồn nhân vật “tôi” đó là nỗi xúc động của nhân vật tôi khi nghe tiếng dế gáy, tiếng dế ấy đã đánh thức trong “tôi” cả một bầu trời kí ức tuổi thơ, những vui buồn không nói hết, những kỉ niệm về một thằng bạn với biết bao thấm thía cảm động.

Câu 9. Chi tiết Lợi khóc rưng rức nước mắt nước mũi chảy thành dòng là một chi tiết bất ngờ và cảm động về nhân vật. Bất ngờ vì không ai nghĩ một đứa thực dụng và toan tính nổi tiếng “ trùm sò” như Lợi lại có thể phản ứng như vậy, cảm động vì giọt nước mắt của Lợi đã đánh thức trong thầy Phu, trong “tôi” và những đứa bạn của “tôi” lòng trắc ẩn.

  • Chi tiết ấy cho thấy Lợi là một đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, biết yêu thương loài vật, Một đứa trẻ có tấm lòng trắc ẩn như vậy không thể là đứa trẻ hư và xấu.
  • Chi tiết ấy còn khơi gợi trong mỗi chúng ta bài học sông sâu sắc, đó là bài học về tình yêu thương, chúng ta tin chắc rằng Lợi là hình ảnh không phải có tính chất cá biệt, nếu chúng ta chỉ đánh giá một đứa trẻ qua một số hành vi bên ngoài chúng ta dễ trở thành kẻ tàn nhẫn, dễ trở thành kẻ ác.

Câu 10.  Khi thấy Lợi khóc thầy Phu đã rất áy náy, thầy xin lỗi và hôm Lợi chôn con dế lửa thầy cũng có mặt và đặt vòng hoa lên mộ con dế. Cách ứng xử của thầy là biểu hiện của tấm lòng nhân ái, bao dung, biết đồng cảm , biết nâng niu trân trọng tâm hồn trẻ thơ. Cách ứng xử ấy đã gieo vào lòng “tôi” bao nỗi xúc động. Kỉ niệm về thầy đã trở thành một mảng kí ức đẹp trong thế giới tuổi thơ đã qua cua nhân vật “ tôi”.

ĐỀ 2: Tự luận

Câu1: Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, điểm nhìn trong tác phẩm có sự đan xen điểm nhìn quá khứ, điểm nhìn hiện tại. Nhưng chủ yêu người kể chuyện đứng từ quá khứ để kể lại câu chuyện

Câu 2:  Nhân vật chính được nói tới là Lợi. Nhân vật này qua cách đánh giá của tác giả là người “ trùm sò”, nghịch ngợm, toan tính, thực dung “nhờ chuyện gì cũng làm nhưng phải trả công nó đàng hoàng”

Câu 3: Sự việc làm thay đổi phản ứng tâm lí và hành động của Lợi đó là sự việc Con dế lửa chết. Thầy Phu “ áy náy”, “ Tôi” và các bạn của “ tôi” tan nát cõi lòng, chẳng còn tâm trạng nào mà ghét  nó nữa, Còn Lợi từ một thằng bé nghịch ngợm bỗng nhiên trở thành cậu bé nhạy cảm, biết yêu thương.

Câu 4: Biện pháp tu từ trong câu văn kết thúc tác phẩm ““Nhưng tối nay có tiếng dế gáy vang lên cạnh chỗ tôi ngồi … là khoảng lặng tu từ. Dấu ba chấm đã nhấn mạnh, diễn tả sâu sắc  khoảng lặng trong tâm hồn nhân vật “tôi” đó là nỗi xúc động của nhân vật tôi khi nghe tiếng dế gáy, tiếng dế ấy đã đánh thức trong “tôi” cả một bầu trời kí ức tuổi thơ, những vui buồn không nói hết, những kỉ niệm về một thằng bạn với biết bao thấm thía cảm động.

Câu 5: Chi tiết Lợi khóc rưng rức nước mắt nước mũi chảy thành dòng là một chi tiết bất ngờ và cảm động về nhân vật. Bất ngờ vì không ai nghĩ một đứa thực dụng và toan tính nổi tiếng “ trùm sò” như Lợi lại có thể phản ứng như vậy, cảm động vì giọt nước mắt của Lợi đã đánh thức trong thầy Phu, trong “tôi” và những đứa bạn của “tôi” lòng trắc ẩn.

  • Chi tiết ấy cho thấy Lợi là một đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, biết yêu thương loài vật, Một đứa trẻ có tấm lòng trắc ẩn như vậy không thể là đứa trẻ hư và xấu.
  • Chi tiết ấy còn khơi gợi trong mỗi chúng ta bài học sông sâu sắc, đó là bài học về tình yêu thương, chúng ta tin chắc rằng Lợi là hình ảnh không phải có tính chất cá biệt, nếu chúng ta chỉ đánh giá một đứa trẻ qua một số hành vi bên ngoài chúng ta dễ trở thành kẻ tàn nhẫn, dễ trở thành kẻ ác.

Câu 6: Khi thấy Lợi khóc thầy Phu đã rất áy náy, thầy xin lỗi và hôm Lợi chôn con dế lửa thầy cũng có mặt và đặt vòng hoa lên mộ con dế. Cách ứng xử của thầy là biểu hiện của tấm lòng nhân ái, bao dung, biết đồng cảm , biết nâng niu trân trọng tâm hồn trẻ thơ. Cách ứng xử ấy đã gieo vào lòng “tôi” bao nỗi xúc động. Kỉ niệm về thầy đã trở thành một mảng kí ức đẹp trong thế giới tuổi thơ đã qua cua nhân vật “ tôi”.

 LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

  1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.

– “Tuổi thơ tôi” là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết về đề tài cho thiếu nhi

– Bên cạnh nội dung mang giá trị nhân văn cao phải kể đến những đặc sắc trong nghệ thuật trần thuật của tác giả.

  1. Thân bài:

* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)

– “ Tuổi thơ tôi” là câu chuyện có kết cấu rất đơn giản, truyện chỉ xoay quanh kỉ niệm về một người bạn có tên là Lợi. Câu chuyện cũng không được thuật lại theo trình tự thời gian, mạch truyện được khơi nguồn từ âm thanh tiếng dế, âm thanh ấy kéo nhân vật “tôi” ngược dòng thời gian trở về quá khứ tuổi thơ với kỉ niệm về cậu bạn cùng lớp tên Lợi, sự kiện chính được nhấn mạnh kể đó là chuyện Lợi nhặt được con dế lửa, bọn bạn “ chơi khăm” để thầy phát hiện và thu con dế lửa sau đó vô tình con dế chết , kết thúc truyện lại là âm thanh tiếng dế. Kết cấu vòng tròn là kiểu kết cấu không mới nhưng trong câu chuyện nó vẫn đem đến nhiều suy ngẫm bất ngờ.

* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)

 Ngôi kể : truyện kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “ tôi” và trực tiếp tham gia vào câu chuyện của nhân vật chính, người kể chuyện không biết và không đoán được hết câu chuyện sẽ xảy ra. Vì kể ở ngôi thứ nhất nên câu chuyện nhiều khi mang tính chủ quan.

– Điểm nhìn: có sự luân phiên của nhiểu điểm nhìn hiện tại-quá khứ-hiện tai; điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong, nhưng chủ yếu chuyện được kể ở điểm nhìn quá khứ và điểm nhìn bên ngoài. Chuyện đã xảy ra rồi vì thế người kể chuyện có điểm lùi nhất định về thời gian để suy ngẫm, và cũng gợi suy ngẫm từ người đọc

* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

Trong lời kể của nhân vật “ Tôi” ở nửa đầu câu chuyện thằng Lợi hiện lên thật đáng ghét, không chỉ làm “ trùm” , Lợi còn rất sòng phẳng, nói theo ngôn ngữ bình dân thì Lợi là một người thực dụng. Song có một chi tiết hé lộ một phần tính cách khác của Lợi “ đứa nào nhờ chuyện gì cũng làm nhưng phải trả công đàng hoàng”, rõ ràng trong cảm quan của người kể chuyện lời kể này có cài đặt thái độ. Lợi giúp người nhưng đòi trả công điều đó cho thấy Lợi không hề ngờ nghệch, không dễ bị bắt nạt, nhưng Lợi cũng không phải đứa trẻ xấu, xét cho cùng Lợi làm như vậy là để tự vệ là để không dễ cho người khác bắt nạt.

– Tâm lí và phản ứng của Lợi thay đổi sau sự việc nó có con dế lửa, bọn bạn tìm cách “ chơi khăm” , mất con dế nó “ khóc rưng rức nươc mắt chảy thành dòng”, giọt nước mắt của trẻ thơ, hồn nhiên giọt nước mắt nhân hậu và cũng là giọt nước mắt tủi thân chăng?

à Câu chuyện về tuổi thơ của nhân vật “tôi” cũng là câu chuyện của không ít đứa trẻ, câu chuyện đặt ra trong truyện mãi mãi là vấn đề trăn trở của những người làm giáo dục.

* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)

Người kể chuyện không phải là tác giả nhưng qua câu chuyện, qua lời kể và qua thái độ của người kể chuyện ở đoạn cuối người đọc có thể thấy bóng dáng của tác giả, nhân vật tôi luôn giữ kí ức về tuổi thơ về người bạn, về người thầy đáng kính, nó ngủ yên trong kí ức và mỗi khi “ trở gió” nó lại sống dậy. Lời kể đầy xúc động “ thầy Phu bây giờ đã qua đời, Lợi đã lâu tôi không gặp”  nhưng bài học làm người mà thầy dạy sẽ mãi còn mãi, sẽ gieo trong mỗi đứa học trò hạt giống của sự thiện lương.

– Có thể nói người kể chuyện đã gián tiếp thể hiện quan niệm nhân sinh hết sức sâu sắc của tác giả: Trẻ thơ cần được lớn lên trong sự yêu thương chở che và bao dung, nếu chúng lớn lên trong sự ghen ghét đố kị thì nhất định những hạt giống xấu sẽ nảy nở. Người kể chuyện không nói hết nhưng người đọc có thể suy đoán, Lợi đi làm ăn phương xa và chắc chắn trong hành trang tử tế của Lợi  sẽ có lòng bao dung nhân hậu của thầy Phu , và Lợi dẫu là ai ở đâu cũng sẽ sống một cuộc đời lương thiện.

 

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện
  • Tuổi thơ tôi” là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, tác phẩm đặt ra những vấn đề giáo dục muôn thuở với con người- những vấn đề được nhân vật “ tôi” trải nghiệm, kể lại:  Người lớn cần gieo những hạt giống tốt trong tâm hồn mỗi đứa trẻ để chúng được “tốt nghiêp” tuổi thơ lớn lên trở thành những con người biết sống yêu thương nhân hậu
  • Tất cả giá trị đó có được là nhờ nghệ thuật trần thuật rất hóm hỉnh mà có duyên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

 

Bài viết tham khảo:

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã từng nói: “Văn chương cho con người sống nhiều cuộc đời khác, sống về phía khác của cuộc đời mình”. Quả đúng như vậy, văn chương đã giúp ta khám phá bao điều kì diệu của cuộc sống này, để từ đó ta hiểu hơn về những “cuộc đời khác”. Đồng thời, văn chương chân chính cũng giống như một thứ ánh sáng soi vào người đọc, giúp họ nhận thức đúng về “phía khác của cuộc đời mình”.  “Tuổi thơ tôi” là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết về đề tài cho thiếu nhi.  Qua câu chuyện về tuổi thơ của một câu bé ta hiểu hơn những cuộc đời khác quanh ta, ta nhận ra “ phía khác của cuộc đời chúng ta và có cái nhìn bao dung với trẻ thơ. Bên cạnh nội dung mang giá trị nhân văn ấy  phải kể đến những đặc sắc trong nghệ thuật trần thuật của tác giả.

“ Tuổi thơ tôi” là câu chuyện có kết cấu rất đơn giản, truyện chỉ xoay quanh kỉ niệm về một người bạn có tên là Lợi. Câu chuyện cũng không được thuật lại theo trình tự thời gian, mạch truyện được khơi nguồn từ âm thanh tiếng dế, âm thanh ấy kéo nhân vật “tôi” ngược dòng thời gian trở về quá khứ tuổi thơ với kỉ niệm về cậu bạn cùng lớp tên Lợi, sự kiện chính được nhấn mạnh kể đó là chuyện Lợi nhặt được con dế lửa, bọn bạn “ chơi khăm” để thầy phát hiện và thu con dế lửa sau đó vô tình con dế chết , kết thúc truyện lại là âm thanh tiếng dế. Kết cấu vòng tròn là kiểu kết cấu không mới nhưng trong câu chuyện nó vẫn đem đến nhiều suy ngẫm bất ngờ.

Truyện kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “ tôi” và trực tiếp tham gia vào câu chuyện của nhân vật chính, người kể chuyện không biết và không đoán được hết câu chuyện sẽ xảy ra. Vì kể ở ngôi thứ nhất nên câu chuyện nhiều khi mang tính chủ quan. Điểm nhìn: có sự luân phiên của nhiểu điểm nhìn hiện tại-quá khứ-hiện tai; điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong, nhưng chủ yếu chuyện được kể ở điểm nhìn quá khứ và điểm nhìn bên ngoài. Chuyện đã xảy ra rồi vì thế người kể chuyện có điểm lùi nhất định về thời gian để suy ngẫm, và cũng gợi suy ngẫm từ người đọc. Trong lời kể của nhân vật “ Tôi” ở nửa đầu câu chuyện thằng Lợi hiện lên thật đáng ghét, không chỉ làm “ trùm” , Lợi còn rất sòng phẳng, nói theo ngôn ngữ bình dân thì Lợi là một người thực dụng. Song có một chi tiết hé lộ một phần tính cách khác của Lợi “ đứa nào nhờ chuyện gì cũng làm nhưng phải trả công đàng hoàng”, rõ ràng trong cảm quan của người kể chuyện lời kể này có cài đặt thái độ. Lợi giúp người nhưng đòi trả công điều đó cho thấy Lợi không hề ngờ nghệch, không dễ bị bắt nạt, nhưng Lợi cũng không phải đứa trẻ xấu, xét cho cùng Lợi làm như vậy là để tự vệ là để không dễ cho người khác bắt nạt.  Tâm lí và phản ứng của Lợi thay đổi sau sự việc nó có con dế lửa, bọn bạn tìm cách “ chơi khăm” , mất con dế nó “ khóc rưng rức nươc mắt chảy thành dòng”, giọt nước mắt của trẻ thơ, hồn nhiên giọt nước mắt nhân hậu và cũng là giọt nước mắt tủi thân chăng? Câu chuyện về tuổi thơ của nhân vật “tôi” cũng là câu chuyện của không ít đứa trẻ, câu chuyện đặt ra trong truyện mãi mãi là vấn đề trăn trở của những người làm giáo dục.

Người kể chuyện không phải là tác giả nhưng qua câu chuyện, qua lời kể và qua thái độ của người kể chuyện ở đoạn cuối người đọc có thể thấy bóng dáng của tác giả, nhân vật tôi luôn giữ kí ức về tuổi thơ về người bạn, về người thầy đáng kính, nó ngủ yên trong kí ức và mỗi khi “ trở gió” nó lại sống dậy. Lời kể đầy xúc động “ thầy Phu bây giờ đã qua đời, Lợi đã lâu tôi không gặp”  nhưng bài học làm người mà thầy dạy sẽ mãi còn mãi, sẽ gieo trong mỗi đứa học trò hạt giống của sự thiện lương. Có thể nói người kể chuyện đã gián tiếp thể hiện quan niệm nhân sinh hết sức sâu sắc của tác giả: Trẻ thơ cần được lớn lên trong sự yêu thương chở che và bao dung, nếu chúng lớn lên trong sự ghen ghét đố kị thì nhất định những hạt giống xấu sẽ nảy nở. Người kể chuyện không nói hết nhưng người đọc có thể suy đoán, Lợi đi làm ăn phương xa và chắc chắn trong hành trang tử tế của Lợi  sẽ có lòng bao dung nhân hậu của thầy Phu , và Lợi dẫu là ai ở đâu cũng sẽ sống một cuộc đời lương thiện.

 

Xuân Quỳnh từng khẳng định: “Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”. Truyện ngắn cũng vậy, điều làm nên sức hấp dẫn của một câu chuyện không chỉ là các hình thức nghệ thuật độc đáo mà còn là nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Tuổi thơ tôi” là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, tác phẩm đặt ra những vấn đề  giáo dục muôn thuở với con người- những vấn đề được nhân vật “ tôi” trải nghiệm, kể lại:  Người lớn cần gieo những hạt giống tốt trong tâm hồn mỗi đứa trẻ để chúng được “tốt nghiêp” tuổi thơ lớn lên trở thành những con người biết sống yêu thương nhân hậu. Tất cả giá trị đó có được là nhờ nghệ thuật trần thuật rất hóm hỉnh mà có duyên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *