Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh

THƠ VĂN NGUYỄN DU

ĐỀ BÀI

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Dẫn tác phẩm)

VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH

(Văn chiêu hồn)

-Nguyễn Du-

(…)

      (1) Cũng có kẻ vào sông ra bể,

      Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng,
Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.


(2) Cũng có kẻ đi về buôn bán,
Đòn gánh tre chín dạn hai vai,
Gặp cơn mưa nắng giữa trời,
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?


(3) Cũng có kẻ mắc vào khoá lính,
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,
Nước khe cơm ống gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.


(4) Buổi chiến trận mạng người như rác,

    Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập loè ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.


(5) Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Đâu chồng con tá biết là cậy ai?


(6) Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?


(7) Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,
Thương thay cũng một kiếp người,
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!


(8) Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh.
Nắm xương chôn rấp góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?


(9) Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.
Lấy ai bồng bế vào ra,
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.

 

     (10) Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
Cũng có người sẩy cối sa cây,
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.


(11) Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái

 Người thì sa nanh sói ngà voi,
Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khốn thương…

(Trích “Văn tế thập loại chúng sinh”- Thơ văn Nguyễn Du)

VÀI NÉT VỀ TÁC PHẨM “VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH”- còn gọi là “VĂN CHIÊU HỒN” của đại thi hào Nguyễn Du

“Văn tế thập loại chúng sinh” hay còn gọi là “Văn chiêu hồn”, hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết. Còn GS Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng, có lẽ Nguyễn Du viết tác phẩm này khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812)

Tác phẩm được viết theo thể song thất lục bát , gồm 184 câu thơ chữ Nôm, được chia làm 4 phần:

– Phần 1 (20 câu đầu): tả cảnh một chiều thu tháng 7, mưa dầm buồn bã, khiến nhà thơ chạnh lòng thương nhớ đến các chúng sinh đang lạnh lẽo, bơ vơ nơi cõi âm mà lập đàn cầu siêu.

– Phần 2 (116 câu): nêu rõ tên và nguyên nhân thiệt mạng của 10 (ước lệ) loại người trong xã hội.

– Phần 3 (20 câu tiếp theo): miêu tả cảnh sống thê lương của các cô hồn.

– Phần 4 (28 câu cuối): Lời thỉnh cầu phép màu nhiệm giúp cho họ được giải thoát.

Đoạn trích (ngữ liệu trong đề bài) thuộc phần 2, nêu rõ tên và nguyên nhân thiệt mạng của 10 loại cô hồn.

III. MỘT VÀI CHÚ THÍCH

  1. Vào sông ra bể: đi đó đi đây, ở nơi nguy hiểm, sóng gió
  2. Vào khoá lính: phải đi lính
  3. Buôn nguyệt bán hoa: sa cơ, thất thế, sa vào cảnh đường cùng, làm nghề buôn phấn bán hương.
  4. Nằm cầu gối đất, hành khất: những người nghèo khó, sống bằng cách ăn xin, nhờ vào sự bố thí của thiên hạ.
  5. Tiểu nhi: đứa trẻ sơ sinh
  6. Chìm sông lạc suối, sẩy cối sa cây, leo giếng đứt dây: gặp tai nạn bất ngờ…

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận bên dưới)

Câu 1:Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Nội dung chính của văn bản trên là gì?

Câu 3: Đối tượng được nhắc đến trong văn bản trên là những ai?

Câu 4: Họ (những người được nhắc đến ở câu hỏi số 3) là những người có số phận thế nào?

Câu 5: Cuộc sống và thân phận của loại người được nhắc đến ở khổ thơ 2,3,4 được tái hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào? Qua đó, em cảm nhận được gì về tình cảm của nhà thơ đối với những loại người ấy?

Câu 6: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong những câu thơ sau:

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
Cũng có người sẩy cối sa cây,
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.

Câu 7: Nhận xét về ngôn ngữ và giọng điệu của văn bản trên?

Câu 8: Qua văn bản, em có suy nghĩ gì về tình cảm mà thi hào Nguyễn Du dành cho những kiếp người, hạng người, loại người trong xã hội lúc bấy giờ? (viết  khoảng 10-12 dòng)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.

——————————

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN CHI TIẾT

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ song thất lục bát

Câu 2:

Nội dung của văn bản: Nêu rõ tên và nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều loại người trong xã hội

Câu 3:

* Đối tượng được nhắc đến trong văn bản là những người:

– Người đi đó đi đây (vào sông ra bể)

– Người sống bằng nghề buôn bán ( đi buôn về bán)

– Người bị bắt đi lính (mắc vào khoá lính)

– Người đàn bà lỡ làng

– Những đứa trẻ chết yểu,

– Người gặp nạn ở rừng, sông, hỏa hoạn…

Câu 4: Số phận của những đối tượng được nhắc đến ở câu 3

– Bất hạnh

– Đáng thương, là phận nhỏ bé, bị vùi dập, sống trong khổ đau, chết trong oan ức.

Câu 5

* Cuộc sống và thân phận của loại người được nhắc đến ở khổ thơ 2,3,4 được tái hiện qua những từ ngữ, hình ảnh:

– Từ ngữ:  Buôn bán; hồn đường, phách xá, lạc loài; mắc, khóa lính, gian nan, dãi dầu nghìn dặm, lầm than, lỡ làng, ngẩn ngơ, già.

– Hình ảnh: chín rạn hai vai; gồng gánh việc quan; mạng người như rác; đạn lạc tên rơi; buôn nguyệt bán hoa.

* Cảm nhận về tình cảm của Nguyễn Du đối với những kiếp người/ loại người được nhắc đến:

– Tình cảm của nhà thơ đối với những loại người: Đồng cảm, xót thương đối với những kiếp người nhỏ bé, vất vả, cô đơn trên dòng đời muôn nẻo.

– Đó là tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim giàu yêu thương, trân trọng con người, cho dù những con người ấy ở tần lớp, thứ hạng nào trong xã hội.

Câu 6: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong những câu thơ sau:

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
Cũng có người sẩy cối sa cây,
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.

* Biện pháp tu từ trong những câu thơ (HS chỉ ra 1 trong 2 biện pháp tu từ và chỉ ra tác dụng)

Liệt kê: chìm sông lạc lối; sẩy cối sa cây; leo giếng đứt dây; trôi nước lũ; lây lửa thành.

– Ẩn dụ: chìm sông lạc lối; sẩy cối sa cây; leo giếng đứt dây; trôi nước lũ; lây lửa thành.

* Tác dụng của biện pháp tu từ:

– Liệt kê:

+ Tạo nhiệp điệu hài hòa, chậm rãi cho những câu thơ,

+ Khiến người đọc hình dung cụ thể hơn về những tai nạn bất ngờ mà họ (những loại người khác nhau) gặp phải trong cuộc sống,

+ Gợi nỗi niềm thương cảm, xót xa.

– Ẩn dụ:

+ Tạo nên cách diễn đạt giàu hình ảnh, gợi cảm xúc,

+ Gợi hình dung cụ thể về những hiểm nguy mà người làm nghề ấy mắc phải: chết chìm, trôi dạt trên sông; leo cây ngã; ngã xuống giếng, trôi theo dòng lũ; bị hỏa hoạn…

+ Thể hiện sự thương cảm, xót xa đối với những thân phận, những kiếp người, loại người khác nhau trong xã hội.

Câu 7: Nhận xét về ngôn ngữ và giọng điệu trong văn bản.

– Ngôn ngữ: giản dị, dễ hiểu và giàu cảm xúc

– Giọng điệu: buồn thương, da diết

Câu 8: Suy nghĩ gì về tình cảm mà thi hào Nguyễn Du dành cho những kiếp người, hạng người, loại người trong xã hội lúc bấy giờ (viết khoảng 8-10 dòng)

– Nguyễn Du dành tình yêu thương cho mọi kiếp người vì:

+ Họ là những người bất hạnh. là nạn nhân của xã hội bất công,

+ Họ sống vất vả. lạc loài giữa dòng nhân thế, không chốn tựa nương, không nơi đi về,

+ Nguyễn Du là người có tấm lòng nhân ái. Bản thân đã trải qua những năm tháng gió bụi của cuộc đời nên ông thấu hiểu cho nỗi bất hạnh của chúng sinh.

– Tình yêu thương mà Nguyễn Du dành cho những kiếp người bất hạnh là biểu hiện của tấm lòng nhân đạo bao la. Đó là tấm lòng cảm thông, thương xót đối với những thân phận, những cuộc đời, đồng thời, nhà thơ vừa tố cáo xã hội bất công vừa lên tiếng đòi quyền sống cho họ.

LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

-Giới thiệu chung về bài thơ: “Văn tế thập loại chúng sinh”, còn được gọi là Văn chiêu hồn, là một sáng tác xuất sắc bằng chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du thế kỷ 19. 

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết: Đoạn trích/ ngữ liệu đã Nêu rõ tên và nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều loại người trong xã hội

Thân bài:

* Nhan đề: Văn tế thập loại chúng sinh (văn chiêu hồn)

– “Thập” nghĩa là 10, Văn tế thập loại chúng sinh nghĩa là văn tế 10 loại người trong xã hội.

– “Thập” ước lệ, chỉ số nhiều, thì Văn tế thập loại chúng sinh được hiểu là văn tế dành cho nhiều loại người, nhiều kiếp người khác nhau trong xã hội. Tất cả chúng sinh ở đây đều giống nhau, họ phải chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn. Bởi thế ai cũng đều rất đáng thương.

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

Người việt Nam có phong tục làm lễ cầu siêu cho chúng sinh vào rằm tháng 7. Những linh hồn ấy thường không chốn nương thân, sống vất vưởng nơi đầu sông, cuối bãi.

– Họ thường là những người sống nghèo khổ, chết đau đớn, không người thân thích

– Từ hiện thực đó, Nguyễn Du đã cảm thông với số kiếp con người mà viết “Văn tế thập loại chúng sinh” với tấm lòng yêu thương, trân trọng dù họ ở bất cứ hoàn cảnh nào.

* Hình ảnh, chi tiết: Trong đoạn thơ, nhà thơ nhắc đến nhiều loại người, mỗi loại người lại được nhắc đến với những hình ảnh, chi tiết và tình cảm khác nhau.

– Người vào sông ra bể: là loại người đi đó đi đây, không nơi cố định, ở những nơi nguy hiểm, đầu sóng, ngọn gió. Họ phải đối mặt với giống tố phong ba nơi biển cả maanh mông. Vì thế, tính mạng của họ luôn bị đe dọa, bị vùi lấp nơi biển khôi bất cứ lúc nào.

– Người buôn bán: chịu nỗi cực nhọc của cảnh “đòn gánh tre chín rạn hai vai”. Gặp bất trắc, họ phải chết nới xó chợ, đầu đường mà hồn, phách chẳng biết dạt vào nơi nao.

– Người bị bắt lính: họ là người bị ép dấn thân vào các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ bỏ cửa, bỏ nhà để gánh vác việc quan. Họ phải chịu nhiều gian nan, khổ cực, dãi dầu mưa nắng. Nhưng ra nơi chiến trường, hòn tên, mũi đạn đã khiến họ chết oan, đau đớn.

– Người lỡ làng thân phận: lỡ làng một kiếp. Họ liều mình làm nghề “buôn nguyệt bán hoa”. Họ sống vất vưởng để cuối cùng, họ là những linh hồn lang thang, không nơi nương tựa, không người thân…

– Người hành khất, ăn mày “ hành khất ngược xuôi”, sống nhờ vào sự bố thí của người khác. Vậy nên, khi lìa xa nhân thế, họ lại được chôn cất bằng manh chiếu nhỏ nhoi.

– Những đứa trẻ chết yểu, bị bỏ rơi “tiểu nhi tấm bé, lỗi giờ sinh…”: không được thương yêu, bồng bế. Tiếng khóc u ơ của những đứa trẻ vọng về càng làm đớn đau cõi lòng.

– Những người gặp nạ bất ngờ: nạn sông nước, nạn thú dữ, nạn sẩy chân sa giếng, gặp hỏa hoạn bất ngờ…Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tai nạn bất ngờ. Tất cả đều rất đáng thương…

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

– Với thể thơ song thất lục bát truyền thống, tác giả đã mang đến cho đoạn thơ âm điệu da diết, thiết tha, ái oán lòng người…

– Từ ngữ giản dị, gợi cảm xúc, thấm thía nỗi đau thân phận của những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội.

– Sử dụng nhiều biện pháp tu từ khiến cho lời thêm hàm súc, giàu sức gợi…

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

Đoạn thơ không chỉ liệt kê nhiều loại người và cái chết đau đớn, bi thương của họ trong xã hội cũ mà còn thể hiện tấm lòng nhân đạo lớn của đại thi hào đối với những thân phận bất hạnh.

– Bằng thể thơ song thất lục bát, bằng giọng điệu thiết tha và ngôn ngữ giản dị, Nguyễn Du không chỉ thể hiện tiếng khóc bi thương dành cho những thân phận, những kiếp người lầm lạc trong cõi nhân sinh mà còn khiến cho thơ ca dân tộc thêm đậm đà tình người.

Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

—————————-

BÀI VIẾT THAM KHẢO

“Văn tế thập loại chúng sinh”, còn được gọi là Văn chiêu hồn, là một sáng tác xuất sắc bằng chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du thế kỷ 19.  Tác phẩm là tiếng khóc nghẹn ngào dành cho người chết mà hóa ra là thương người đang sống, thấm thật sâu vào trái  tim nhân ái của vạn triệu con người. Đoạn thơ đã nêu rõ tên và nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhiều loại người trong xã hội.

Tác phẩm có nhan đề “Văn tế thập loại chúng sinh” hay còn có tên gọi khác là  “Văn chiêu hồn”. Trong nhan đề, “thập” là số từ, nghĩa là 10. Trên cơ sở đó, “Văn tế thập loại chúng sinh” được hiểu là văn tế 10 loại người trong xã hội. Còn hiểu “thập” là số từ ước lệ, chỉ số nhiều, thì “Văn tế thập loại chúng sinh” được hiểu là văn tế dành cho nhiều loại người, nhiều kiếp người khác nhau trong xã hội. Tất cả chúng sinh ở đây đều giống nhau, họ phải chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn. Bởi thế ai cũng đều rất đáng thương.

Người việt Nam có phong tục làm lễ cầu siêu cho chúng sinh vào rằm tháng 7. Những linh hồn ấy thường không chốn nương thân, sống vất vưởng nơi đầu sông, cuối bãi. Họ thường là những người sống nghèo khổ, chết đau đớn, không người thân thích. Từ hiện thực đó, Nguyễn Du đã cảm thông với số kiếp con người mà viết “Văn tế thập loại chúng sinh” với tấm lòng yêu thương, trân trọng dù họ ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Trong đoạn thơ, nhà thơ nhắc đến nhiều loại người, mỗi loại người lại được nhắc đến với những hình ảnh, chi tiết và tình cảm khác nhau. Đầu tiên, nhà thơ nhắc đến loại người sống nay đây mai đó “vào sông ra bể” . Đó là những người không nơi ở cố định ,mà ở những nơi nguy hiểm, đầu sóng ngọn gió. Họ phải đối mặt với giông tố phong ba nơi biển cả mênh mông. Vì thế, tính mạng của họ luôn bị đe dọa, bị vùi lấp nơi biển khơi bất cứ lúc nào.

Bên cạnh những người sông nay đây mai đó, rong ruổi khắp các nẻo đương, những người làm nghề buôn bán cũng chịu không ít những gian nan:

“Cũng có kẻ đi về buôn bán,
Đòn gánh tre chín dạn hai vai,
Gặp cơn mưa nắng giữa trời,
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?”

Họ phải chịu nỗi cực nhọc của cảnh “đòn gánh tre chín rạn hai vai”. Chỉ một chiếc đòn gánh tre mà gợi ra bao nẻo đường vạn dặm, bao chặng đời tảo tần, gồng gánh của kẻ xuôi ngược tìm manh áo miếng cơm. Nguyễn Du như đang viết về phần gánh nặng đang hằn trên bờ vai gầy guộc của chính mình. Nhà thơ mở lòng sẻ chia với những thân phận “dãi dầu nghìn dặm, lầm than một đời”. Gặp bất trắc, họ phải chết nơi xó chợ, đầu đường mà hồn, phách chẳng biết dạt vào nơi nao. Những từ ngữ “ mưa, nắng” gợi liên tưởng đến điều kiện sống thất thường, phụ thuộc và thời  tiết, tự nhiên. Trong hành trình mưu sinh ấy, biets bao điều bất trắc xảy ra và, hồn phách của họ lạc ở nơi nào đó trong cõi vô thường này.

Không chỉ có những người làm nghề buôn bán đáng được cảm thương mà những người không may bị bắt lính, bị ép vào các cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng phải chịu cuộc sống cơ cực muôn phần:

“Cũng có kẻ mắc vào khoá lính,
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,
Nước khe cơm ống gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.”

Họ là người yếu thế trong xã hội, bị ép dấn thân vào các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ bỏ cửa, bỏ nhà để gánh vác việc quan. Họ phải chịu nhiều gian nan, khổ cực, dãi dầu mưa nắng. Nhưng ra nơi chiến trường, hòn tên, mũi đạn đã khiến họ chết oan, đau đớn, chẳng còn cơ hội được trở về. Và đất nước không chiến tranh, loạn lạc, thử hỏi sao có “kẻ mắc vào khóa lính”, thêm biết bao “mạng người như rác”?

Những người lỡ làng thân phận “lỡ làng một kiếp” là những thân phận đáng thương nhất, bởi họ mong manh yếu đuối, bởi họ chẳng mong cầu gì ngoài một chữ “an”, nhưng rồi ước nguyện nhỏ nhoi ấy cũng không thể thực hiện được. Họ hoàn toàn xa lạ với toàn bộ tham vọng của những người đàn ông, loạn tới, họ cũng chỉ có thể ngơ ngác phó mặc cho số phận. Tên tuổi của những người đàn ông có thể được lưu lại, được nhớ tới, nhưng trong bước đường lưu lạc, ai sẽ nhớ tới nấm mộ của một người phụ nữ, ai sẽ quan tâm trước đây họ đã từng tôn quý dường nào. . Họ liều mình làm nghề “buôn nguyệt bán hoa”. Họ sống vất vưởng để cuối cùng, họ là những linh hồn lang thang, không nơi nương tựa, không người thân…

Không chỉ dành tình cảm yêu thương cho những người phụ nữ, Nguyễn Du còn dành trọn tình yeu thương cho những người hành khất, những người sống vất vưởng nới xó chợ, đầu đường:

“Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,

Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,

Thương thay cũng một kiếp người,

Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!”

Những người hành khất (ăn mày)  phải ngược xuôi muôn nẻo đường đời, sống nhờ vào sự bố thí của người khác. Ông nhận ra nhiều oan trái từ giữa lòng xã hội phong kiến hà khắc, bất công. Qua những vần thơ ông, đã lộ diện một xã hội đói nghèo, khốn quẫn. Nếu không thế, sao đến nỗi bao người phải liều thân “vào sông ra bể”, tần tảo “đi về mua bán”, hay sa vào thảm cảnh “hành khất ngược xuôi”? Những lúc này, Nguyễn Du thật sự đớn đau và nhức nhối trước cõi phù sinh. Sau mỗi dòng thơ, ông hạ xuống dấu chấm than, nhưng neo lại cho đời chấm hỏi. Đó chính là câu hỏi lớn, đầy bế tắc của thời đại bấy giờ. Vậy nên, khi lìa xa nhân thế, họ chỉ được chôn cất bằng manh chiếu nhỏ nhoi.

Thương loài người trên dương thế, Nguyễn Du đã dành tình cảm đặc biệt cho những em bé vừa mới sinh ra đã không được ẵm bồng, yêu thương:

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,

Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.

Lấy ai bồng bế vào ra,

U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.”

Những đứa trẻ chết yểu, bị bỏ rơi “tiểu nhi tấm bé, lỗi giờ sinh” không được thương yêu, bồng bế. Tiếng khóc u ơ của những đứa trẻ vọng về càng làm đớn đau cõi lòng. Ngoài ra, những người gặp nạn bất ngờ: nạn sông nước, nạn thú dữ, nạn sẩy chân sa giếng, gặp hỏa hoạn bất ngờ…Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tai nạn bất ngờ. Tất cả đều rất đáng thương:

     “Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,

Cũng có người sẩy cối sa cây,

Có người leo giếng đứt dây,

Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.

     Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái

Người thì sa nanh sói ngà voi,

Có người hay đẻ không nuôi,

Có người sa sẩy, có người khốn thương.”

Với thể thơ song thất lục bát truyền thống, tác giả đã mang đến cho đoạn thơ âm điệu da diết, thiết tha, ái oán lòng người…Bên cạnh đó,từ ngữ giản dị, gợi cảm xúc vô cùng thấm thía nỗi đau thân phận của những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội. Đoạn thơ không chỉ liệt kê nhiều loại người và cái chết đau đớn, bi thương của họ trong xã hội cũ mà còn thể hiện tấm lòng nhân đạo lớn của đại thi hào đối với những thân phận bất hạnh. Bằng thể thơ song thất lục bát, bằng giọng điệu thiết tha và ngôn ngữ giản dị, Nguyễn Du không chỉ thể hiện tiếng khóc bi thương dành cho những thân phận, những kiếp người lầm lạc trong cõi nhân sinh mà còn khiến cho thơ ca dân tộc thêm đậm đà.

Ngoài ra, việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ khiến cho lời thơ thêm hàm súc, giàu sức gợi…

“Văn tế thập loại chúng sinh” đã phác lên một bức tranh toàn cảnh của hồn ma bóng quế nhưng cũng  họa nên một diễn cảnh về đời sống khổ đau của con người. Với bậc tôn quý thì hư ảo là công danh, là ước vọng ; với những người thân phận thấp hơn thì truy cầu ảo mộng về danh giá, tiền tài, địa vị ; với những người phụ nữ, yên bình cũng là một hư ảo ; với những kẻ chẳng may, mạng sống cũng là khát khao nhưng lại hư ảo không cùng.

Trong mắt Nguyễn Du, mấy ai thoát được vòng bất hạnh, dù là những kẻ một thời nệm ấm chăn êm. Nói tóm lại, “Văn tế thập loại chúng sinh” hay “Văn chiêu hồn”  là một tác phẩm tràn đầy tinh thần nhân văn. Tác phẩm là biểu hiện sống động cho chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du. Nhà thơ khóc người đã khuất, nhưng hóa ra, nghẹn ngào tâm sự với người đang sống. Nhà thơ làm cuộc hành trình đến cõi âm, nhưng cuối cùng quay ngược về “chốn trần ai”. Ông nói về quá khứ, nhưng kỳ thực, đang nhìn hiện tại và nghĩ tận ngày mai. Bài văn tế còn mang ý nghĩa một lời dự báo: ngày nào còn cái xã hội đầy bão giông biến động này, ngày ấy con người sẽ còn sa vào hố sâu bất hạnh. Rồi đây, con người sẽ còn chịu cảnh trầm luân cùng “thập loại chúng sinh”, nếu không kịp thời bừng tỉnh, thoát khỏi vòng mê đắm của phú quý vinh hoa,…

Vượt qua thời gian, bài văn tế cứ lặng lẽ lan thấm, hằn sâu vào trái tim người đọc, người nghe. Nó tỏa ra một sức chấn động vô biên, có sức mạnh làm thay đổi tư tưởng, cách sống con người. Sau “Đoạn trường tân thanh”, tác phẩm cũng là một tiếng khóc lớn, mang tầm thời đại. Tác phẩm còn được nuôi dưỡng bền lâu bởi ngọn lửa chủ nghĩa nhân văn của chính đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *