Đề thi học sinh giỏi về bài Cảnh ngày hè( Nguyễn Trãi) và Tỏ lòng ( Phạm Ngũ Lão)

Đề thi hay và khó về hai bài thơ Cảnh ngày hè( Nguyễn Trãi) và Tỏ lòng ( Phạm Ngũ Lão)
Đề thi dành cho học sinh giỏi môn văn.
Đề bài :
Bàn về quan niệm  văn học” Thi  ngôn chí”, Phùng Khắc Khoan nhận xét:”Chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng…” (Dẫn theo Trần Đình Sử, Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 1999, trang 129).
Anh /chị có suy nghĩ gì về ý kiến trên? Qua phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão và Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi để làm rõ vẻ đẹp của thơ nói chí như Phùng Khắc Khoan nhận xét.
ĐÁP ÁN

  1. Yêu cầu về kỹ năng

– Học sinh vận dụng được các kĩ năng làm một bài văn nghị luận về tác phẩm thơ, biết kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích vấn đề.
– Bài viết cần có luận điểm rõ ràng, luận cứ đầy đủ, lập luận chặt chẽ, biết kết hợp nghị luận với biểu cảm.
– Diễn đạt mạch lạc, dùng từ chính xác, không mắc lỗi chính tả và viết câu. Khuyến khích những bài viết sáng tạo, chữ đẹp.
Yêu cầu về kiến thức
Học sinh đảm bảo được một số ý cơ bản sau:

  1. Giải thích quan điểm văn học “Thi ngôn chí” (Thơ nói chí)

– Đây là biểu hiện về phương diện nội dung tư tưởng của tính qui phạm – đặc điểm nổi bật của văn học trung đại. Việc “ngôn chí” được nêu lên hàng đầu như một yêu cầu tu dưỡng, khẳng định lí tưởng, lẽ sống, hoài bão, tấm lòng. Người đọc thơ là “quan chí” (xem chí) để trau đức.
– Chí là chỗ phân biệt nhân cách, cá tính con người. Tìm hiểu chí trong thơ trung đại chính là tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người: “Chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng…”  

  1. Phân tích vẻ đẹp của thơ nói chí qua Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão) và Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi)

a) Điểm chung của hai bài thơ: Vẻ đẹp của hùng tâm tráng chí.
b) Phân tích:
* Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão:
– Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm: Phạm Ngũ Lão là vị tướng trẻ tài giỏi thời Trần, bài thơ ra đời trong khí thế quyết chiến quyết thắng của nhân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai.
– Phân tích giá trị nội dung tư tưởng của bài thơ:

Phạm Ngũ Lão làm bài Thuật hoài vào cuối năm 1284, khi cuộc kháng chiến lần thứ hai đã đến rất gần. Bài thơ này là một tác phẩm nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi vì nó bày tỏ khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ trong xã hội phong kiến đương thời. Nội dung bài thơ khắc họa nổi bật vẻ đẹp của một con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại . Bài thơ thể hiện quan niệm sống tích cực :làm trai phải trả cho xong món nợ công danh, có nghĩa là phải thực hiện đến cùng lí tưởng trung quân, ái quốc.Bài thơ là lời bày tỏ lí tưởng cao cả, khí phách anh hùng, chí hướng lập thân của Phạm Ngũ Lão. Nỗi thẹn của người anh hùng chính là sự thể hiện hoài bão, khát vọng lập công lớn và lưu lại tiếng thơm muôn đời.Bài thơ có tác dụng giáo dục sâu sắc về nhân sinh quan và lối sống tích cực đối với thanh niên mọi thời đại.

* Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi:
– Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm: Nguyễn Trãi là vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Là bậc công thần dưới triều vua Lê Thái Tổ, tuy nhiên do bị bọn gian thần dèm pha nên có thời gian dài Nguyễn Trãi là “nhàn quan”. Bài thơ có thể ra đời trong cảnh ngộ đó.
– Phân tích giá trị nội dung tư tưởng của bài thơ: Cảnh ngày hè là một bức tranh thiên nhiên và cuộc sống không chỉ vẽ bằng cặp mắt tinh tường mà còn bằng một tâm hồn rộng mở: những sắc màu tươi sáng, rực rỡ; những nét vẽ táo bạo, tràn đầy sức sống; khung cảnh cuộc sống gợi vẻ đẹp thanh bình, ấm no. Qua đó, hiện lên cái nhìn của một tâm hồn thiết tha yêu đời, nặng lòng cùng dân, nước. Nguyễn Trãi tự “răn mình” luôn thực hiện lí tưởng nhân nghĩa vì độc lập của nước, vì hạnh phúc của dân.Lí tưởng mà Nguyễn Trãi ôm ấp là giúp vua làm cho đất nước thái bình, nhân dân thịnh vượng. Lí tưởng cao đẹp ấy là nguồn động viên mạnh mẽ khiến ông vượt qua mọi thử thách, gian nan trên đường đời. Lúc được nhà vua tin dùng cũng như khi thất sủng, nỗi niềm lo nước, thương dân luôn canh cánh bên lòng ông. Giông bão cuộc đời không thể dập tắt nổi ngọn lửa nhiệt tình trong tâm hồn người chí sĩ tài đức vẹn toàn ấy.

  1. Nhận xét, đánh giá chung

– Quan điểm văn học “Thi ngôn chí” đã khiến cho nhiều lớp độc giả đời sau thưởng thức và đánh giá thơ ca trung đại Việt Nam chủ yếu ở chức năng giáo dục, coi trọng mục đích giáo huấn. Thực chất thơ ca nói chí cũng chính là thể hiện tình cảm, cảm hứng phong phú, đa chiều của con người trung đại.
– Những điệu tâm hồn đó được thể hiện thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, giàu cá tính sáng tạo, đặc biệt là giọng điệu riêng.
Kết bài : Khẳng định giá trị của hai bài thơ.
Xem thêm :

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *