Đề thi thử tốt nghiệp môn văn trường THPT Quảng Xương 1, năm 2024

TRƯỜNG THPT QUẢNG XƯƠNG 1

 (Đề gồm có 02 trang)

 

 GIAO LƯU KIẾN THỨC CÁC TRƯỜNG THPT

 LẦN 1 – NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 12

          Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

 

 

             Họ tên học sinh…………………….…………………………… SBD……………………Phòng ………………………………

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản:

            “Rùa và Thỏ” là một câu chuyện dân gian được truyền miệng suốt nhiều thế kỷ và có nhiều phiên bản khác nhau trên khắp thế giới. Đây là câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc với chúng ta, song đã được Roberto Goizueta, Giám đốc Điều hành của Coca Cola trong những năm 1980 mở rộng thành một triết lý đáng suy ngẫm.

            Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn Rùa, Thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua Thỏ và sớm kết thúc đường đua, giành chiến thắng. Thỏ giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.

            Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì Rùa không thể nào có thể hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, Thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường.

            Rùa đã suy ngẫm và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được Thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách Thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua. Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, Thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích ở bên kia sông! Thỏ đành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, Rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

            Đến đây, Thỏ và Rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và chúng cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội. Cuộc đua bắt đầu, Thỏ cõng Rùa chạy đến bên bờ sông, Rùa lội xuống sông và cõng Thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, Thỏ lại cõng Rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

            Xuyên suốt câu chuyện “Rùa và Thỏ” là ý chí của Thỏ và Rùa, chúng đều không đầu hàng trước thất bại. Sau khi thất bại thảm hại trước Rùa, Thỏ quyết tâm và cố gắng nhiều hơn. Còn Rùa, dù chiến thắng nhưng vẫn phải thay đổi chiến lược vì ý chí kiên cường, siêng năng, cần cù là chưa đủ. Trong cuộc sống, đối mặt với thất bại có thể là thời điểm thích hợp để mỗi chúng ta nỗ lực hơn, nhưng đôi lúc cũng cần phải thay đổi chiến lược, thử tìm nhiều giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả hai.

(Nguồn: Internet)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Trong văn bản, Thỏ nhận ra nguyên nhân dẫn đến việc nó thua Rùa ở lần chạy đua thứ nhất là gì?

Câu 3. Anh, chị hiểu như thế nào về sự thay đổi về đường đua của Rùa ở lần chạy đua thứ 3?                                                   

Câu 4. Anh, chị có đồng tình với quan điểm: Trong cuộc sống, đối mặt với thất bại có thể là thời điểm thích hợp để mỗi chúng ta nỗ lực hơn, nhưng đôi lúc cũng cần phải thay đổi chiến lược, thử tìm nhiều giải pháp khác không? Vì sao?

LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có kĩ năng hợp tác trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

 Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

 

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

                             (Trích Sóng, Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2017, tr.156)

Cảm nhận của anh /chị về đoạn thơ trên; từ đó nhận xét quan niệm về tình yêu của tác giả.

 

————– HẾT ————–

Kết quả được đăng tải trên trang Web: quangxuong1.edu.vn vào ngày 17/3/2024

(Quét mã QR trên Phiếu dự thi để xem kết quả)

 

 

 

TRƯỜNG THPT QUẢNG XƯƠNG 1

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

 

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ GIAO LƯU CÁC TRƯỜNG THPT

LẦN 1 – NĂM HỌC: 2023 – 2024. MÔN: NGỮ VĂN

  Câu Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 3.0
  1     Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh không trả lời đúng phương thức “tự sự”:  không cho điểm

0.75
  2     Trong văn bản, Thỏ nhận ra nguyên nhân dẫn đến việc nó thua Rùa ở lần chạy đua thứ nhất là: nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời thiếu hoặc thừa nội dung thì không cho điểm tối đa

0.75

 

  3 Hiểu về sự thay đổi về đường đua của Rùa ở lần chạy đua thứ 3:

+ Rùa đã suy ngẫm và nhận ra nguyên nhân mình thất bại ở lần đua thứ 2 là nó chạy chậm. Nó không thể chiến thắng nếu chỉ đua tốc độ chạy với Thỏ.

+ Rùa cũng nhận ra nó có thể bơi, Thỏ thì không. Chọn thay đổi về đường đua là sự thay đổi chiến lược của Rùa nhằm tận dụng tối đa thế mạnh của bản thân và điểm yếu của đối thủ.

+ Đó là sự thay đổi của trí tuệ và quyết tâm chiến thắng.

=> Hiểu mình, hiểu người; suy nghĩ nghiêm túc để phân tích nguyên nhân thất bại và tìm giải pháp mới, tối ưu hơn là con đường dẫn tới thành công.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời được 3/4 ý cho 0,75

– Học sinh trả lời được 2/4 ý cho 0,5

– Học sinh trả lời được 1/4 ý cho 0,25

Học sinh trả lời không đúng đáp án: không cho điểm

1.0

 

 

  4 Thí sinh bày tỏ quan điểm cá nhân và có lí giải thuyết phục. Sau đây là gợi ý:

– Đồng tình với quan điểm: Trong cuộc sống, đối mặt với thất bại có thể là thời điểm thích hợp để mỗi chúng ta nỗ lực hơn, nhưng đôi lúc cũng cần phải thay đổi chiến lược, thử tìm nhiều giải pháp khác

Vì:

+ Đối mặt với thất bại chính là lúc mỗi người huy động mọi nguồn lực để lật ngược tình thế: cố gắng phi thường, thay đổi chiến lược, áp dụng cái mới.

+ Cuộc sống không ngừng biến động, thay đổi tư duy và cách hành động là yêu cầu tất yếu để không chỉ vượt qua thử thách, thất bại mà còn mở lối đến vạch đích bằng con đường ngắn hơn…

Hướng dẫn chấm: 

– Học sinh trình bày rõ ràng, thuyết phục: 0,5 điểm

– Học sinh trình bày chưa rõ ràng chưa thuyết phục: 0,25 điểm

0.5

 

 

 

 

II   Làm văn 7.0
  1 Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có kĩ năng hợp tác trong cuộc sống. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: sự cần thiết phải có kĩ năng hợp tác trong cuộc sống.

0.25

 

0.25

 

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải có kĩ năng hợp tác trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:

– Kỹ năng hợp tác là năng lực kết nối giữa các cá nhân, cùng đóng góp công sức vào một công việc chung, hướng đến mục tiêu chung.

– Đây là một kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, vì:

+ Mỗi người có ưu, nhược điểm riêng, kĩ năng hợp tác chính là năng lực tìm đúng những cộng sự ưu tú, phát huy trí tuệ của tập thể, phân chia nhiệm vụ hợp lí để những ưu điểm, thế mạnh được phát huy và công việc được hoàn thành nhanh nhất, với kết quả tốt nhất.

+ “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” (Warren Buffett). “Đi xa” – hành trình theo đuổi những mục tiêu lớn vốn nhiều thách thức, nguy hiểm, việc có bạn đồng hành san sẻ gánh nặng và giúp ta vững bước trở nên quan trọng.

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Về nhận thức: Hợp tác luôn là một năng lực cần có ở mỗi cá nhân, dựa trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, các bên cùng có lợi và không làm phương hại đến lợi ích người khác. Trong xã hội hiện đại, hợp tác còn tạo sự hiểu biết lẫn nhau, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển cũng như giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

+ Về hành động: muốn hình thành, trau dồi kĩ năng hợp tác cần học tập để có tri thức, tích cực rèn luyện, trải nghiệm…

Hướng dẫn chấm:

+ Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,0 điểm).

+ Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm – 0.75 điểm).

+ Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiểt với vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

1.0
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.25
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 0.25
 

 

2 Phân tích đoạn thơ: “Ở ngoài kia đại dương… Để ngàn năm còn vỗ”. Từ đó nhận xét quan niệm về tình yêu của tác giả. 5.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu đ­ược vấn đề, thân bài triển khai đ­ược vấn đề, kết bài kết luận đ­ược vấn đề. 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn thơ: “Ở ngoài kia đại dương… Để ngàn năm còn vỗ”. Từ đó nhận xét quan niệm về tình yêu của tác giả. 0.5
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:  
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích                     0.5
– Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.

Sóng (1967) in trong tập Hoa dọc chiến hào là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Đoạn thơ là những khao khát, suy tư về tình yêu, hạnh phúc trong sự chảy trôi của thời gian và hữu hạn của đời người, qua đó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ và quan niệm tình yêu của tác giả.

 
Phân tích đoạn thơ

* Nội dung

– Khổ 7: Khúc hát niềm tin                                                         

+ Muôn ngàn con sóng ở ngoài kia đại dương sẽ  đến bờ dẫu phải vượt qua muôn vời cách trở. Đó là cũng là kết cuc sum vầy – muôn ngàn người đang yêu giữa cuộc đời, dẫu qua gian truân thử thách sẽ đến được bến bờ hạnh phúc.

+ Chọn cách nói đảo (hai câu thơ cuối) -> có sự đắng cay trong trải nghiệm mà vẫn luôn tin vào sự tốt đẹp của cuộc đời, tình yêu, niềm tin của Xuân Quỳnh thêm đáng quý, trân trọng.

=> Quy luật của tự nhiên cũng là quy luật của cuộc đời – mượn sóng, nữ sĩ đã phơi trải đến kiệt cùng khát vọng và niềm tin vào sự hiện hữu của hạnh phúc.

– Khổ 8: Nhận thức về sự hữu hạn của đời người trong dòng chảy của thời gian

+ Chữ “tuy” đặt ở câu thơ thứ nhất vừa diễn tả thời gian năm tháng đang còn ở phía trước, vừa thoáng hiện lo âu về ngày kết thúc. Cách diễn đạt bằng cặp quan hệ từ tăng tiến “tuy…vẫn” khẳng định một quy luật phũ phàng: Con người dẫu có biết, có tiếc cũng không thể nào cưỡng lại, níu kéo dòng thời gian một đi không trở lại.

+ Cảm thức lo âu choán ngợp bởi sự mong manh của tình yêu trong giới hạn của kiếp nhân sinh ngắn ngủi, cũng giống như biển kia dẫu mênh mông là thế nhưng vẫn bị giới hạn bởi bờ, nên mây vẫn bay về xa.

=> Khổ thơ là sự xuất hiện của cách nói đối lập với giọng điệu nhận thức, lí giải về quy luật cuộc đời. Năm tháng dẫu dài, kết cục chia lìa vẫn đến, phía sau quy luật ấy của tự nhiên là nỗi lo âu của một cái tôi yêu đầy trăn trở.

– Khổ 9: Sóng – khát khao vươn tới sự vĩnh hằng, bất tử

Làm sao được tan ra … là sự hối thúc từ bên trong, khát vọng sống hết mình trong tình yêu.

+ Giữa biển lớn tình yêu – để ngàn năm còn vỗ: Khao khát vượt lên, thoát khỏi những ràng giữ tầm thường, ích kỉ; giới hạn của đời người để hiến dâng trọn vẹn, để tình yêu còn mãi giữa cuộc đời.

=> Khát vọng về một tình yêu vĩnh hằng, bất diệt của một trái tim vị tha, một tâm hồn giàu sức sống.

*Nghệ thuật:

– Thể thơ năm tiếng với giọng điệu tâm tình, thủ thỉ.

– Sáng tạo hình ảnh độc đáo, giàu ý nghĩa biểu tượng.

– Kết cấu tương đồng, ngôn từ đăng đối.

– Ngôn ngữ giản dị, sử dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật đặc sắc như ẩn dụ, điệp, đối…

=> Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: Sáng tạo độc đáo hình tượng sóng, nhà thơ đã diễn tả chân thực và sinh động nhiều cung bậc phức tạp của trái tim và vẻ đẹp tâm hồn vừa truyền thống vừa hiện đại và giàu chất nhân văn của người phụ nữ trong tình yêu.

 

 

0.75

 

 

 

 

 

 

 

 

0.75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0.75

 

 

 

 

 

 

 

0,25

* Nhận xét quan niệm về tình yêu của tác giả

– Tình yêu đích thực, mãnh liệt, nồng nàn bao giờ cũng gắn liền với khát mong hạnh phúc, với niềm tin về kết cục đoàn tụ, sum vầy. Đó chính là sức mạnh để những người đang yêu vượt qua cách ngăn, sóng gió.

– Một tình yêu cao đẹp luôn đồng nghĩa với sự vị tha cao cả, ước mong vượt lên mọi tầm thường, ích kỉ, lo toan, giới hạn để bất tử với thời gian.

=> Quan niệm sâu sắc, giàu tính nhân văn, vừa truyền thống vừa hiện đại.

0.5
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 0.25
đ. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *