ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II LỚP 11 NĂM HỌC 2023 – 2024
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5:
CỎ LAU
Nguyễn Minh Châu
(1) Trời lại mưa rồi, quê tôi là vậy, hai mùa mưa nắng rõ ràng. Mùa nắng thì dù cho đốt núi cũng đừng mong có mưa, mùa mưa thì không cần lập đàn cầu thì cũng như trút nước. Lại nói đến làng tôi gọi là làng Lau, bởi vì cách làng không xa là một ngọn đồi nhỏ, trên đó không có cây cối gì cả mà chỉ toàn lau là lau. Nếu không phải trong sách sử nói Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư thì biết đâu lại có người nhầm làng tôi là quê hương của ông mất.
Ngoài sân mưa vẫn trút xuống xối xả làm tắm ướt con đường đất thịt, mưa như một tấm vải trắng ngăn cách tầm mắt của mọi người. Tôi nghĩ rằng trời mưa thế này dân làng cũng chẳng đi ra ngoài đâu, ai lại dại dột ra ngoài khi thời tiết thế này. À, mà không, có một người vẫn ở ngoài đó, là thằng Cỏ – bạn tôi. Nó khi trước vốn được nhặt ở trên đồi cỏ Lau nên ông nội (nuôi) của nó đặt tên là Cỏ. Nó lớn lên cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lại hay trầm mặc, ít nói. Đến khi ông nội nó mất thì nó càng sống khép kín hơn. Mười hai năm học nó chỉ có một mình tôi là bạn… à, còn một người nữa, người con gái nó yêu tha thiết.
Mưa rơi thưa lại rồi tạnh hẳn đi, nhưng bầu trời vẫn chỉ là một màu xám xịt, cuối con đường đất đỏ trước nhà tôi bỗng có một thân ảnh thê lương mà cô độc bước đi. Là thằng Cỏ, cả người nó ướt sũng, mái tóc hơi dài ướt nhẹp phủ xuống che đi một con mắt trái âm u. Nhìn nó trong khung cảnh này thật là lãng tử. Tôi chắc rằng nếu có ông họa sĩ nào ở đây chắc chắn sẽ lấy bút ra mà vẽ nó và mời nó về làm người mẫu mất. Nhìn nó rảo bước về nhà tôi gọi nó:
– Lát tao qua nhà mày đó, tắm rửa sạch sẽ, trải thảm đón anh mày. Nó ngẩng đầu lên nhìn tôi chợt nở ra nụ cười nhẹ đáp.
– Biết rồi, chổi nhà tao nhiều lắm, không sợ gãy hết đâu. Nói rồi nó lại lầm lũi bước về nhà. Tôi cũng quay vào nhà lấy đôi dép rồi chạy theo nó. Nhà của thằng Cỏ là căn nhà mà ông nội nó để lại, nhà gạch, nhưng đã cũ rồi, được xây từ thế kỷ trước. Ông nội nó khi trước vừa làm trưởng ấp cho quân Ngụy, vừa làm du kích, hai con trai của ông đều đi thoát li rồi hi sinh ở chiến trường K, vợ ông cũng mất sớm và ông sống một mình như thế cho đến khi nhặt được thằng Cỏ. Trong nhà mọi thứ đều rất đơn sơ, mọi thứ đều đã cũ, chỉ có những bằng khen, huy chương treo trên tường là lúc nào cũng sáng bóng.
– Sao mày cứ dầm mưa như thế, thế nào mày cũng chết sớm cho mà xem.
Nhìn đứa bạn ướt sũng cả người tôi hơi trách móc nó, nói vậy thôi chứ tôi biết vì sao nó dầm mưa, quả nhiên nó chỉ nhẹ nhàng nói.
– Mưa là lạnh, nhưng lòng tao ấm, mưa buồn nhưng có thể xoa dịu lòng tao, mày biết mà cứ hỏi tào lao.
Ngày ông nội nó mất là một ngày mưa, ngày cô gái nó thương yêu rời bỏ nó cũng là một ngày mưa. Có thể nói những gì đau khổ nhất của nó đều gắn liền với mưa, nhưng nó không hận mưa, ngược lại còn thích mưa, thích dầm mưa.
(2) “Li…la…li…la…”.
Một ngày không mưa hiếm thấy tôi và nó liền dạo lên quả đồi lau, nó mang theo cây đàn guitar, ngồi trên đám cỏ, trên miệng còn ngậm một cọng cỏ lau non. Nó nói cỏ lau non thơm mùi sữa lắm. Thằng Cỏ là một nghệ sĩ, ít nhất trong mắt tôi nó là như vậy, nhưng nó chỉ đánh những bản nhạc hàn lâm buồn mà nghe ngai ngái sao đấy, nhiều khi nghe tôi còn muốn đấm vỡ mặt của nó. Ngứa tai nhưng không hiểu sao tôi lại thích nhìn nó đánh đàn, khi tiếng đàn cất lên có vẻ như lòng nó cũng nhẹ nhàng hơn.
Chơi xong một hai bài gì đấy thằng Cỏ nằm lăn ra, miệng ngậm cọng cỏ non, hai chân bắt chéo vào nhau, nó hít hà vài hơi nói.
– Sau này tao muốn làm giáo viên, về quê dạy học, tao thấy muốn thay đổi cuộc đời thì phải có tri thức, phải có hiểu biết mày ạ, làng mình còn thiếu tri thức nhiều quá, đa số tụi nhỏ đều nghỉ học đi làm ở cấp hai cả rồi. Sau này tao sẽ về đây, ngửi hương thơm đất trời, gây sự nghiệp trồng người. Ha ha.
Cả hai chúng tôi đều có ước mơ làm giáo viên, nhưng tôi khác nó, Tôi muốn sau này được vào thành phố dạy học, ở đó có đầy đủ tiện nghi, có thể kiếm nhiều tiền qua dạy thêm, dạy kèm, chứ ở cái vùng đất khỉ ho cò gáy này biết bao giờ mới đổi đời được. Chắc chỉ có tâm hồn nghệ sĩ như nó mới nói đất thơm thôi.
(3) Tôi ngồi trên bãi cỏ lau sau mùa mưa, trên miệng ngậm một cọng cỏ non hút vào cái chất dịch đắng chát của nó, nhưng tôi lại cảm thấy nó ngọt ngào và thơm mùi sữa. Thằng Cỏ nói đúng, nó thơm và ngọt thật, đó là mùi vị của quê hương. Phía dưới chân đồi là làng của tôi, qua mấy năm đã từ từ thay đổi, có lẽ chỉ có cái ngọn đồi lau này là không có gì đổi khác thôi, vẫn những ngọn cỏ lau đọng nước, mùi đất hoa thơm lừng sau trận mưa.
– Thầy ơi!
Bỗng có tiếng gọi, thì ra là mấy đứa học trò đi dạo trên đồi lau. Hôm nay tụi nó họp lớp thì phải, đâu đó trong gió thoảng qua tiếng đàn “li…la…li…la”. Tôi cười cười rồi đứng dậy đi về phía chúng nó, sau lưng tôi là một đám đất cao, bên trên lơ thơ mọc vài ngọn cỏ lau cao đến đầu gối người, một viên đá rõ ràng viết: “Nguyễn Văn Cỏ (1983 – 2005)”.
(https://dehoctot.edu.vn/truyen-ngan-co-lau-nguyen-minh-chau)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (Trình bày ngắn gọn):
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định sự kiện chính của mỗi phần trong văn bản Cỏ lau.
Câu 2 (0.5 điểm): Tìm 03 chi tiết miêu tả về tính cách của nhân vật Cỏ.
Câu 3 (1.0 điểm): Xác định bối cảnh diễn ra câu chuyện trong đoạn (1). Bối cảnh đó có ý nghĩa và tác dụng ra sao trong việc thể hiện cuộc đời, số phận của nhân vật Cỏ?
Câu 4 (1.0 điểm): Nhận xét tình cảm của người kể chuyện xưng “tôi” dành cho nhân vật Cỏ trong truyện.
Câu 5 (1.0 điểm): Cách kết thúc truyện gợi ra cho anh/chị thông điệp gì?
- PHẦN LÀM VĂN (6.0 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều cần làm để bản thân tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời.
Câu 2 (4 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích truyện ngắn Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu[1].
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4.0 | |
1 | Các sự kiện chính
+ Phần một: Kể về hoàn cảnh đáng thương của nhân vật Cỏ. + Phần hai: Kể về tâm hồn nghệ sĩ và ước mơ của nhân vật Cỏ và tôi trên đồi cỏ lau. + Phần ba: Thời điểm hiện tại khi nhân vật tôi đã trở thành thầy giáo và ở lại quê hương như tâm nguyện của người bạn thân nhất – Cỏ. |
0.5 | |
2 | Học sinh có thể lựa chọn kể 03 chi tiết trong các chi tiết miêu tả tính cách của nhân vật Cỏ:
+ Nó lớn lên cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lại hay trầm mặc, ít nói. + Đến khi ông nội nó mất thì nó càng sống khép kín hơn. + Mười hai năm học nó chỉ có một mình tôi là bạn… à, còn một người nữa, người con gái nó yêu tha thiết. + Nói rồi nó lại lầm lũi bước về nhà. + Mưa là lạnh, nhưng lòng tao ấm, mưa buồn nhưng có thể xoa dịu lòng tao, mày biết mà cứ hỏi tào lao. + Nó không hận mưa, ngược lại còn thích mưa, thích dầm mưa. + Cỏ là một nghệ sĩ, ít nhất trong mắt tôi nó là như vậy, nhưng nó chỉ đánh những bản nhạc hàn lâm buồn mà nghe ngai ngái… |
0.5 | |
3 | – Câu chuyện trong đoạn (1) diễn ra trong bối cảnh mưa lạnh.
– Ý nghĩa, tác dụng của bối cảnh trong việc thể hiện cuộc đời, số phận của nhân vật Cỏ. + Là tín hiệu về một cuộc đời sóng gió, chịu nhiều mất mát và ngang trái của nhân vật Cỏ. + Góp phần gợi tả lên hình ảnh thê lương, cô độc nhưng cũng rất lãng tử của Cỏ. +Mưa còn có sức mạnh xoa dịu, gột rửa, ôm ấp những nỗi buồn mà nhân vật Cỏ cất giấu trong tâm hồn mình. |
1.0 | |
4 | Tình cảm của người kể chuyện xưng tôi dành cho Cỏ:
– Đồng cảm, thấu hiểu với những nỗi đau mà nhân vật Cỏ phải đối mặt. – Luôn luôn quan tâm, lo lắng cho người bạn của mình. – Thực hiện tâm nguyện, ước mơ duy nhất mà người bạn quá cố để lại. – Là người cuối cùng ở cạnh, đồng hành và thương nhớ Cỏ kể cả khi mà Cỏ đã ra đi mãi mãi. |
1.0 | |
5 | – Học sinh có thể nhận ra một số thông điệp như sau từ kết thúc truyện:
+ Thông điệp về số phận con người: Không ai có thể đoán trước được số phận của con người. + Thông điệp về tình bạn: Một người bạn tốt là người bạn mãi mãi bên cạnh ta, thấu hiểu và luôn nhớ về ta. + Thông điệp về cách sống: Luôn luôn trân trọng những khoảnh khắc còn được ở bên những người mà ta yêu quý. |
1.0 | |
II | VIẾT | 6.0 | |
1 | Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những điều cần làm để bản thân tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời. | 2.0 | |
a. Đảm bảo được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những điều cần làm để bản thân tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời. | 0.25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
* Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: – Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần. – Để tìm thấy hạnh phúc mỗi người cần nỗ lực và có ý thức, hành động cụ thể, thiết thực: nhận thức được hạnh phúc không ở đâu xa mà có ngay trong những điều bình dị, nhỏ bé nên cần trân trọng nâng niu những giá trị của hiện tại, những mối quan hệ với mọi người xung quanh; học cách suy nghĩ lạc quan; đặt mục tiêu cho bản thân; nỗ lực sống là chính mình; đón nhận và giải quyết mọi thử thách của cuộc sống một cách chủ động, tích cực…. – Dẫn chứng: HS chọn 1-2 dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh. * Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0.5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0.5 | ||
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. | 0.25 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích truyện ngắn Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu | 4.0 | |
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện | 0.25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận | 0.5 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
– Sau đây là một hướng gợi ý: MB: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả); nêu ý kiến khái quát về tác phẩm: TB: * Nêu nội dung chính của tác phẩm: Tác phẩm kể về số phận và cuộc đời của nhân vật Cỏ vốn được ông nội nhặt nuôi ở một đồi cỏ lau và được đặt tên giống với loài cây này. Tính tình cậu ta từ nhỏ đã trầm mặc ít nói, lớn lên khi ông nội mất càng sống khép kín hơn. Cỏ là một nhân vật đáng thương, mặc dù trải qua những đau khổ, mất mát nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, có một tâm hồn nghệ sĩ, ước mơ cao đẹp và yêu quê hương tha thiết, khát khao cống hiến cho quê hương. Suốt cuộc đời Cỏ chỉ có người bạn thân duy nhất luôn kề cạnh và cảm thông, đó là người kể chuyện xưng “tôi”. Kết thúc truyện là khung cảnh hiện tại, khi nhân vật tôi đã thay Cỏ thực hiện ước mơ của mình và không thôi nhớ về những kỉ niệm đẹp của thời đã qua. Còn Cỏ thì mãi mãi là một cậu thanh niên trẻ nằm bên đồi cỏ lau. * Nêu chủ đề của tác phẩm: Chủ đề của truyện ngắn Cỏ lau là ca ngợi niềm tin, thái độ sống tích cực, tâm hồn trong sáng của nhân vật Cỏ mặc dù cho cuộc đời có cô đơn, bất hạnh và vây quanh bởi những niềm đau; là ca ngợi tình bạn cao cả, giữa Cỏ và nhân vật “tôi”, từ đó đặt ra vấn đề về số phận con người, về tình bạn vĩnh cửu và niềm tin của chúng ta trong cuộc sống đời thường. * Phân tích những nét đặc sắc hình thức nghệ thuật (cốt truyện, ngôi kể, nhân vật, ngôn ngữ, hình ảnh…) và tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung tác phẩm. Có thể chọn một vài yếu tố hình thức nghệ thuật đặc sắc nhất trong truyện để phân tích: – Cốt truyện: Cốt truyện được triển khai qua ba sự kiện chính, các sự kiện được sắp xếp lần lượt theo thời gian và gắn với cuộc đời của nhân vật Cỏ. Đặc biệt kết thúc truyện bất ngờ, để lại nhiều xúc cảm cho người đọc, qua đó ẩn chứa những suy ngẫm thấm thía về cuộc sống và số phận con người. – Ngôi kể và tác dụng của ngôi kể trong việc thể hiện tâm lí nhân vật: + Câu chuyện trong tác phẩm được kể ở ngôi thứ nhất, qua lời của nhân vật tôi – một người bạn luôn đồng hành, ở bên và chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn cùng nhân vật Cỏ. + Lời kể trong truyện vì thế có giọng điệu khi thì xót xa cho cảnh ngộ của Cỏ, khi thì là lời của một người bạn thủ thỉ, tâm tình, đồng cảm, động viên với bạn của mình. Lời kể ấy cứ nhẹ nhàng thấm vào lòng người đọc như chất sữa trong cọng cỏ non xuất hiện trong kỉ niệm của hai nhân vật. – Hình ảnh biểu tượng mang nhiều lớp nghĩa: *Cỏ lau – biểu tượng gắn liền với hoàn cảnh sống của nhân vật Cỏ: + Hình ảnh cỏ lau xuất hiện đậm đặc trong các trang truyện của Nguyễn Minh Châu và cũng là đặc trưng của vùng quê hương mà nhà văn đã từng gắn bó. + Đồi cỏ lau là hình ảnh mở đầu câu chuyện dẫn dắt vào hoàn cảnh đáng thương của cậu bé được nhặt về trên đồi lau và được đặt tên là Cỏ. * Cỏ lau – biểu tượng về niềm tin, sức sống của nhân vật Cỏ. Mặc dù trải qua những khổ đau, mất mát nhưng Cỏ vẫn tìm cách xoa dịu trong những cơn mưa để sưởi ấm, vượt qua; để sống và mộng tưởng: “Mưa là lạnh, nhưng lòng tao ấm, mưa buồn nhưng có thể xoa dịu lòng tao, mày biết mà cứ hỏi tào lao.” * Cỏ lau – biểu tượng chắp cánh cho tâm hồn nghệ sĩ, ước mơ, tình yêu quê hương của Cỏ. Vào khung cảnh thơ mộng, thơm mát của ngọn đồi cỏ lau; Cỏ cùng nhân vật “tôi” cất lên bản nhạc buồn ngai ngái như nỗi lòng của Cỏ. Qua đấy Cỏ thấy nhẹ lòng hơn và suy tưởng đến ước mơ sau này của bản thân gắn bó với hương thơm đồi cỏ, với quê hương: + “Thằng Cỏ là một nghệ sĩ, ít nhất trong mắt tôi nó là như vậy, nhưng nó chỉ đánh những bản nhạc hàn lâm buồn mà nghe ngai ngái sao đấy, nhiều khi nghe tôi còn muốn đấm vỡ mặt của nó. Ngứa tai nhưng không hiểu sao tôi lại thích nhìn nó đánh đàn, khi tiếng đàn cất lên có vẻ như lòng nó cũng nhẹ nhàng hơn.” => Tâm hồn nghệ sĩ của Cỏ. + “Sau này tao muốn làm giáo viên, về quê dạy học, tao thấy muốn thay đổi cuộc đời thì phải có tri thức, phải có hiểu biết mày ạ, làng mình còn thiếu tri thức nhiều quá, đa số tụi nhỏ đều nghỉ học đi làm ở cấp hai cả rồi.” => Ước mơ hết sức cao cả của Cỏ khi muốn được gắn bó và cống hiến xây dựng quê hương. +“Chắc chỉ có tâm hồn nghệ sĩ như nó mới nói đất thơm thôi.” => Tình yêu quê hương sâu đậm mới có thể yêu quý, ngửi thấy hương thơm từ đất trời quê hương. * Cỏ lau – biểu tượng vĩnh cửu, mở ra hình ảnh của một thế giới tâm tinh huyền ảo. + Không gian cỏ lau cuối truyện kéo nhân vật “tôi” về những kỉ niệm thuở xưa với người bạn Cỏ: “Tôi ngồi trên bãi cỏ lau sau mùa mưa… Thằng Cỏ nói đúng, nó thơm và ngọt thật, đó là mùi vị của quê hương.” + Không gian đó còn mang chiều sâu thẳm, mênh mông của cõi tâm linh, của thế giới tâm hồn đang vang vọng lại tiếng đàn năm xưa phát ra từ tâm hồn đầy vẻ linh thiêng, huyền nhiệm, hư không. Nơi ấy là nơi mà Cỏ được tìm thấy khi sinh ra và cũng là nơi Cỏ an nghỉ khi không còn trên cõi đời này nữa: “đâu đó trong gió thoảng qua tiếng đàn “li…la…li…la” … sau lưng tôi là một đám đất cao, bên trên lơ thơ mọc vài ngọn cỏ lau cao đến đầu gối người, một viên đá rõ ràng viết: “Nguyễn Văn Cỏ (1983 – 2005)”. KB: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm – Biết trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống để gạn lọc hạnh phúc cho tâm hồn, từ đấy vượt lên số phận, nghịch cảnh. – Không ai đoán trước được số phận của mình nên hãy trân trọng từng phút giây được sống, được ước mơ và phấn đấu thực hiện ước mơ chính đáng của bản thân. – Xây dựng một tình bạn đẹp để cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ và giành cho nhau những yêu thương chân thành. |
2.5 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. | 0.25 | ||
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. | 0.5 | ||
Tổng điểm | 10.0 |
—————- Hết —————-
[1] Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn, là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Hành trình sáng tác của ông chia làm hai giai đoạn: Trước thập kỉ tám mươi, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn. Giai đoạn sau, ông chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề nghiêng hẳn về đạo đức, số phận con người và triết lí nhân sinh. Phong cách truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu là tự sự triết lí.
Truyện ngắn Cỏ lau tiêu biểu cho hướng tiếp cận cuộc sống con người từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai.