ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau
Giả sử nếu một ngày đẹp trời nào đó, tinh thần trách nhiệm của loài người bị mất đi, hãy hình dung một viễn cảnh của xã hội: Con người không biết mình sống để làm gì. Sống lang thang, bơ vơ, vô định. Tất nhiên lúc đó không còn là sống mà chỉ là tồn tại. Con người sẽ vui chơi ăn uống vô độ, hủy hoại sức khỏe bản thân. Con người sẽ chây lười, chẳng làm gì để giữ gìn bản thân. Thiếu tính trách nhiệm, con người đánh mất chính mình.
[…]
Vì sao ta thiếu trách nhiệm?
Trách nhiệm đồng nghĩa với nguy cơ mình bị tổn thất một điều gì đó. Nếu nói dối, làm sai, gây hại… thì khi nhận trách nhiệm về mình, bạn sẽ bị tổn thất danh dự, tổn thất thời gian khắc phục, tổn thất niềm tin, mất chức, phải bồi thường hoặc chịu một hình phạt nào đó.
Không ai muốn mình phải tổn thất, vì thế nhu cầu an toàn trong mỗi con người khiến họ tìm cách trốn tránh trách nhiệm cá nhân và đùn đẩy nó cho người khác mà tốt nhất là cho tập thể. Vì tập thể sai thì có nghĩa là không ai sai cả, hoặc cái sai đó sẽ được chan đều và tất nhiên trách nhiệm của mình sẽ nhẹ đi đáng kể.
Tôi phạm luật vì ai cũng làm như thế cả, tôi không làm thì sẽ bị thua thiệt. Tôi không có mục đích sống vì chẳng ai cho tôi mục đích. Tôi bị cám dỗ vì xã hội có quá nhiều thứ xấu xa. Tôi học tệ vì thầy cô, vì tôi không đủ điều kiện. Tôi vượt đèn đỏ vì hoàn cảnh bắt buộc. Tôi xấu xa thế này là bởi gia đình…
Hãy đánh thức trách nhiệm với bản thân mình – với gia đình – với xã hội bắt đầu bằng cảm xúc xấu hổ và hành động tự nhận lỗi về mình trước khi đùn đẩy. Hiện tại, điều gì đang khiến chúng ta xấu hổ với chính mình? Điều gì khiến chúng ta hổ thẹn với gia đình và xã hội?
(Trích Sống trách nhiệm – Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn)
Câu 1: Luận đề chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 2: Theo tác giả, để không phải chịu tổn thất, con người đã làm gì?
Câu 3: Vai trò của yếu tố bổ trợ trong văn bản trên?
Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong các câu sau: “Tôi bị cám dỗ vì xã hội có quá nhiều thứ xấu xa. Tôi học tệ vì thầy cô, vì tôi không đủ điều kiện. Tôi vượt đèn đỏ vì hoàn cảnh bắt buộc. Tôi xấu xa thế này là bởi gia đình”.
Câu 5: Từ đoạn văn bản trên, anh/chị hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất với mình và giải thích lý do.
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề sau: Khi ta thay đổi thế giới sẽ thay đổi.
Câu 2 (4 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Tóm tắt đoạn trước: Mảnh trăng cuối rừng là câu chuyện tình đầy lãng mạn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ diễn ra. Lãm -người lái xe quân sự vận chuyển chuyến hàng đêm nay đưa hàng ra tiền phương. Sau khi trả hàng xong, Lãm rẽ đến thăm chị gái và đi gặp mặt cô người yêu đang ở trong đơn vị thanh niên xung phong mà anh chưa một lần gặp mặt được chị gái giới thiệu. Cô gái đó dù không biết mặt Lãm vì thần tượng sự tích anh hùng của anh nên vẫn thủy chung chờ đợi anh nhiều năm. Trên đường đi, Lãm cho cô công nhân giao thông tên Nguyệt đi nhờ đến cầu Đá Xanh để gặp người yêu. Cô gái đó cùng tên với người yêu anh- Nguyệt nhưng anh không chắc đó có phải là người anh muốn gặp. Cô gái ấy tình nguyện đi quá một đoạn nữa để dẫn đường cho Lãm lái xe vượt qua đoạn đường ngầm trắc trở.
[…]“Một làn nước hiện ra trước mặt. Đoạn ngầm Đá Xanh ngắn thôi, nhưng mấy hôm trước mưa lũ, nước dâng cao trên mặt đá đến hơn một mét. Vừa đánh xe xuống, đã nghe nước tràn vào ống sả hơi ùng ục. Chiếc xe lắc điên đảo, lúc ngoi lên lúc hụp xuống như một con trâu nước dữ tợn. ánh đèn chiếu sáng mặt nước loang loáng. Ra đến quá nửa ngầm thì nước sâu quá, xe không đi được nữa. Nguyệt đứng bám bên cánh cửa hướng dẫn cho tôi đi đúng giữa hai hàng cọc tiêu. Cô vội nhảy ùm xuống nước, bảo tôi tắt đèn.
– Có máy bay à?
– Để em nghe kỹ xem đã. Anh cứ tắt đèn đi. Loáng đèn dưới nước trông xa lắm đấy!
Đèn tắt. Chưa bao giờ trời tối đến thế, chỉ nghe tiếng nước vỗ ì oạp vào tai xe. Tôi cố tiến, lùi nhưng xe chỉ lắc lư, vòng lái nặng như cối đá. Giữa đêm lạnh mà quần áo tôi ướt đẫm. Nguyệt để cả quần áo thế, nhanh nhẹn lội phăng sang bên kia bờ giúp tôi cột dây tời vào một gốc cây. Tôi xoay sở như đánh vật một lúc, cuối cùng cũng đưa chiếc xe leo lên được tới quãng đường rải đá khấp khểnh. Chúng tôi thở không ra hơi, đang mồ mẫm cuốn dây tời thì máy bay đến. Từ sau rặng núi đá dựng đứng bên trái, bọn chúng ập đến như tiếng sét. Tiếng máy bay ầm ầm. Tôi vứt vòng dây sắt nặng trĩu trên tay, chạy nhào về phía xe. Vừa chạy được hai bước, tôi đã bị Nguyệt túm trở lại, nhanh và khoẻ hết sức. Nguyệt đẩy tôi ngã vào giữa một vật gì rất cứng và sâu. Nghe hơi thở và tiếng nói của Nguyệt rất bình tĩnh: “Chúng đánh toả độ đấy!”.
Một ánh chớp giật mát lạnh, đất rùng lên một hồi. Lặng đi mấy giây, tưởng có thể nghe được tiếng vỗ cánh của một con dế rất nhỏ, bỗng đâu đất, đá và cành cây bé cành cây lớn rơi ầm ầm, rào rào. Tôi vừa kịp nhận ra mình đang đứng giữa một cái khe chỉ vừa một người hai bên là hai gốc cây to. Nguyệt đang nấp ở mé ngoài.
Hai thằng địch khác lại sắp lao xuống, lại sắp một đợt khác! Tôi nắm tay kéo Nguyệt vào khe, nhưng Nguyệt nhất định không chịu.
Nguyệt thét lên:
– Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp đó!”[…]
( Trích Mảnh trăng cuối rừng, tập truyện Những vùng trời khác nhau” – 1970)
Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích những đặc điểm trong cách kể của Nguyễn Minh Châu trong đoạn trích trên
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Luận đề: Phê phán lối sống vô trách nhiệm và khuyên con người đánh thức trách nhiệm với bản thân mình – với gia đình – với xã hội
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
0,5 | |
2 | Theo tác giả, để không phải chịu tổn thất, con người đã: Tìm cách trốn tránh và đùn đẩy nó cho người khác mà tốt nhất là cho tập thể. Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0,5 | |
3 | – Yếu tố bổ trợ của văn bản trên: biểu cảm
– Vai trò: + Tăng sức hấp dẫn và thuyết phục cho đoạn văn nghị luận + Thể hiện rõ thái độ phê phán những người sống thiếu trách nhiệm Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
1,0 | |
4 | Biện pháp tu từ cú pháp: Điệp cấu trúc “Tôi…”/ Điệp từ “tôi”
– Tác dụng: + Tạo nhịp điệu, giúp cho lời văn hài hòa, nhịp nhàng. + Nhấn mạnh thái độ sống không có trách nhiệm, luôn đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
1,0 | |
5 | Yêu cầu
+ Hình thức: là đoạn văn + Nội dung: nêu được ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm, có thể có các ý sau: – Hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao – Giúp chúng ta ngày càng tốt đẹp, hoàn thiện bản thân mình hơn. – Được mọi người xung quanh yêu quý, kính trọng và giúp đỡ – Có được lòng tin của mọi người – Thành công trong công việc và cuộc sống – Đảm bảo quyền hạn, lợi ích của mình và người khác góp phần phát triển và giữ gìn đất nước Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 2 ý: 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 1 ý: 0,5 điểm – Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm. (Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm) |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về vấn đề sau: Khi ta thay đổi thế giới sẽ thay đổi. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Khi ta thay đổi thế giới sẽ thay đổi. | 0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
+ Mỗi ngày trôi qua cuộc sống lại không ngừng biến chuyển , con người không thay đổi theo sẽ tụt hậu + Ngược lại, sự phát triển nhanh chóng của thế giới cũng có những hệ lụy, những mặt trái cần được khắc phục vì thế nên rất cần sự thay đổi của con người tác động nên tiến trình phát triển của nó khiến nó tốt hơn. + Việc thay đổi những suy nghĩ, hành vi nhưng nét tính cách thói quen chưa tốt sẽ giúp cho con người trở nên hoàn thiện hơn sống có văn minh và đạo đức + Duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội tốt đẹp + Được mọi người yêu quý tôn trọng, dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống. + Việc mỗi người chịu suy nghĩ và thay đổi bản thân sẽ giúp thế giới hay xã hội thêm tốt đẹp, văn minh. + Từ đó cho ta thấy được rằng việc thay đổi bản thân là việc làm cần thiết, cấp thiết để không chỉ bản thân mà nó còn khiến thế giới ta đang sống hoạt động theo một quỹ đạo đúng đắn. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: …… – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: đặc điểm trong cách kể của Nguyễn Minh Châu trong đoạn trích trên | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: đặc điểm trong cách kể của Nguyễn Minh Châu trong đoạn trích trên | 0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. – Nguyễn Minh Châu là một nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông quan niệm: Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người – Nghệ thuật kể chuyện góp phần làm nên thành công của truyện ngắn. * Triển khai vấn đề nghị luận: – Truyện được kể theo ngôi thứ nhất giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, giàu sự tin tưởng hơn,. Đồng thời giúp nhân vật bộc lộ được tâm trạng, tình cảm dễ dàng hơn và giúp người đọc hiểu hơn về nhân vật Lãm: là người dũng cảm, nghiêm túc, trách nhiệm và một trái tim rạo rực yêu đương – Điểm nhìn của nhân vật Lãm đem đến cho người đọc một cái nhìn chân thực về vẻ đẹp của Nguyệt. + Nguyệt là một cô gái lòng dũng cảm, thông minh, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và giàu lòng vị tha quên mình vì người khác + Trong tình yêu: Nguyệt rất thủy chung, son sắt đợi chờ người con trai mà cô chưa từng gặp một lần, chỉ được nghe qua những câu chuyện kể của chị Tính – chị của Lãm * Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân Quan niệm nghệ thuật về con người trong đoạn trích: con người thời chiến mang vẻ đẹp anh hùng. Không chỉ vậy, họ còn mang trong mình vẻ đẹp lãng mạn. – Khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm truyện: tác phẩm đậm đà cảm hứng lãng mạn và chủ nghĩa anh hùng ca. |
1,0 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1,5 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 | ||
Tổng điểm | 10,0 |