Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 60

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MÙA HOA MẬN

 – Mai Văn Phấn-

Rừng nụ chờ em bước đến mới nở, điệp trùng hoa trắng lan nhanh.

Anh là cây mận trắng trong mưa xuân se lạnh, càng quay quắt nhớ hoa càng trắng muốt. Mắt nhìn, hơi thở rung rinh. Vầng hoa đang rụng bớt những cánh mỏng.

Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng.

Đồi núi úp lên nhau cho hoa nở. Hơi lạnh và gió nhẹ phủ đều. Anh hình dung con ngựa bạch đến bên em hiền từ cúi xuống.

Cứ mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở.
                Nguồn: Vừa sinh ra ở đó, NXB Hội nhà văn, 2013

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định hình tượng xuyên suốt bài thơ.

Câu 2. Tìm 2 tính từ miêu tả vẻ đẹp của hoa mận.

Câu 3. Phân tích ngắn gọn cấu tứ của bài thơ.

Câu 4. Nhận xét tình cảm của tác giả dành cho thiên nhiên, quê hương, đất nước.

Câu 5. Hãy chỉ ra 01 nét khác biệt về hình ảnh hoa mận trong bài thơ trên với đoạn thơ sau:

Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu

                   (Mùa hoa mận – Chu Thùy Liên)

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tây Bắc khi bước vào mùa hoa mận trong bài thơ “Mùa hoa mận” của Mai Văn Phấn.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người.

==HẾT===

  • Thí sinh không được sử dụng tài liệu;
  • Giám thị không giải thích gì thêm.

 HƯỚNG DẪN CHẤM – ĐỀ MINH HỌA

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Hình tượng xuyên suốt bài thơ: hoa mận

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 2 tính từ miêu tả vẻ đẹp của hoa mận:  trắng muốt, mong manh, lộng lẫy

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời 02 tính từ như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời 1 từ: 0,25 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

0,5
3 – Cấu tứ của bài thơ được xây dựng theo phép đối xứng, sóng đôi: anh – với hoa mận: anh nhớ em quay quắt hoa càng thêm trắng muốt, nếu cái rét làm hoa đẹp đến nao lòng; thì nỗi nhớ của anh dành cho em cũng là thước đo cho một tình yêu đẹp; cái đối xứng, sóng đôi còn được thể hiện giữa em – với hoa mận: em và hoa đều đẹp, đều mỏng manh, nhẹ nhàng, trong sáng. Đồi núi úp lên – hoa nở; anh và em cùng yêu nhau, cùng tạo nên những mùa hoa.

– Cấu tứ được tổ chức rất kín, tinh vi, sự kết nối giữa hoa và anh, hoa và em, giữa tình yêu của anh và em với mùa hoa như một sợi chỉ trong suốt.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm

1,0
4 – Tình cảm của tác giả: Tình yêu thiên nhiên tha thiết, niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước.

– Nhận xét: +Tình cảm này xuất phát từ trái tim chân thành của một con người có tình yêu quê hương tha thiết, đắm say.

+Tình cảm đó được thể hiện rất rõ qua từng hình ảnh, từ ngữ giàu chất thơ, chất tạo hình; thể hiện đúng cái hồn của thiên nhiên Tây Bắc.

+Tình cảm đó làm cho bài thơ hay hơn, ý nghĩa hơn; giúp cho người đọc nhận ra được vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc, điều này khiến bài thơ chạm đến trái tim của đọc giả yêu thơ.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm

– Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Nét khác biệt:

-Trong bài mùa hoa mận của tác giả Mai Văn Phấn hình ảnh hoa mận gắn liền với tình yêu lứa đôi.

-Trong khổ thơ của Chu thùy Liên hoa mận gắn với bức tranh sinh hoạt đầy rộn ràng và tấp nập của dân làng. Mọi người đang chuẩn bị để đón một mùa xuân với những điều tốt lành.

Hướng dẫn chấm:

– Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Trả lời tương đương như đáp án 1 ý:  0,5 điểm

– Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

(Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm)

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn khoảng 200 chữ cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tây Bắc khi bước vào mùa hoa mận trong bài thơ “Mùa hoa mận” của Mai Văn Phấn. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời Tây Bắc khi bước vào mùa hoa mận trong bài thơ “Mùa hoa mận” của Mai Văn Phấn. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Vẻ đẹp thiên nhiên khi đất trời Tây Bắc bước vào xuân.

– Vẻ đẹp thơ mộng, lãng man, giàu chất thơ: hoa mận trắng muốt, lan nhanh trong tiết xuân se lạnh; cánh hoa mỏng manh rơi xuống đất => trên trời, dưới đất, trên cây phủ một màu trắng.

– Cảnh thiên nhiên hữu tình hơn khi xuất hiện con người; khi gắn liền tình yêu của anh và em.

– Vẻ đẹp này mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc khi đất trời vào xuân.

– Thái độ, tình cảm của tác giả đối với vẻ đẹp thiên nhiên đó.

– Nghệ thuật: Thể thơ, giọng thơ, hình ảnh thơ, các biện pháp tư từ

=> góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên rất xuân tình, rạo rực và tinh khôi đến nghẹn thở.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: ……

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

0,25
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
  2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người. 4,0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cách nhìn cuộc sống đối với mỗi người 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

Cuộc sống luôn là những ẩn số bất ngờ để chúng ta lựa chọn. Và tất nhiên, lựa chọn có thể đúng có thể không nhưng bạn không thể dừng lại ở lựa chọn đó mà vẫn cần tiếp tục. Khi đứng trước điều đó, cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

1. Trình bày bản chất của vấn đề

– Cách nhìn cuộc sống có thể hiểu là quan điểm, cách suy xét của mỗi chúng ta trước những vấn đề cuộc sống mà ta gặp phải.

– Cách nhìn cuộc sống chi phối đến thái độ sống của chúng ta.

2. Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Khi nhìn cuộc sống một cách tích cực: mang tới cho ta nguồn năng lượng tích cực, thấy mọi thứ đều có cách giải quyết nhẹ nhàng, mọi điều xảy đến với ta đều là những bài học quý giá giúp ta có thêm động lực để vượt lên chính mình mà bước tiếp, sẽ luôn kết nối được với mọi người xung quanh để cùng hướng tới những điều tốt đẹp chung.

– Ngược lại, khi nhìn cuộc sống một cách tiêu cực: cảm giác chán nản, mệt mỏi, mất niềm tin vào mọi thứ rất dễ nảy sinh, khiến ta mắc kẹt trong những khó khăn, bế tắc dẫn tới những hành động thiếu sáng suốt rồi thất bại nối tiếp là điều không tránh khỏi.

3. Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Có người cho rằng nếu cứ mải mê suy xét về cuộc sống thì chỉ làm cho chính ta thêm bận lòng, phiền phức. Bởi cuộc sống luôn tồn tại những quy luật khách quan, không phụ thược vào cái nhìn chủ quan của bất cứ ai, chính hành động mới là yếu tố quyết định đến cuộc sống của mình.

– Nhưng có lẽ bạn đã quên rằng, mọi hành động của con người đề được điều khiển bởi ý thức, nhận thức. Mà suy cho cùng ý thức của ta chẳng phải cũng do cách nhìn chi phối hay sao?

4. Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

Mỗi chúng ta cần giữ thái độ lạc quan, cách nhìn tích cực với mọi thứ diễn ra xung quanh mình để cùng xây dựng các mối quan hệ và cuộc sống tốt đẹp hơn.

*  Khẳng định lại ý nghĩa của việc bàn luậnvấn đề nghị luận

Vậy cuộc sống tốt đẹp hay tồi tệ chính là do cách bạn nhìn nhận về nó. Cuộc sống không phải chỉ toàn hoa hồng nhưng cũng không phải chỉ có chông gai. Chúng ta hãy lựa chọn cho mình cách nhìn phù hợp, tích cực để đón nhận những điều ý nghĩa từ cuộc sống.

1,0
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

===HẾT===

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *