Đề đọc hiểu và nghị luận về truyện Chảy đi sông ơi- Nguyễn Huy Thiệp

Đề bài:

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

(Tóm tắt: Một câu bé từ nhỏ đã bị mê hoặc bởi huyền thoại nhiệm màu về con trâu đen. Con trâu có phép nhiệm màu ban sức mạnh thần kì cho con người. Và như lời chị Thắm nói, những người tốt sẽ được gặp con trâu kì diệu ấy. Thế rồi cậu bé đã quyết tâm theo đuổi, tìm kiếm. Nhưng kết quả thì sao? Giấc mộng ngọt ngào ấy đã không thể đến với một cậu bé đang sống trong cuộc đời trần tục, phũ phàng này. Người ta mải mê tranh giành luồng cá mà bỏ mặc cậu rơi xuống sông, suýt chết đuối nếu như không có chị Thắm cứu giúp)

Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên con đò ngang. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ khăn trùm kín mặt. Đôi mắt to đen nhìn tôi mừng rỡ: – Thế là tỉnh rồi….Em ăn một tí cháo nhé?

Tôi cố nhỏm dậy, bụng dạ trống rỗng và đau cồn cào, chân tay tôi run bần bật. Tôi đón bát cháo cá nóng mà cầm không vững.

– Để chị bón cho – Người phụ nữ nói dịu dàng- Chị tưởng em chết. Chân tay em cứng đờ ra..Lão Tảo dốc trong bụng em đến nửa vại nước. Em là liều lắm! đi đánh cá đêm với lão trùm Thịnh có ngày chết toi mất xác!

– Chị cứu em à?- Tôi hỏi. – ừ…chị nghe thấy em kêu cứu

– Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ – Tôi buồn rầu nói- Họ nghe thấy em kêu cứu mà cứ lờ đi….

– Đừng trách họ thế- Người phụ nữ an ủi tôi, giọng nói ngân nga như hát- có ai yêu thương họ đâu…Họ đói mà ngu muội lắm…..

Thế là từ đấy tôi quen chị Thắm. Chị Thắm nhà trong bến Cốc. Nhà chị nghèo lắm. Suốt ngày ở trên con đò ngang, một tấm khăn vuông đen trùm kín mặt.Có lần tôi hỏi chị Thắm về chuyện trâu đen. Chị bảo: – Trâu đen có thực! Nó ở dưới nước. Khi nó lên bờ là nó mang cho người ta sức mạnh….Nhưng nhìn thấy nó, được nó ban điều kỳ diệu phải là người tốt. Tôi tin lời chị. Lòng tôi vẫn hằng ấp ủ trông thấy điều kỳ diệu ấy. Con người ta tối tăm lắm…Chị nói với tôi khi hai chị em ngồi trên mũi đò chờ khách sang sông. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường.

Mùa hè năm ấy nhà tôi chuyển về thành phố. Thế là tôi xa bến Cốc, xa chị Thắm. Khi tôi ra đi, chị Thắm gọi tôi xuống đò cho ăn cháo cá. Tôi cũng không ngờ đó là bát cháo cá mòi cuối cùng tôi ăn trong thời trai trẻ. Một cuộc sống mới mở oà trước mặt tôi. Thành phố cũng bán cá mòi nhưng là thứ cá đã được ướp khô, rút ruột….

Năm ngoái, bỗng nhiên tôi có dịp trở về bến Cốc. Bây giờ tôi đã trưởng thành. Tôi làm công chức ở sở, lấy vợ, đẻ một đàn con đông đúc. Cuộc sống trưởng giả no đủ bao bọc lấy tôi. Có lẽ tôi cũng chẳng có gì phàn nàn cuộc sống. Ước mơ tuổi trẻ nhường chỗ cho bao nhu cầu thiết thực. Bến Cốc vẫn hệt như xưa. Cá mòi phơi trắng trên bờ. Bến đò rất ít những người qua lại. Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn. Tôi bước xuống đò mà lòng bồi hồi khôn tả. Trên đò, một bà cụ già đang ngồi tư lự. Tôi bước lại gần khẽ hỏi: – Cụ ơi, chị Thắm lái đò còn ở đây không?

– Thắm ư?- Bà cụ thoáng nỗi ngạc nhiên. Tôi đứng lặng người khi nhận ra con đò cũ. Kỷ niệm ấu thơ bồng vụt hiện về. – ông quen nhà Thắm ư ông?- Bà cụ hỏi tôi, giọng nói nghẹn ngào- Bao nhiêu năm nay chẳng hề có ai hỏi thăm nhà Thắm….Nhà Thắm chết đuối hai chục năm rồi!

Tôi oà lên khóc nức nở. Xung quanh sông nước nhoà đi. Bà cụ lái đò vẫn đang rầu rầu kể lể: – Khốn nạn! nhà Thắm cứu được không biết bao người ở khúc sông này…Thế mà cuối cùng nó lại chết đuối mà không ai cứu…

Bên sông lại vẳng tiếng hát thuở nào tê tái:

Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?

Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?

Bên sông có tiếng gọi đến là ráo riết: – Đò ơi….ơi đò! Đò ơi! Ơi đò!

(Trích trong truyện “Chảy đi sông ơi”- Nguyễn Huy Thiệp, nguồn https://dienbd.violet.vn/entry/chay-di-song-oi-nguyen-huy-thiep-4832463.html)

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm): Điểm nhìn, ngôi kể… bám sát nội dung tri thức bài 1

Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?

  1. Ngôi thứ ba
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ nhất
  4. Ngôi thứ nhất và thứ ba

Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

  1. Nhân vật chị Thắm
  2. Nhân vật xưng “tôi”
  3. Nhân vật cụ già chèo đò

D.Nhân vật người dân chài lưới.

Câu 3. Chi tiết nào sau đây khiến nhân vật tôi “òa lên khóc nức nở” ?

  1. Sau 20 năm mới trở về bến quê xưa.
  2. Lâu lắm không có ai nhắc đến nhà Thắm.
  3. Chị Thắm chết đuối 20 năm rồi.
  4. Nhớ về kỉ niệm đẹp tuổi ấu thơ.

Câu 4. Hình tượng “con trâu đen” là biểu tượng cho:

  1. Những con người chài lưới ban đêm trên sông.
  2. Những con người chịu khó sẽ luôn được giúp đỡ..
  3. Những con người nghèo khó nhưng sống nghĩa tình.
  4. Niềm tin vào điều kì diệu sẽ đến với người tốt.

Câu 5. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu sau:

“…Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn...”

  1. So sánh.
  2. Nhân hóa.
  3. Ẩn dụ.
  4. Hoán dụ.

Câu 6: Từ “ngu muội” trong đoạn văn bản có nghĩa nào sau đây?

  1. Đầu óc thiếu minh mẫn.
  2. Suy nghĩ tiêu cực.
  3. Làm những điều bốc đồng, cảm tính.
  4. Ngu dốt, tối tăm, không hiểu biết gì

Câu 7: Thái độ nào được nhắc đến trong câu văn: Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường”?

  1. Chán nản trước sự bất công.
  2. Tiêu cực về cuộc sống.
  3. Chán nản trước sự vô tâm đầy rẫy.
  4. Bất lực về sự bất công đầy rẫy.

 

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Nêu nội dung của đoạn trích?

Câu 9 (1.0 điểm): Hãy nhận xét về kết thúc của truyện?

Câu 10 (1.0 điểm): Nêu bài học nhân sinh cốt lõi mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm đến bạn đọc qua câu chuyện trên?

                                       ……………………………………….Đề 2: Tự luận

Câu 1(1,0 điểm): Truyện được kể chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào?

Câu 2(1,0 điểm): Nêu nội dung của đoạn trích?

Câu 3(1,0 điểm): Hình tượng “con trâu đen” là biểu tượng cho điều gì?

Câu 4(1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu sau:“…Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn…”

Câu 5(1,0 điểm): Hãy nhận xét về kết thúc của truyện?

Câu 6(1,0 điểm): Nêu bài học nhân sinh cốt lõi mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm đến bạn đọc qua câu chuyện trên?

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1 2 3 4 5 6 7
Đáp án C B C D B D C

Câu 8: Đoạn trích kể câu chuyện về mình và chị Thắm. Chị Thắm có ơn cứu nhân vật tôi khỏi chết đuối nhưng về sau chính chị lại bị chết đuối mà không có ai cứu.

Câu 9: Chị Thắm là một người tốt nhưng lại gặp phải chuyện không may, chị cứu nhiều người nhưng lại không có ai cứu chị. Kết thúc của câu chuyện buồn, phản ánh một thực tế đau xót, không phải khi nào “ở hiền cũng gặp lành”.

Câu 10: Bài học: Hãy nuôi giữ trong lòng những huyền thoại ngọt ngào để có niềm tin mà sống tốt, nhưng đừng tin kiểu ngây thơ như đứa trẻ. Nếu không chúng ta sẽ chết đuối giữa dòng đời cay nghiệt.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Truyện được kể chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật “tôi”.

Câu 2: Đoạn trích kể câu chuyện về mình và chị Thắm. Chị Thắm có ơn cứu nhân vật tôi khỏi chết đuối nhưng về sau chính chị lại bị chết đuối mà không có ai cứu.

Câu 3: Hình tượng “con trâu đen” là biểu tượng cho Niềm tin vào điều kì diệu sẽ đến với người tốt.

Câu 4: Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa  “Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn”:

-Nhấn mạnh bức tranh phong cảnh bến đò xưa, theo thời gian vẫn không thay đổi. Hình ảnh ấy gợi khung cảnh đẹp nhưng buồn, vấn vương, trống vắng…

-Làm cho câu văn giàu hình ảnh, sinh động; tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.

Câu5: Chị Thắm là một người tốt nhưng lại gặp phải chuyện không may, chị cứu nhiều người nhưng lại không có ai cứu chị. Kết thúc của câu chuyện buồn, phản ánh một thực tế đau xót, không phải khi nào “ở hiền cũng gặp lành”.

Câu 6: Bài học: Hãy nuôi giữ trong lòng những huyền thoại ngọt ngào để có niềm tin mà sống tốt, nhưng đừng tin kiểu ngây thơ như đứa trẻ. Nếu không chúng ta sẽ chết đuối giữa dòng đời cay nghiệt.

  1. LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
  2. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và phương diện nghệ thuật của tác phẩm mà bài viết sẽ tập trung làm rõ.

-Giới thiệu ngắn gọn nội dung truyện “Chảy đi sông ơi”

-Giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Thiệp và những đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm.

  1. Thân bài:

* Mô tả và đánh giá cách nhà văn kiến tạo truyện (câu chuyện, cách tổ chức mạch truyện)

-Cốt truyện: “Chảy đi sông ơi” là niềm tin mãnh liệt của nhân vật “tôi” về huyền thoại “con trâu đen”_ con vật được cho là mang lại sức mạnh cho những người tốt, sống tử tế. Cậu bé mải miết đi tìm bất chấp sự nguy hiểm, những mong một lần được gạp con trâu huyền hoặc ấy. Thế nhưng cậu suýt chết đuối, may được chị Thắm cứu giúp. Sau 20 năm trở lại “tôi” xót xa khi nghe tin chị Thắm đã chết đuối trên quãng sông này mà không ai cứu, cũng không có con trâu đen thần kì nào xuất hiện.

-Mạch trần thuật: Câu chuyện theo dòng hồi tưởng của chính nhân vật sau khi được cứu. Mạch truyện theo trình tự tuyến tính thời gian với quãng thời gian dài: từ quá khứ đến hiện tại sau 20 năm khiến câu chuyện hiện lên có điểm lùi thời gian để tạo đà cho sự chiêm nghiệm.

=>Đánh giá: Cốt truyện li kì, hấp dẫn; tình huống truyện nhiều đột phá và vỡ lẽ; thời gian đồng hiện giũa quá khứ và hiện tại. Mạch trần thuật theo trật tự tuyến tính của thời gian nhưng chắt lọc, nhấn nhá ở những chi tiết tiêu biểu, gợi “chuyện”, gợi “cảm xúc”.

* Chỉ ra đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn (ngôi kể, điểm nhìn)

-Ngôi kể: Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng chính là nhân vật “tôi”_người trải nghiệm

– Điểm nhìn: truyện được kể bởi đa dạng điểm nhìn (điểm nhìn nhân vật “tôi”, nhân vật chị Thắm, nhân vật người dân chài lưới trên sông; điểm nhìn thời gian, điểm nhìn không gian…)

* Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật

Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng chính là nhân vật “tôi”_người trải nghiệm khiến cho câu chuyện trở nên chân thực, tỉ mỉ và lôi cuốn. Từ đó nhân vật chị Thắm hiện lên khách quan dưới lời kể và điểm nhìn của “nhân chứng”.

– Truyện được kể bởi đa dạng điểm nhìn (điểm nhìn nhân vật “tôi”, nhân vật chị Thắm, nhân vật người dân chài lưới trên sông; điểm nhìn thời gian, điểm nhìn không gian…) tạo ra sự đa thanh cho câu chuyện. Dưới nhiều điểm nhìn, câu chuyện, nhân vật và thông điệp của tác giả được bộc lộ cởi mở, toàn diện và nhiều “sắc màu”.

* Đánh giá hiệu quả của nó (Chỉ ra mối liên hệ giữa người kể chuyện trong tác phẩm và nhà văn)

-Người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai trò người trải nghiệm cũng là hiện thân của cái “tôi” tác giả.

-Bằng các hình thức nghệ thuật đặc sắc, cốt truyện độc đáo, cách sắp xếp mạch trần thuật tài hoa, tác giả đã làm nổi bật thông điệp của tác phẩm: hãy nuôi giữ trong lòng những huyền thoại đẹp để có thêm niềm tin để sống tốt.

 

  1. Kết bài: Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện

 

Bài viết tham khảo:

Trong miền không gian mênh mông, vô định, vạn vật đều từng đẹp đẽ rồi tàn phai ngay khoảnh khắc; duy chỉ có vẻ đẹp văn chương là muôn đời. Song, đâu phải gánh chữ nào cũng nên câu thơ, đâu phải ai cầm bút lên đều trở thành nghệ sĩ bởi “văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu). Và “Chảy đi sông ơi” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng trở thành một trong những tác phẩm “đáng thờ” như thế. Những kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với bến Cốc và chị Thắm qua giọng văn nhẹ nhàng, tâm tình khiến bạn đọc không khỏi ngỡ ngàng trước cốt truyện ma mị, lôi cuốn. Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp dụng công trong miêu tả nội tâm nhân vật khiến người đọc cảm được hết sự tài hoa của một “gã phù thủy” ngôn từ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng tinh tế nhận ra rằng: “Thời kì 1985-1996, ở mảng truyện ngắn không ai viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp. Giọng văn của ông có chất riêng, ngắn gọn, sắc nét, không dông dài”. Thật thế “Chảy đi sông ơi” là niềm tin mãnh liệt của nhân vật “tôi” về huyền thoại “con trâu đen”_ con vật được cho là mang lại sức mạnh cho những người tốt, sống tử tế. Cậu bé mải miết đi tìm bất chấp sự nguy hiểm, những mong một lần được gặp con trâu huyền hoặc ấy. Thế nhưng cậu suýt chết đuối, may được chị Thắm cứu giúp. Sau 20 năm trở lại “tôi” xót xa khi nghe tin chị Thắm đã chết đuối trên quãng sông này mà không ai cứu, cũng không có con trâu đen thần kì nào xuất hiện. Cốt truyện li kì, hấp dẫn; tình huống truyện nhiều đột phá và vỡ lẽ; thời gian đồng hiện giũa quá khứ và hiện tại. Mạch trần thuật theo trật tự tuyến tính của thời gian nhưng chắt lọc, nhấn nhá ở những chi tiết tiêu biểu, gợi “chuyện”, gợi “cảm xúc”.

Ở đâu đó, Nguyễn Huy Thiệp cũng để tính nhân văn của tác phẩm được thể hiện sâu sắc nhất khi có sự xuất hiện của thiên tính nữ, giúp cho mâu thuẫn của nhân vật được hóa giải. Với việc nhấn mạnh vào hình ảnh dòng sông, tác giả đã  đưa dòng sông trở thành biểu tượng và gọi dòng sông một cách thân thương, gần gũi. Bằng cách đó, nhà văn đã kiến tạo cốt truyện rất tài hoa. Câu chuyện theo dòng hồi tưởng của chính nhân vật sau khi được cứu. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng chính là nhân vật “tôi”_người trải nghiệm khiến cho câu chuyện trở nên chân thực, tỉ mỉ và lôi cuốn. Bên cạnh đó, truyện được kể bởi đa dạng điểm nhìn (điểm nhìn nhân vật “tôi”, nhân vật chị Thắm, nhân vật người dân chài lưới trên sông; điểm nhìn thời gian, điểm nhìn không gian…) tạo ra sự đa thanh cho câu chuyện. Dưới nhiều điểm nhìn, câu chuyện, nhân vật và thông điệp của tác giả được bộc lộ cởi mở, toàn diện và nhiều “sắc màu”.

Một tác phẩm hay là một phát minh về hình thức và một sáng tạo về nội dung. Nguyễn Huy Thiệp đã khéo léo sử dụng hình thức trần thuật hấp dẫn (mạch trần thuật, tình huống truyện, tình tiết tiêu biểu, ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn đa dạng… )để làm nổi bật hình tượng nhân vật trung tâm Chị Thắm tảo tần, vất vả trên dòng sông nhưng luôn nhân hậu, nghĩa hiệp cứu vớt bao người rơi vào cảnh sinh tử. Chị Thắm còn luôn xuất hiện với chi tiết bát cháo cá tươi vị nước sông bến Cốc, ngọt vị thương yêu chân thành. Chị Thắm xuất hiện trong đời nhiều người như “con trâu đen” mang lại điều kì diệu cho bao người khốn cùng, yếu đuối. Chị nhân lên sự tử tế và lòng nhân hậu. Chị gieo vào sâu thẳm trái tim con người niềm tin về phúc báo của lòng tốt. Hình tượng nhân vật được soi chiếu qua nhiều điểm nhìn, mỗi điểm nhìn đều “xao xác”, “đau đáu”một nỗi ám ảnh. Giọng văn trầm buồn, da diết kết hợp giữa kể, tả và biểu cảm; kết hợp giữa lời kể và lời hát khiến trang văn giàu chất gợi, giàu chất thơ. Đó cũng là cách tác giả góp phần để nhân vật hiện lên đậm nhất trong dư ba của câu chuyện. Ngoài ra chị Thắm cũng được xây dựng trên một phông nền không gian bến Cốc vô cùng ấn tượng : “cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn…” và tiếng hát ngân dài mãi đến nhói lòng: “ Chảy đi sông ơi! Băn khoăn làm gì…”

Thực và ảo, quá khứ và hiện tại, vô hình và hữu hình… Huyền thoại có thể không có thật nhưng tình yêu là thật. Con trâu đen có thể không có thật nhưng niềm tin vào cuộc sống là có thật. Sau tất cả, dù có sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật độc đáo cỡ nào chăng nữa thì mục đích cuối cùng cũng để tác giả gửi gắm thông điệp đến cuộc đời. “Chảy đi sông ơi” chính là sự phản tỉnh của một tâm hồn vừa thức dậy từ giấc mơ màu nhiệm. Lòng nhân đạo và tình yêu thương bao trùm lên tất cả, mang đến thông điệp vô cùng nhân văn: hãy nuôi giữ trong lòng những huyền thoại đẹp để có thêm niềm tin để sống tốt.

Bụi sẽ phủ mở những trang văn trong dòng chảy thời gian miên viễn; “Chảy đi sông ơi” rồi cũng sẽ “già đi” theo năm tháng nhưng cũng sẽ dần “trẻ lại” theo dòng hồi ức của biết bao thế hệ đã ghé ngang. Như Saltykov Shchedrin đã từng quan niệm: “Văn học nằm ngoài mọi quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Những kỉ niệm đẹp về thời thơ ấu nơi bến Cốc, những ý niệm nuôi dưỡng tâm hồn sống tử tế dưới ngòi bút tài hoa và tư duy nghệ thuật độc đáo của tác giả sẽ luôn là một món quà đặc biệt với người đọc. Vượt lên những đổi thay của xã hội và con người, “Chảy đi sông ơi” vẫn mãi ở trong một góc trái tim yêu mến của mỗi chúng ta.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *