Đề đọc hiểu và nghị luận về thơ văn Nguyễn Du, Tâm sự Vương ông, nỗi lòng Thúy Kiều

THƠ VĂN NGUYỄN DU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:
Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời,
Này ai vu thác cho người hợp tan!
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già.
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!
Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.
Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:
Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,(1)
Lại thua ả Lý bán mình hay sao? (2)
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
Lòng tơ dù chẳng dứt tình,
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.
Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một thiệt mình là hai.
Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang.

( Câu 655-685, trích “ Truyện Kiều”- Nguyễn Du)

Chú thích( Cước chú):

Đề Oanh:Theo Hán thư, cha nàng Đề Oanh phạm tội cung hình, nàng dâng thư lên tâu vua Văn đế xin chuộc tội cho cha. Vua cảm động tấm lòng hiếu thảo mà tha tội cho cha nàng.

    (2)Lý Ký :Theo Đường Tùng thư, nàng Lý Ký nhà nghèo, tình nguyện đem thân vào cung thần rắn để lấy tiền cứu cha mẹ. Về sau nàng lấy được thần rắn rồi lấy được Việt vương.

* Đây là lúc gia đình Kiều vừa gặp cơn gia biến, Kiều đã bán mình cứu cha và em, khi biết sự tình, cha nàng đòi chết để không làm phiền các con.

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận bên dưới)

Câu 1: Đoạn trích thuộc phần nào của mô hình tổ chức truyện thơ Nôm?

Câu 2: Đoạn trích là cuộc đối thoại giữa các nhân vật nào?

Câu 3: Chỉ ra đâu là lời của người kể chuyện trong đoạn trích?

Câu 4: Người kể chuyện ở ngôi thứ mấy? Điểm nhìn trong đoạn trích có đặc điểm gì?

Câu 5: Các hình ảnh: nàng Oanh, ả Lý trong đoạn trích thể hiện đặc điểm gì của truyện Nôm bác học?

Câu 6: Nội dung chính của đoạn trích là gì?

Câu 7: Đoạn trích thể hiện những phẩm chất nào của nhân vật Thúy Kiều?

Câu 8: Thông điệp có ý nghĩa nhất em rút ra sau khi đọc đoạn trích trên là gì? Vì sao?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: : Đoạn trích thuộc phần hai: chia li của mô hình tổ chức truyện thơ Nôm (Gặp gỡ- Chia li – Đoàn tụ)

Câu 2: Đoạn trích là cuộc đối thoại giữa nhân vật Vương ông và Thuý Kiều

Câu 3: Lời của người kể chuyện:

– Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:

– Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.
Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:
– Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang.

Câu 4: – Người kể chuyện ở ngôi thứ  ba.

Điểm nhìn trong đoạn trích có đặc điểm di động từ người kể chuyện sang các nhân vật.

Câu 5: Các hình ảnh: nàng Oanh, ả Lý trong đoạn trích thể hiện đặc điểm  của truyện Nôm bác học là: sùng cổ- sử dụng nhiều điển cố điển tích.

Câu 6: Nội dung chính của đoạn trích là:

Tái hiện nỗi lòng đau xót của Vương ông khi chứng kiến cảnh con gái phải bán mình chuộc cha và tấm lòng hiếu thảo của Kiều.

Câu 7: Đoạn trích thể hiện những phẩm chất của nhân vật Thúy Kiều:

Người con hiếu thảo

Người con có trách nhiệm với gia đình, với người thân của mình

Người có đức hi sinh

Câu 8: – Thông điệp rút ra ( ví dụ): Trong những hoàn cảnh đặc biệt của gia đình, lòng hiếu thảo sẽ giúp ta sống có ý nghĩa

Vì : Chỉ khi biết hiếu thảo, ta mới thực sự nên người, mới trở thành người tốt. Đồng thời cũng nhờ thế, tâm hồn ta sẽ được vui vẻ, nhẹ nhàng. Và sẽ được mọi người yêu quý, trân trọng.

 LÀM VĂN

(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Mở bài:

– Giới thiệu chung về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm “ Truyện Kiều”, đoạn trích từ câu 655-685,

– Xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết:

+ Nỗi lòng của người cha và tấm lòng, phẩm chất của nàng Kiều

Thân bài:

* Giới thiệu tác giả, “Truyện Kiều”

–  Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và văn chương. Cuộc đời của ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX. Nguyễn Du từng sống phiêu bạt mười năm trên đất Bắc sau đó về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh rồi ra làm quan bất đắc dĩ với triều Nguyễn.

-“Truyện Kiều” là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện thơ Nôm theo thể thơ lục bát gồm 3254 câu. “Truyện Kiều” dựa vào cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã sáng tạo nên “Truyện Kiều” của người Việt.

“Truyện Kiều” lấy bối cảnh năm Gia Tĩnh triều Minh (Trung Quốc) để phản ánh xã hội phong kiến Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX. Truyện kể về mười lăm năm lưu lạc đầy đau khổ, tủi nhục của người con gái tài hoa tuyệt sắc Thúy Kiều do bị các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến bất công đầy đọa.Nguyễn Du bằng tài năng và sự sáng tạo , đặc biệt là việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật, ông đã làm cho các nhân vật sống hơn, sâu sắc hơn và tác phẩm trở thành một bách khoa toàn thư của muôn vàn tâm trạng.

* Khái quát,  phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

– Đứng trước tình cảnh” bên tình bên hiếu”, Kiều đã quyết định “làm con trước phải đền ơn sinh thành”, nàng đã bán mình cho  Mã Giám Sinh. Nỗi đớn đau của Kiều được cha biết khi ông về đến nhà. Ông buồn bã, ruột đau như cắt từng khúc:

Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:

Hai câu thơ trong lời của người kể chuyện, Nguyễn Du đã giúp ta thấy rõ hơn nỗi lòng của Vương ông.. Các từ “máu sa” , “ruột rầu” :Vương ông than khóc cho số phận của gia đình mình:

Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời,
Này ai vu thác cho người hợp tan!
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già.
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!

Vương ông  mong muốn: “Nuôi con những ước về sau” con mình được “Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.”,“trao tơ” “vu thác” –  “hợp tan”; “Nỡ đầy đọa trẻ” – “càng oan khốc già”. Lời thơ với nghệ thuật tiểu đối rất chỉnh đã tái hiện chân thực thế giới nội tâm của nhân vật. Càng nói nỗi đau càng lớn, sau đó ông đã nghĩ “bao quản thân tàn” và đi đến quyết định “Một lần sau trước cũng là/Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau”. Và ngay sau đó ông đã đập đầu vào tường:

“Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.

Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:”

Bốn câu thơ là lời của người kể chuyện đã cho ta thấy tình cảnh hiện tại của cha con Thuý Kiều.
“Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.”

Trong lời Kiều nói với cha, ở hai câu này, ta nhận ra tấm lòng hiếu thảo của nàng. Hình ảnh”tóc tơ” gợi sự nhỏ bé, và càng bé nhỏ hơn khi nó được đặt trong câu thơ. Từ đây bộc lộ ý thức sâu sắc của Kiều về đạo làm con “ trước phải đền ơn sinh thành”, nhưng nàng đến giờ, một việc rất nhỏ cũng chưa làm để báo đáp công ơn trời biển của mẹ cha. Vì thế, nàng tự thấy:
“Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?”

Hai câu thơ có nhắc đến hai điển cố, điển tích “ nàng Oanh”, “ ả Lý”. =>Nhắc đến hai điển tích này, tác giả vừa cho ta thấy tấm lòng cao đẹp của Kiều- nàng muốn báo đáp công ơn sinh thành, vừa thể hiện vốn hiểu biết của nàng, cũng là vốn kiến thức uyên bác của đại thi hào N. Du, cùng tấm lòng trân trọng mà tác giả dành cho nhân vật của mình.

Trong lời của Kiều ta còn nhận ra sự thấu hiểu cho hoàn cảnh của mẹ cha:

“Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.”

Các hình ảnh giàu tính ước lệ tượng trưng “cỗi xuân”,  “tuổi hạc” =>vẻ đẹp của tấm lòng vị tha của Kiều. Tiếp lời, nàng phân tích ngọn ngành:
“Lòng tơ dù chẳng dứt tình,
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây
Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.

Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một thiệt mình là hai.”

. Hình ảnh “gió mưa” gợi ra biết bao ngang trái tai hoạ đang trực chờ ập đến, còn bốn tiếng “tan tành nước non”=>. Lời phân tích thấu tỏ tâm can đã giúp  Vương ông  phần nào nguôi ngoai đau đớn, dằn vặt.
– Điểm nhìn của người kể chuyện, ta thấy Vương ông như đã bình tĩnh hơn dù nỗi xót xa cho con cho mình vẫn giằng xé tâm can ông:
“Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang”

lấp lánh vẻ đẹp nhân cách của nàng, thêm trân trọng, cảm phục người con gái đạo hiếu vẹn toàn.

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, BPTT…)

Với điểm nhìn toàn tri của người kể chuyện ở ngôi thứ ba, N Du đã cho ta có cái nhìn khách quan hơn, bao quát hơn về tình cảnh cũng như nỗi niềm của hai cha con nàng Kiều. Hơn nữa, điểm nhìn ấy luôn di động . lúc là lới người kể chuyện, lúc là lời hai cha con Kiều khiến thế giới nội tâm nhân vật được soi chiếu sâu hơn. Cùng  với đó là những câu thơ dày đặc hình ảnh giàu sức gợi, những điển cố điển tích khiến ý thơ càng thêm sâu sắc, cô đọng. Thế thơ lục bát nhẹ nhàng, giàu tính nhạc cứ thế xoáy sâu vào lòng người đọc nỗi niềm cha con Thuý Kiều trước cơn gia biến

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

-Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo và coi trọng đồng tiền. Đặc biệt tác phẩm còn khắc họa số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến – dù có tài năng nhưng không được làm chủ cuộc đời của mình, phải chịu nhiều cay đắng, khổ cực.

-Tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người.Tiếng nói khẳng định đề cao tài năng, nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người: khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc…Bài ca về tình yêu tự do, thủy chung cũng như ước mơ về một xã hội công bằng.

-Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của đoạn trích và ý nghĩa cúa nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.

Đoạn trích đã góp phần khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc cũng như tài năng kiệt xuất của Nguyễn Du trong việc tái hiện thế giới nội tâm của nhân vật trong “ Truyện Kiều”

*Bài viết tham khảo:

Đúng như nhà văn Tô Hoài đã nói: “ Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”! Khi  đến với tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du , ta nhận ra ngay sau đó là những trăn trở của nhà văn về cuộc sống, con người và thời đại, đặc biệt là những đau khổ mà Kiều phải gánh chịu và phẩm chất cao đẹp đáng trân trọng của Kiều, cũng như tài năng và tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du. Tất cả những thông điệp cao đẹp giàu ý nghĩa ấy được thể hiện rõ nét trong đoạn trích Kiều đối thoại với cha sau khi bán mình lấy tiền cứu cha và em thoát khỏi chốn ngục tù từ câu 655-685 trong 3254 câu thơ lục bát của “Truyện Kiều”

Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng và văn chương. Cuộc đời của ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX. Nguyễn Du từng sống phiêu bạt mười năm trên đất Bắc sau đó về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh rồi ra làm quan bất đắc dĩ với triều Nguyễn. Chính những biến động lịch sử đó đã tác động đến tâm hồn và tư tưởng của Nguyễn Du. Ông để lại sự nghiệp văn học đồ sộ với những tác phẩm có giá trị lớn, tiêu biểu là “Truyện Kiều”.

“Truyện Kiều” là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện thơ Nôm, là tập đại thành , đại diện cho quốc hồn quốc tuý của dân tộc.“Truyện Kiều” dựa vào cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), bằng tài năng của mình, Nguyễn Du đã sáng tạo nên “Truyện Kiều” của người Việt.“Truyện Kiều” lấy bối cảnh năm Gia Tĩnh triều Minh (Trung Quốc) để phản ánh xã hội phong kiến Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX. Truyện kể về mười lăm năm lưu lạc đầy đau khổ, tủi nhục của người con gái tài hoa tuyệt sắc Thúy Kiều do bị các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến bất công đầy đọa.Nguyễn Du bằng tài năng và sự sáng tạo , đặc biệt là việc khai thác thế giới nội tâm nhân vật, ông đã làm cho các nhân vật sống hơn, sâu sắc hơn và tác phẩm trở thành một bách khoa toàn thư của muôn vàn tâm trạng

Đứng trước tình cảnh” bên tình bên hiếu”, Kiều đã quyết định “làm con trước phải đền ơn sinh thành”, nàng đã bán mình cho  Mã Giám Sinh. Nỗi đớn đau của Kiều được cha biết đến khi  ông về đến nhà .Ông buồn bã, ruột đau như cắt từng khúc:

Thương tình con trẻ cha già,
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dàu:

Hai câu thơ trong lời của người kể chuyện, Nguyễn Du đã giúp ta thấy rõ hơn nỗi lòng của Vương ông.Vvới cương diện là một người cha, ông không thể chăm sóc bảo vệ cho con mà là con mình phải chịu khổ bán mình để giúp ông thoát nạn. Các từ “máu sa” , “ruột rầu” để diễn tả cái nhìn của Vương ông dành cho con gái, nghĩ đến cảnh phải xa con, không biết con sau này sống tốt hay không khiến một người cha như ông lòng đau như cắt. “Máu sa” là một từ xuất phát từ điển tích, điển cố nghĩa là khóc thương, nước mắt thảm thiết như rỉ máu. Còn “ruột rầu”, “rầu” là nhàu nát , cả từ có nghĩa là buồn rầu, đau xót như ruột bị nhàu nát.

Ngay sau đó,Vương ông than khóc cho số phận của gia đình mình:

Nuôi con những ước về sau,
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời,
Này ai vu thác cho người hợp tan!
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già.
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!

Như bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào, Vương ông luôn mong muốn “Nuôi con những ước về sau” con mình được “Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.”. Hai từ “trao tơ” xuất phát từ một điển tích cụm từ “trao tơ phải lứa” ý chỉ gả cho người xứng đôi vừa lứa.Vương ông thấy rằng Mã Giám Sinh không xứng đôi vừa lứa với Kiều. “Gieo cầu” ý chỉ kén chồng, Vương ông muốn Thuý Kiều tìm được người chồng xứng đáng. Lời thơ bộc lộ nỗi lòng thương yêu con vô hạn cũng là khát vọng chân chính của bậc sinh thành về tương lai cuộc đời của con. Vậy mà, bỗng đâu “Này ai vu thác cho người hợp tan!”, ông than  trách “Trời làm chi cực bấy trời”. Hai tiếng “trời” xuất hiện ở đầu và cuối câu thơ khiến lời than càng thêm ai oán, cho thấy nỗi đau bầm gan, tím ruột của một người cha phải bất lực nhìn con mình rơi vào tình cảnh trái ngang. Đâu chỉ có thế, cũng trong lời Vương ông, ta nhận ra biết bao dằn vặt nội tâm của nhân vật, nào là “vu thác” đối với “hợp tan”; “Nỡ đầy đọa trẻ”  đối với “càng oan khốc già”. Lời thơ với nghệ thuật tiểu đối rất chỉnh đã tái hiện chân thực thế giới nội tâm của nhân vật. Càng nói nỗi đau càng lớn, sau đó ông đã nghĩ “bao quản thân tàn” và đi đến quyết định “Một lần sau trước cũng là/Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau”. Và ngay sau đó ông đã đập đầu vào tường:

“Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.

Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:”

Bốn câu thơ là lời của người kể chuyện đã cho ta thấy tình cảnh hiện tại của cha con Thuý Kiều. Người cha tìm đến cái chết để con mình đỡ khổ. Tấm lòng yêu thương con của ông khiến người đọc thêm xúc động. Còn Kiều, cõi lòng tan nát khi chứng kiến nghịch cảnh trớ trêu của gia đình, nàng đã lựa lời khuyên cha:
“Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.”

Trong lời Kiều nói với cha, ở hai câu này, ta nhận ra tấm lòng hiếu thảo của nàng. Hình ảnh “tóc tơ” gợi sự nhỏ bé, và càng bé nhỏ hơn khi nó được đặt trong câu thơ. Từ đây bộc lộ ý thức sâu sắc của Kiều về đạo làm con “ trước phải đền ơn sinh thành”, nhưng nàng đến giờ, một việc rất nhỏ cũng chưa làm để báo đáp công ơn trời biển của mẹ cha. Vì thế, nàng tự thấy:
“Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?”

Hai câu thơ có nhắc đến hai điển cố, điển tích “ nàng Oanh”, “ ả Lý”. Tấm gương thứ nhất trong Hán thư,về việc cha nàng Đề Oanh phạm tội cung hình, nàng dâng thư lên tâu vua Văn đế xin chuộc tội cho cha. Vua cảm động tấm lòng hiếu thảo mà tha tội cho cha nàng. Còn tấm gương tiếp trong Đường Tùng thư, kể về việc nàng Lý Ký nhà nghèo, tình nguyện đem thân vào cung thần rắn để lấy tiền cứu cha mẹ. Về sau nàng lấy được thần rắn rồi lấy được Việt vương. Cả hai điển tích đều cho thấy tấm lòng hiếu thảo của nữ nhi xưa. Nhắc đến hai điển tích này, tác giả vừa cho ta thấy tấm lòng cao đẹp của Kiều- nàng muốn báo đáp công ơn sinh thành, vừa thể hiện vốn hiểu biết của nàng, cũng là vốn kiến thức uyên bác của đại thi hào N. Du, cùng tấm lòng trân trọng mà tác giả dành cho nhân vật của mình.

Không chỉ có thế, trong lời của Kiều ta còn nhận ra sự thấu hiểu cho hoàn cảnh của mẹ cha:

“Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.”

Cách dùng những từ ngữ, hình ảnh giàu tính ước lệ tượng trưng “cỗi xuân”,  “tuổi hạc” đi cùng với hai tiếng “ càng cao” ta nhận ra Kiều lo lắng cho cha mẹ tuổi cao sức yếu  lại chưa một lần được nghỉ ngơi, hơn nữa còn phải “gánh vác biết bao nhiêu cành”.  Có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Kiều cũng đặt mình trong hoàn cảnh của người đối diện để thấu hiểu, cảm thông cho những trái ngang mà người đối diện đang phải gánh vác. Đây chính là vẻ đẹp của tấm lòng vị tha của Kiều. Tiếp lời, nàng phân tích ngọn ngành:
“Lòng tơ dù chẳng dứt tình,
Gió mưa âu hẳn tan tành nước non.
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây
Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.

Cũng đừng tính quẩn lo quanh,
Tan nhà là một thiệt mình là hai.”

Nếu cha cứ lo cho nàng, chắc chắn việc nhà không thể chu toàn. Hình ảnh “gió mưa” gợi ra biết bao ngang trái tai hoạ đang trực chờ ập đến, còn bốn tiếng “tan tành nước non” chỉ gia đình tan nát. Một loạt các hình ảnh ẩn dụ:nước non, lá còn xanh cây là mong ước gia đình mẹ cha cùng các em được yên ổn an lành. Vì thế, nàng có một mình chịu khổ đau cũng hơn việc cả nhà tan nát. Lúc ấy, nàng càng thêm tự trách bản thân. Lời phân tích thấu tỏ tâm can đã giúp  Vương ông  phần nào nguôi ngoai đau đớn, dằn vặt.
Trở lại với điểm nhìn của người kể chuyện, ta thấy Vương ông như đã bình tĩnh hơn dù nỗi xót xa cho con cho mình vẫn giằng xé tâm can ông:

“Phải lời ông cũng êm tai,
Nhìn nhau giọt vắn giọt dài ngổn ngang”

Vậy là Kiều đã thuyết phục được cha không liều mình, ở lại nhà chăm lo cho gia đình, cho các em, là chỗ dựa cho mẹ già em dại. Những giọt nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi, lòng người vẫn xót xa, ai oán. Nhưng cũng qua đây ta càng thấy lấp lánh vẻ đẹp nhân cách của nàng, thêm trân trọng, cảm phục người con gái đạo hiếu vẹn toàn.

Bàn về giá trị của tác phẩm, Lê-ô-nít Lê-ô-nốp đã nói: ” Mỗi tác phẩm phải là một phát hiện về hình thức và khám phá về  nội dung”. Vì thế, bên cạnh những giá trị sâu sắc trên phương diện nội dung, đoạn trích cũng rất thành công về nghệ thuật. Với điểm nhìn toàn tri của người kể chuyện ở ngôi thứ ba, N Du đã cho ta có cái nhìn khách quan hơn, bao quát hơn về tình cảnh cũng như nỗi niềm của hai cha con nàng Kiều. Hơn nữa, điểm nhìn ấy luôn di động . lúc là lới người kể chuyện, lúc là lời hai cha con Kiều khiến thế giới nội tâm nhân vật được soi chiếu sâu hơn. Cùng  với đó là những câu thơ dày đặc hình ảnh giàu sức gợi, những điển cố điển tích khiến ý thơ càng thêm sâu sắc, cô đọng. Thế thơ lục bát nhẹ nhàng, giàu tính nhạc cứ thế xoáy sâu vào lòng người đọc nỗi niềm cha con Thuý Kiều trước cơn gia biến. Đây là những đặc sắc nghệ thuật góp phần làm nên vị trí đặc biệt của đoạn trích nói riêng,tác phẩm nói chung.

Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo và coi trọng đồng tiền. Đặc biệt tác phẩm còn khắc họa số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến – dù có tài năng nhưng không được làm chủ cuộc đời của mình, phải chịu nhiều cay đắng, khổ cực.Tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người.Tiếng nói khẳng định đề cao tài năng, nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người: khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc…Bài ca về tình yêu tự do, thủy chung cũng như ước mơ về một xã hội công bằng.

Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết!”  Lời khẳng định của nhà văn Nga  Sêđrin, cũng chính là cảm nhận của chúng ta khi đến với đoạn trích trên trong “Truyện Kiều” cũng như toàn bộ thi phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *