THƠ VĂN NGUYỄN DU
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm) – Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
1. Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. 5. Đường bạch dương bóng chiều man mác, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. |
Hương khói đã không nơi nương tựa, Hồn mồ côi lần lữa đêm đen, 15. Còn chi ai quí ai hèn, 20. Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương. |
(Bài văn chiêu hồn của Nguyễn Du là một bài văn tế dài 184 câu được viết theo thể song thất lục bát. Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn).
Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận bên dưới)
Câu 1(0,5đ). Xác định thể thơ của đoạn trích trên.
Câu 2(0,5đ). Thời gian nào được nhắc tới trong đoạn trích?
Câu 3(0,5đ). Đối tượng chiêu hồn trong đoạn trích trên là ai?
Câu 4(0,5đ). Nêu hai biện pháp tu từ sử dụng trong đoạn trích.
Câu 5(1.0đ). Nhận xét về tình cảm, thái độ của nhà thơ với những con người được nhắc đến trong hai câu thơ sau:
“Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.”
Câu 6 (1.0đ). Chỉ ra tác dụng của các từ láy trong đoạn thơ sau:
“Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.”
Câu 7(1.0đ). Nêu ý nghĩa nhan đề “Văn chiêu hồn”
Câu 8(1.0đ). Viết đoạn văn 7 – 10 dòng về khổ thơ mà em ấn tượng nhất trong đoạn trích.
II. LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Thể thơ: Song thất lục bát
Câu 2: tháng 7 âm lịch
Câu 3: đối tượng chiêu hồn là:
“Thập loại chúng sinh”
Câu 4: Hai bptt chủ yếu: liệt kê, phép điệp/ đối
Câu 5: thái độ và tình cảm của nhà thơ:
Thương xót những số phận đau khổ, bất hạnh từ khi họ còn sống tới khi họ đã mất ( 10 loại người khốn khổ nhất).
Nỗi lòng đồng cảm, trân trọng với những số phận bất hạnh tới khi họ chết vẫn “hồn đơn phách chiếc”.
Đề cao giá trị nhân đạo.
Câu 6:
Các từ láy: “man mác”, “lác đác”, “thiết tha”
Tác dụng:
+ nhà thơ sử dụng các từ láy nhằm tăng giá trị biểu cảm, gợi hình ảnh sinh động, tạo giá trị thẩm mỹ
+ những câu thơ gợi không gian tháng 7 u ám, vắng vẻ, buồn bã, đau thương, nỗi lòng tha thiết, sầu bi cả hai không gian: cõi âm và cõi dương…
Câu 7: Ý nghĩa nhan đề “Văn chiêu hồn”:
“Văn chiêu hồn – văn tế thập loại chúng sinh” là bài văn cúng 10 loại người đã chết chịu nhiều bất hạnh, khổ đau
“chiêu hồn- gọi hồn” của họ về được hưởng chút an ủi, sự quan tâm, yêu thương à đề cao giá trị nhân đạo.
Câu 8: – Hs trình bày ý kiến qua đoạn thơ lựa chọn (ít nhất 2 câu thơ)
– Hs viết đoạn văn bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận, sự ấn tượng của bản thân qua đoạn thơ lựa chọn.
PHẦN VIẾT (4đ)
Mở bài:
– Giới thiệu chung về “Văn chiêu hồn”. (Nguyễn Du là người có trái tim lớn “chứa được bấy nhiêu tình thương nhân loại” và xã hội Lê mạt chính là nguồn nung nấu để hình thành nên tác phẩm Văn chiêu hồn thấm đấm tình người)
– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết
Cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du về những kiếp người bất hạnh qua đoạn thơ: “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
………………………..
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.”
Thân bài:
* Nhan đề
“Văn chiêu hồn – văn tế thập loại chúng sinh” là bài văn cúng 10 loại người đã chết chịu nhiều bất hạnh, khổ đau
“chiêu hồn- gọi hồn” của họ về được hưởng chút an ủi, sự quan tâm, yêu thương à đề cao giá trị nhân đạo.
* Khái quát cấu tứ, phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của đoạn thơ
– Tác phẩm “Văn chiêu hồn” tuy là một bài văn khấn tế, hình thức mang tính chất tôn giáo trong văn học Việt Nam nhưng nó được viết theo thể thơ song thất lục bát với 184 câu. Nhà thơ sử dụng vần điệu linh hoạt, truyền cảm, có tác dụng khơi dậy lòng trắc ẩn từ phía người đọc, người nghe. Lời văn của Nguyễn Du tràn ngập tình yêu thương, thông cảm, thấm được tình cảm nhân đạo.
– Đoạn trích trên có 24 câu thơ song thất lục bát với lời dẫn dắt chiêu hồn và lý do viết lời văn thống thiết ấy qua 8 dòng đầu; 12 dòng tiếp theo là tâm trạng đau thương, xót xa và con đường giải thoát của những kiếp người bất hạnh. Tựu chung lại, tình cảnh bi thương và nỗi niềm cảm thông sâu sắc được cụ Nguyễn gửi gắm trong đoạn thơ.
* Hình ảnh, chi tiết
– Hình ảnh “tiết tháng 7 mưa dầm sùi sụt” cộng hưởng với “lạnh toát xương khô” càng nhấn mạnh không gian buồn bã, sầu thảm.
– Các từ láy “man mác”, “lác đác”, “thiết tha” vừa tăng giá trị biểu cảm, gợi hình ảnh sinh động, tạo giá trị thẩm mỹ; lại khơi gợi không gian tháng 7 u ám, vắng vẻ, buồn bã, đau thương, nỗi lòng tha thiết, sầu bi cả hai không gian: “cõi âm và cõi dương”.
– Đối tượng thương xót là “thập loại chúng sinh” với “hồn đơn phách chiếc”, “không nơi nương tựa”, “hồn mồ côi” đều gợi lên số phận bi đát, bất hạnh mà bài tế hướng tới.
– Con đường định hướng cho những số phận bất hạnh theo ngã từ bi của đạo “Phật từ bi” cứu rỗi từ nước “tĩnh bình” đưa về cõi “tây phương”. Con đường đó giúp kẻ “hiền – dữ’ đều được soi sáng, được yên lòng, được thanh thản…
tình yêu thương bao la, sự cảm thông sâu sắc
* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)
– thể thơ song thất lục bát
– sử dụng phép đối
– sử dụng từ láy nhuần nhuyễn
* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật
Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.
Văn học là một trường đời, đọc thơ văn hay, tự nhiên ta liên hệ với những kinh nghiệm bản thân đã thu lượm được, do đó mà những tác phẩm lớn mới lộ được hết cái sâu sắc. Bài “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du không phải đợi ta đẩy lùi trí tưởng tượng vào quá khứ mới hay, mà đến hàng trăm năm sau, tác phẩm này vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “Văn chiêu hồn” cùng với “Truyện Kiều” đã bất tử hoá tên tuổi của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Bài viết tham khảo:
Nguyễn Du là người có trái tim lớn “chứa được bấy nhiêu tình thương nhân loại” và xã hội Lê mạt chính là nguồn nung nấu để hình thành nên tác phẩm “Văn chiêu hồn” thấm đấm tình người. Cái nhìn nhân đạo sâu sắc ấy của Nguyễn Du về những kiếp người bất hạnh qua đoạn thơ:
“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
………………………..
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.”
Tác phẩm “Văn chiêu hồn” có tên khác là “Văn tế thập loại chúng sinh”, nghĩa là bài văn cúng 10 loại người đã chết chịu nhiều bất hạnh, khổ đau. “Chiêu hồn là gọi hồn” của người đã khuất trở về để họ được hưởng chút an ủi, sự quan tâm, yêu thương. Tác phẩm đề cao giá trị nhân đạo sâu sắc.
Tác phẩm “Văn chiêu hồn” tuy là một bài văn khấn tế, hình thức mang tính chất tôn giáo trong văn học Việt Nam nhưng nó được viết theo thể thơ song thất lục bát với 184 câu. Nhà thơ sử dụng vần điệu linh hoạt, truyền cảm, có tác dụng khơi dậy lòng trắc ẩn từ phía người đọc, người nghe. Lời văn của Nguyễn Du tràn ngập tình yêu thương, thông cảm, thấm được tình cảm nhân đạo. Riêng doạn trích trên có 24 câu thơ song thất lục bát với lời dẫn dắt chiêu hồn và lý do viết lời văn thống thiết ấy qua 8 dòng đầu; 12 dòng tiếp theo là tâm trạng đau thương, xót xa và con đường giải thoát của những kiếp người bất hạnh. Tựu chung lại, tình cảnh bi thương và nỗi niềm cảm thông sâu sắc được cụ Nguyễn gửi gắm trong đoạn thơ.
Nguyễn Du đã mượn cái phong tục “ rằm tháng bảy” – ngày xá tội vong nhân” làm cái nguyên cớ tế cúng âm hồn. Kết hợp với từ láy “sùi sụt” vừa chỉ cơn ngâu trời đất vừa tả cơn ngâu của lòng người. Tiếng khóc thương bi thảm kết hợp với hình ảnh “lạnh buốt xương khô” càng khiến khống khí buổi chiều thêm “não người”. Có lẽ, tâm niệm của Nguyễn Du làm hộ cho các thầy phù thủy; bởi trong dịp ấy người ta rất cần một bài đề đọc và cúng; nhưng thực chất là mượn một yêu cầu của phong tục làm cớ để nói cái chủ nghĩa nhân đạo của mình, nói sự quan tâm của mình đến vấn đề chết sống, để một lần nữa lại đặt cái cầu hỏi day dứt mà thời đại ấy không trả lời được: “Kiếp người ai oán”.
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Sự nổi bật của cái nhìn hiện thực sâu sắc ở Nguyễn Du được khơi gợi từ các từ láy như “man mác” của cảnh chiều u ám, buồn bã. Từ láy đó còn được làm rõ của không gian vắng vẻ “lác đác” và lòng người “thiết tha”:
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Dù là cõi trần bi an oán khổ não, hay cõi âm mịt mù, đau thương, họ đều đang khốn khổ. Sự đúc rút “Cõi dương còn thế nữa là cõi âm” càng làm rõ cái nhìn thấu mọi cõi của Nguyễn Du. Mà càng thấu càng “đau đớn lòng”.
Lời xót thương thấu tận tâm can của “thập loại chúng sinh”. Nói là “thập loại” nhưng bài văn đã kể ra cả thảy 16 nghiệp cảnh. Chữ “mười” ở đây không phải là số đếm thông thường mà là tiếng tượng trưng cho sự rộng khắp, toàn vẹn như trong cách nói “mười phân vẹn mười”, “nhân vô thập toàn”… Từ đó ta càng thấy rõ cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Đối tượng thương xót là “thập loại chúng sinh” với “hồn đơn phách chiếc”, “không nơi nương tựa”, “hồn mồ côi” đều gợi lên số phận bi đát, bất hạnh mà bài tế hướng tới. Rõ ràng, sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc từ tâm của “nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” đã giúp từ bi ngã Phật, định hướng thấu suốt cho những mảnh đời bất hạnh, đáng thương.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.
Con đường định hướng cho những số phận bất hạnh theo ngã từ bi của đạo “Phật từ bi” cứu rỗi từ nước “tĩnh bình” đưa về cõi “tây phương”. Con đường đó giúp kẻ “hiền – dữ’ đều được soi sáng, được yên lòng, được thanh thản. Nhờ cái tâm trong sáng, nhờ cái nhìn thấu suốt mà soi rọi tình yêu bao la của Nguyễn Du với mọi kiếp nhân sinh. Nguyễn đã lấy Phật làm lòng để siêu thoát thập loại chúng sinh trong luân hồi. Đoạn đầu của bài văn tế này là một lời cảnh báo cho thế gian đáng để mọi người suy ngẫm.
Tuy là một bài văn khấn tế, hình thức mang tính chất tôn giáo trong văn học Việt Nam, song Nguyễn Du đã lựa chọn thể loại song thất lục bát khiến vần điệu linh hoạt, truyền cảm, đồng thời, nó có tác dụng khơi dậy lòng trắc ẩn từ phía người đọc, người nghe. Từ đó, “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du tràn ngập tình yêu thương, thông cảm. Ngoài một vài phương ngữ và điển tích nhà Phật, nhìn chung bài văn dễ hiểu, dễ cảm thụ bởi giọng thơ cuộn chảy theo những biến tấu bất ngờ của nhịp câu song thất. Tác phẩm còn được đánh giá là tác phẩm song thất lục bát duy nhất sử dụng dày đặc và rất độc đáo thủ pháp tiểu đối, sử dụng nhuần nhuyễn phép điệp và linh hoạt, tài hoa trong ngôn ngữ, đặc biệt là sự biến tấu đa nghĩa của các từ láy. Tóm lại, dù chỉ qua đoạn đầu của tác phẩm, song, dư vị độc đáo cùng cái nhìn hiện thực và chiều sâu nhân đạo giúp “Văn chiêu hồn” trở thành tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Du.
Quả thật, văn học là một trường đời, đọc thơ văn hay, tự nhiên ta liên hệ với những kinh nghiệm bản thân đã thu lượm được, do đó mà những tác phẩm lớn mới lộ được hết cái sâu sắc. Bài “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du không phải đợi ta đẩy lùi trí tưởng tượng vào quá khứ mới hay, mà đến hàng trăm năm sau, tác phẩm này vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “Văn chiêu hồn” cùng với “Truyện Kiều” đã bất tử hoá tên tuổi của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.