Đọc hiểu truyện ngắn Đá gà – cái thú giải khuây

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

Môn: NGỮ VĂN 11

(Thời gian làm bài: 90 phút)

PHẦN 1. ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Thông lệ hàng năm, những ngày đầu Xuân đình An Trị tổ chức đá gà để tưởng nhớ Tả quân Lê Văn Duyệt, để tống quái những chuyện không vui đã xảy ra trong làng và cũng để nhóm thêm lửa ấm tình làng nghĩa xóm. Tự bao đời, đã thành nếp văn hóa làng. Tổng Lụi cấm đá gà vui Xuân, nghĩa là cấm cái truyền thống do người làng vun đắp, giữ gìn bao thế hệ thì dễ dàng gì, dân làng nín thinh cam chịu!

– Mấy người kéo đến đây mần loạn à?

Tổng Lụi chụp mũ, đe nẹt.

[…]

– Đá gà trong ba ngày Tết, chẳng qua để giải trí. Không giải trí bằng đá gà, thì giải trí bằng trò vui khác. Nhà nước Bảo hộ cấm, Tổng cấm! Việc chi mà ầm ĩ?

Tổng Lụi xuống giọng nhằm làm giảm nhiệt tình thế.

Chú Sáu sấn tới dạy Tổng:

– Trưa mồng Một Tết, đình An Trị mở cửa trường gà và tổ chức đá gà, dâng hương tưởng nhớ Tả quân tướng công. Do lúc sinh thời, Tả quân thích đá gà. Đá gà của Tả quân không vì giải trí, giải khuây mà vì, muốn tỏ rõ năm đức lớn trong một con gà đá: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Ngài giải thích: “Đầu có mồng, như đội mão là văn. Chân mang cựa nhọn như gươm giáo, là võ. Thấy địch trước mặt xông vào, là dũng. Kiếm được cái ăn, lập tức chia cho đồng loại, là nhân. Hằng ngày, cứ tới đúng giờ thì gáy, là tín”. Lúc làm Tổng trấn Gia Định Thành, ngài thường nhắc tướng sĩ: “Năm đức tính đó, chẳng những giúp cho văn thần, võ tướng trong sứ mệnh trị quốc an dân, mà còn giúp thế nhân hành xử đúng đạo làm người…”.

(Theo Trần Bảo Định, trích truyện Đá gà – cái thú giải khuây, trong Đất phương Nam ngày cũ, 2017, NXB Hội Nhà văn)

Câu 1 (1 điểm). Xác định ngôi kể và điểm nhìn trần thuật của câu chuyện trên.

Câu 2 (0,5 điểm). Anh/chị hãy cho biết, câu chuyện trên xoay quanh sự việc chính nào?

Câu 3 (1 điểm). Anh/chị hãy cho biết thái độ, quan điểm của người kể chuyện về sự việc trong câu chuyện trên như thế nào? Dựa vào dấu hiệu nào mà anh/chị nhận biết được điều đó?

Câu 4 (1,5 điểm). Anh/chị có suy nghĩ gì về vai trò bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc thông qua những hoạt động cộng đồng (như lễ hội, trò chơi,…).

PHẦN 2. LÀM VĂN (6 điểm)

Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (500 chữ) bàn về giá trị của các hoạt động văn hóa cộng đồng nơi làng quê.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 – Ngôi kể: Ngôi thứ ba.

– Điểm nhìn trần thuật: Điểm nhìn toàn tri.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời một trong hai ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng theo hai ý trên: 0 điểm.

1,0
2 – Câu chuyện trên xoay quanh sự việc: Tổng một làng đang truyền đạt lệnh cấp của cấp trên về việc dẹp bỏ hoạt động đá gà đầu năm của dân làng An Trị, từ đã dẫn đến những tranh cãi giữa ông Tổng và dân làng.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời một trong hai ý: 0,25 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án ở ý tác dụng nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.

0,5
3 – Thái độ, quan điểm của người kể chuyện:

+ Không đồng tình với việc làm của Tổng.

+ Ca ngợi và tin tưởng vào sự sáng suốt của dân làng, không để truyền thống bị mất đi.

+ Tâm đắc với văn hóa truyền thống của làng An Trị.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương ba ý như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời hai trong ba ý: 0,5 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời một trong ba ý: 0,25 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.

1,0
4 – Có vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì đó là lúc để cộng đồng được gắn kết.

– Đó là lúc cộng đồng duy trì nền tảng của truyền thống.

– Đó là lúc cộng đồng biết ơn và giữ gìn đạo nghĩa của tiền nhân.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,5 điểm.

– Học sinh chỉ trả lời một trong hai ý: 1 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trả lời khác đáp án nhưng thuyết phục, diễn đạt nhiều cách miễn hợp lý là chấp nhận được.

1,5
II   VIẾT 6,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Giá trị của các hoạt động văn hóa cộng đồng nơi làng quê.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,25 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0,25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

– Văn hóa làng quê là những hoạt động tập tục, sinh hoạt thường được diễn ra tập thể ở những vùng nông thôn nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, gắn kết và sẻ chia cùng nhau trong một cộng đồng. Bởi thế, các hoạt động văn hóa làng quê vô cùng quan trọng, gom muôn nhà về một mối, một tâm thức.

– Trong tác phẩm của Trần Bảo Định, văn làng quê chính linh hồn của sự sống quê hương. Bởi, con người sống trong một không gian, thời gian ghi dấu của lịch sử, của biết bao con người trong quá khứ đã đổ máu xương. Từ đó, miền đất này chất lứa linh hồn của bậc tiền hiền khai hoang mở cõi, giữ yên miền đất.

– Trong tác phẩm của Trần Bảo Định còn gợi ra về giá trị gìn giữ đạo lý con người Nam Bộ trong hoạt động cộng đồng. Đó không chỉ là cái thú để giải trí, để khuây khỏa mà còn là minh triết của con người nơi đây. Nhờ vào hoạt động văn hóa, mà con người có dịp nhắc nhớ mình sống đường hoàng, xứng đáng với nơi mình sinh ra.

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 3,0 – 4,0 điểm.

– Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 2,0 điểm – 2,75 điểm.

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 1,75 điểm.      

4,0
    – Đánh giá chung lại vấn đề:

Mọi miền đất đều có văn hóa để giữ gìn tháng năm, để duy trì bản sắc, và để thấu hiểu bản thân mình xuất phát từ đâu. Nhờ vậy, văn hóa cộng đồng trở nên thân thuộc và gần gũi, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng, cấp thiết cần giữ gìn của cuộc sống thôn quê.

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày được 2 ý: 0,5 điểm.

– Trình bày được 1 ý; 0,25 điểm.

0,5
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
    e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
I + II     10,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *