Dàn ý phân tích Người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Soạn bài chiếc thuyền ngoài xa. Cảm nhận về hình tượng người đàn bà ở tòa án huyện.
Xem thêm : Tuyển tập những đề thi , bài văn mẫu, giáo án Chiếc thuyền ngoài xa soạn theo định hướng phát triển năng lực. Xây dựng bài học theo tiến trình hoạt động của học sinh: Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu
Đặt vấn đề:
Cách Mở bài trực tiếp về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
– Nguyễn minh Châu (1930 – 1989) thuộc lớp nhà văn chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Sau năm 1975, ông chủ yếu tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự. Các nhà nghiên cứu đánh giá ông là một trong những cây bút tiên phong “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
– Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn minh Châu sáng tác năm 1983, sau đưa vào tập truyện ngắn cùng tên xuất bản năm 1987.
– Nêu vấn đề: Đây là một tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu trong thời kì đổi mới. Tác phẩm thành công trên nhiều phương diện trong đó đáng chú ý là nghệ thuật xây dựng nhân vật người đàn bà hàng chài – một nhân vật đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.
Thân bài : Giải quyết vấn đề
Tình huống để nhân vật xuất hiện.
Chiếc thuyền ngoài xa” được khai thác từ một tình huống độc đáo:
+ Theo đề nghị của trưởng phòng, nghệ sĩ Phùng đến một vùng ven biển miền Trung chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch cuối năm. Anh đã bắt gặp cảnh chiếc thuyền ngoài xa, trong làn sương sớm đẹp như tranh vẽ. Anh nhanh chóng bấm máy và có được bức ảnh ăn ý không dễ gì có được trong một đời làm nghệ thuật.
+ Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, Phùng đã chứng kiến một cảnh tượng không đẹp của đời sống. Hai vợ chồng hàng chài bước xuống, người chồng đánh vợ, đứa con ngăn bố. Những ngày sau, cảnh đó lại tiếp diễn. Phùng không thể ngờ rằng sau những cảnh đẹp như mơ lại là bao ngang trái, bao nghịch lí của đời thường.
Ò Từ tình huống này tác giả dẫn người đọc đến với thế giới nhân vật trong tác phẩm với những chân dung và tính cách khác nhau: một người nghệ sĩ đã từng là chiến sĩ đi tìm cái đẹp với những phát hiện bất ngờ, một vị chánh án cũng đã từng vào sinh ra tử đối diện với cái chết, một người chồng vũ phu, độc ác, một đứa bé thương mẹ bằng một thứ tình yêu thơ dại, trong sáng nhưng cũng không ít đắng cay…Trong số đó, nhân vật người đàn bà có lẽ là nhân vật để lại nhiều dư vị xót xa, cay đắng, cảm phục trong lòng người đọc.
Số phận nhân vật.
– Người đàn bà vùng biển trong truyện ngắn hiện lên qua cái nhìn của Phùng – người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tình cờ chứng kiến những bi kịch gia đình của chị. Chị không hề có tên. Tác giả chỉ gọi chị là “người đàn bà” một cách phiếm định. Có lẽ đây là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Tuy không có tên tuổi cụ thể, một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn. Cách gọi tên nhân vật như vậy vừa cụ thể nhưng lại vừa khái quát, vừa phiếm định nhưng lại vừa xác định.
– Chị là một người phụ nữ lao động lam lũ ở làng vạn chài, cả nhà sống lênh đênh trên một chiếc thuyền đánh cá.
– Chị là một người phụ nữ đau khổ – nạn nhân đáng thương của sự lạc hậu đói nghèo, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.
Ò Nhân vật người đàn bà trong “Chiếc thuyền ngoài xa” là hiện thân cho những mảnh đời tăm tối cơ cực vẫn còn tồn tại trong cuộc sống quanh ta.
Ngoại hình.
Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng người đàn bà hàng chài lại là một người phụ nữ có ngoại hình thô kệch, xấu xí, gợi sự liên tưởng cho người đọc về một người đàn bà với cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ như tất cả những người người đàn bà ở vùng biển – nơi mà con người ta luôn phải đối diện với hiểm nguy, cuộc sống luôn phải đặt trong vòng vây của sự đói khát, bấp bênh.
Phẩm chất, tính cách
– Sức chịu đựng ghê gớm: Cam chịu, nhẫn nhục chịu để chồng đánh một cách bình tĩnh như thực hiện một nghĩa vụ. Chị chấp nhận những đòn roi như một phần cuộc đời mình, chấp nhận nó như cuộc sống của người đi biển đánh cá phải đương đầu với sóng to, gió lớn vậy.
– Rất tự trọng. Sau khi biết được hành động vũ phu của chồng đã bị thằng Phác và người khách lạ (Phùng) chứng kiến, chị thấy “đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Và chị đã khóc.
– Thương chồng: Chị cầu xin vị chánh án  đừng bắt mình phải li hôn với gã chồng thường xuyên hành hạ chị: “Con lạy quý toà… Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”.
– Chị là người mẹ thương con:
+ Chị lo sợ thằng Phác sẽ có những hành động nông nổi với bố, chị đã gởi con cho bố ruột mình nuôi. Không muốn con nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ, chị xin với chồng mỗi lần đánh chị thì lên bờ mà đánh khi không có mặt con. Đó cũng là một cách ứng xử rất nhân bản.
+ Chị nhẫn nhục chịu đựng đòn roi của chồng vì chị nghĩ đến đàn con: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Hoá ra, chị không thể bỏ chồng vì cuộc sống trên thuyền không thể thiếu một người đàn ông trong những lúc phong ba, bão táp,  các con chị phải được nuôi nấng, phải được lớn lên,…
– Chị là một người hiểu thấu lẽ đời, tuy ít học mà tỉnh táo và sáng suốt.
+ Chị xưng hô: quý toà – con tự nhận mình là thân phận thấp hèn. Khi chánh án Đẩu khuyên chị bỏ chồng. Chị cảm ơn Phùng và Đẩu về lời khuyên ấy và khẳng định: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của những người làm ăn lam lũ, khó nhọc…”. Chị quả rất hiểu lẽ đời.
+ Không chỉ hiểu mình, chị hiểu cả tấm lòng của những người phụ nữ hàng chài. Họ biết mình đau khổ nhưng vẫn nhẫn nại, hi sinh, bao dung chịu đau khổ để cho đàn con được dưỡng nuôi, khôn lớn. Bởi người phụ nữ hàng chài không thể sống như những người phụ nữ khác, do hoàn cảnh rất riêng của họ, lúc nào cũng sống trên sóng nước, gia đình nào cũng trên dưới chục đứa con. Câu chuyện của chị ở toà án huyện đã mang lại cho chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng những nhận thức mới mẻ mà trước đó họ chưa từng nghĩ tới.
– Chị yêu thương gia đình và cuộc sống đạm bạc của gia đình. Như chị nói: trên thuyền cũng có những lúc cha con, vợ chồng vui vẻ với nhau, nhất là khi nhìn đàn con được ăn no. Chính vì vậy, khi chánh án Đẩu đề nghị chị li hôn với chồng chị đã nhất định không chấp nhận.
Ở Chị là người phụ nữ bao dung, vị tha, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Nhà văn đã có dụng ý tạo nên ấn tượng cho người đọc về hình ảnh ngừơi đàn bà bằng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo kết hợp với thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và nội tâm, giữa một số phận bất hạnh và tấm lòng nhân hậu, bao dung, thương con hơn tất cả mọi thứ trên đời.
Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa:
Khép lại câu chuyện về người đàn bà vô danh vùng biển, nhưng người đọc không khỏi băn khoăn, day dứt. Vấn đề dặt ra là làm thế nào để số phận những người phụ nữ như người đàn bà kia thoát khỏi những bi kịch của cuộc đời? Bằng việc khắc hoạ rõ nét chân dung người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã gửi đến người đọc một thông điệp đầy tinh thần nhân văn: Thời đại nào con người ta cũng cần phải có sự thương yêu, lòng thông cảm, phải có niềm tin vào cuộc đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *