ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KÌ NGỮ VĂN 11
(Tự luận 100% – Dùng chung cho cả 03 bộ sách)
ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Tóm tắt: Thị Kính – con gái nhà nghèo, lấy chồng là Thiện Sỹ, con nhà phú ông. Một đêm, Thiện Sỹ ngồi đọc sách mệt mỏi nên ngủ thiếp đi, Thị Kính thấy dưới cằm chồng có sợi râu mọc ngược, cho là điềm gở nên cầm dao định cắt đi. Thiện Sỹ giật mình tỉnh dậy, cho là vợ định hại mình nên hô hoán lên. Bố mẹ Thiện Sỹ không nghe lời phân giải của Thị Kính, đuổi nàng về nhà bố mẹ đẻ. Đau buồn, Thị Kính toan tự vẫn nhưng thương cha mẹ già, nàng cải trang thành nam nhân, đổi tên là Kính Tâm và tìm lên chùa quy y.
Đoạn trích sau đây nói về tâm trạng của Thị Kính sau khi mắc phải nỗi oan giết chồng, đã tìm đến quy y cửa Phật.
Nàng từ dở bước vu quy,
Nhân duyên thôi có nghĩ gì như ai.
Đã oan vì chiếc tăng hài,
Mặt nào mà lại đi hai lần đò.
Trách người sao nỡ dày vò,
Để cho Tiểu Ngọc4 giận no đến già.
Nhạn hàng phỏng có đôi ba,
Thà rằng nhắm mắt hơn là buồn tênh5.
Tội vì phận liễu một cành,
Liều đi thì để mối tình cậy ai.
Phòng riêng vò võ hôm mai,
Trông ngày đằng đẵng lại dài hơn năm.
Buồng trong giọt ngọc đầm đầm,
Mùi ăn không nhớ giấc nằm chẳng ngon.
Sực cười sự nhỏ cỏn con,
Bằng lông mà nảy ra cồn Thái Sơn.
Vì chi chút phận hồng nhan,
Cành hoa nở muộn thì tàn mà thôi.
Xót thay tóc bạc da mồi,
Vì ai nên nỗi đứng ngồi chẳng khuây.
Dày vò chút phận thơ ngây,
Sự vui chưa thấy thấy ngay sự phiền.
Lấy chi báo đức sinh thành,
Dễ đem má phấn mà đền trời xanh.
(Trích Quan Âm Thị Kính, truyện thơ Nôm khuyết danh, in trong Tổng tập văn học Việt Nam,
tập 10, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, Tr.397-398)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích? (0,5 điểm)
Câu 2. Đoạn trích sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)
Câu 3. Đoạn trích sử dụng điểm nhìn của người kể chuyện hay của nhân vật? (0,5 điểm)
4 Tiểu Ngọc: con gái vua Ngô Phù Sai suốt đời không kết duyên cùng ai.
5 Câu này ý nói thà chết đi còn hơn sống buồn phiền
Câu 4. Trong dòng suy nghĩ của mình, Thị Kính nghĩ tới những ai? Chỉ ra một số câu thơ nói về những đối tượng đó? (0,5 điểm)
Câu 5. Dựa vào phần tóm tắt và nội dung đoạn trích, anh/ chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: (0,5 điểm)
Tội vì phận liễu một cành, Liều đi thì để mối tình cậy ai.
Câu 6. Anh/ chị có nhận xét gì về con người của Thị Kính được thể hiện qua đoạn trích trên? (1,0 điểm)
Câu 7. Phân tích tác dụng của việc kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn trích? (1,0 điểm)
Câu 8. Từ nội dung đoạn trích trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến? (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,5 điểm)
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích tâm trạng của nhân vật Thị Kính ở đoạn trích trên.
ĐÁP ÁN ĐỀ 4
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | Thể thơ: Lục bát. | 0.5 | |
2 | Đoạn trích sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ ba. | 0.5 | |
3 | Đoạn trích sử dụng điểm nhìn của nhân vật Thị Kính. | 0.5 | |
4 | – Trong dòng suy nghĩ của mình, Thị Kính nghĩ tới gia đình chồng, nghĩ tới bố mẹ của mình và bản thân mình.
– Chỉ ra một số câu thơ: + Nghĩ tới gia đình chồng: Trách người sao nỡ dày vò, Sực cười sự nhỏ cỏn con/ Bằng lông mà nảy ra cồn Thái Sơn,… + Nghĩ tới bố mẹ mình: Xót thay tóc bạc da mồi/ Vì ai nên nỗi đứng ngồi chẳng khuây,… + Nghĩ tới bản thân mình: Vì chi chút phận hồng nhan/ Cành hoa nở muộn thì tàn mà thôi. |
0.5 | |
5 | Hai câu thơ: Tội vì phận liễu một cành/ Liều đi thì để mối tình cậy ai
có thể hiểu là: Cha mẹ chỉ có mỗi mình Thị Kính, cho nên nếu nàng liều chết thì cha mẹ sẽ không còn người để mà nhờ cậy. |
0.5 | |
6 | Nhận xét gì về con người của Thị Kính được thể hiện qua đoạn trích:
– Là một người phụ nữ phải chịu oan ức, đau khổ (bị nghi oan muốn giết chồng, bị gia đình chồng đuổi về, tình duyên dang dở, chữ hiếu chưa tròn). – Là một người con hiếu nghĩa với cha mẹ (nghĩ mình có lỗi với cha mẹ, muốn tìm đến cái chết nhưng vì cha mẹ nên phải sống_. |
1.0 | |
7 | Tác dụng của việc kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn trích:
– Đoạn trích có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố tự sự và trữ tình. – Việc kết hợp hai yếu tố này làm cho người đọc vừa nắm được mạch nội dung của câu chuyện, cảm nhận được tâm trạng đau khổ, dày vò của Thị Kính, đồng thời qua đó cũng cho thấy được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Thị Kính. |
1.0 | |
8 | Suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến:
– Họ không có quyền tự do lựa chọn hạnh phúc cá nhân cho mình: hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. – Khi bị oan ức, họ không có quyền cất lên tiếng nói, đành phải ngậm ngùi chấp nhận số phận hẩm hiu. – Khi hôn nhân tan vỡ, họ cũng không có đủ can đảm để bước đi bước nữa, vì sợ điều tiếng của thiên hạ. |
1.5 | |
II | VIẾT | 4,0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học | 0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích tâm trạng của nhân vật Thị Kính trong đoạn trích. |
0,5 |
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý: 1. Khái quát tác phẩm: – Truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” là một trong những truyện thơ Nôm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam. – Đoạn trích trên nói về tình cảnh và tâm sự của nhân vật Thị Kính sau khi bị đuổi khỏi nhà Thiện Sỹ vì một nỗi oan không thể minh giải. 2. Tâm trạng của nhân vật Thị Kính: a. Bày tỏ sự uất ức trước nỗi oan trái của mình: Trước nỗi oan không thể minh giải, trước sự việc bị gia đình chồng trả về nhà bố mẹ đẻ, Thị Kính mang trong mình nối uất ức, tủi và thương cho thân phận của mình. – Thị Kính cảm thấy giận gia đình nhà chồng, giận Thiện Sỹ đã không hiểu cho tấm lòng mình: Trách người sao nỡ dày vò’ Để cho Thỏ Ngọc giận no đến già. Một việc làm tốt đã bị gia đình nhà chồng hiểu thành một hành động ác ý, đẩy nàng đến chỗ phải lỡ làng duyên phận, khiến cho cha mẹ nàng phải buồn lo. Hai câu thơ Sực cười sự nhỏ cỏn con/ Bằng lông mà nảy ra cồn Thái Sơn là tiếng cười chua chát cho thói đời, cho lòng người, cho số phận hẩm hiu của chính mình. Nỗi uất ức ấy khiến cho nàng có suy nghĩ tìm đến cái chết để thoát nợ hồng trần (Nhạn hàng phỏng có đôi ba/ Thà rằng nhắm mắt hơn là buồn tênh). b. Thương cho thân phận của mình: Từ nỗi uất ức ấy, Thị Kính cảm thấy buồn tủi, thương cho số phận của mình (Buồng trong giọt ngọc đầm đầm/ Mùi ăn không nhớ giấc nằm chẳng ngon). Nàng thấy mình lâm vào một hoàn cảnh bế tắc: không có mặt mũi nào mà lấy chồng lần nữa (Đã oan vì chiếc tăng hài/ Mặt nào mà lại đi hai lần đò), muốn chết đi cho rồi nhưng lại còn bận lòng vì cha mẹ già nua (Tội vì phận liễu một cành/ Liều đi thì để mối tình cậy ai). c. Thương cha mẹ già không người chăm sóc: Dù bị đẩy vào hoàn cảnh éo le, bế tắc, nhưng Thị Kính vẫn luôn nghĩ về cha mẹ. Nàng thấy vì mình mà cha mẹ phải chịu khổ (Xót thay tóc bạc da mồi/ Vì ai nên nỗi đứng ngồi chẳng khuây/ Dày vò chút phận thơ ngây/ Sự vui chưa thấy thấy ngay sự phiền). Vì cha mẹ, nàng từ bỏ ý định quyên sinh. Nàng cần phải sống để cha mẹ già có nơi nương tựa, để báo đáp đức sinh thành của cha mẹ. |
2.5 |
=> Qua tâm trạng của nhân vật Thị Kính, ta thấy nàng là một người phụ nữ có số phận bất hạnh. Tuy vậy, ở nàng luôn ngời lên phẩm chất tốt đẹp của một người con hiếu nghĩa.
3. Vài nét về nghệ thuật: – Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc, tinh tế. – Kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự và trữ tình. – Kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ dân gian (giản dị, dễ hiểu) và ngôn ngữ bác học (sử dụng các hình ảnh mang tính chất ước lệ, các điển tích). |
|||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn
phong trôi chảy. |
0,5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |