Đề đọc hiểu+ nghị luận Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ

  1. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:

Lược dẫn: Trương Ba là một người làm vườn hiền lành, nho nhã, có tài đánh cờ, vì sự bất cẩn của Nam Tào mà phải chết. Đế Thích, một vị tiên cờ vốn thích chơi cờ với Trương Ba, đã cứu Trương Ba sống lại bằng cách nhập hồn Trương Ba vào xác anh hàng thịt mới qua đời. Khi sống lại trong hình hài của anh hàng thịt, hồn Trương Ba lâm vào hoàn cảnh đầy bi kịch: tâm hồn thanh cao dần bị tha hóa; vợ Trương Ba buồn bã vì thấy chồng thay đổi; cái Gái không chịu nhận Trương Ba là ông nội; người con trai cả của Trương Ba, làm nghề lái buôn, tính tình giảo hoạt, càng lúc càng mâu thuẫn gay gắt với bố. Đoạn trích dưới đây là màn đối thoại giữa Trương Ba với các thành viên trong gia đình, mà chủ yếu là với người con trai.

ANH CON TRAI (từ trong buồng bước ra): – …Tôi không biết thương thầy sao? Hôm qua thầy là thầy, hôm nay thầy ở trong thân anh hàng thịt, tôi đối với thầy vẫn thế thôi… Mà tôi nghĩ thầy đổi thân xác thế càng hay! Thậm chí tôi còn mong được như thầy. Thử hình dung mà xem: bọn lái buôn trên tỉnh, bọn quan nha lính tráng nó đã nhẵn mặt tôi rồi, khó giở trò gì với chúng được, bỗng dưng một hôm nào đó từ mặt mũi tới người ngợm tôi thay đổi hoàn toàn, tôi ra bộ một anh lái buôn ngờ nghệch mới mang hàng quý từ phương xa đến, thế nào chúng cũng mắc lỡm với tôi, tôi sẽ vét túi được cả những thằng keo kiệt nhất!

HỒN TRƯƠNG BA: – Cả! Thầy mượn thân anh hàng thịt, không phải làm những việc như anh nói!

ANH CON TRAI: – Thế để làm gì ạ?

HỒN TRƯƠNG BA: – Để sống, để được sống!

ANH CON TRAI: – Thì làm như con nói cũng là để sống đấy thôi! Để giành giật lấy được một chỗ sống tươm tất trong cõi đời này, bất cứ việc gì người ta cũng làm được! Cái anh hàng thịt mà thầy mượn xác ấy, anh ta cũng như con thôi. Anh ta là người buôn bán tháo vát. Ừ mà mang thân anh ta, giờ thầy mạnh chân khỏe tay rồi, thầy cũng không nên cắm cúi với mảnh vườn ở nhà làm gì! Hay là… Đúng rồi, hay là thầy lên tỉnh với con, hai cha con ta sẽ… sẽ…

HỒN TRƯƠNG BA: – Sẽ đi lừa thiên hạ chứ gì?

ANH CON TRAI: – Thế nào là lừa đảo? (Lắc đầu). Tính nết thầy vẫn chẳng thay đổi gì… Tôi tưởng bây giờ thầy nghĩ khác đi rồi cơ… Tôi nói thầy nghe nhé: đến cái thân thầy mang cũng không phải của thầy, chẳng qua thầy núp nhờ vào đó thôi… So với việc ấy, việc gian lận lừa đảo một vài món hàng của tôi ngoài chợ nào có nghĩa lý gì!

HỒN TRƯƠNG BA: – Nhưng tôi cũng có muốn vậy đâu, có thích thú gì đâu!

ANH CON TRAI: – Thầy muốn hay không thì sự thể vẫn như vậy. Một khi đã mưu cầu được sống với bất cứ giá nào thì cũng chẳng nên chê việc này thơm, việc kia hôi!

HỒN TRƯƠNG BA: – Thằng khốn kiếp! (Quát to) Im ngay!

VỢ TRƯƠNG BA: – Ông đừng quát lên thế nữa! Mà tiếng ông bây giờ có nhỏ nhẹ như trước đâu, ông quát lên như sấm ấy, nghe sợ lắm!

HỒN TRƯƠNG BA: (Cáu) – Ra nói to tôi cũng không có quyền nữa sao? Cả cái tiếng của tôi cũng không phải là của tôi nữa sao? Hả? Hả? (Lại quát to hơn. Tiếng quát như lệnh vỡ gầm lên vang động khắp nhà. Mọi người trong nhà im thin thít. Cái Gái từ trong buồng chạy ra chăm chú nhìn hồn Trương Ba).

ANH CON TRAI: (Nhếch mép) – Thầy cứ quát cho hả giận, cũng chẳng thay đổi được gì đâu.

 

Chẳng phải chỉ cái giọng, toàn bộ cái lốt thầy mang giờ cũng chả phải là của thầy. Bản thân con người thầy đứng kia giờ đã là một cái gì… một cái gì… không ngay thật rồi!

CHỊ CON DÂU: – Nhà không được nói như thế! VỢ TRƯƠNG BA: – Cả, mày nỡ nói như vậy sao?

ANH CON TRAI: – Tôi chỉ nói sự thật! Lạ quá, tại sao mọi người lại sợ sự thật nhỉ?

HỒN TRƯƠNG BA: – Mày bước ngay đi, bước đi với những việc làm ăn của mày, những sự thật gớm ghiếc của mày!

ANH CON TRAI: – Gớm ghiếc? Cả nhà cứ việc khinh thị tôi. Thử hỏi nhờ ai mà thời buổi này mà nhà ta còn được đàng hoàng tươm tất như vậy? Cả thầy nữa, giờ thầy ăn mỗi bữa 8, 9 bát cơm, rồi nào rượu nào thịt. Tiền làm ruộng làm vườn của u mà đủ cung phụng thầy chắc? Tiền làm vườn chỉ đủ nuôi thân ông Trương Ba chứ không đủ nuôi thân ông hàng thịt. U lo thắt ruột nhưng không dám hé răng với thầy, chỉ còn biết trông cậy vào tôi, vào đồng tiền tôi buôn bán mang về. Thầy còn xỉ vả tôi cái gì? Đã đến nước này thầy còn cao đạo.

HỒN TRƯƠNG BA: (Lắp bắp) – Mày… mày… (Tát mạnh anh con trai, anh con trai ngã xuống, lồm cồm bò dậy, ôm má. Vợ Trương Ba và chị con dâu kêu lên).

ANH CON TRAI: (Nhìn máu ở bàn tay) – Ông đánh tôi? (Trừng trừng nhìn hồn Trương Ba) Bố tôi xưa không bao giờ đánh tôi như vậy! Tôi nói thật cho ông biết: ông không phải là bố tôi, ông không còn là bố tôi nữa!

VỢ TRƯƠNG BA: (Sợ hãi nhìn chồng) – Trời, sao ông nỡ đánh nó đau thế? Xưa ông có đánh con bao giờ đâu, đối với ai ông cũng điềm đạm nhẹ nhàng cơ mà!

(Cái Gái tới bên bố, đỡ bố dậy, căm tức nhìn hồn Trương Ba).

ANH CON TRAI: (Chùi máu ở miệng, đột nhiên cười phá lên, gạt cái Gái ra) – Hay! Hay lắm! Thế mới đúng! Thế mới đúng là bố! Không rụt rè nhu nhược như trước! (Thán phục) Thầy khỏe thật, đứa nào lôi thôi, thầy sẽ choang vỡ mặt nó ra. Được, được lắm! (Cười to và bỏ đi)

CHỊ CON DÂU: – Nhà! (Chạy theo chồng) CÁI GÁI: – Lão giết lợn! (Cũng chạy đi)

Hồn Trương Ba ngơ ngác nhìn hai bàn tay mình.

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, in trong Lưu Quang Vũ – Tuyển tập kịch, Nxb Sân khấu, Hà Nội 1994)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên có mấy nhân vật? Đó là những nhân vật nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Những câu in nghiêng trong đoạn trích có tác dụng gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Hành động nào của Trương Ba trong đoạn trích khiến cho mọi người trong gia đình hoảng hốt, sợ hãi? (0,5 điểm)

Câu 4. Hãy tóm tắt ngắn gọn nội dung đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 5. Xác định xung đột chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 6. Chỉ ra bi kịch của nhân vật Trương Ba được thể hiện qua đoạn trích trên? (1,0 điểm)

Câu 7. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của người con trai: đến cái thân thầy mang cũng không phải của thầy, chẳng qua thầy núp nhờ vào đó thôi… So với việc ấy, việc gian lận lừa đảo một vài món hàng của tôi ngoài chợ nào có nghĩa lý gì! không? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 8. Viết đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về triết lý nhân sinh mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua đoạn trích trên. (1,5 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

 

Từ nội dung đoạn trích, hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề: Được sống là chính mình.

ĐÁP ÁN ĐỀ 4

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Đoạn trích trên có sự xuất hiện của 5 nhân vật, bao gồm: hồn Trương

Ba, vợ Trương Ba, người con trai, người con dâu, cái Gái.

0.5
2 Những câu in nghiêng trong ngoặc đơn là những lời chỉ dẫn sân khấu:

hướng dẫn về cử chỉ, điệu bộ, hành động, thái độ của nhân vật.

0.5
3 Hành động của Trương Ba trong đoạn trích khiến cho mọi người

trong gia đình hoảng hốt, sợ hãi là: Tát anh con trai.

0.5
4 Tóm tắt ngắn gọn nội dung đoạn trích: Sau khi nhập vào xác anh hàng thịt, tính nết của Trương Ba dần thay đổi, dẫn đến cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Trương Ba và anh con trai. Vì tức giận, Trương Ba đã tát anh con trai, khiến cho cả nhà hoảng hốt và sợ hãi. Anh con trai tức giận bỏ đi. Đứa cháu gái căm ghét Trương Ba trong hình hài của anh

hàng thịt và gọi ông là “lão giết lợn”.

0.5
5 Xung đột chính của đoạn trích:

–   Xung đột giữa hồn Trương Ba và anh con trai, rộng ra là với gia đình.

–   Xung đột ngầm ẩn giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt, khi

hồn bị xác chi phối dẫn đến những hành động không đúng với tính cách của Trương Ba trước đây.

0.5
6 Bi kịch của nhân vật Trương Ba được thể hiện qua đoạn trích:

–  Bi kịch bị xác anh hàng thịt chi phối và sai khiến dẫn đến tha hóa, khiến cho cách hành xử của Trương Ba không còn chuẩn mực như trước nữa.

–   Bi kịch trở nên xa lạ trong chính gia đình của mình (anh con trai không tuân phục, còn có thái độ mỉa mai, coi thường; đứa cháu gái chối bỏ không nhận ông; vợ ngạc nhiên và thất vọng trước những

hành xử thô lỗ của chồng).

1.0
7 Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý giải thuyết phục. Tham khảo:

–  Vừa đồng tình vừa không đồng tình.

–  Lí giải:

+ Đồng tình: quả thực việc phải sống nhờ vào thân xác của người khác là một hành động không trung thực, vì khi đó mình không còn là mình nữa. So với việc đó thì những gian lận trong buôn bán quả thực là việc nhỏ.

+ Không đồng tình: vì như Trương Ba đã phân mình, việc ông phải nhập vào xác anh hàng thịt là do sai lầm của Nam Tào, chứ không phải ý muốn của bản thân ông. Chính ông cũng đau khổ vì phải sống

trong thân xác của người khác.

1.0

 

  8 Suy nghĩ của anh/ chị về triết lý nhân sinh mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua đoạn trích:

–  Con người cần phải sống đúng là chính mình, không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.

–   Khi con người đã không là chính mình, thì khó có thể phán xét những hành động sai lầm của người khác.

–  Sự sống là đáng quý, nhưng sống mà đánh mất chính mình thì cũng

như là đã chết rồi.

1.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Trình bày suy nghĩ về vấn đề: Được sống là chính mình.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí. Sau đây là một số gợi ý:

1.  Giải thích:

Sống là chính mình có nghĩa là sống trung thực, sống đúng với chính bản tính của con người mình, không có sự mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài, giữa suy nghĩ và hành động.

2.  Bàn luận:

a. Lợi ích của việc được sống là chính mình:

–   Khi sống đúng với con người thật của mình, chúng ta sẽ hiểu hơn về bản thân, từ đó khắc phục những hạn chế, nhược điểm, từ đó ngày càng hoàn thiện bản thân.

–   Khi sống là chính mình, con người sẽ có sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, từ đó giúp cho nội tâm có được sự bình an, thư thái.

–  Một người sống trung thực với mình cũng sẽ được người khác tôn trọng, yêu mến. Ngay cả khi bản thân còn nhiều hạn chế, thiếu sót, thì việc sống đúng với chính mình vẫn khiến người khác tôn trọng, hơn là sống bằng cách đeo vào mình những mặt nạ tốt đẹp để che giấu những ý nghĩ tiêu cực, xấu xa.

b. Giải pháp để được sống là chính mình:

–  Ý thức được những lợi ích mà việc sống trung thực với chính mình mang lại.

–  Dũng cảm đối diện với con người thật của mình, thể hiện những lời nói và hành động đúng với những gì mình suy nghĩ, tâm niệm.

–  Kết giao với những con người trung thực, thẳng thắn.

c. Phê phán những biểu hiện sai lệch:

Phê phán những kẻ sống giả dối, bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.

2.5

 

    3. Rút ra bài học cho bản thân:

–  Nhận thức: Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sống trung thực, sống đúng với con người của mình.

–  Hành động: Cần có lối sống ngay thẳng, trung thực.

 
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn

phong trôi chảy.

0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *