ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT
PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
… Thương ngón tay thon thả lá hành
Nhớ lời nguyện ước đinh ninh Khăng khăng son sắt mối tình còn đeo Nhớ như gà con theo nhặt tấm Như nắm xôi nóng bọc lá tươi
Những mong là “đó” thả trôi Là “đơm” bạn quý người hôi mất “lờ” Anh đã lo mà lo không đủ Tính chi li lẫn lú tính sai Túm hai cái núm một “chài”
Đêm đêm quăng trượt ra ngoài bờ sông Như một kẻ đôi lòng khó nghĩ Suy một mình thêm bí không cùng Đã không nên vợ nên chồng Muốn ăn dưa, cố rào vườn chẳng nên |
Nào ai ngỡ là em tình phụ
Như hoa tươi mãi rú rừng xa Ước như tay Vượn dài ra Hóa là tay Cóc khó qua bìa rừng Ước có phép như Rồng biến hóa
Biến em yêu thành vợ trong buồng Lên trời đậu ngọn cây thơm Bay tìm xem thử “ mệnh” nàng ra sao Mệnh nàng đâu ta cầu gần lại Mệnh nàng xa mấy “sải” cũng co (Mạc Phi, 1961, Trích Tiễn dặn người yêu, NXB Văn hóa.) |
Câu 1. Xác định đề tài của văn bản?
Câu 2. Đoạn trích trên là lời của nhân vật nào?
Câu 3. Phân tích giá trị biểu cảm của những câu thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh trong đoạn câu thơ sau:
Thương ngón tay thon thả lá hành
Nhớ lời nguyện ước đinh ninh
Khăng khăng son sắt mối tình còn đeo
Nhớ như gà con theo nhặt tấm
Như nắm xôi nóng bọc lá tươi
Câu 4. Phân tích một đặc điểm của nhân vật trong truyện thơ được thể hiện trong văn bản.
Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một thông điệp của tác giả dân gian mà anh chị thấy có ý nghĩa nhất với cuộc sống ngày hôm nay và giải thích lí do.
- PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật kể chuyện trong văn bản sau:
ĐI THĂM CHA
Chủ nhật, ngày mười lăm tháng sáu âm lịch. Hôm nay rằm tháng sáu, mưa rồi tạnh, tôi và Châu lên chùa. Cha tôi, bà của Châu, cháu tôi… nằm ở đây. […]
Tôi như giật mình: “Cha tôi đây sao?”. Người từng nấu cơm, nấu nước cho tôi tắm đi học, người từng giảng bài cho tôi… Cha tôi nay thu lại một hũ tro xương?
[…] Chiều nay tôi lên chùa Vĩnh Nghiêm thăm cha. Một nắm tro lặng lẽ. Trời ơi, tôi nghĩ, người ta không thể “chế là hết” được. Từ khi cha mất, ý nghĩ “chết là hết” này theo đuổi tôi. Tôi sợ lắm, rồi cũng có lúc mình phải nằm im dưới đất, mưa nắng chầy chầy trong các nghĩa trang hoặc tồn tại dưới hình thức một nắm tro, một nắm xương hay sao? Một lần, ngồi trong quán cà phê ở cuối đường TQT, Ng. – một đứa bạn giờ cũng đã xa tôi, chỉ một căn nhà trước mặt – một căn nhà xây theo kiểu cổ, quét vôi vàng và dưới vòm mái ngói, ở những khúc tường quanh, rêu bám xanh: “V.A nhìn kìa, cái nhà ấy cũng như cái chết, chúng mình ai cũng phải đến đấy. Trên đường đi, làm đủ việc: yêu, ghét, bon chen, kinh thật! Trước sau cũng phải chết!” Tôi bảo: “Ờ, kinh thật”. Rồi nghĩ lại cũng chẳng có gì kinh lắm, một tâm trạng lờ mờ chẳng hiểu ra làm sao. Ng. bảo: “Thế nên Ng. cố học thật nhiều, cố làm thật nhiều…” Tôi sực tỉnh. Ờ, tôi đã chơi rất nhiều, chủ yếu là lơ vơ ngồi ở quán, đầu trống không, về đến nhà là vật ra ngủ. Tôi đã hai mươi hai, đi hết một phần ba đời người (nếu trời cho tôi sống đến sáu mươi sáu). Đêm nay rằm, trăng sáng. Cổng chùa khép lại. Trong điện chính, các tượng Phật vẫn cười mơ hồ. Các hũ cốt đứng sát nhau, tối tăm, trong đó có cha tôi – thầy học của tôi…
(Trích Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, NXB Trẻ, 2012, tr.25-27.)
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội.
ĐÁP ÁN
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Đề tài của văn bản: Tình yêu đôi lứa
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
0,5 | |
2 | Đoạn trích là lời của nhân vật: Chàng trai
Hướng dẫn chấm: – Trả lời như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời tương đương như đáp án, diễn đạt còn sơ sài: 0,25 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
0,5 | |
3 | – Giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ trên:
+ Về hình thức: Làm tăng sức gợi hình gợi cảm trong diễn đạt + Về giá trị biểu cảm: Thể hiện tâm trạng khổ đau, nỗi nhớ nhung của chàng trai khi xa cách cô gái. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời được 1 ý tương đương như đáp án: 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm |
1,0 | |
4 | Trong văn bản, nhân vật chàng trai mang đặc điểm nổi bật của nhân vật trong truyện thơ:
– Là nhân vật có những phẩm chất tốt đẹp: yêu chân thành, thuỷ chung trong tình yêu… – Nhân vật được miêu tả qua diễn biến tâm trạng phong phú, phức tạp thể hiện thế giới nội tâm sâu sắc: vừa yêu thương nhớ nhung da diết vừa tự bản thân và trách giận người yêu vì đã phụ tình; vừa chấp nhận thực tại tình duyên dang dở vừa muốn níu kéo mong ước có phép màu xảy ra… Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/2 số ý: 0,5 – 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án được 1/3 số ý: 0,25 – 0,5 điểm – Trả lời không đúng như đáp án hoặc không trả lời: 0,0 điểm. |
1,0 | |
5 | – Nêu được một thông điệp của tác giả dân gian mà học sinh thấy có ý nghĩa nhất với cuộc sống ngày hôm nay (Gợi ý: khát vọng tự do trong tình yêu, hôn nhân; niềm khát khao hạnh phúc…)
– Lí giải một cách hợp lí, thuyết phục. Hướng dẫn chấm: – Trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 2 ý: 0,75 điểm – Trả lời tương đương như đáp án 1 ý: 0,5 điểm – Trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm. (Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác, miễn là lí giải hợp lí, thuyết phục thì vẫn cho điểm) |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật kể chuyện trong văn bản Đi thăm cha | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Nét đặc sắc nghệ thuật kể chuyện trong văn bản Đi thăm cha |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
* Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận. Sau đây là một số gợi ý: – Điểm nhìn trần thuật: tác giả chủ yếu dùng điểm nhìn từ trong, là dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật – Cốt truyện + Cốt truyện xoay quanh câu chuyện nhân vật tôi đi thăm nơi để tro cốt của cha và những xúc cảm của mình… + Cốt truyện được xây dựng dựa trên sự kiện chính là cuộc viếng thăm cha và những chiêm nghiệm trong cuộc đời của Tôi. – Hình tượng người kể truyện: + Nhân vật “tôi” được miêu tả trước hết là một con với dòng cảm xúc, suy tư về người cha của mình. + Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện ấy, vẫn là sự ân hận của tôi – Lời kể, ngôn ngữ và giọng điệu + Lời kể từ điểm nhìn ngôi thứ nhất + Lời kể còn có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật khác – Nghệ thuật xây dựng tình huống: tình huống độc đáo.Tình huống chủ đạo của truyện chính là cuộc viếng thăm cha. * Sắp xếp hệ thống ý hợp lí theo bố cục kiểu đoạn văn bản. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: Nét đặc sắc nghệ thuật kể chuyện trong văn bản: Đi thăm cha – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Trình bày rõ quan điểm hệ thống các ý – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. |
0,25 | ||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Hãy viết một bài văn nghị luận(khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh chị với chủ đề: lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội. | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội. | 0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
– Xác định được các ý chính của bài viết – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: – Giải thích vấn đề cần nghị luận – Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau: + Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội là biểu hiện tích cực của tâm lý, thể hiện những giá trị tinh thần cao đẹp, thúc đẩy con người nỗ lực phấn đấu, sống lạc quan yêu đời, suy nghĩ tích cực, loại bỏ lối cá nhân nhỏ nhen, ích kỷ, tầm thường, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, biết sống vì người khác + Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội, cuộc sống của mỗi người mới thực sự ý nghĩa. + Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội giúp không khí luôn vui vẻ, hạnh phúc; quan hệ giữa các thành viên ngày càng gắn bó, bền chặt; tạo nền tảng vững chắc cho gia đình và cộng đồng xã hội; * Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân |
1,0 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để àm rõ quan điểm cá nhân – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
|||
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
|||
Tổng điểm | 10,0 |
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Phần II: viết
Câu 1, ( 2,0 điểm)
Nghệ thuật kể chuyện trong văn học là một phương pháp biểu đạt sáng tạo giúp truyền tải thông điệp và kết nối con người qua bằng việc sử dụng từ ngữ và kĩ năng phân tích tình huống để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và có tính thuyết phục. Truyện ngắn Đi thămcha của tác giả Phan Thị Vàng Anh là một trong những tác phẩm thành công trong nghệ thuật kể chuyện. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất điểm nhìn hạn tri, chủ yếu dùng điểm nhìn từ trong, là dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật. Cốt truyện xoay quanh câu chuyện nhân vật tôi đi thăm nơi để tro cốt của cha và những xúc cảm của mình…Cốt truyện được xây dựng dựa trên sự kiện chính là cuộc viếng thăm cha và những chiêm nghiệm trong cuộc đời của Tôi. Một cốt truyện tương đối đơn giản nhưng lại có chiều sâu, đa nghĩa và có sức ám ảnh lớn, gây xúc động mạnh cho người đọc. Hình tượng người kể truyện “tôi” được miêu tả trước hết là một con với dòng cảm xúc, suy tư về người cha của mình. Xưa người còn vẫn thường cùng tôi đi các chùa, hành động nhỏ của cha khiến tôi nhớ mãi không quên. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện ấy, vẫn là sự ân hận của tôi vì Tôi sực tỉnh. Ờ, tôi đã chơi rất nhiều, chủ yếu là lơ vơ ngồi ở quán, đầu trống không, về đến nhà là vật ra ngủ. Tôi đã hai mươi hai, đi hết một phần ba đời người (nếu trời cho tôi sống đến sáu mươi sáu). Lời kể từ điểm nhìn ngôi thứ nhất, tức là người trực tiếp tham gia vào câu chuyện, khiến câu chuyện có độ chân thực, tin cậy, đồng thời giúp cho nhân vật bộc lộ được cảm xúc, tâm trạng của mình một cách trực tiếp, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Lời kể còn có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật khác, sự kết hợp giữa các phương thức tự sự, biểu cảm và nghị luận, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn, giúp khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, qua đó gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc. Một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn này chính là nghệ thuật xây dựng tình huống độc đáo. Thông qua tình huống đó, tư tưởng của truyện được thể hiện một cách sâu sắc. Tình huống chủ đạo của truyện chính là cuộc viếng thăm cha. Nhưng không phải cuộc viếng thăm bình thường mà là thăm cha khi người chỉ là một nắm tro tàn. Tình huống đó đã làm toát lên tất cả tư tưởng chủ đạo của câu chuyện: Hãy yêu thương gia đình khi còn có thể, kh lìa xa cõi đời chỉ còn lại nỗi nhớ mong. Trích đoạn nổi bật với những đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và sự sâu sắc về chủ đề, chứa đựng nhiều bài học cuộc sống vô cùng giá trị. Đó là tình yêu thương giữa con người với con người, tình nghĩa cha con. Truyện gián tiếp thể hiện nội tâm tự phê phê phán lối sống chưa biết quý trọng thời gian của nhân vật trữ tình. Trích đoạn đem đến cho người đọc bài học nhân văn sâu sắc: trong cuộc sống, cần phải có lòng trắc ẩn, tình yêu thương; và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy sống trọn tình, trọn nghĩa.
Câu 2, (4,0 điểm)
Có ai đó đã nói rằng “Khi sống có trách nhiệm tức là bạn đang giúp cho cuộc sống của mình và của nhiều người khác trong xã hội trở nên tốt hơn.”. Một nhân không làm nên xã hội nhưng một xã hội được tạo nên bởi sự gắn kết của nhiều cá nhân. Bởi vậy việc mỗi cá nhân sống có trách nhiệm trước hết là đối với bản thân mình, đối với những người thân trong gia đình mình và sau cùng là xã hội có nghĩa rất lớn trong việc góp phần hoàn thiện nhân cách con người, thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của xã hội.
Trong xã hội phong kiến xưa giá trị đạo đức mà con người luôn phải đề cao là hai chữ “trung – hiếu”. Hiểu theo nghĩa hẹp “trung” là trung thành với nhà vua, theo nghĩa rộng “trung” là lòng trung với đất nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh xả thân vì đất nước. Bởi vậy “trung quân” là “ái quốc”. Bên cạnh chữ “trung” thì “hiếu” cũng là một phẩm chất đạo đức quan trọng. Xưa kia “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Vậy nên trong văn hoá truyền thống của phương đông “cái tôi” cá nhân gần như bị triệt tiêu hoàn toàn thay vào đó là cái “ta” chung. Trách nhiệm và mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, cộng đồng là gắn bó khăn khít. Con người phải đặt lợi ích gia đình, cộng đồng đất nước lên trên lợi ích cá nhân.
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX cuộc xâm lấn của Pháp vào lãnh thổ Việt Nam kéo theo cuộc xâm lấn, pha trộn về văn hoá giữa Đông và Tây, mới và cũ, tiến bộ và lạc hậu trong đó có cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Cái tôi các nhân dần xuất hiện và được đề cao và hệ quả là nhiều cá nhân tự tách mình ra khỏi gia đình, cộng đồng, xã hội. Họ sống ích kỉ, vô trách nhiệm. Đặc biệt là tầng lớp những người trẻ tuổi.
Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội chính là lối sống làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, chức trách đối với gia đình và cộng đồng xã hội; là lối sống của người biết thực hiện các nhiệm vụ bắt buộc của mình đối với gia đình và cộng đồng xã hội, biết trân trọng và trao trả những giá trị mình được nhận được từ gia đình và xã hội. Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội là biết quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của gia đình và cộng đồng xã hội; luôn thấu, cảm thông, chia sẻ; tích cực, tự giác, chủ động trong mọi công việc; là biết hy sinh lợi ích cá nhân để chăm lo lợi ích gia đình và cộng đồng xã hội…
Mỗi người cần phải có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội vì gia đình chính là nơi sinh thành, nuôi dưỡng, chăm lo, giáo dục, dạy bảo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi chúng ta được lớn lên, phát triển và trưởng thành toàn diện. Gia đình là nhà, là nơi ta tìm về, là nguồn động lực to lớn cho chúng ta bước đi trên đường đời nhiều chông gai, thử thách, là nơi dành cho ta tình yêu thương vô điều kiện. Bên cạnh gia đình, xã hội là một môi trường, nơi mà mỗi chúng ta có thể tồn tại và phát triển. Nơi con người được sinh sống, học tập, làm việc, vui chơi, giải trí và thực hiện những ước mơ, khát vọng…
Lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội mang lại những giá trị tốt đẹp là biểu hiện tích cực của tâm lý, thể hiện những giá trị tinh thần cao đẹp, thúc đẩy con người nỗ lực phấn đấu, sống lạc quan yêu đời, suy nghĩ tích cực, loại bỏ lối cá nhân nhỏ nhen, ích kỷ, tầm thường, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, biết sống vì người khác. Nhà thơ Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của thơ ca Việt Nam đã cất lên tiếng lòng say mê chân thành “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Khi ta biết cách cho đi đồng nghĩa với việc ta biết quan tâm, san sẻ, thấu hiểu cho niềm vui và nỗi buồn của mọi người. Mỗi lần ta cho đi là một lần hạt mầm yêu thương được nảy nở. Con người trở nên đoàn kết, sống với nhau bằng sự chân thành. Biết cho đi cũng bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như nhân hậu, vị tha, dũng cảm, nhờ việc cho ta mà tâm hồn ta thanh thản, tự do. Channgf trai trẻ người Nghệ An Phạm Quang Linh xây dựng kênh Quang Linh Vlog – Cuộc sông ở Châu Phi vì mục đích cộng đồng, để lan toả những điều tốt đẹp, giúp đỡ hàng chục nghìn người dân miền núi Châu Phi tại đất nước Ăng- go-la dần thoát cảnh đói rét, tăm tối. Trái tim nhân hậu, lương thiện và hành động cao cả của anh không chỉ mang lại hạnh phúc cho những dân nơi đây mà còn có sức mạnh lan toả đối với cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội, cuộc sống của mỗi người mới thực sự ý nghĩa. Người sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội thì tâm hồn luôn được thanh thản, nhẹ nhõm; cuộc sống luôn vui vẻ và hạnh phúc, được nhiều người yêu quý, trân trọng. Còn gia đình và cộng đồng xã hội khi nhận được sự quan tâm cũng rất phấn khởi và tự hào, có những cơ hội mới, những điều kiện thuận lợi mới để phát triển. Việc phát triển hãng xe VinFast và đưa thương hiệu xe hơi, xe điện Việt Nam ra thị trường thế giới đối với tỉ phú Phạm Nhật Vượng không còn là vấn đề cá nhân mà là vì lòng yêu nước và vì cộng đồng. Ông khẳng định “Vingroup quyết định làm VinFast vì lòng yêu nước, không hề có toan tính. Khi chúng ta đã thành đạt thì phải có trách nhiệm đóng góp cho đất nước, xây dựng một thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp và có sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế”. Mặt khác sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội giúp không khí luôn vui vẻ, hạnh phúc; quan hệ giữa các thành viên ngày càng gắn bó, bền chặt; tạo nền tảng vững chắc cho gia đình và cộng đồng xã hội; giảm bớt nỗi lo âu, băn khoăn, căng thẳng và áp lực cũng như những khó khăn; giúp cho mọi mặt của của cuộc sống được cải thiện; tạo sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó và chia sẻ. Ngược lại, sống không có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, xã hội, cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt, nhàm chán, vô vị và vô nghĩa…
Chúng ta không thể sống tách biệt được với cộng đồng, mỗi chúng ta cần phải tự ý thức được việc phải tham gia hoà mình vào tập thể, để trải nghiệm những cái tốt đẹp rút ra bài học cuộc sống cho bản thân. Thế hệ trẻ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, vì vậy để đất nước ngày càng phát triển, chúng ta cần có trách nhiệm với chính nơi mình sinh sống. Những trách nhiệm đó không quá cần to lớn, chúng tới từ những hành động nhỏ nhất như không xả rác, không hút thuốc, giữ gìn vệ sinh chung… Việc sống có trách nhiệm được thể hiện qua các hành động thường ngày như đúng giờ, đúng hẹn, giữ chữ tín.
Điều quý giá nhất trong cuộc đời tôi là được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình hạnh phúc, một đất nước hoà bình và văn minh. Càng lớn tôi càng thấm thía về ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và quê hương đất nước. Dù biết rằng mình thật nhỏ bé nên những việc mình đã làm, đã cống hiến cho xã hội là khiêm tốn nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình ý nghĩa này.
Có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội là đáng quý, nhưng mỗi người cũng cần phải có trách nhiệm với bản thân mình. Vì có trách nhiệm với bản thân mới thấy được sự cần thiết có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội . Trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội phải thường xuyên liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi. Trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, xã hội không nhất thiết phải ở những việc làm lớn lao, quan trọng mà nó luôn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và thiết thực nhất. Chúng ta cần lên án, phê phán những người sống theo chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, không có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội.
Mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ cần sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc sống có trách nhiệm khiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng được lựa chọn cho mình cách sống, hãy sống với tấm lòng chân thành, tình yêu thương, cho đi yêu thương để nhận về những điều tốt đẹp nhất.