Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 89

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Lòng yêu đương

 

Yêu yêu yêu mãi thế này!

Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu

Cao bao nhiêu thấp bấy nhiêu

Một hai ba bốn năm chiều rồi … thôi

Nơi này chán vạn hoa tươi

Để yên tôi hái đừng mời tôi lên

Một đi làm nở hoa sen

Một cười làm rụng hàng nghìn hoa mai

Hương thơm như thể hoa nhài

Những môi tô đậm làm phai hoa đào

Nõn nà như thể hoa cau

Thân hình yểu điệu ra màu hoa lan

Ai yêu như tôi yêu nàng

Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh

Chung nhau dựng một trường đình

Thờ riêng một vị thần linh là Nàng…

(Lòng yêu đương, Nguyễn Bính, Nguyễn Bính thơ và đời, NXB Văn học, 2012,tr66)

Câu 1: Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ. (Nhận biết)

Câu 2: Xác định đề tài của bài thơ trên. (Nhận biết)

Câu 3: Phân tích ý nghĩa của phép so sánh trong câu thơ: “Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”.  (Thông hiểu)

Câu 4: Việc tái hiện người tình trong mộng gắn liền với một loạt các loại hoa gợi lên tình cảm, cảm xúc gì của nhân vật trữ tình trong tình yêu? (Thông hiểu)

Câu 5: Đánh giá ý nghĩa của cách kết thúc bất ngờ, độc đáo: “Thờ riêng một vị thần linh là Nàng..” và cách viết hoa chữ “Nàng” cuối bài thơ. (Vận dụng)

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

 Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ về cảm xúc tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên.

Câu 2 (4.0 điểm)

          Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về sự cần thiết phải có tự do trong tình yêu và hôn nhân

ĐÁP ÁN, GỢI Ý TRẢ LỜI

Phần Câu Đáp án, Gợi ý trả lời Điểm
I

Đọc hiểu

1 Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên. 0,5
Tôi
2 Xác định đề tài của bài thơ trên. 0,5
Đề tài: tình yêu.
3 Phân tích ý nghĩa của phép so sánh trong câu thơ: “Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”.  1,0
 -Phép so sánh gợi ra cách diễn đạt cụ thể, độc đáo, ấn tượng, tăng sức gợi hình gợi cảm.

-Nhấn mạnh chân dung, tâm trạng của “tôi” khi yêu: đó là si mê, điên cuồng, là yêu không lối thoát.

4 Việc tái hiện người tình trong mộng gắn liền với một loạt các loại hoa gợi lên tình cảm, cảm xúc gì của nhân vật trữ tình trong tình yêu? 1,0
-Chân dung tình nhân trong mộng gắn liền với các loại hoa: sen, mai, nhài, đào, cau, lan.

-Trong con mắt của kẻ si tình, chân dung tình nhân trong mộng đẹp với tất cả sự tinh túy của thế gian. Nó phản ánh tâm lí của những người khi yêu luôn lãng mạn và thơ mộng.

5 Đánh giá ý nghĩa của cách kết thúc bất ngờ, độc đáo: “Thờ riêng một vị thần linh là Nàng..” và cách viết hoa chữ “Nàng” cuối bài thơ. 1,0
-Cách kết thúc: Cả đời này ngưỡng mộ, tôn thờ Nàng như thần linh tối cao.

-Đánh giá: cách kết thúc trên gợi ra một diễn đạt lạ, độc đáo, khác thường cho bài thơ. Đồng thời khẳng định tình yêu mãnh liệt và tấm chung tình không thể thay đổi của nhân vật trữ tình.

-Cách viết hoa chữ “Nàng”: sự nâng niu, trân trọng người yêu. Đồng thời bộc lộ vị trí duy nhất, quan trọng không ai có thể thay thế của tình nhân trong trái tim của nhân vật trữ tình.

II.

Làm văn

1

 

Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ về cảm xúc tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên. 2,0
a.Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b.Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm xúc tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

0,25
c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

+Giới thiệu được hoàn cảnh đặc biệt của nhân vật trữ tình: đang rơi vào lưới tình, bị bủa vây bởi những cảm xúc khó tả trong tình yêu (bâng khuâng, xao xuyến …)

+Tình cảm mà “Tôi” dành cho nàng là một tình cảm nồng say, mãnh liệt:

.Chân dung của tình nhân trong cảm nhận của “tôi” đẹp đẽ như nữ thần =>hé lộ sự si mê tột đỉnh của “tôi”.

.Khẳng định tình cảm mãnh liệt không gì có thể thay đổi và thay thể khi nguyện cả đời tôn thờ, ngưỡng vọng người tình như một vị thần linh.

-Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d.Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

-Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: cảm xúc tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lòng yêu đương.

-Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

-Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
 đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
  e.Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về sự cần thiết phải có tự do trong tình yêu và hôn nhân. 4,0
a.Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự cần thiết phải có tự do trong tình yêu và hôn nhân. 0,5
c.Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

-Xác định được các ý chính của bài viết

-Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

*Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

*Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề nghị luận

Tự do trong tình yêu và hôn nhân là con người được chủ động đón nhận và tìm kiếm người yêu, bạn đời; chủ động và được quyền quyết định hôn nhân mà không chịu bất cứ một cản trở, ngăn cấm hay sắp đặt nào.

-Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

Con người cần được tự do trong tình yêu và hôn nhân vì:

+ Tự do là quyền của mỗi con người trong cuộc sống, trong đó có quyền tự do trong tình yêu, hôn nhân.

+Mỗi người có một cuộc sống riêng, một tiêu chí riêng trong tình yêu và hôn nhân nên không thể áp đặt hay đưa ra những thang tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người.

+Khi được tự do trong tình yêu, hôn nhân thì con người mới tìm kiếm được tình yêu phù hợp, được sống với cảm xúc của mình, từ đó cuộc sống trở nên hạnh phúc, có ý nghĩa.

+Tự do trong tình yêu, hôn nhân giúp con người yêu đời, làm việc hiệu quả và cuộc sống có chất lượng, giảm thiểu các tiêu cực trong xã hội như: li hôn, bạo lực gia đình…

-Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện …

*Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1,0
  d.Viết bài đảm bảo các yêu cầu sau:

-Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

-Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

-Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 

1,5
  đ.Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,5
Tổng điểm 10,0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *