Thuyết minh về việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của trẻ em hiện nay

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

NHỮNG DẶM ĐƯỜNG XUÂN

Băng Sơn

Thế là tháng củ mật sắp hết, tháng mà mỗi ngày “chưa cười đã tối” vì mùa đông, mặt trời thích ẩn vào mây cho ấm sớm mà cũng vì cái Tết đang xình xịch đến sau lưng, tháng mà ai cũng phải vội vàng hối hả, tất bật như vội ra ga không thì con tàu mình đi sắp chuyển bánh khởi hành, mau lên kẻo lỡ chuyến tàu đời…

Người xa quê ơi, sao đến hôm nay sắp năm cùng tháng tận mà người mãi chưa về, còn mải mê vui thú đường xa hay đang ê chề nỗi gian lao vất vả không dám về quê vì vẫn chỉ bộ quần áo tàng tàng rung rúc, không được ai xênh xang xe, ngựa, có cành hoa giấy trang kim, có gói bánh cốm lá xanh lạt đỏ biếu cô dì chú bác, không có đồng tiền cho vợ may cái yếm mới đón xuân… nên người tủi phận, tự mình lẩn tránh thân mình, tự mình lừa hồn mình, khất lần ngày về nơi chôn rau cắt rốn.

Người đâu biết rằng mọi con đường to nhỏ như mạch máu, những phát huyết quản hồi huyết quản, vi ti huyết quản, những con đường cái quan, đường huyện, đường làng, đường trục, đường mương, đường rẽ xương cá vào ngõ nhỏ,… đã in hằn chồng xếp bao nhiều bước chân, nào người đi, người về, nào sắm Tết, bán mua, nào vay mượn, trả nợ, cả vui lẫn lo toan, bấm đầu ngón chân xuống đất trơn cho khỏi ngã, lê chiếc dép mòn tung bụi, gánh nặng lõm đất, rênh rang chơi nhởi vì đã có người vợ hiền mẹ đảm lo cho hết, nên cứ khăn áo chỉnh tề, ô che mũ đội mà đi tìm bạn, tìm hoa, bạn rượu hay bạn cờ, hoa đào hay hoa cúc,…

Tết ơi, giá mỗi năm có mười cái Tết thì chắc con người phải bạc đầu từ trẻ, nhưng nếu mười năm mới có một Tết thì chắc hồn người cũng sẽ ủ ê không biết nhường nào […].

Phiên chợ cuối năm đã họp kín người, xế chưa tan. Đắt hàng thế là chị bán hàng vàng hương, vàng hồ, vàng hoa, mũ ông Công, ông Táo, hương đen, hương vàng, hương trầm, hương sạ, hương sào, hương vòng, nến trắng, nến đỏ. Không hiểu sao ngồi cạnh chị ngay ngoài đầu chợ, bao giờ cũng có bà trầu vỏ kèm bên. Bà cụ đã móm, hình như bà ngồi đây đã mấy trăm cái Tết, nên chiếc vồ chặt vỏ, nguyên là cả khúc gỗ mít, gỗ nhãn đã xơ ra, tướp hết, thành cái chày thắt ngẵng, như sắp gãy ở quãng giữa ấy. Những thanh vỏ chay  ngon lành thế, cô con gái biếu mẹ, vì lấy chồng xa, chị con dâu hiền thảo mua cho mẹ chồng ăn Tết, mỗi thanh còn vỏ au đỏ mỏng tang như làm bằng giấy bản nhuộm hồng, những thanh vỏ quạch, từng khúc nâu xỉn, như từng khúc lưng con rắn rừng nằm chờ thân phận được quyết định về với Tết nhà ai, nghèo khó nơi bìa làng, thiếu thốn nơi ngõ trại,…

Có người ao ước, giá quanh năm, chợ lúc nào cũng vui như phiên này, rủng rỉnh như phiên này… mát mặt biết bao nhiêu, thay cơm hẩm cà kho bằng câu “ba mươi Tết có thịt treo trong nhà…”.

Ngoài đồng, lúa đã kín những mặt gương long lanh. Lạy trời, hãy mưa thuận gió hoà, đừng đổ về những cơn gió mùa đông bắc làm chết cá trong ao, phải lấy rơm hun khói, phải cấy lại thì khổ kiếp người, làm Tết mất vui.

Con chim khách báo đúng hay báo nhầm, cành tre đầu nhà đung đưa, bước chân người rộn rã, nó nghe, nó ngửi, nó nhìn, nó cảm,… nó báo tin càng làm trái tim chờ đợi thắc thỏm, mong có bóng người xuất hiện đầu đê, vào đường gạch, đứng trước chiếc cổng tre chống lên quen thuộc thân thương… Tết làm lòng nhau mở cửa hay bắt nó đóng lại nỗi quạnh hiu cô quạnh? Tuỳ người đấy, ai ơi…

Ngoài đình, ngoài chùa, mái quán chơ vơ trên đồng, bờ giếng tròn xây… đã được mặc tấm áo trắng tinh, trắng lốp bằng nước vôi mới quét, càng kéo cái Tết đến gần, như đã sờ thấy nó, nó đã vào đến làng, đến cổng rồi kìa…

Hình như từ sâu thẳm tâm can, mỗi con người đều được cái Tết thúc gọi, cấy vào đẩy chiếc mầm cây mới, gieo vào đấy cái hạt nở ra cây hi vọng. Bận rộn mà vui, hối hả vẫn tươi cười… để có niềm hạnh phúc chờ mong mơ ước. Đôi câu đối giấy hồng điều trên cột, đôi cây mía tím, mía voi làm gậy ông vải hai bên bàn thờ, tờ tranh ông Phúc, ông Lộc dán hai bên cánh cửa, con gà mắt trong veo, con lợn gặm cây khoai ráy, chị tốc váy hứng dừa, anh đánh ghen rúc rích thứ tranh Đông Hồ bán đầy chợ Tết, bày la liệt mặt đất,… cho đến tranh y môn, mâm bồng ngũ quả bán ngoài thành phố,… bức tranh lụa hay sơn dầu quý phái bạn hoạ sĩ tặng ta treo Tết,… chẳng là hi vọng cái mới sẽ sang đấy sao? […]

(Hà Nội rong ruổi quẩn quanh, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2016, trang 40, 41, 43, 47)

* Tác giả, tác phẩm:

Băng Sơn (1932 – 2010) tên khai sinh là Trần Quang Bốn, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nhưng sinh ra tại thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông là nhà văn chuyên viết về Hà Nội, là tác giả của nhiều tập tuỳ bút, bút kí được nhiều người yêu thích. Các tác phẩm viết về Hà Nội của Băng Sơn đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập) (1993), Nước Việt hồn tôi (1995), Nghìn năm còn lại (1996), Đường vào Hà Nội (1997), Dòng sông Hà Nội (2002),…

Trả lời các câu hỏi sau

Câu 1: Văn bản trên viết về đề tài gì?

Câu 2: Sự bận rộn, hối hả của mỗi gia đình khi trang trí nhà cửa, chuẩn bị cho ngày tết được thể hiện qua những chi tiết nào?

Câu 3: Nêu nội dung của văn bản.

Câu 4: Chỉ ra và phân tích vai trò của yếu tố miêu tả trong đoạn văn trên.

Câu 5: Anh/ chị có đồng tình với quan niệm: Tết ơi, giá mỗi năm có mười cái Tết thì chắc con người phải bạc đầu từ trẻ, nhưng nếu mười năm mới có một Tết thì chắc hồn người cũng sẽ ủ ê không biết nhường nào? Vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của trẻ em hiện nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Văn bản trên viết về đề tài: mùa xuân.

Câu 2: Sự bận rộn, hối hả của mỗi gia đình khi trang trí nhà cửa, chuẩn bị cho ngày tết được thể hiện qua những chi tiết: Bận rộn mà vui, hối hả vẫn tươi cười… để có niềm hạnh phúc chờ mong mơ ước. Đôi câu đối giấy hồng điều trên cột, đôi cây mía tím, mía voi làm gậy ông vải hai bên bàn thờ, tờ tranh ông Phúc, ông Lộc dán hai bên cánh cửa, con gà mắt trong veo, con lợn gặm cây khoai ráy, chị tốc váy hứng dừa, anh đánh ghen rúc rích thứ tranh Đông Hồ bán đầy chợ Tết, bày la liệt mặt đất,… cho đến tranh y môn, mâm bồng ngũ quả bán ngoài thành phố,… bức tranh lụa hay sơn dầu quý phái bạn hoạ sĩ tặng ta treo Tết,… chẳng là hi vọng cái mới sẽ sang đấy sao?

Câu 3: Nội dung của văn bản: Không khí hối hả, giục giã khi mùa xuân đến được cảm nhận ở những khía cạnh khác nhau qua nỗi nhớ da diết của người con xa quê.

Câu 4: Chỉ ra và phân tích vai trò của yếu tố miêu tả trong đoạn văn:

– Yếu tố miêu tả:

+ Dáng điệu của người lao động vất vả xa quê: vẫn chỉ bộ quần áo tàng tàng rung rúc, không được ai xênh xang xe, ngựa, có cành hoa giấy trang kim, có gói bánh cốm lá xanh lạt đỏ biếu cô dì chú bác, không có đồng tiền cho vợ may cái yếm mới đón xuân.

+ Những con đường làng chờ người về quê: rằng mọi con đường to nhỏ như mạch máu, những phát huyết quản hồi huyết quản, vi ti huyết quản, những con đường cái quan, đường huyện, đường làng, đường trục, đường mương, đường rẽ xương cá vào ngõ nhỏ,… đã in hằn chồng xếp bao nhiều bước chân, nào người đi, người về, nào sắm Tết, bán mua, nào vay mượn, trả nợ, cả vui lẫn lo toan, bấm đầu ngón chân xuống đất trơn cho khỏi ngã, lê chiếc dép mòn tung bụi, gánh nặng lõm đất, rênh rang chơi nhởi vì đã có người vợ hiền mẹ đảm lo cho hết, nên cứ khăn áo chỉnh tề, ô che mũ đội mà đi tìm bạn, tìm hoa, bạn rượu hay bạn cờ, hoa đào hay hoa cúc,…

+ Cảnh chợ tết: vàng hương, vàng hồ, vàng hoa, mũ ông Công, ông Táo, hương đen, hương vàng, hương trầm, hương sạ, hương sào, hương vòng, nến trắng, nến đỏ.

+ Cảnh đình làng vào tết: Ngoài đình, ngoài chùa, mái quán chơ vơ trên đồng, bờ giếng tròn xây… đã được mặc tấm áo trắng tinh, trắng lốp bằng nước vôi mới quét, càng.

+ Cảnh trang trí tết: Đôi câu đối giấy hồng điều trên cột, đôi cây mía tím, mía voi làm gậy ông vải hai bên bàn thờ, tờ tranh ông Phúc, ông Lộc dán hai bên cánh cửa, con gà mắt trong veo, con lợn gặm cây khoai ráy, chị tốc váy hứng dừa, anh đánh ghen rúc rích thứ tranh Đông Hồ bán đầy chợ Tết, bày la liệt mặt đất,… cho đến tranh y môn, mâm bồng ngũ quả bán ngoài thành phố,… bức tranh lụa hay sơn dầu quý phái bạn hoạ sĩ tặng ta treo Tết,

– Tác dụng:

+ Tái hiện không khí quê nhà vào tết một cách sinh động, cụ thể, chân thực.

+ Thấy được sự chờ đợi, háo hức, mong chờ của con người và đất trời khi vào xuân.

+ Làm cho viết trở nên hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

Câu 5: Quan niệm: Tết ơi, giá mỗi năm có mười cái Tết thì chắc con người phải bạc đầu từ trẻ, nhưng nếu mười năm mới có một Tết thì chắc hồn người cũng sẽ ủ ê không biết nhường nào.

– Quan điểm: đồng ý với quan niệm trên

– Lí giải:

+ Mỗi năm có 10 cái tết chắc con người phải bạc đầu từ trẻ vì chuẩn bị tết rất công phu và vất vả, khiến con người luôn lo lắng, chi phối cuộc sống vật chất và tinh thần của họ.

+ nhưng nếu mười năm mới có một Tết thì chắc hồn người cũng sẽ ủ ê không biết nhường nào vì tết cổ truyền mang lại những giá trị tinh thần vô giá, nhắc con người về cuội nguồn, về truyền thống tốt đẹp, về những giá trị nhân văn nuôi dưỡng tâm hồn con người mọi thế hệ.

  1. LÀM VĂN

Dang 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội

* Mở bài: Giới thiệu hiện tượng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em hiện nay/ Khẳng định đó là hiện tượng phổ biến và đáng lo ngại.

* Thân bài:

– Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng:

+ Thiết bị thông minh là các thiết bị có nhiều tính năng lợi ích, có thể kết nối, liên hệ nhanh chóng, tiện lợi; khả năng sử dụng dễ dàng, tìm kiếm được nhiều thông tin hấp dẫn, thú vị như điện thoại, máy tính…

+ Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của xã hội, việc sử dụng thiết bị thông minh không chỉ dành cho đối tượng người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng ham thích và có nguy cơ lạm dụng các loại thiết bị này.

+ Theo đó, trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng…) từ rất sớm: Dưới 3 tuổi chiếm đến 19%; 3 – 5 tuổi chiếm 59% (trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát).

Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4%-7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết).

– Tác dụng và hậu quả của việc sử dụng các thiết bị thông minh

+ Tác dụng:

++ Các em được mở rộng cơ hội học tập. Nguồn tri thức trên internet có thể cung cấp cho các trẻ nhỏ những kiến thức mới mẻ.

++ Các thiết bị công nghệ cũng là công cụ giải trí hữu hiệu cho trẻ em sau những giờ học căng thẳng.

++ Khi sử dụng các thiết bị điện tử, một số trẻ em cảm thấy thích khám phá những điều mới lạ trong công nghệ , từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, nghiên cứu.

+ Hậu quả:

++ Ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ: mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ giảm

++ Ảnh hưởng đến tâm lí của trẻ: cáu gắt, tự kỉ, không hợp tác nếu không có các thiết bị thông minh

++ Ảnh hưởng đến đời sống của trẻ: những thông tin không phù hợp lứa tuổi trên mạng sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ, sinh hoạt, ứng xử của trẻ nếu không được kiểm soát kĩ càng.

Nguyên nhân của hiện tượng

+ Do sức hấp dẫn của thiết bị thông minh đến với những đứa trẻ

+ Sự phát triển của công nghệ thông tin và sự ra đời của các thiết bị điện tử.

+ Do người lớn tạo điều kiện cho trẻ sử dụng thiết bị: người lớn bận bịu, dụ dỗ trẻ ăn cơm, chính người lớn cũng lệ thuộc thiết bị điện tử nên không làm gương cho con cái.

+ Do môi trường xung quanh nhiều người sử dụng thiết bị này.

Giải pháp quản lí, nâng cao việc sử dụng thiết bị thông minh

+ Kiểm soát thời lượng và nội dung của chương trình trẻ được xem

+ Tạo môi trường và cơ hội cho trẻ chơi các trò chơi bổ ích, vận động nhiều hơn

+ Làm gương cho trẻ

* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh: Hiểu rõ vấn đề này sẽ giúp chúng ta có thể cho trẻ có điều kiện học tập và vui chơi lành mạnh, để thiết bị điện tử không ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lí của trẻ.

Bài viết tham khảo:

Sử dụng thiết bị thông minh không còn là vấn đề của người lớn mà còn là vấn đề đáng lo ngại khi trẻ nhỏ ngày càng có nguy cơ sử dụng nhiều và dẫn đến tình trạng nghiện. Có thể nói, đây là bài toán khó cho các phụ huynh, cho xã hội trong sự phát triển, bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay.

Thiết bị thông minh là các thiết bị có nhiều tính năng lợi ích, có thể kết nối, liên hệ nhanh chóng, tiện lợi; khả năng sử dụng dễ dàng, tìm kiếm được nhiều thông tin hấp dẫn, thú vị như điện thoại, máy tính… Chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin cần thiết chỉ cần một cú kích chuột vào các thiết bị thông minh. Việc kết nối với mọi người trong và ngoài nước cũng khá đơn giản. Vì vậy, thiết bị thông minh có nhiều sức hấp dẫn đối với người dùng bất kể lứa tuổi nào.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của xã hội, việc sử dụng thiết bị thông minh không chỉ dành cho đối tượng người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng ham thích và có nguy cơ lạm dụng các loại thiết bị này. Theo đó, trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông từ rất sớm: Dưới 3 tuổi chiếm đến 19%; 3 – 5 tuổi chiếm 59% (trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát). Chúng ta có thể gặp bất cứ đâu trong quán cà ghê, ở nhà, ở ga tàu xe… trẻ em đều có cơ hội sử dụng thiết bị thông minh. Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4%-7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết).

Thiết bị thông minh đã cho các em được mở rộng cơ hội học tập. Nhiều app học, những cuộc thi của các cấp, nguồn tri thức trên internet có thể cung cấp cho các trẻ nhỏ những kiến thức mới mẻ, dễ học, hấp dẫn. Nhờ đó, trẻ em biết rất nhiều thông tin bổ ích khi sử dụng thiết bị này. Các thiết bị công nghệ cũng là công cụ giải trí hữu hiệu cho trẻ em sau những giờ học căng thẳng. Khi sử dụng các thiết bị điện tử, một số trẻ em cảm thấy thích khám phá những điều mới lạ trong công nghệ , từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thiết bị này cũng đã để lại không ít những hệ lụy khiến người lớn không khỏi lo lắng. Trước hết, nó đã ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, khiến trẻ mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ giảm nếu sử dụng thường xuyên và thời lượng dài cho một ngày. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Northwestern, Mỹ cũng cho thấy, những người tập trung vào điện thoại di động 68 phút mỗi ngày trở lên có nguy cơ bị trầm cảm, do ít giao tiếp. Trẻ sử dụng điện thoại thời gian dài cũng dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, làm suy giảm thị lực cũng như ảnh hưởng tới não bộ. Một hậu quả nặng nề khác là tạo ra sự thiếu chú ý và rối loạn tăng động. Chuyên gia cũng nhấn mạnh, có nhiều tác hại xấu khi trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều như: làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, béo phì, gây xáo trộn thói quen sinh hoạt, làm chậm sự phát triển của hệ thần kinh. Nó cũng khiến tâm lí của trẻ có vấn đề như cáu gắt, tự kỉ, không hợp tác nếu không có các thiết bị thông minh. Thiết bị thông minh còn ảnh hưởng đến đời sống của trẻ: những thông tin không phù hợp lứa tuổi trên mạng sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ, sinh hoạt, ứng xử của trẻ nếu không được kiểm soát kĩ càng. Việc nói tục, chửi bậy, bắt chước những từ ngữ trên mạng đến trẻ em ngày càng nhiều một phần do trẻ tiếp xúc nhiều với những vấn đề này.

Việc trẻ em nghiện thiết bị điện tử thông minh trước hết phải nói đến sự phát triển của công nghệ thông tin và sự ra đời của các thiết bị điện tử. Ngày nay, khi các nhà mạng nâng cấp chất lượng, ở bất cứ đâu, chúng ta cũng có thể truy cập internet. Sự phát triển của xã hội khiến các thiết bị thông minh ra đời hàng loạt với giá thành không quá đắt đỏ. Mỗi nhà có đến trên hai điện thoại hoặc máy tính. Đồng thời, sức hấp dẫn của thiết bị thông minh đến với những đứa trẻ cũng là nguyên nhân cơ bản của vấn đề. Những chương trình học, trò chơi giải trí sống động, bắt mắt đã thu hút trẻ cuốn vào không rời mắt. Cuộc sống hiện đại bận bịu, có khi người lớn cho trẻ xem máy tính, điện thoại như một cách giữ trẻ, thậm chí điều kiện để trẻ ăn cơm, vui chơi. Và chính người lớn cũng lệ thuộc thiết bị điện tử nên không làm gương cho con cái, khiến trẻ thoải mái sử dụng mà không bị ngăn cấm hay nhắc nhở.

Để hạn chế tình trạng này, đối với trẻ dưới 2 tuổi, tốt nhất là chúng ta không nên cho tiếp xúc với các thiết bị điện tử và những trẻ ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi chỉ được sử dụng trong vòng dưới 1 tiếng đồng hồ/ngày. Đồng thời, mọi người nên tăng cường cho con tương tác trực tiếp với người lớn. Khi ăn uống, nên tắt tất cả các thiết bị điện tử. Ngoài ra, bạn cũng nên đọc sách cho con hay cùng làm việc với chúng. Bạn hãy cùng con xem các chương trình tivi hay vừa xem vừa trò chuyện với bé, hỏi bé về những gì cả hai đang xem.

Nhận thức đúng tình trạng này là điều quan trọng đối với tất cả mọi người. Chúng ta sẽ có những lưu ý và giải pháp tối ưu để cho trẻ một lối sống lành mạnh, phát triển cả thể chất và tinh thần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *