Đề HSG Nỗi đau cũng là một món quà,Đá cuội hay kim cương

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN 12

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

            “Cái tôi” giống như ngôi sao Bắc cực đồng hành cùng ta trong đêm, giống như kho báu được chôn giấu trong sân sau nhà, giống như tiếng tù và hiệu triệu ta tiến về cánh cửa cuộc đời mới. Nếu bạn muốn có được sự lạc quan chân chính bắt nguồn từ trái tim của mình thì trước tiên phải học một bài học không thể thiếu: Tìm ra con người thật của bạn.

Bạn có hiểu bản thân mình không? Bạn có nhận thức được bản thân mình không? Mọi người đều sẽ trả lời: Tất nhiên rồi. Chúng ta thường xuyên thể hiện sự hiểu biết và đánh giá bản thân trong các tình huống như: đi ứng tuyển, tham gia tập huấn, tổng kết công việc. Tin rằng rất nhiều người khi nói đến ưu, khuyết điểm và mục tiêu kế hoạch của bản thân thì sẽ nói một cách chắc chắn: “Tôi hiểu, tôi biết”.

Trong thực tế cuộc sống, hầu hết chúng ta đều biết bản thân mình có những ưu điểm nào, nhưng đối với khuyết điểm của bản thân thường là không biết hoặc không muốn biết. Chúng ta sẽ dùng những từ khá nhẹ nhàng như: lười, nôn nóng, không cầu tiến để miêu tả khuyết điểm của bản thân, nhưng tuyệt nhiên không nói bản thân hẹp hòi, ích kỉ, đố kị, ghê gớm, thích nghe lời xu nịnh; những từ ngữ này chúng ta chỉ dùng để miêu tả người khác. Nhưng khi bình tâm nhìn lại bản thân, bạn có dám khẳng định mình hoàn toàn không có những khuyết điểm kể trên không?

Nhà văn Victor Hugo từng nói: “Để người khác lật mặt nạ là thất bại, tự mình lật mặt nạ mới là thắng lợi”. Muốn thực sự hiểu bản thân thì trước tiên phải có dũng khí để tháo bỏ lớp mặt nạ xuống, nhìn thẳng vào cái tôi của mình.

Người đầu tiên chúng ta nhìn thấy trong gương là bản thân, khi thử bút phần lớn chúng ta viết tên mình, khi xảy ra mâu thuẫn hay tranh chấp điều chúng ta quan tâm nhất là lợi ích của mình, khi giành được thành tích điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới là công sức của mình…là ai khiến chúng ta lười nhác, hi vọng đạt được sự tiến bộ mà không chịu hành động? Là ai khiến chúng ta bụng dạ hẹp hòi, đố kị với thành công của người khác? Là ai khiến chúng ta tự trói buộc bản thân trong vòng tròn giới hạn?  Chúng ta thường cảm thấy môi trường không tốt, cấp trên không công bằng, đồng nghiệp không thân thiện, chúng ta hay than vãn người khác nói chuyện không hợp, không hiểu ý mình. Thực tế kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là ai khác, mà chính là bản thân chúng ta! Đúng vậy, chính sự nhu nhược, lười biếng, lòng đố kị của chúng ta đã ngăn cản chúng ta tiến về phía trước, kìm hãm sự phát triển của bản thân!

(Theo Đá cuội hay kim cương, Dale Carnegie,

NXB Thanh niên, 2018, trang 38,39)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Nêu nội dung của văn bản.

Câu 3. Em hiểu thế nào về câu nói của Victor Hugo trong văn bản: “Để người khác lật mặt nạ là thất bại, tự mình lật mặt nạ mới là thắng lợi”?

Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp so sánh trong câu văn sau:

“Cái tôi” giống như ngôi sao Bắc cực đồng hành cùng ta trong đêm, giống như kho báu được chôn giấu trong sân sau nhà, giống như tiếng tù và hiệu triệu ta tiến về cánh cửa cuộc đời mới”.

Câu 5. Từ đoạn trích trong phần đọc hiểu, anh chị hãy chia sẻ về cách để khẳng định giá trị bản thân.(Trình bày trong đoạn văn khoảng 8 đến 10 dòng)

LÀM VĂN (17,0 điểm)

Câu 1. (7,0 điểm)

Nỗi đau cũng là một món quà.

( Ba người thầy vĩ đại, Robin Sharma, NXB Lao động, 2019, tr. 231)

Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm về ý kiến trên.

Câu 2. (10,0 điểm)

Bàn về tư tưởng và phong cách của nhà văn, GS.TS Trần Đăng Suyền khẳng định:  “Nhà văn có phong cách nghệ thuật là người đem đến cho văn học một cách nhìn riêng, độc đáo, soi sáng con người và cuộc đời ở một phương diện, từ một góc nhìn nào đó”.

(Trích Tư tưởng và phong cách nhà văn – những vấn đề lí luận và thực tiễn, Trần Đăng Suyền, NXB Đại học sư phạm Hà Nội, tr.126)

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến đó qua một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 thuộc giai đoạn văn học sau 1975.

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT

NĂM HỌC 2022-2023

 
  MÔN  NGỮ VĂN

(Hướng dẫn chấm gồm 06 trang)

 

 

YÊU CẦU CHUNG

– Học sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng đọc hiểu, làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.

– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

YÊU CẦU CỤ THỂ

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Kĩ năng: Thí sinh trả lời các câu hỏi theo đúng yêu cầu, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.

Kiến thức

Câu 1.                                                                                                                (0,25 điểm)

             Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2.                                                                                                                    (0,5 điểm)

Văn bản đề cập đến cái tôi của mỗi người khi ứng xử trước ưu điểm và khuyết điểm của bản thân.

Câu 3.                                                                                                                  (0,75 điểm)                                                                                                                           

– Mặt nạ: chỉ sự giả dối, giả tạo, trái với lương tâm.

– “ Để người khác lật mặt nạ là thất bại: để người khác phát hiện, lật tấy sự giả dối, giả tạo, khuyết điểm của bản thân, đó là lúc con người cảm thấy xấu hổ, ê chề, nhục nhã, bị người khác khinh ghét, chẳng khác nào một thất bại lớn, một nỗi đau không thể nguôi ngoai.

– “tự mình lật mặt nạ mới là thắng lợi”: khi con người biết và nhận ra những khiếm khuyết, thiếu xót của bản thân và thẳng thắn thừa nhận mà không quanh co, giấu diếm, che đậy thì lúc đó con người sẽ biết sửa chữa, khắc phục và hoàn thiện mình. Đó là lúc con người sẽ đón nhận thắng lợi, niềm vui, thành công sẽ mỉm cười.

Câu 4.                                                                                                                 (0,75 điểm)

– Tác dụng:

+ Làm cho cách diễn đạt sinh động, có hình ảnh, giàu giá trị thẩm mĩ.

+ So sánh cái tôi với ngôi sao Bắc cực, kho báu, tiếng tù và để khẳng định ý nghĩa tích cực, giá trị to lớn của cái tôi. Cái tôi là tính cá thể, là điểm riêng của mỗi người. Khi so sánh với ngôi sao Bắc cực thì cái tôi sẽ dẫn lối chỉ đường giúp con người tỏa sáng trong đêm tối, khai mở trí tuệ, đẩy lùi bóng tối, vượt qua khó khăn. Khi so sánh với kho báu, cái tôi mang đến cho con người những giá trị lớn lao. Khi so sánh với tiếng tù và thì cái tôi sẽ là lời giục giã, động viên con người tiến lên phía trước.

-> Cái tôi là thứ hữu ích, rất cần thiết với con người, mang lại cho con người nhiều giá trị to lớn.

-> lời khuyên con người cần phải biết khẳng định cái tôi của mình

Câu 5                                                                                                                   (0,75 điểm)                                                                                                                         

Thí sinh cần đảm bảo 2 yêu cầu:

– Về hình thức, dung lượng: đoạn văn khoảng 8 đến 10 dòng

– Chia sẻ được cách khẳng định giá trị bản thân, có thể tham khảo một số cách sau:

+ Thể hiện sự quan tâm với những người xung quanh, sống vui vẻ, hòa nhã với mọi người, xây dựng những mối quan hệ tốt với người thân, bạn bè…

+ Tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho “cái tôi” của mình đẹp hơn: trau dồi kiến thức, phát triển bản thân, suy nghĩ tích cực, xây dựng những thói quen tốt, tham gia các hoạt động thiện nguyện…

LÀM VĂN­ (17,0 điểm)

Câu 1 (7,0 điểm)

Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:

Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận, trích dẫn ý kiến    (0,25 điểm)

Thân bài

* Giải thích, khái quát vấn đề nghị luận:                                                          (1,0 điểm)

– Nỗi đau: là cảm xúc đau đớn mãnh liệt xuất phát từ việc mất đi những gì là thân yêu nhất, quý giá của chính mình hoặc phải đối diện với những nghịch cảnh, những thử thách, thất bại trong cuộc sống.

– Món quà: là một thứ gì đó (vật chất hoặc tinh thần) được trao cho một người một cách tự nguyện và không có tính chất trao đổi. Thông thường, người nhận được quà sẽ đón nhận một cách hạnh phúc, vui vẻ, chấp nhận.

=> Ý kiến nhấn mạnh: Nỗi đau chính là một món quà mà cuộc sống «ban tặng » cho mọi người. Dù là với tâm thế nào thì người nhận được món quà đó cũng phải chấp nhận và biến yêu thương thành hành động, biết trân trọng những điều có được khi đi qua nỗi đau, biết vượt qua nghịch cảnh để hướng đến những điều tích cực, sáng tươi.

* Bàn luận và chứng minh:                                                                             (4,0 điểm)

– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến

– Tại sao nói nỗi đau là một món quà ?

+ Vì đó là điều tất yếu của cuộc sống. Một cuộc sống quá dễ dàng là một cuộc sống hời hợt.

+ Dù muốn dù không thì ai cũng có lúc cũng phải đón nhận « món quà » này.

– Món quà đó đem lại điều gì cho người được nhận ?

+ Nó làm cho người nhận thêm sâu sắc, được trải nghiệm, hiểu rõ bản chất của cuộc sống

+ Buộc người nhận phải nỗ lực, thích ứng với hoàn cảnh

+ Một cơ hội để thử thách sức chịu đựng, ý chí, bản lĩnh… của mỗi người. Đi qua nỗi đau mỗi người sẽ trưởng thành hơn.

+ Mỗi người sẽ biết trân trọng những niềm vui, hạnh phúc của chính mình

+ Việc đón nhận món quà đó một cách tích cực cũng là dịp để những người xung quanh có cái nhìn yêu thương, trân trọng chúng ta.

(HS lấy dẫn chứng thực tế chứng minh)

* Mở rộng, phản đề                                                                                             (1,0 điểm)

– Tuy nhiên :Không phải nỗi đau nào cũng khiến chúng ta lớn lên, có những nỗi đau khiến ta gục ngã. Có những người không thể biết cách hoặc không thể đủ ý chí để vượt qua nỗi đau.

– Phê phán những người không biết chấp nhận và vượt qua nỗi đau

* Bài học nhận thức, hành động                                                                        (0,5 điểm)

– Biết trân trọng những niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên mà mình đã, đang và sẽ có của chính mình cũng như mọi người xung quanh.

– Khi phải đối diện với những thất bại, nghịch cảnh, những nỗi đau trong cuộc sống: biết vượt mình, biết buông bỏ; xem những nỗi đau là kinh nghiệm, là động lực để thêm tự tin, thêm bản lĩnh… sống lạc quan.

Kết bài  (0,25 điểm)

Câu 2 (10,0 điểm)

Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một ý kiến; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:

Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận, trích dẫn ý kiến (0,25 điểm)

Thân bài

* Giải thích ý kiến, khái quát vấn đề nghị luận                                               (1,0 điểm)

Phong cách nghệ thuật: là nét riêng độc đáo của nhà văn trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống.

Nhà văn có phong cách nghệ thuật là người đem đến cho văn học một cách nhìn riêng, độc đáo: là cách tiếp cận, phát hiện, khám phá riêng của nhà văn về hiện thực cuộc sống; là quan niệm riêng, tư tưởng mới lạ, không lặp lại ở mỗi cá tính sáng tạo.

Cách nhìn riêng, độc đáo của nhà văn có khả năng soi sáng con người và cuộc đời ở một phương diện, từ một góc nhìn nào đó: đề cao giá trị, những đóng góp có ý nghĩa định hướng, sự tác động tích cực từ góc nhìn của người viết, của nghệ thuật đến đời sống nhân sinh.

à ý kiến khẳng định tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc sống và con người, từ đó có thể tác động, thay đổi, cải tạo con người và đời sống ở một phương diện nào đó…

* Cơ sở lí luận                                                                                                      (1,5 điểm)

Nhà văn có phong cách nghệ thuật là người đem đến cho văn học một cách nhìn riêng, độc đáo:

+ Để hình thành nên phong cách của một nhà văn, cách nhìn là yếu tố quan trọng nhất. Cách nhìn đó không chỉ có nét riêng mà còn cần phải độc đáo.

+ Cách nhìn riêng, độc đáo là dấu ấn sang tạo của mỗi một người nghệ sĩ, thể hiện những khám phá mới mẻ về hiện thực, làm nên sức sống, sức hấp dẫn cho mỗi tác phẩm.

+ Sự hợp thành của các tác giả có cái nhìn riêng, độc đáo, sẽ tạo nên diện mạo phong phú của nền văn học, góp phần thúc đẩy sự phát triển không ngừng cho văn học nghệ thuật. Đây cũng là quy luật sống còn, là quy luật tất yếu của văn học mọi thời đại, mọi nền văn học trên thế giới.

– Không những thế, cách nhìn riêng, độc đáo của nhà văn có khả năng soi sáng con người và cuộc đời ở một phương diện, từ một góc nhìn nào đó:

+ Cách nhìn của người nghệ sĩ gắn liền với tư tưởng, lập trường, quan điểm, lí tưởng thẩm mĩ… của họ nên tất yếu nó có khả năng tác động đến con người và cuộc đời ở một phương diện, góc nhìn nào đó.

+ Nhà văn chỉ thực sự có phong cách khi cách nhìn riêng, độc đáo về hiện thực của anh ta hướng tới những giá trị nhân văn, tích cực, tiến bộ, có khả năng tác động đến cuộc đời và con người, thậm chí có khả năng làm thức tỉnh và thay đổi…

* Chứng minh ý kiến:                                                                                         (6,0 điểm)

 Yêu cầu:

– Đúng phạm vi, thể loại: tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 thuộc giai đoạn sau 1975

– Đảm bảo số lượng tác phẩm chọn: một số tác phẩm (02 tác phẩm trở lên)

– Trong quá trình phân tích, chứng minh; thí sinh cần bám vào vấn đề nghị luận; lựa chọn được những phong cách nghệ thuật đặc sắc; viết đúng, trúng và làm nổi bật được 02 vấn đề:

+ Cách nhìn riêng, độc đáo

+ Khả năng soi sáng con người và cuộc đời ở một phương diện, từ một góc nhìn nào đó (khả năng tác động đến cuộc đời và con người, thậm chí có khả năng làm thức tỉnh và thay đổi…)

* Bàn luận mở rộng ý nghĩa của vấn đề                                                           (1,0 điểm)

– Khẳng định ý kiến là chính xác.

– Bàn bạc, mở rộng:

– Làm nên phong cách nghệ thuật của một nhà văn, ngoài yếu tố về cách nhìn riêng, độc đáo và khả năng tác động của cách nhìn đó đến với bạn đọc còn rất nhiều yếu tố khác như: lựa chọn hình thức nghệ thuật phù hợp với điểm nhìn; tính thống nhất và đa dạng trong cách nhìn hiện thực..

– Ý kiến chỉ ra yêu cầu với người nghệ sĩ: phải chú ý xây dựng cách nhìn riêng, độc đáo; phải biết “đào sâu, tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”( Nam Cao) để tác phẩm luôn in đậm dấu ấn riêng của người sáng tác mang giá trị nhân văn vượt thời gian. Mặt khác, giá trị của phong cách nhà văn còn ở sức dẫn dắt, soi đường và thay đổi nhận thức, tình cảm, quan niệm thẩm mĩ, tầm nhìn về cuộc sống và con người.

– Ý kiến là bài học đối với người đọc: hiểu và lí giải được sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm, biết trân trọng lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ và trở thành người đồng sáng tạo với nhà văn.

 

Kết bài                                                                                                 (0,25 điểm)

                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *