Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Ngộ gia đệ cựu ca cơ.

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:                                                  

NGỘ GIA ĐỆ CỰU CA CƠ (1)

Phiên âm:

Phồn hoa nhân vật loạn lai phi,
Huyền hạc (2) quy lai kỉ cá tri.
Hồng tụ (3) tằng văn ca uyển chuyển,
Bạch đầu tương kiến khốc lưu li.
Phúc bồn (4) dĩ hĩ nan thu thủy,
Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti.
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử,
Khả liên do trước khứ thời y.

Dịch nghĩa:

GẶP NÀNG HẦU CŨ CỦA EM

Nhân vật phồn hoa từ khi loạn lạc đã khác trước,
Chim hạc đen về nơi chốn xưa, không mấy người biết

Đã từng nghe giọng ca uyển chuyển khi nàng mặc áo hồng
Bạc đầu gặp lại nhau, khóc than nỗi li tán lưu lạc.
Thôi rồi, chậu nước đã đổ, khó mà thu lại được,
Thương ôi, ngó sen đã gãy, nhưng tơ vẫn chưa dứt.
Nghe nói nàng lấy người khác đã có ba con,
Đáng ái ngịa là vẫn mặc chiếc áo ngày ra đi.

Dịch thơ:

Thời loạn, người phồn hoa khác trước
Hạc đen về nào có ai hay?
Áo hồng lảnh lót ca năm ấy

Đầu bạc lìa tan khóc nỗi này.

Chậu đã đổ, nước không hốt được

Sen tuy lìa, tơ vẫn vương hoài

Lấy chồng nay đã sinh ba cháu

Màu áo như xưa chẳng đổi thay.
(BẢO ĐỊNH GIANG dịch)

(Trích: Nhà văn trong nhà trường Nguyễn Du, NXBGD 2002, tr. 128-129)

Cước chú
(1) Ca cơ: Người thị nữ biết ca múa. Gia đệ: Ðây là chỉ người em cùng mẹ là Nguyễn Úc được tập ấm là Hoằng Tín đại phu Trung Thành Môn Vệ Úy. Năm Kỉ Dậu (1789) vua Chiêu Thống chạy sang Tàu, Nguyễn Úc chạy theo không kịp, về ngụ nơi quê vợ, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Vị (1811), Gia Long nghe ông có tài khéo, xuống chiếu triệu vào kinh, bổ làm Thiêm Sự bộ Công, tước Hầu. Những miếu điện ở kinh thành đều do ông sáng chế kiểu thức.

(2) Huyền hạc: Hạc đen. Truyền rằng hạc vốn sắc trắng, sống nghìn năm thành sắc xanh, sống nghìn năm nữa ra sắc đen. Thôi Báo 崔豹: Hạc thiên tuế tắc biến thương, hựu nhị thiên tuế biến hắc, sở vị huyền hạc dã 鶴千歲則變蒼, 又二千歲變黑, 所謂玄鶴也 (Cổ kim chú 古今注, Điểu thú 鳥獸). Câu 2 này tác giả nói mình xa Thăng Long lâu ngày, trở lại ít người biết.

(3) Hồng tụ: Tay áo hồng. Người ca nữ sang trọng thường mặc áo hồng rộng tay để múa cho đẹp.

(4) Phúc bồn: Chậu nước đổ. Tục có câu: “Phúc thủy nan thâu” nghĩa là nước đổ rồi khó hốt lên được. Ý nói là người ca cơ đã xa em mình rồi không sao tụ hợp được nữa.

* Bắc hành tạp lục (北行雜錄, Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) bao gồm 131 bài thơ. Có nguồn ghi 132 bài, do tách thi phẩm Thăng Long thành hai bài riêng.

Theo sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 1978), bốn bài mở đầu tập Bắc hành tạp lục lần lượt là: Long thành cầm giả ca (Bài ca người gẩy đàn đất Thăng Long, hai bài Thăng Long, và Ngộ gia đệ cựu ca cơ (Gặp người hát cũ của em).

Trong Bắc hành tạp lục, những điểm đặc sắc tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng hơn. Có ba nhóm đáng chú ý: Một là ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng và phê phán những nhân vật phản diện. Hai là phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người. Ba là cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đọa đày hắt hủi”…

Câu 1. Dựa vào phần phiên âm hãy cho biết bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Anh/chị hình dung như thế nào về Nguyễn Du qua hai câu thơ mở đầu:

“Phồn hoa nhân vật loạn lai phi,
Huyền hạc quy lai kỉ cá tri”

Câu 3. Xác định đề tài được nói tới trong bài thơ?

Câu 4. Theo đặc trưng thể loại, phép đối được sử dụng trong những câu thơ nào của bài thơ?

Câu 5. Phân tích tác dụng của nghệ thuật đối hai câu thơ:  

Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển,
Bạch đầu tương kiến khốc lưu li”

Câu 6. Nhận xét nét đặc sắc trong cấu tứ của bài thơ

Câu 7. Nêu cảm xúc chủ đạo của Nguyễn Du được thể hiện trong bài thơ

Câu 8. Anh/chị hãy viết một đoạn văn nêu lên sự cần thiết của tình yêu thương trong cuộc sống.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của văn bản trên

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

PHẦN CÂU NỘI DUNG ĐIỂM
I   ĐỌC HIỂU  
  1 Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được đầy đủ như đáp án: 0,75 điểm

(Trả lời Thất ngôn bát cú: 0,75 điểm)

0.75
  2 Hai câu đầu nêu lên hoàn cảnh của nhân vật trữ tình:

-Trở về nơi cũ thời loạn lạc

-Con người, cảnh vật chốn phồn hoa đã khác xưa

-Mình xa nơi đây đã lâu, nay trở về ít người biết, chốn cũ thành lạ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được đầy đủ như đáp án: 0,75 điểm

0.75
 

 

3 Đề tài của bài thơ: viết về người kỹ nữ

(người phụ nữ)

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời được đầy đủ như đáp án: 0,75 điểm

0.75
  4 Theo đặc trưng thể loại, Phép đối được sử dụng trong những cặp câu thơ:

– Hai câu thực “Hồng tụ  tằng văn ca uyển chuyển,
Bạch đầu tương kiến khốc lưu li”
– Hai câu luận “Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy,
Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti”.

– Học sinh chỉ ra biện pháp nghệ thuật đối ở hai cặp câu thực và luận: 0,75 điểm

– Học sinh chỉ nêu phép đối ở một cặp thực hoặc luận: 0,5 điểm.

-HS chỉ nêu phép đối trong cặp câu thực và luận, không nêu câu thơ: 0.5 điểm

0.75
 

 

5 Biện pháp tu từ đối trong hai câu thơ:

– Đối ý câu trên với câu dưới: Từng nghe giọng ca uyển chuyển thời nàng mặc áo hồng- nay đầu bạc gặp lại cùng khóc nỗi lưu li

– Tác dụng:

+ Tạo sự cân xứng hài hoà thanh điệu cho lời thơ.

+ Gợi ra cảnh ngộ trớ trêu éo le của người ca kỹ

+ Nỗi niềm thương cảm, xót xa của nhà thơ; tiếng khóc thương cho người hoà cùng tiếng khóc cho mình.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh chỉ ra biện pháp nghệ thuật :0.25 điểm

-Học sinh nêu tác dụng như đáp án: 0.75 điểm (Mỗi ý 0.25 điểm)

1.0
  6 Nhận xét về cấu tứ của bài thơ:

– Trở về kinh đô Thăng Long thời loạn lạc, mọi sự đổi thay, chốn quen thành lạ, gặp lại người ca kỹ, hầu gái của người em mình Nguyễn Du thổn thức bao nỗi niềm

– Xót xa thương cảm cho người ca kỹ tài sắc một thuở nay tàn tạ, héo úa; ngậm ngùi, tiếc nuối trước biến thiên dâu bể của cuộc đời; nỗi đau đớn, khóc thương cho người và cho mình, tình người và tình đời quấn quyện tạo thành nỗi niềm thương cảm day dứt, triền miên, ám ảnh.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh đưa ra nhận xét và lý giải: 1,0 điểm

– Học sinh chỉ đưa ra nhận xét không lý giải: 0,5 điểm

– Học sinh chưa trọng tâm vào vấn đề : không cho điểm

0.75
  7 Tình cảm cảm xúc chủ đạo của tác giả

-Xót xa thương cảm trước cảnh ngộ, thân phận khổ đau của người ca kỹ

-Trân trọng vẻ đẹp sắc, tài ở nàng

– Nỗi niềm thương thân, khóc cho mình

0.75
  8 Sức mạnh của tình yêu thương con người trong cuộc sống

Hs có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau. Có thể triển khai theo hướng:

-Tình yêu thương là là sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, gắn bó, hòa hợp…giữa con người với nhau

Yêu thương được xem là một phẩm chất đẹp, cao quý và là giá trị sống cốt lõi của con người

-Ý nghĩa:

Là sợi dây vô hình gắn kết con người

Là nguồn động lực, động viên, an ủi giúp người đón nhận tình yêu thương có thêm niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống.

Giúp mọi người có cái nhìn tích cực hơn trước cuộc sống…

0.5
    LÀM VĂN 4.0
 

 

  Viết bài văn nghị luận phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ngộ gia đệ cựu ca cơ.  
 

 

  a. Đảm bảo cấu trúc:

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

(0.25)
 

 

  b. Xác định đúng vấn đề

Bàn về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

(0.5)
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Mở bài (Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết):

Giới thiệu chung về tác giả và bài thơ:

+ Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu của văn học Trung đại Việt Nam.

+ Ngộ gia đệ cựu ca cơ là một bài thơ hay trong tập Bắc hành tạp lục.

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận: Niềm thương cảm sâu sắc của nhà thơ “có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”.

2. Thân bài: Cần triển khai các ý:

* Nhan đề: Gặp lại nàng hầu cũ của em (gặp lại cô ca kỹ, người yêu của người em mình)

– Hé mở hoàn cảnh cảm hứng

– Nói lên đề tài của bài thơ

* Khái quát cấu tứ,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Bài thơ nương theo một sự việc, gặp cô ca kỹ của người em, trong vô vàn những ca kỹ, trước biển người mênh mông… đã làm thổn thức trái tim thi sĩ Nguyễn Du

– Thương mình, thương người, tình đời, tình người hoà quyện, quấn quýt, ngân vang thành nỗi đau xót, ngậm ngùi cho cả một đời người cho muôn đời: khóc thương cho những người tài hoa mệnh bạc.

-Cấu tứ được thể hiện ngay từ nhan đề và bộc lộ qua cấu trúc của thể thơ thất ngôn bát cú đường luật.

Hai câu đề: giới thiệu cảnh ngộ cô đơn, bơ vơ của nhân vật trữ tình

Hai câu thực: Tiếng khóc thương cho mệnh bạc của người ca kỹ hoà cùng tiếng khóc thương chính mình “khốc biệt li”

Hai câu luận: Nỗi ngậm ngùi xót xa trước sự tình của người ca kỹ và cũng là tiếng thở dài trước những biến thiên dâu bể của đời.

Hai câu kết: Nỗi xót xa và cái nhìn ái ngại, cảm thương trước cảnh ngộ hiện tại của cô ca kỹ và niềm thổn thức của nhà thơ trước lẽ đời

* Hình ảnh, chi tiết

– Hai câu đề:

+ Giới thiệu cảnh ngộ của nhân vật trữ tình: Trở lại Thăng Long, trên đường đi sứ; chốn phồn hoa giờ đã khác xưa; về nơi cũ giờ thành xa lạ, ít người biết đến

+ Nghệ thuật đối lập và dùng điển: ngay từ những câu đầu đã hoạ rõ nỗi mặc cảm cô đơn của nhân vật trữ tình.

– Hai câu thực:

+ Người ca kỹ xuất hiện qua một vài chi tiết: sắc áo hồng và lời ca uyển chuyển khi xưa; gặp nhau lúc đầu bạc và trong tiếng khóc biệt li.

+ Nghệ thuật đối: Vừa khắc hoạ vẻ đẹp sắc- tài của người ca kỹ, vừa làm nổi bật sự đối lập giữa xưa và nay, trẻ – già, xưa rực rỡ nay tàn tạ, thời trẻ hạnh phúc, huy hoàng nay buồn đau, tàn tạ… Khắc hoạ rõ nét thân phận bạc mệnh của người tài hoa và tiếng khóc cho người hoà cùng tiếng khóc thương mình

– Hai câu luận

+ Tiếp tục bàn luận về cô ca kĩ của người em với niềm thương cảm xót xa:  Nàng từng là người yêu của em, nhưng một lý do nào đó đã tan vỡ như chậu nước đổ, không hàn gắn lại được, nhưng lòng vẫn còn vấn vương.

Nói về tình nghĩa của người ca kỹ cũ của em Nói về tình nghĩa của người ca kỹ cũ của em, nhưng chính Nguyễn Du đã đề cập đến một quan hệ tinh thần rộng lớn hơn cả chuyện riêng tư của em mình. Qua biểu tượng người ca kỹ, nhà thơ vụt nhìn ra giữa Thăng Long những thứ quý giá chưa mai một mà ông mặc nhiên coi mình thuộc về cái phần sót lại ấy

– Hai câu kết

+ Trực tiếp thể hiện niềm thương xót cô ca kỹ: nghe nói nàng lấy chồng đã ba con; thương thay vẫn mặc chiếc áo hồng ngày trước.

+ Nghệ thuật đối : màu hồng của ống tay áo (hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển) và màu trắng của mái đầu (bạch đầu tương kiến khốc lưu ly). Đó cũng là sự khác biệt giữa tuổi trẻ và tuổi già, giữa cường tráng và lão suy. Tàn tạ theo thời gian, xét cho cùng, cũng là lẽ thường. Nhưng thời gian của sự tàn tạ, như nhà thơ đã xác định trong câu đầu bài thơ, là thời loạn. Vì thế sự tàn tạ không còn là sự tàn tạ tự nhiên nữa: nó là con người bị vò nhàu bởi hoàn cảnh. Câu cuối, hình ảnh người con hát đã “ba con”, mặc “chiếc áo ngày trước” (khứ thời y) nhuốm một niềm chua chát và thương cảm: cái áo như một nỗ lực vãn hồi đầy tuyệt vọng, lại như một tiếng cười mỉa của quá khứ vàng son trước hiện tại tang thương.

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

+ Thể thơ Thất ngôn bát cú

+ Nghệ thuật đối

+ Dùng điển, tạo lời thơ trang nhã, giàu hình tượng

+ Hình ảnh giàu tính ẩn dụ tượng trưng

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

– Về nội dung:

+ Thể hiện niềm đồng cảm, xót thương của Nguyễn Du trước số phận bất hạnh của những con người tfai hoa bạc mệnh.

+ Thể hiện sự trân trọng, tri âm của nhà thơ trước tài năng, vẻ đẹp của con người.

+ Tiếng nói tự thương của một con người:  cô đơn, bơ vơ, lạc lõng nơi loạn thế; đau đớn, day dứt trước thế thái nhân tình.

-Về nghệ thuật

Bài thơ đạt đến trình độ trang nhã, kiệm lời, khái quát cao nhưng đồng thời cũng hết sức linh hoạt, biến hóa

3. Kết bài:  Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

-Bài thơ tiếp nối mạch cảm hứng lớn, xuyên suốt sáng tác của Nguyễn Du- niềm thương cảm, lòng trân trọng dành cho những đấng tài hoa và trở thành một trong những sáng tác tiêu biểu ở đề tài này.

Trên hành trình đi sứ, nhà thơ đã dành cả tâm hồn cho vấn đề thiết yếu nhất – quyền sống cho con người; thân phận của tài hoa. Đó là lựa chọn của một trái tim sáng suốt chưa bao giờ nhầm lẫn khi đối diện với những vấn đề muôn thủa của cõi nhân sinh

Hướng dẫn chấm:

– Viết đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm – 2,5 điểm.

– Viết đầy đủ nhưng có ý còn chưa rõ: 1,25 điểm – 1,75  điểm.

– Viết chưa đầy đủ hoặc chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 1,0 điểm.

(2.5)
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
Tổng     10.0 điểm

 BÀI VIẾT THAM KHẢO:

 

Bài làm

Mở bài:

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng ngàn lời thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Kính gửi cụ Nguyễn Du- Tố Hữu)

Văn chương là thế, một bước đến văn chương như một bước đến với thế giới của những vần thơ và con chữ, thế giới của những thi sĩ giàu tài năng và xúc cảm, họ giao cho đời,cho người những con chữ đáng quý mà mình dành cả đời để tìm kiếm, dù cho không còn tồn tại với tia sáng của sự sống nhưng trong lòng độc giả họ vẫn còn sống mãi với văn đàng thơ ca nghệ thuật đích thực.Đại thi hào Nguyễn Du là một điển hình đặc biệt, ông không chỉ là một nhà văn hóa lớn mà còn là nghệ sĩ kiệt xuất của dân tộc, tiếp xúc với những vần thơ của thi sĩ ta như giao cảm với những mảnh đời bất hạnh, với những trang thơ bất hủ một cách gián tiếp đầy chân thật. Bằng tài năng xuất chúng của mình Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh hiện thực cuộc sống đầy sắc sảo, thông qua những câu thơ ảm đạm nhà thơ cho ta cảm nhận hiện thực xã hội phong kiến ngột ngạt, áp bức, qua đó đè cao quyền sống của con người, đề cao tình yêu tự do và công lí. Ông đã điểm sắc cho bức tranh của mình bằng cách  thể hiện sự đồng cảm chân thành của mình với người với đời, đặc biệt là những con người thấp cổ bé họng ,hay thân phận lênh đênh, tài hoa mệnh bạc của người phụ nữ không có tiếng nói trước thời cuộc. Nếu như Truyện Kiều là kiệt tác thơ Nôm, qua đó thấy được một Nguyễn Du với “con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” thì những vẫn thơ Chữ Hán trong Bắc hành tạp lục – vượt xa tất cả các tập thơ đi sứ thời trung đại thể hiện cảm hứng nhân đạo độc đáo, cao cả. Nguyễn Du đã đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người. Trong đó, cung bậc buồn thương, đau đớn nhất chính là nỗi tiếc hận muôn đời trước số phận của những kiếp tài hoa. Kết tinh cho tư tưởng đó là bài thơ Ngộ gia đệ cựu ca cơ.

Thân bài:

Sống giữa thời đại bão giông của lịch sử, con người tài hoa trác việt và trái tim nhạy cảm Tố Như đã bọc lấy giõ lấy bão của thời đại đã đem từng khúc ruột quặn đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết nên một tình tự nồng nàn da diết. “Những điều trông thấy” của một trái tim nhân hậu, biết sự yêu thương sâu sắc với cuộc sống, con người, thân phận… đã giúp ngòi bút của Nguyễn Du viết lên được những dòng thơ có giá trị muôn đời và trở thành di sản của nhân loại. với “Con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, Nguyễn Du đã đưa vào thơ chữ Hán mọi vang vọng của cuộc đời, tạo nên một bức tranh hiện thực rộng lớn và sinh động. Một khối lượng không nhỏ các tác phẩm chữ Hán chứa đựng tinh thần phản ánh hiện thực của Nguyễn Du đã thể hiện nỗi lòng da diết của thi nhân trước hiện thực cuộc đời. Thăng Long mảnh đất kinh kì gắn với thuở thiếu thời cuộc sống giàu sang nhung lụa của bậc thượng lưu. Và cũng từ khi ông ròi bỏ kinh kì (khoảng 1786) là một khúc ngoặt lớn trong cuộc đời nhà thơ, từ đỉnh cao phú quý rơi hẳn xuống vực sâu bần hàn khốn khổ, và kéo dài đến những mười mấy năm. Cho nên có thể nói Thăng Long trong nỗi nhớ của ông trở thành một mốc lớn đánh dấu sự đổi thay của cả một thân phận.

Về lại Thăng Long sau mấy chục năm phiêu bạt, Nguyễn Du như tìm thấy chính mình qua hình ảnh người ca kỹ:

Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
Huyền hạc quy lai kỷ cá tri
Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly
Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy
Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
Khả liên do trước khứ thời y

Nhan đề “Ngộ gia đệ cựu ca cơ” đã phần nào hé mở hoàn cảnh cảm hứng của bài thơ. Gặp lại cô ca kỹ của người em. Từ sự việc tưởng như không có gì để nói, chả có gì đáng nhớ, lại để lại dấu ấn đậm nét trong lòng thi nhân? Có lẽ người em Nguyễn Du muốn nói đến ở đây là Nguyễn Ức. Trên đường đi sứ, khi ghé qua Thăng Long, Nguyễn Du tình cờ gặp lại người bạn ca hát của em.  Nhan đề cũng là đề tài bài thơ hướng tới đã gợi mở tấm lòng nghĩ tới muôn người của Tố Như. Ngay ở tên bài đã cho thấy nghề nghiệp của nhân vật được nhắc đến trong bài: “ca cơ” – người (con gái) hát. Nhan đề hiện ra ngay một sự lạ: viết về đất cũ Thăng Long, Nguyễn Du không lấy cảm hứng từ sự tái ngộ với các danh sĩ, các bậc công hầu khanh tướng hay những nhân vật quyền cao chức trọng, thay vào đó lại là những người mưu sinh bằng việc lấy tiếng đàn tiếng hát mua vui cho thiên hạ, những kẻ vẫn bị khinh rẻ, bị thế gian gọi một cách đầy miệt thị rằng “xướng ca vô loài”, thân phận của nghệ thuật, thân phận của những người sống bằng nghệ thuật: một cái gì đó mong manh dễ vỡ, một cái gì đó tinh tế đến mức có khi trở thành phù phiếm trước sóng gió cuộc đời. Nguyễn Du nhân đạo ở chỗ: ông hướng sự quan tâm và dành niềm thương cảm cho những thân phận “dưới đáy” xã hội. là bạn của những người con hát. Ông không hạ mình xuống để thương vay mà thật sự tìm thấy mình trong họ. Nhan đề đã nói lên đề tài của bài thơ và hoạ lên tiếng nói nhân đạo trong thơ Nguyễn Du.

Bài thơ nương theo một sự việc, gặp cô ca kỹ của người em, trong vô vàn những ca kỹ, trước biển người mênh mông, họ chính là những con người thấp bé trong xã hội thế nhưng bằng một tâm hồn nghệ thuật chân chính, say mê của mình đã làm thổn thức trái tim thi sĩ Nguyễn Du. Từ thương người, tác giả thương cho tấm thân của mình từ đó tình đời, tình người hoà quyện, quấn quýt, ngân vang trở thành nỗi đau xót, ngậm ngùi cho cả một đời người cho muôn đời: khóc thương cho những người tài hoa mệnh bạc. Có thể thấy trong bài thơ cấu tứ được thể hiện ngay từ nhan đề và bộc lộ qua cấu trúc của thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Bài thơ đi từ cảnh ngộ cô đơn, bơ vơ của nhân vật trữ tình đến tiếng khóc thương cho mệnh bạc của người ca kỹ hoà cùng tiếng khóc thương chính mình “khốc biệt li” tiếp sau đó là nỗi ngậm ngùi xót xa trước sự tình của người ca kỹ và cũng là tiếng thở dài trước những biến thiên dâu bể của đời; và kết thúc bài thơ tác giả trực tiếp bảy tỏ nỗi xót xa và cái nhìn ái ngại, cảm thương trước cảnh ngộ hiện tại của cô ca kỹ và niềm thổn thức trước lẽ đời.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Du giới thiệu cảnh ngộ của chính mình khi trở lại Thăng Long, sau nhiều năm phiêu bạt, trên đường đi sứ. Nhà thơ  nhận ra chốn phồn hoa, cảnh và người giờ đã khác xưa:

“Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
Huyền hạc quy lai kỷ cá tri”

(Nhân vật phồn hoa từ khi loạn lạc đã khác trước,
Chim hạc đen về nơi chốn xưa, không mấy người biết).

Ở hai câu đề tác giả đã rất tinh tế trong việc sử dụng nghệ thuật đối lập và dùng điển: ngay từ những câu đầu đã hoạ rõ nỗi mặc cảm cô đơn của nhân vật trữ tình. Nguyễn Du đường đường một vai Chánh sứ, vậy mà ông không ngại ví mình như một ẩn sĩ chốn rừng xanh ra. Hình ảnh “chim hạc đen” (huyền hạc) là nói cái ý ấy. Giữa chốn quen thuộc mà như người lạ, mấy ai người biết mình đã về lại nơi này. Mấy ngày dừng chân Thăng Long là khoảng thời gian Nguyễn sống phân thân giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi câu thơ đều song trùng thời gian. Nàng mặc áo hồng hồi trước hát ca uyển chuyển, giờ gặp lại ta đầu bạc, khóc nỗi lưu ly. Cái mất thì đã mất, như chậu nước đổ rồi không thu lại được nữa. Nhưng cái tình thì còn lưu luyến, như ngó sen gãy đường tơ vẫn dính. Mà sao nàng, nghe nói đã lấy người khác được ba con, vẫn còn mặc chiếc áo ngày ra đi. Nhìn chiếc áo, Nguyễn ái ngại, xót thương. Thăng Long, số phận một kinh thành, có trả lời được Nguyễn trước một màu áo không đổi của một nàng ca kĩ. Qua câu thơ có thể thấy Thăng Long vẫn là Thăng Long xưa; thế nhưng cứ nhìn vào đâu cũng thấy lạ, cũng thấy đâu đó là sự vô định, cô đơn. Trở lại Thăng Long những tưởng sẽ hòa nhập lại vào thế giới thân thuộc cũ nhưng rốt cuộc nhà thơ vẫn chỉ “một mình. Nỗi đau của nhà thơ đã trở nên da diết sâu sắc hơn khi ông nhận ra sự bơ vơ, cô độc của mình giữa dòng chảy cuộc đời. Giờ đây Thăng Long và ông, đôi bạn cố tri đã thành những người không quen biết. Ông tự ví mình như con chim hạc đen lênh đênh khắp bốn phương nay âm thầm trở về chốn cũ, không ai còn nhận được:

Phồn hoa nhân vật loạn lai phi,

Huyền hạc quy lai kỷ cá tri.

Tự hoạ con người mình trong cô đơn, dường như nhà thơ như muốn thu mình lại trong mặc cảm, tủi hờn. Chốn phồn hoa xưa cảnh và người đã đổi thay, chốn quen thành lạ, mình thành kẻ bơ vơ. Những tưởng con người ấy sẽ mãi ẩn mình trong mặc cảm cô đơn, với nỗi đau than thân trách phận. Nhưng trái tim thi sĩ vẫn ánh lên ngọn lửa đời rất ấm, vẫn mở hồn ra đón nhận những vang vọng của đời. Nguyễn Du đã đi từ cõi lòng ngổn ngang những thất vọng, khổ đau của riêng mình để đến với bao nhiêu khắc khoải của nhân sinh và cõi người. Trong đó, cung bậc buồn thương, đau đớn nhất chính là nỗi tiếc hận muôn đời trước số phận của những kiếp tài hoa. Về lại Thăng Long, gặp người ca kỹ, nỗi lòng nhà thơ thổn thức:

Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly

(Đã từng nghe giọng ca uyển chuyển khi nàng mặc áo hồng
Bạc đầu gặp lại nhau, khóc than nỗi li tán lưu lạc)

Hình ảnh người ca kỹ xuất hiện qua một vài chi tiết: sắc áo hồng và lời ca uyển chuyển khi xưa; gặp nhau lúc đầu bạc và trong tiếng khóc biệt li.

Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly

Nghệ thuật đối trong hai câu thực ở thể thơ Thất ngôn bát cú: vừa khắc hoạ rõ nét vẻ đẹp sắc- và tài của người ca kỹ, vừa làm nổi bật sự đối lập giữa xưa và nay, trẻ – già, xưa rực rỡ nay tàn tạ, thời trẻ hạnh phúc, huy hoàng nay buồn đau, tàn tạ… Khắc hoạ rõ nét thân phận bạc mệnh của người tài hoa và tiếng khóc cho người hoà cùng tiếng khóc thương cho cảnh ngộ của chính mình. Nếu hai câu đề giới thiệu khái quát những đổi thay của cảnh và người chốn quen thành lạ và nỗi ngậm ngùi bơ vơ của nhà thơ thì hai câu luận lại hướng về con người, người kĩ nữ. Cái đẹp một thời của người kỹ nữ được tác giả khắc hoạ kín đáo trong câu thơ “Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển”. Nếu như “hồng tụ”- chỉ áo của người ca nữ, gợi vẻ đẹp trẻ trung, thanh tú, gợi dáng vẻ duyên dáng, quyến rũ, hiện thân cho cái đẹp ở hương sắc thì “văn ca uyển chuyển” kết tinh cho vẻ đẹp của tài năng, tâm hồn. Người con gái ấy uyển chuyển, xinh đẹp trong bộ “ hồng tụ” để mang đến cho đời cho người tiếng hát hơn cả cũng là tiếng tơ lòng của chính mình. Âm nhạc là một sự diệu kì không thể thiếu được trong đời sống tình thần của con người. từng âm thanh điệu phách tình tứ cứ như thấm vào lòng người, làm rung động đến tận những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn. Tiếng đàn của người ca kỹ trong bài thơ chưa phải là khúc nhạc “Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh” (Một khúc đàn hay tuyệt từ trời đưa xuống thế gian) để trở thành “Hoán thủ Trường An vô giá bảo” (Nay Tràng An đã hun đúc được một báu vật vô giá) Cũng chẳng phải khúc Ngê Thường, Lục Yêu trong tiếng đàn của người kỹ nữ Tỳ bà Hành . Nhưng tiếng đàn ấy đã trở thành dấu ấn, miền nhớ chưa phai mờ trong nhà thơ họ Nguyễn giữa cơn tao loạn của đời thì có lẽ đủ thấy sức quyến rũ, mê hoặc và sức sống vượt thời gian của tiếng đàn, tài năng của người gảy đàn. Lời thơ là sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tài- sắc ở người phụ nữ, một điều hiếm thấy trong văn học trung đại. Nhưng cái đẹp vốn mong manh, giữa biến thiên dâu bể của cuộc đời lại càng ngắn ngủi. Lời thơ vừa vang vọng âm hưởng ngợi ca lại trùng xuống trong nỗi thổn thức nghẹn ngào tức tưởỉ. Vậy ra “hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển” kia là quá khứ, là thời trẻ, là cái đẹp rực rỡ, huy hoàng một thuở. Nay “bạch đầu” “loạn lai phi” nên “tương kiến khốc lưu li”. Khốc là khóc than, là đớn đau, là chua xót. Nghệ thuật đối lập ở hai câu thực gợi ra sự đối lập giữa  trẻ với già, quá khứ với hiện tại, xưa và nay, cái rực rỡ huy hoàng với héo úa tàn phai, niềm vui- nỗi buồn,  hạnh phúc với đớn đau, tủi hổ. Nghệ thuật đối và từ ngữ giàu tính biểu tượng đã gợi ra nhiều  tầng ý nghĩa. Có cái tình thân quen đến mức sâu nặng mới làm cho cả hai xúc động bật khóc khi gặp lại; có sự trân trọng ngợi ca tài -sắc của người ca kĩ và có cả nỗi niềm thổn thức trong phút giây tri ngộ. Giữa khung trời cô đơn của một Kinh thành Thăng Long đã trở thành đất lạ, chỉ còn nàng ca kĩ với Nguyễn Du còn là người tri kỷ, còn chứng giám tấm lòng cho nhau. Nguyễn Du đã tìm gặp mình nơi thân phận và cảnh ngộ của nàng ca kĩ kia. Thương người rồi ngẫm thương mình, ta – người cùng cảnh ngộ. Tất cả cộng hưởng thành nỗi đau dài, triền miên.
 Hướng về những con người bất hạnh trong xã hội cũ nhất là người phụ nữ, Nguyễn Du không viết về họ bằng cái cúi mình của tầng lớp trên nghiêng mình xuống tầng lớp dưới mà bằng tâm thế, tư thế của người trong cuộc, người cùng cảnh ngộ. Bằng tâm thế ấy, Nguyễn Du nhận thấy:

         Phúc bồn dĩ hỹ nan thu thủy,

         Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti.

         (Chậu đã lật úp rồi khó mà thu lại được nước,

         Ngó sen đã gãy thương ôi, tơ vẫn không dứt)

Nàng từng là người yêu của em, nhưng một lý do nào đó đã tan vỡ như chậu nước đổ, không hàn gắn lại được, nhưng lòng vẫn còn vấn vương. Nhờ phép đối của thể thơ Thất ngôn bát cú ở hai câu luận, Nguyễn Du đã phản ánh điều thường tình của đời người: tình yêu của con người mong manh, dễ tan vỡ. Lại giữa những cơn biến động dữ dội của xã hội, những biến cố lớn lao của gia đình họ Nguyễn, tình kia chỉ thoảng qua. Phép tiểu đối trong câu thơ tô đậm nỗi niềm thổn thức nhói đau của nhà thơ trước thực tại phũ phàng. Không chỉ là những tan vỡ trong mỗi tình của người em với cô ca kĩ, mà dường như còn ẩn chứa cả sự đỗ vỡ ở chính nhà thơ.  Một sự đổ vỡ, tan nát sau khi Nguyễn Du chạy trốn khỏi Thăng Long, nơi trung tâm của biến loạn.

Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti

(Ngó sen đã gãy thương ôi, tơ vẫn không dứt).

Duyên đã đoạn mà tình còn vương. Nói về tình nghĩa của người ca kỹ cũ của em, nhưng chính Nguyễn Du đã đề cập đến một quan hệ tinh thần rộng lớn hơn cả chuyện riêng tư của em mình. Qua biểu tượng người ca kỹ, nhà thơ vụt nhìn ra giữa Thăng Long những thứ quý giá chưa mai một mà ông mặc nhiên coi mình thuộc về cái phần sót lại ấy.

Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử,
Khả liên do trước khứ thời y.

(Nghe nói nàng lấy người khác đã có ba con,
Đáng ái ngại là vẫn mặc chiếc áo ngày ra đi).

Nàng ca kỹ tài sắc của người em nhà thơ, khi đi lấy chồng còn mang tấm áo hồng của thời hoàng kim nhưng bản thân nhà thơ trở về gặp lại Thăng Long chỉ còn mái  “đầu bạc”. Bao nhiêu day dứt, ân hận dồn nén đằng sau hình ảnh tương phản đầu bạc/áo hồng! Trong cái nhìn của Nguyễn Du, sự khác biệt giữa xưa và nay ở người con hát mà ông từng quen biết đã bật lên qua hai sắc màu: màu hồng của ống tay áo (hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển) và màu trắng của mái đầu (bạch đầu tương kiến khốc lưu ly). Đó cũng là sự khác biệt giữa tuổi trẻ và tuổi già, giữa cường tráng và lão suy. Tàn tạ theo thời gian, xét cho cùng, cũng là lẽ thường. Nhưng thời gian của sự tàn tạ, như nhà thơ đã xác định trong câu đầu bài thơ, là thời loạn. Vì thế sự tàn tạ không còn là sự tàn tạ tự nhiên nữa: nó là con người bị vò nhàu bởi hoàn cảnh.

Câu cuối, hình ảnh người con hát đã “ba con”, mặc “chiếc áo ngày trước” (khứ thời y) nhuốm một niềm chua chát và thương cảm: cái áo như một nỗ lực vãn hồi đầy tuyệt vọng, lại như một tiếng cười mỉa của quá khứ vàng son trước hiện tại tang thương.

Có lẽ, điều Nguyễn Du nhấn mạnh không chỉ có thế mà ông còn muốn gợi nhắc tình cảnh trớ trêu của những con người dẫu trải qua phong ba bão táp không bên nào giữ được nguyên lành nhưng trong lòng thì vẫn nguyên tấm tình tri ngộ một thuở. Vậy là giữa biến thiên dâu bể của cuộc đời, biết bao vật đổi sao dời thì tình vẫn vẹn nguyên.  Nguyễn Du thổn thức, xót xa trước cái đẹp đã không còn tồn tại. Cái nhìn của ông xuyên ngược thời gian để khóc cho chiếc áo cũ, cho tiếng đàn xưa, chút chua xót, vương vấn, tiếc nuối.

Thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với nghệ thuật đối ở các cặp câu thực và luận, lời thơ trang nhã, giàu tính hình tượng Nguyễn Du đã thể hiện rõ “tấm lòng” của mình trước cuộc đời, trước con người.  Qua bài thơ Tố Như đã thể hiện niềm đồng cảm, xót thương trước số phận bất hạnh của người phụ nữ, – những kiếp hồng nhan mà bạc mệnh. Đó còn là sự trân trọng, tri âm của nhà thơ trước tài năng, vẻ đẹp của con người. Đồng thời bài thưo cũng toát lên tiếng nói tự thương của một cái tôi vừa cô đơn, bơ vơ lạc lõng nơi cõi thế, vừa đau đớn, day dứt trước biến thiên dâu bể của cuộc đời, trước sự cái mong manh, khó bền chặt của tình đời.. Bấy nhiêu suy tư, day dứt khôn nguôi về thân phận mình, thân phận người phụ nữ tài hoa cũng cho ta thấy vẻ đẹp của trí tuệ và trái tim, tiếng nói của lương tri và ý thức cá nhân sâu sắc tiềm tàng trong con người Nguyễn Du.

Kết bài

Văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường). Có lẽ trái tim nhạy cảm của Tố Như luôn “mở lòng ra đón lấy những vang động của đời”, viết “bằng tim, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn” đã trả cho đời trang thơ thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Ngộ gia đệ cựu ca cơ đã tiếp nối mạch cảm hứng lớn, xuyên suốt sáng tác của Nguyễn Du- niềm thương cảm, lòng trân trọng dành cho những đấng tài hoa và trở thành tác phẩm đặc sắc kết tinh cho tương tưởng đó. Trên hành trình đi sứ, nhà thơ đã dành cả tâm hồn cho vấn đề thiết yếu nhất – quyền sống cho con người; thân phận của tài hoa. Đó là lựa chọn của một trái tim sáng suốt chưa bao giờ nhầm lẫn khi đối diện với những vấn đề muôn thủa của cõi nhân sinh. Nguyễn Du đã hòa vào mạch sống của những kiếp người nghèo khó, khổ đau, bất hạnh, đã nối tiếp sợi dây liên tài, liên tình được giăng mắc qua hàng trăm năm, ngàn năm – cho con người vơi bớt những cô đơn, sầu hận; cho tình người còn mãi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *